Alone for a while I’ve been searching through the dark
Tôi thích âm nhạc, mọi người đều thích. Âm nhạc tồn tại trong cuộc sống một cách hiển nhiên đến mức con người đều đồng ý sự tồn tại của nó mà ít ai bận tâm và hoài nghi vì sao âm nhạc lại xuất hiện trong cuộc sống con người. Âm nhạc đơn thuần là những giai điệu khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và giải tỏa cảm xúc của chúng ta. Khi bạn buồn, cô đơn, trống rỗng, vui mừng, hân hoan… tất cả các cảm xúc đều có thể được giãi bày bằng giai điệu. Không cần phải là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử âm nhạc, nếu chỉ suy nghĩ một chút bạn cũng có thể thấy rằng âm nhạc phát triển qua từng thời kì cùng với sự phức tạp choáng váng của sự phát triển xã hội loài người. Từ những nhạc cụ đơn sơ đến các nhạc cụ phức tạp, từ đơn âm đến sự hòa trộn của các âm thanh khác nhau, từ một nhạc cụ đến cả giàn giao hưởng. Suy nghĩ một chút thì nó tương đồng với sự phát triển của loài người, cá nhân, bộ tộc, đất nước đến tất cả nhân loại. Ngày càng có nhiều loại nhạc cụ ra đời, nhiều thể loại âm nhạc khác nhau và càng nhiều cảm xúc được định danh.
Âm nhạc là kim chỉ nam cho cảm xúc của tôi. Khi các cảm xúc của tôi rối loạn và tôi không biết mình đang cảm thấy thế nào. Tôi sẽ bật ngẫu nhiên một bản nhạc trên youtube, nếu trong 30 giây đầu tiên, tôi cảm thấy khó chịu, lúc đó tôi biết rằng bài nhạc đó không phù hợp với cảm xúc và suy nghĩ của mình ở thời điểm hiện tại. Tôi sẽ thử cho đến khi cảm thấy dễ chịu với một giai điệu nào đó, có thể là pop, là rock, rap hoặc giao hưởng, hòa tấu… hoặc một thể loại nào đó mà tôi không rõ. Tôi cũng không cố phải tìm hiểu bản nhạc đó đang giãi bày cảm xúc gì. Tôi chỉ đơn thuần để cảm xúc của mình hòa vào giai điệu của bản nhạc, từng nốt nhạc, âm thanh của từng loại nhạc cụ. Và khi tôi tìm được một bản nhạc mà cảm xúc của tôi lúc đó không đào thải chính là lúc tôi loại bỏ được sự hỗn tạp trong tâm trí. Có một mối liên hệ không thể nào chối bỏ giữa cảm xúc và dòng suy nghĩ của chúng ta. Điều gì xảy ra khi chúng ta bị rối loạn cảm xúc? Chúng ta không biết bản thân đang cảm thấy thế nào để suy nghĩ và hành động cho đúng đắn. Đôi khi chúng ta hành xử một cách điên rồ để rồi sau đó khi chúng ta đã bình tĩnh và nhớ lại hành động, lời nói lúc đó. Chúng ta cảm thấy ngu ngốc và xấu hổ. Rối loạn cảm xúc dẫn đến rối loạn suy nghĩ và ngược lại.
Đôi khi tôi cảm thấy cuộc sống này quá sức với mình (do tôi nghèo và bế tắc), tôi cảm thấy mình đang đứng ngoài rìa của nó, thế nên tôi cố gắng nhìn nhận mọi thứ xung quanh bằng giai điệu.
Khi tôi vui tâm trí của tôi chơi một bản nhạc có điệu tango hoặc van, khi tôi buồn nó là một bài pop ballad, khi tôi đối diện với thử thách và sợ hãi đó là một bản nhạc rock, khi tôi bực tôi chơi một bài rap diss. Bạn có thể thử, mỗi khi đối diện với nỗi sợ hãi, bật một bản rock và hòa vào đó, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, và đón nhận những khó khăn thử thách một cách ngầu đời, bất cần và chấp hết. Khi bạn bực tức về một ai đó (và phải chắc chắn là dù có bị cạch mặt bạn cũng đách sợ) hãy chơi một bài rap diss, lần này bạn sẽ không trở nên ngầu, bạn sẽ thành điên, bố láo (và có nguy cơ bị mất mạng).
