Dịch sang tiếng Anh thì nó sẽ là,
“I want free, I want peace, I want happiness”
giữa tự do, yên ổn và hạnh phúc thì tự do là gốc,
có được tự do thì tự động sẽ có hạnh phúc và bình an.
Free, tự do, có nhiều tầng nghĩa,
tự do tài chính, tự do tình cảm, tự do tâm thức, v.v…
nó tương thích với từng giai đoạn nhận thức của mỗi người. Anh em càng trải đời đủ nhiều thì cái định nghĩa về ‘tự do’ sẽ khác đi, rồi bắt đầu đi sâu và rộng hơn.
Làm sao để có tự do, thì có thể tóm gọn trong một công thức đơn giản, đã có ngay trong câu nói đó:
“I want free”,
bỏ ‘I’, bỏ ‘want’ thì ngay đó liền có ‘free’
(I) (want) free
I = cái ‘tôi’, cái ngã, cái niềm tin, nhận thức và tư tưởng đang có,
Want = cái ‘dục’, trong dục cũng có vài bậc, cái dục cần thiết (need), và cái dục do tham cầu (desire).
Free = tự do lộ diện, khi không còn sự trói buột của cái ngã và cái dục của tham cầu.
Nghe quá đơn giản phải không anh em,
Anh em dù đi con đường nào, pháp môn gì, thiền gì, đạo gì, cũng chỉ để quan sát ra được cái ‘I’ và cái ‘want’ trên mà thôi… hay nói cách khác là quan sát một cách tự tại được cái tôi này và cái dục này đang diễn ra như thế nào thì tự động ngay phút giây đó, sự tự do sẽ có mặt ngay lập tức.
Sống trong đời này, ai mà không khổ, điều đó khiến ai cũng có khao khát muốn yên ổn cả. Nhưng cái nghịch lý ở đây, mà càng muốn yên ổn thì mọi thứ lại trở nên không yên ổn chút nào. Đó là cách vận hành của cuộc chơi này, đó là tại sao anh em nên nhận ra bản chất khổ tiềm ẩn trong cái chữ ‘want’ này sớm.
Càng muốn cái gì thì nó càng đi ngược lại, là để anh em học bài học về sự vô thường và bất toại nguyện. Hoặc dù anh em đạt được cái mình muốn đi nữa thì nó cũng không tồn tại bên anh em quá lâu.
Quá trình nhận thức về “I want free”, nó có 4 giai đoạn,
? Giai đoạn 1: Không hề có ý niệm gì về “I want free”,
nói cách khác, tự do chưa phải là nhu cầu quan trọng ngay bây giờ. Người ta cứ vậy mà sống, làm giàu, thoả mãn tất cả nhu cầu, dục vọng, giai đoạn này thường nằm rất sâu trong các nhu cầu về vật chất và tình cảm, cố gắng nắm bắt hết tất cả mọi thứ và muốn kiểm soát mọi thứ trong cuộc đời mình.
mấy tháng nay, các diễn biến kinh tế đang diễn ra, cả quốc tế và trong nước, thì anh em cũng thấy, khá nhiều ‘tượng đài’ đang đỉnh cao về vật chất, mà khi đã hết phước thì cũng bay màu hết. Hết dịch cô vy xong, dòng tiền sẽ bị rút và co lại, kinh tế sẽ vô cùng khó khăn trong thời gian tới, nên anh em chuẩn bị tinh thần lo tiết kiệm đi. Cá lớn đã lên dĩa thì các đàn cá nhỏ theo sau, cũng sẽ đến lượt sớm.
Mọi thứ đều có tính chu kỳ của nó, lên rồi phải xuống, như xuân hạ thu đông đấy, không có gì đỉnh cao mãi đâu, đã hiểu chu kỳ thì anh em phải linh hoạt, mọi thứ mình có, nó đều rất tạm thời.
.
? Giai đoạn 2: khởi sinh ý niệm về “I want free”
có 3 trường hợp phổ biến, mà anh em sẽ bắt đầu lên đường đi tìm sự thật của cuộc đời mình.
