Đây là phần tiếp theo của bài viết Học cách cảm thông (Đọc phần 1 tại:https://bit.ly/2VCHu7N ). Hôm nay sẽ không có câu chuyện dẫn nhập, không có Lincoln, Aurelius hay con chó nhà hàng xóm nào cả, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề ngay và luôn.
LÀM SAO ĐỂ CẢM THÔNG CHO NGƯỜI KHÁC?
Sự cảm thông đôi khi thật khó khăn vì ta phải vượt qua những cảm xúc tiêu cực đang sục sôi trong lòng mình. Tôi vẫn chưa thể tha thứ cho anh trai mình vì đã làm rách cái áo phông có hình gấu Pooh của tôi cuối tuần trước. Thật dễ dàng khi bạn có thể nói với chính mình kiểu như: “Mình nên thông cảm cho anh trai mình” hay gì đó đại loại thế. Nhưng khi niềm tiếc thương Pooh bé bỏng và cơn giận đang bừng lên trong tôi, thì tôi chỉ muốn đọc một bài diễn văn phê phán ông anh mình vì thói cẩu thả mà thôi. Điều tương tự có lẽ cũng xảy ra với nhiều thứ trong đời bạn. Vậy nên dưới đây là một quy trình năm bước – gọi là 5T – để thúc đẩy sự thông cảm nhiều hơn trong đời ta. Chúng bao gồm:
✅Tách biệt
✅Thấu hiểu
✅Thấu cảm
✅Tạo lập
✅Từ bỏ
1. TÁCH BIỆT HÀNH VI KHỎI CON NGƯỜI
Đạo Thiên Chúa khuyên các tín đồ của mình nên “Ghét lỗi lầm, thương người có tội” (Hate the sin, love the sinner). Điều mà ta thường không nhận ra là, thứ xấu xa và đáng bị lên án là hành vi, chứ không phải là con người. Chỉ vì 1 ai đó làm điều gì đó xấu, không có nghĩa họ là người xấu. Không ai trên đời chưa từng làm chuyện xấu, nhưng cũng chẳng ai không có điều gì tốt đẹp trong mình. Chẳng có một ai là hoàn toàn xấu xa cả.
Vì thế ta nên tách biệt hành động sai trái khỏi người mắc lỗi, và chỉ nên tập trung vào hành vi mà thôi. Hành vi đó xấu, chứ không phải con người đó xấu. Nếu ông anh tôi làm rách áo của tôi, thì điều xấu là hành động làm hỏng đồ của người khác, chứ không phải ông anh tôi.
Nếu bạn coi người mắc lỗi là người xấu, 2 người sẽ ở 2 bên chiến tuyến và cuộc đấu sẽ nổ ra. Nhưng nếu bạn chỉ coi hành vi đó là điều xấu, bạn sẽ không có lý do để lao vào cuộc đấu tay đôi và phê phán họ. Đó là bước đầu tiên để bạn có thể cảm thông cho người khác.
2. THẤU HIỂU ĐỘNG CƠ
Một triết gia nọ đã từng nói: Thật buồn cười, kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác.
Được rồi, tôi xin lỗi, chẳng có triết gia quái nào ở đây cả. Đó là câu hát của B-Ray trong bài Ex’s hate me. Nhưng đó là cách mà thế giới này thường vận hành. Có rất ít người trên đời thực sự là người xấu. Người ta thường chỉ làm điều gì đó gây hại cho người khác vì họ đã hoặc đang phải chịu đựng những tổn thương, và bản thân họ thì không đủ lý trí để phân biệt được đúng và sai.
Một cô gái ngoại tình có thể vì cô ấy cảm thấy không được quan tâm bởi người yêu, và ngoại tình là hành vi nhằm xua tan nỗi cô đơn đang dày vò mình. Chẳng ai đang hạnh phúc trong mối quan hệ của mình lại đi phản bội người mình yêu cả. Một người đàn ông cắm sổ đỏ đầu tư vào công ty đa cấp có thể vì anh ta lo sợ mình sẽ không đủ tiền trang trải cho gia đình. Bạn cùng lớp ăn cắp điện thoại của bạn có lẽ vì cô ấy luôn phải sống trong đói nghèo từ khi sinh ra. Thằng bạn cùng phòng không chịu dọn dẹp có thể vì cậu ấy đã quá mệt mỏi với áp lực ở trường.
Người ta không chỉ làm điều xấu vì họ chịu tổn thương, họ còn làm điều đó vì họ không biết. Bản chất của con người là vô minh mà. Không ai nghĩ mình xấu xa khi làm việc xấu cả. Mọi người đều có lý do riêng cho mình, nếu không thì họ đã không làm.