Một khía cạnh khác của âm nhạc đó là việc chơi nhạc cụ. Tôi nhận ra khi tôi chơi guitar một cách có ý thức, tôi cảm giác như mình là một với cuộc sống. Mỗi chúng ta ít nhất nên thử chơi một loại nhạc cụ, tôi nghĩ điều này rất cần thiết nếu bạn xem bản thân là một người theo đuổi sự học suốt đời và bạn có vấn đề về sự tập trung. Bạn không cần giỏi, bạn chỉ cần bấm lung tung và cảm thấy dễ chịu với giai điệu mà mình tạo ra. Nếu bạn thật sự thích, giai điệu sẽ dẫn bước bạn. Khi bạn nghiêm túc hơn với việc chơi nhạc cụ bạn sẽ bỏ nhiều thời gian để luyện tập, dần dần bạn sẽ nhận ra việc này giúp rèn luyện sự tập trung như thế nào. Đầu tiên bạn phải cảm nhận được độ dài của các nốt bằng cách dậm chân, sau đó là cảm âm, tiếp theo là đánh từng nốt và ghép chúng lại với nhau, từ việc nghe dở tệ đến việc bạn có thể dung hòa chúng thành một giai điệu hay, rồi vừa đàn vừa hát, kết hợp tay phải và tay trái .v.v. Tất cả những điều đó đòi hỏi sự tập trung cao độ để bạn có thể cảm nhận được giai điệu. Bạn không thể vừa chơi nhạc vừa ngẫm nghĩ về cuộc sống, bạn sẽ lạc nhịp, trật nốt, hát sai, tay trái và tay phải lệch pha với nhau, bạn chỉ có thể vừa đàn vừa lắng nghe về giai điệu mà mình tạo ra. Đối với những người xem sự học là việc cả đời thì điều này rất quý giá trong việc rèn luyện sự tập trung dòng chảy của suy nghĩ. Hoặc ít nhất là bạn có thể trong một thời gian ngắn ngủi, tạm quên đi thực tại buồn tẻ.
Con người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, chắc chắn rồi. Vậy chúng ta giao tiếp với cuộc sống bằng gì? Cuộc sống là một khái niệm trừu tượng của trừu tượng. Bạn có thể nhìn vào khoảng không và hỏi rằng “Tại sao tôi lại được sinh ra, ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?”. Nếu bạn nghe được tiếng trả lời từ trong không trung tôi nghĩ bạn nên đi gặp bác sĩ tâm lý, đó là triệu chứng của người có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Tôi chắc rằng chúng ta ít nhất một lần trong đời đã cố gắng giao tiếp với cuộc sống. Câu trả lời chúng ta nhận lại là sự trống rỗng. Hoặc đôi khi tự chúng ta trả lời câu hỏi đó thông qua những kì vọng, những con người hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Giai điệu là thứ duy nhất tôi giúp tôi có thể trả lời. Tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng xe cộ, tiếng ồn ã đinh tai nhức óc của cuộc sống thường ngày. Thỉnh thoảng tôi giao tiếp với quá khứ của mình bằng giai điệu, một giai điệu gắn liền với ký ức có thể tái hiện lại quá khứ một cách đầy cảm xúc và sống động.
Chúng ta không có sự đồng điệu trong ngôn ngữ, chúng ta chỉ có sự đồng điệu trong tâm hồn. Hãy lắng nghe giai điệu của cuộc sống, giai điệu của sự cô đơn của loài người trong vũ trụ bao la.
If I should leave this lonely world behind
Your voice will still remember our melody
Now I know we’ll carry on
Melodies of life
Come circle round and grow deep in our hearts
As long as we remember
(Ông làm trang này vã quá sắp lai chim bán quần áo, có gì mấy feng mua đồ của ông này ủng hộ)