Một là, đang từ đỉnh cao mọi thứ, tự nhiên phá sản, tù tội, hoặc đang có mọi thứ mà anh em lại trục trặc về sức khoẻ, sinh mệnh rút ngắn, ung thư ập đến. Có cả núi vật chất, danh vọng, quyền lực, cũng không thể giúp anh em qua cái nạn này được. Thì đó, chính là khoảnh khắc anh em nảy sinh ý niệm về việc trên, tại sao tôi lại tồn tại, tôi làm tất cả vì cái gì, tôi chết đi thì sẽ về đâu.
Hai là, có tất cả nhưng vẫn chán, vẫn thấy thiếu thiếu, càng lắp đầy mọi thứ bên ngoài nhưng trong lòng vẫn trống rỗng vô cùng. Tuy sức khoẻ, tình cảm, không có vần đề gì cả, nhưng anh em vẫy thấy sự hiện hữu này nó vô nghĩa làm sao… đó cũng là lúc anh em khởi ý niệm về “I want free, I want peace, I want happiness”.
Ba là, có người mới sinh ra, chưa làm gì hết, đã chán luôn cái thế giới vật chất và tình cảm ở game đời này luôn rồi. Bắt tay từ rất sớm đi tìm sự thật. Trường hợp này không nhiều, nhưng vẫn có, kiểu đã trải nghiệm quá nhiều cái mục 1 và 2 ở nhiều đời sống khác nên vào đời này thì đi thẳng vào trọng tâm.
.
? Giai đoạn 3: hiểu về “want” và buông xuống “want”,
tuy bỏ ‘want’ nhưng còn ‘I”
Khi khởi ý niệm đi tìm sự thật của game đời, bắt buộc phải bắt đầu với cái ‘dục’, tôi muốn tỉnh thức, tôi muốn hết khổ. Việc tu thân cũng là một cái dục, cái muốn phát khởi lên. Không ai đi tìm sự thật mà không bắt đầu từ ‘dục’ cả.
Năng lượng của dục rất mạnh, nó là năng lượng sáng tạo mà cũng là năng lượng huỷ diệt. Cả thế giới này hình thành muôn màu muôn vẻ như thế, cũng từ năng lượng dục khởi sinh lên. Các phát minh, công nghệ, văn minh, sự phát triển xã hội, đều do năng lượng dục này là chất dẫn.
Nên ai càng muốn buông cái ‘dục’ càng nhanh, càng mạnh thì cái ‘thúc dục’ đi tìm sự thật để diệt chính cái dục trên, phải mạnh kinh khủng. Tín lực của cái dục đó, là để diệt khổ do chính dục gây ra, tín lực phải siêu lớn thì mới phá đi cái bám chấp vào nó được. Kiểu như lấy độc trị độc, lấy dục trị dục.
Khá nhiều anh chị đọc kinh về giai đoạn tu khổ hạnh của thái tử Tất Đạt Đa để diệt dục… nhưng vô tình lại chấp vào cái giai đoạn đó… nghĩa là người tu thân phải miên mật tiết dục hay cắt đứt dục hoàn toàn. Rồi nhịn ăn, nhịn uống, tham thiền, v.v.. để sớm ngày giác ngộ.
Kết quả ra sao, thì thái tử đã trải qua rồi, nhịn ăn nhịn uống còn da bọc xương, thấy thân kiệt quệ sắp lên dĩa rồi, thì ngài mới nhận ra, buông bỏ ‘dục’ (want) không thể theo cách khổ hạnh đấy.
Mà cả trước khi ngài đi tìm đạo, ngài cũng đã từng sống phủ phê trong đỉnh cao của dục vọng rồi, đầy đủ tiện nghi, cảnh trần tuyệt đẹp, cung điện, mỹ nữ, tiền tài, công danh và quyền lực đủ cả. Và việc tham đắm sâu trong các dục vọng này cũng không phải là cách để tự do khỏi dục.
Buông ‘dục’, không phải là bỏ dục hay né tránh dục, mà là buông cái ý bám chấp vào cái dục đó.
Anh em có quyền làm giàu, tiền bạc đầy đủ, trải nghiệm những cái dục trong cuộc sống… nhưng khi mọi thứ thay đổi theo nhân quả và vô thường thì cái tâm anh em có mắc kẹt trong mớ vật chất đó hay không. Chứ bản chất vật chất chẳng có lỗi gì cả.
