Tết năm nào, Mẫu Thân cũng dẫn tôi đi 3 ngôi Chùa ở Chợ Lớn, tôi nhớ là từ năm tôi 4-5 tuổi đã đi rồi. Nó như một truyền thống, nhưng đến tầm năm lớp 6 là tôi bắt đầu có những hoài nghi đầu tiên.
Mẫu Thân kêu làm gì thì tôi làm đó, còn soạn sẵn một đoạn cầu xin, nào là ngày tháng năm sinh, ở đâu, tuổi con gì, rồi mấy cái chục cái gạch đầu dòng, nào là cho con học giỏi, cho con bình an, cho con đẹp trai,… dài lắm. Mà tôi canh Mẫu Thân vừa nhắm mắt khấn là tôi giã bộ rào rào rồi đứng lên… nhưng đa phần là mới đọc xong cái tên tôi thì đã quên mất hôm đó ngày mấy rồi, còn mấy cái khấn cầu xin thì tôi chỉ khấn đúng cái đẹp trai.
Có lần, tôi bảo Mẫu Thân, “Mẹ mẹ, sao người ta cúng có dĩa trái cây mà xin đủ thứ thế, vậy thì mấy ông Phật lỗ rồi… Với ai cũng khấn quá chừng, không biết trên đó có nhớ hết không!”, hôm đó về, tôi bị phạt vì tội hỏi linh tinh.
đó là những ý niệm đầu tiên của tôi về nhân quả, vì tôi thấy mình tham, thời đấy bỏ thùng tiền được 3,000 đồng mà xin toàn đồ xịn. Mình cúng dường có 1 đồng mà toàn xin 1,000 đồng, đó là trái nhân quả, tôi không biết anh em có nhận ra không.
Sau ngày cúng ông Táo xong thì Mẫu thân thường hay chuẩn bị khoảng 10 phần quà, gồm những nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, đường, muối,… rồi kèm một ít tiền, phát cho những người khó khăn quanh khu phố tôi sống. Mẫu thân hay vuốt đầu tôi nói, mình có dư tý thì nên chia sẻ, có phước thì chia sẻ cái phước đó, Mẹ làm tất cả là để phước sau này cho con.
Đó cũng là những ý niệm đầu tiên của tôi về chữ Phước hay Phúc, tôi biết là cả Mẫu thân và tôi đang làm việc Thiện, và đang lấy ‘phước đổi phước’ để sau này có thêm phương tiện sống tốt hơn và tiện nghi hơn.
Phước này tốt chứ, nhưng mãi đến tận sau này, tôi mới nhận ra, Phước này là Phước có tôi, hay Phước có ngã, hay Phước hữu ngã, hoặc gọi đúng từ là Phước hữu lậu.
Phước có tôi, nghĩa là tôi làm việc Thiện, để có Phước, để trao đổi sòng phẳng, tôi cho bạn cái A để tôi nhận lại cái B trong tương lai. Chữ Lậu là sự rò rỉ, tiếp nối, còn vương lại, còn sót lại.
Hiểu nhân quả đến đâu thì trí nó giới hạn đến đó,
Người vô trí thì tất nhiên không thấy được nhân quả vận hành và cũng không phân biệt được thiện ác thế nào.
Người hạ trí thì cho 1 mà cầu 10, khôn nhưng lại không khôn, vì nó trái nhân quả. Đã bỏ tý ác, làm thêm tý thiện, nhưng hiểu biết về nhân quả và thiện ác còn mập mờ.
Người thượng trí thì cho 1 chỉ nhận lại đúng 1, bỏ ác để làm thiện, để nhận phước. Lấy phước đổi phước, đúng nhân quả.
Anh em nào chịu tĩnh giác quan sát thì sẽ biết mình hay người khác thuộc nhóm nào trên đó.
Kiểu Mẫu thân nhà tôi là nhóm thứ 3, làm phước để được phước, đến bây giờ, Mẫu thân vẫn chăm đọc kinh để được về Tây Phương Cực Lạc.
Phước có ngã, thật ra cũng quá tốt trong game đời này rồi, vì khi anh em bớt làm ác thì đã bớt gánh nặng rất nhiều cho bản thân mình và cả những người xung quanh. Nên việc người ta lấy phước đổi phước, đối với tôi, không thành vấn đề.
Khá nhiều anh chị hay kẹt ở ý niệm ‘tâm không phân biệt’, rồi lại hiểu lầm rằng, thiệc ác không khác, hoặc trong thiện có ác, hay trong ác có thiện.
Đó là lý thuyết, chứ trên thực tế, nếu muốn thấy được tầng nghĩa sâu kín của ‘không thiện không ác’ thì anh chị phải trải qua đủ nhiều và đủ lâu về cái Phước hữu lậu trước đã.
Phước không tôi, chính là bỏ ác và bỏ cả thiện,
Không làm ác nữa, chỉ làm thiện nhưng ’không có người nào’ đang làm thiện.
Anh em cho hay giúp ai gì đó, nhưng không hề có ý niệm rằng làm thế để mình nhận phước lại. Hay nói cách khác, anh em không xem nặng việc được đáp trả lại. Thấy người ta cần, mà mình có khả năng hay dư dả thì mình làm thôi, chứ không mong chờ ngày nhận lại cái mình gieo.
Đó là phước vô lậu, hay phước không còn rò rỉ lại nữa, vì không có cái tôi nào đang làm để nhận phước lại.
Phước nó vẫn chạy đúng theo nhân quả của nó nhưng anh em không nặng. Đó là cái chỗ của ‘tâm không phân biệt’, và không thấy mình đang làm thiện. Chứ không phải kiểu hiểu, thiện ác là một, rồi anh em cứ đi làm ác là nhận quả mệt đấy.
Hành trình nhận thức của một người nó đi theo từng bậc, nên chưa trải nghiệm đủ về phước hữu lậu thì chưa thể sống được với phước vô lậu.
Người có đủ phước hữu lậu thì mới bắt đầu bước chân vào phước vô lậu, nên anh em có muốn nhảy lớp nhanh cũng không được,
Hoặc chưa đi tận cùng với cái bản ngã này thì anh em chưa thể sống với cái tâm không ngã được đâu.
Cái niềm tin, rằng mình làm việc thiện, để quay về nguồn, về vũ trụ, về chân ngã, về cái-tổng-thể-là-một, nó vẫn nằm trong khuôn khổ của Phước hữu lậu.
Chân ngã hay vô ngã, đều là những cái ngã mới nhưng cao cấp hơn, vì nó có phước và trí tuệ nhiều hơn những cái ngã khác.
Cheers
Bác 7B
———-
Hình của ART