Tuần rồi tôi có nói chuyện với ông anh ở vn, ổng kể lại vụ năm ngoái ổng đi họp lớp cấp 3, sau gần 30 năm tốt nghiệp. Nghe nói là tầm 4-5 năm tổ chức 1 lần, nhưng năm rồi ổng mới tham gia lần đầu, nghe bảo chán vì ổng chẳng nói chuyện hợp với ai.
Vấn đề là tại ổng hay tại bạn ổng thì tôi không chưa kết luận, nhưng riêng về vụ ‘họp lớp’ sau 20-30 năm thì có rất nhiều điều thú vị để chúng ta cùng suy ngẫm. Đặc biệt nhất là việc họp lớp cung cấp rất nhiều thông tin để thấy được mức độ ‘trưởng thành’ của mỗi người sau từng ấy năm gặp lại.
Với tôi, thì có 4 mức trưởng thành, nó áp dụng cho cả nam và nữ
Mức 1. Trưởng thành về sinh lý
Sau 30 năm gặp lại nhau thì thằng nào cũng già chát, thời cấp 3 thì so trym thằng nào to hơn, bắn xa hơn, chứ tầm U50 trở đi thì chỉ còn khoe coi thằng nào ít bệnh hơn. 3 cao 1 thấp, cao đường, cao huyết áp, cao mỡ máu và thấp khớp. Nhậu nhẹt thịt đỏ quá mà ít thể thao thì bệnh gút đầy người.
Cơ bản, trưởng thành về sinh lý, không làm gì thì nó cũng tự già và yếu đi, biết chăm lo thì nó lão hóa chậm lại tý.
——
Mức 2. Trưởng thành về kiến thức
Rất dễ thấy trong những buổi họp lớp tầm 20-30 người trở lên, nó sẽ chia ra thành từng nhóm nhỏ. Nhóm bàn về ‘cơm áo gạo tiền’, nhóm bàn về ‘con cái’, nhóm bàn về ‘đầu tư’… quy chung thì nó được chia bởi vấn đề họ đang quan tâm nhất, cụ thể hơn là chia bởi thu nhập, tài sản và vị trí xã hội hiện tại.
Kiến thức của 1 ông CEO đang quản trị doanh nghiệp triệu đô khi đi họp lớp thì tất nhiên ổng sẽ ưu tiên gặp ông bạn nào có kiến thức và sự quan tâm tương tự.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức trưởng thành về kiến thức thì vẫn còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể như ông anh trên, cứ cho là ổng đã trưởng thành về mặt kiến thức, đã biết nhiều thứ nhưng vẫn không thể dung hòa với mức kiến thức của bạn bè ổng hiện tại, do vậy nên ông chán khi không nói chuyện được với ai.
Cực đoan nhất ở mức 2 này là, luôn thấy mình giỏi hơn mọi người, còn lại tất cả đều ngu.
——
Mức 3. Trưởng thành về xã hội
Nếu tạm gọi ‘trưởng thành về kiến thức’ là biết nhiều,
Thì ‘trưởng thành về xã hội’ là biết ĐIỀU.
‘Biết nhiều’ nhưng phải ‘biết điều’ thì mới sống dung hòa tốt trong xã hội được. Ông bà ta vẫn nói ‘bằng cấp’ không bằng ‘bằng lòng’, học nhiều nhưng không thích nghi được với dòng chảy chung thì cũng vứt.
Trưởng thành về mặt xã hội, khi họp lớp rất dễ thấy, cả đám về miền Tây chơi, nghe cải lương hay bolero, mình có là Chủ tịch tập đoàn đi nữa thì cũng buông cái mác đó xuống rồi ngồi chung vui và hưởng ứng với mọi người, dù có thể mình không thấm được cái dòng nhạc đó chút nào.
Có giỏi thực sự thì cũng nên giả ngu, đấy là người có trưởng thành về xã hội. Cái quan trọng nên nhận ra sớm ở giai đoạn này, là chúng ta chẳng ai hơn ai cả, mỗi người mỗi nghề, tất cả đều đóng góp giá trị riêng cho xã hội chung.
——
Mức 4. Trưởng thành về cảm xúc
Ai đã đến được mức 3 thì coi như kiếp này cũng không phí rồi, tuy nhiên để đi đến mức hoàn thiện của trưởng thành thì bắt buộc phải đến mức 4, trưởng thành về cảm xúc.
Biết nhiều, biết điều nhưng nên biết cả ‘tâm’ mình thế nào nữa.
Kiến thức rộng, hòa nhập xã hội tốt nhưng cơ bản khi gặp việc trái ý thì tâm mình dao động thế nào thì phải tự quan sát được.
Điển hình, trong buổi họp lớp, có vài ông mới giàu, tích lũy tý kiến thức nên khinh khi mọi người, rồi vô tình dụng chạm đến bạn, xem thường công việc của bạn. Rõ ràng, tình huống thế này thì tâm ai mà không ‘sân’ lên, đấy là lúc để xem bạn đã trưởng thành về cảm xúc đến đâu rồi.
Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ, vì trong suốt buổi họp lớp, sẽ rất nhiều tình huống trái ý để thử thách xem ‘thái độ’ của bạn đã trưởng thành hay chưa.
Thằng đàn ông sẽ trải qua rất nhiều lần thịnh / suy, lên voi xuống chó, nay có mai mất. Cái cuối cùng vẫn là ‘thái độ’ và cảm xúc của mình thế nào khi đối diện với từng cơn gió cuộc đời.
Bác 7B