Thời thế thay đổi thì anh em biết thay đổi, rồi nhận thức được một số cái dục của mình sẽ không còn được đáp ứng như xưa nữa. Có người đau khổ tột cùng, cũng có người không khổ, có thì xài, hết thì xài ít lại, nó phụ thuộc vào sự bám chấp của anh em với cảnh trần bên ngoài sâu đến đâu.
Dục có cái cần thiết (need – nhu cầu thiết yếu), con người cần ăn uống ngủ nghĩ, đó là bình thường. Ví dụ tôi thích mấy món rất đơn giản, bánh mì chả lụa, hủ tiếu gõ, thích ngồi viết lách, thích đi quanh quanh chụp hình, v.v… mấy cái nhu cầu đó thì không cần nhiều vật chất để đáp ứng, nên kinh tế có thịnh vượng hay suy thoái… thì tôi chỉ bị ảnh hưởng tý tý thôi.
Còn những cái dục không cần thiết, anh em có nhiều cũng được, nhưng miễn sao năng lực anh em đủ đáp ứng thì sẽ không khổ. Còn khi không khả năng đáp ứng nữa thì cái khổ nó sẽ tự lồi ra thôi. Thói quen càng sâu trong cái dục nào, mà cái dục đó cần nhiều điều kiện để duy trì thì nó dễ phát sinh khổ, vì các điều kiện bên ngoài luôn thay đổi.
Nói về chữ dục, nó sâu lắm, đôi lúc phải tự anh em trải nghiệm trên chính cuộc sống của mình, vì đó chính là cuốn sách quan trọng nhất mà anh em cần đọc mỗi ngày. Cuộc đời của mỗi người đã là cuốn kinh thánh được thiết kế riêng cho người đó, để chính họ nhìn ra được sự thật về nhân quả và vô thường.
.
? Giai đoạn 4: buông “want” xong thì buông cả “I”
Bước vào cuộc đời này, chúng ta cần một cái tên gọi, một hình tướng, một hệ tính cách, niềm tin và thói quen để tương tác với những người khác trong game đời này. Không ai mà không có cái ngã cả, đó là sự thật.
Khi anh em đã nhận thức về chữ ‘want’, hay các dục vọng, các tham ái trên dục vọng đó, sẽ dẫn đến đau khổ như thế nào, nên anh em bắt đầu đọc nhiều thứ, thỉnh giáo nhiều Thầy, hành thiền nhiều giờ, để quan sát được những cái dục vọng và tập khí trong mình đang diễn ra như thế nào.
Tôi có viết vài lần, ngay cả việc tu thân và hành trình đi tìm chân lý, nó luôn phải khởi sinh bằng một cái dục, rằng tôi đang tu, tôi đang tìm con đường tỉnh thức… thậm chí, bỏ chữ want rồi thì nó vẫn còn ‘I”,
Thay vì “tôi muốn tỉnh thức” thì thành “tôi tỉnh thức”
Thay vì “tôi muốn yên ổn” thì thành “tôi yên ổn”
bất kỳ hình thức hay trạng thái tỉnh thức hay yên ổn nào mà còn cái tôi ở đó thì nó vẫn là ảo giác trong ảo giác. Tôi không biết viết bằng ngôn ngữ thế này, anh em hiểu ý tôi nói hay không, nhưng cái chặng cuối cùng là anh em phải nhìn ra được… không có cái tôi nào đang tồn tại vĩnh viễn cả.
Có cái tôi nhưng nó tạm thời thôi,
ví dụ, bác 7 của 20 năm trước với bác 7 đang viết là một người hay là hai người ?
Nói là một người cũng không đúng, vì tư duy và nhận thức của tôi khác rồi,
Mà nói là hai người cũng không đúng luôn, vì không có 7 kia thì làm sao có 7 này.
Nói một cũng không chuẩn mà nói hai cũng không chuẩn,
mà nói, có một sự tiếp nối, sinh diệt, luân hồi liên tục đang diễn ra một cách vô tận thì anh em sẽ tiến gần nhất đến sự thật.
Dòng nhân quả nó luôn chạy, dủ duyên thì cái tôi này được hình thành, nhưng nó không cố định, vì tôi bây giờ với tôi của ngày hôm qua đã khác nhau rồi. Cái tôi này luôn bất định, nó thay đổi liên tục trên nền của nhân quả.
Thế thì có ai đang tu, ai đang khổ, ai đang tìm kiếm tự do, ai đang muốn yên ổn… Có cái tôi hiện hữu nhưng nó chỉ tồn tại trong thế giới tư tưởng của chính người đó mà thôi.
Cái ảo giác này rất khó nhận ra, vì anh em đang đọc bài ông 7 viết, mà tại sao ổng bảo, cái tôi này không có, vậy ai đang đọc, ai đang viết?…
Cái trải nghiệm này anh em sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều, nếu anh em có trải nghiệm cận tử nhưng KHÔNG chết. Trong những giây phút cuối đời, cuộc đời của anh em, gồm những sự kiện quan trọng, người thương, người ghét, nó sẽ tua lại rất nhanh trong tư tưởng của anh em chỉ trong tích tắc… rồi anh em sẽ thấy, mọi thứ chỉ diễn ra trong suy nghĩ của mình thôi. Ai mà có trải nghiệm cận tử mà không chết, sẽ thấy cái tôi đang nói là có căn cứ, rằng cái tôi này không thật, nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta.
Nên đa phần, người trên con đường tu thân, rất dễ mắc kẹt trong cái việc, có cái tôi đang tu, tôi đang tồn tại, tôi đang thấy, tôi đang quan sát. Đúng là có sự quan sát diễn ra nhưng không có tôi nào cả.
Có một ví dụ khá hay, đèn sáng, là do dòng diện hay bóng đèn,
Nếu anh em nói mình là bóng đèn xanh hay bóng đèn vàng, cũng không chuẩn… vì không có dòng điện thì sao nó sáng.
Nói mình là bóng đèn, thì rơi vào đoạn kiến,
Nói mình là dòng điện, thì rơi vào thường kiến,
mà cả đoạn kiến và thường kiến đều là tà kiến hay ảo giác hết.
Vì đã không có cái tôi rồi thì làm sao có tôi nào là cái bóng đèn hay tôi nào là dòng điện. Kẹt là kẹt ở chỗ đó.
Các thuyết linh hồn, ánh sáng, nguồn, cũng khiến anh em dễ lầm rằng, mình là linh hồn vĩnh hằng, đó chính là thường kiến. Ảo giác này không gây khổ nhiều nhưng sẽ có những cái khổ rất vi tế.
Thấy vô ngã, rồi bảo tôi không là ai cả, mà là tất cả. Tôi là gì, là không, hay là có, đều kẹt cứng. Anh em cẩn trọng.
Có người được gặp Thượng đế rồi hỏi:
“Thưa Ngài, ông đã tạo thế giới này như thế nào?”
Thượng đế trả lời: “Không phải ta!”
câu chuyện này nó ẩn ý rằng, cả thượng đế cũng không can thiệp được sự vận hành của nhân quả và vô thường. Vì cả thượng đế cũng là một phần của dòng chảy đó.
Viết thì viết như vậy, nhưng kẹt hay không kẹt, cũng không quá quan trọng với tôi, vì cũng do duyên nghiệp của mỗi người rồi. Có gì thì nhân quả và vô thường sẽ điều chỉnh anh em, nên mọi người cũng đừng lo quá nhiều làm gì.
Khổ quá thì tự nhiên phải biết điều chỉnh thôi, chứ chẳng ai chịu khổ mãi được đâu. Ý nghĩa của khổ đau là như thế, để nhắc nhở anh em quan sát lại.
Nhân quả và vô thường là hoàn hảo, nên dẫn đến, cuộc đời này cũng hoàn hảo,
Trong một sự kiện cuộc đời, nó có thể bất toàn trong mắt người đó… nhưng lại hoàn toàn đầy đủ trên tổng thể.
Nó giống một cơn mưa ập đến, có người buồn, có người vui, có cây sinh ra, có cây chết đi… nhưng trên tổng thể, con mưa đó là hoàn hảo, nên không cần điều chỉnh gì nữa.
Rút lại chỉ đơn giản vậy thôi, còn không thì anh em sẽ tu hoài, đọc hoài, trải nghiệm hoài,
I want free, I want happiness, I want peace,
buông I, buông want,
buông ở đây không phải là bỏ đi, mà là tự tại sống ngay trong nó,
buông như thế thì ngay đó đã có ngay tất cả,
tự do, hạnh phúc và bình an.
Cheers,
Bác 7B
—–
Hình của Saji Anthar