Bạn có thể nói “nhưng chịu tổn thương hoặc không biết không có nghĩa là được phép làm điều xấu” Tôi hoàn toàn đồng ý. Bị tổn thương cũng không có nghĩa những việc không hay họ làm là đúng đắn. Nhưng chúng ta đang tìm cách cảm thông cho người khác mà, nhớ không? Việc thấu hiểu không nhằm mục đích bào chữa cho những hành vi xấu xa như một luật sư trước tòa, mà nó nhằm để tìm hiểu xem động cơ nào ẩn sau những hành vi đó. Và động cơ đó, thường là những nỗi đau.
3. THẤU CẢM
Đây mới là phần khó nhất: bạn phải thấu cảm với người đang khiến bạn khó chịu. Thấu cảm là khi bạn tự đặt mình vào vị trí của người kia, hình dung ra hoàn cảnh mà họ đã trải qua, và thử tưởng tượng xem họ đã cảm thấy thế nào. Việc phải chịu đựng nỗi cô đơn cảm giác thế nào? Việc phải gặp hàng tá những áp lực và bị đời vùi lên dập xuống có mùi vị ra sao?
Bạn có thể thực hành thấu cảm bằng cách tự hỏi mình 2 câu hỏi: a) Có lúc nào trong đời mà mình cũng từng cảm thấy như vậy không và b) Lúc đó mình thấy thế nào, và mình có làm điều gì xấu không?
Khi bạn thực sự xem xét 2 câu hỏi này một cách nghiêm túc, bạn sẽ nhận ra nhiều sự tương đồng giữa bản thân và người mình ghét hơn bạn nghĩ. Chúng ta đều có những hành vi xấu vì những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, bất an. Có thể bạn không hành động tương tự, nhưng chắc hẳn bạn cũng từng có những hoàn cảnh mà bạn có cảm xúc na ná thế. Trước khi phê phán những người mê tín, bạn có thể nhớ về những lúc bạn cảm thấy sợ hãi và hoang mang với cuộc đời trong khủng hoảng tuổi 20. Trước khi chỉ trích những người bỏ tiền theo đa cấp, hãy nhớ lại những lần mà bạn ngốc nghếch và tin theo mấy thằng bạn thử một trò chơi ngu nào đó. Thay vì phán xét những người ngoại tình, sao không thử nghĩ đến lúc bạn bị dày vò bởi nỗi cô đơn và gọi đến cuộc thứ 32 cho người yêu cũ? Ai cũng có khi làm việc không hay cả mà thôi. Nếu bạn nhận ra rằng mình cũng có những điều không hay như vậy, bạn sẽ dễ dàng thông cảm với những điều không hay hơn.
Một điều tôi nhận ra là người ta thường làm tổn thương lẫn nhau vì họ không thể hiểu cho nhau. Bố mẹ bạn phê phán kiểu đầu undercut của bạn vì 2 cụ không hiểu được bạn có nhu cầu thể hiện mình và đang muốn lấy le với một cô bạn cùng lớp. Bạn cãi lại bố mẹ với những lời lẽ hỗn hào vì bạn không hiểu được 2 cụ nói thế vì yêu thương mình. Nếu bạn không muốn mắc vào những sai lầm tương tự và làm tổn thương người khác, bạn nên học cách thấu cảm thay vì chê bai.
4. TẠO LẬP CÁCH ỨNG XỬ
Việc bạn cảm thông cho người kia không có nghĩa là bạn buộc phải ở bên và cảm hóa họ thành một người tốt giống như Đức Phật làm với tướng cướp. Nhưng bạn vẫn phải lựa chọn làm một điều gì đó. Kể cả bạn có không làm gì thì đó cũng là một hành vi. Bạn sẽ đưa ra một lời góp ý chân thành, im lặng không nói gì hay chỉ đơn giản là bỏ qua và kệ con mẹ họ? Tất cả tùy thuộc vào bạn.
Cái khó ở giai đoạn này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa bạn và người đó. Nếu đó là người lạ thì quá dễ, bạn chỉ cần phắn đi là xong. Nhưng nếu đó là một người bạn thì sẽ khó hơn. Còn nếu đó là gia đình thì vô cùng nan giải. Có vài cách ứng xử để bạn có thể lựa chọn:
a) Góp ý.
Nếu bạn thấy điều gì đó là không hay, nhất là khi người thực hiện nó nằm trong vòng tròn quan hệ của bạn, cách tốt nhất là trao đổi với nhau một cách thẳng thắn và chân thành. Sự khác biệt giữa góp ý và phê phán nằm ở mục đích và thái độ. Góp ý nhằm mục đích giúp người kia tốt lên, phê phán nhằm mục đích thể hiện sự thượng đẳng của mình. Góp ý có thái độ hòa nhã và đúng mực, phê phán có thái độ giận dữ và trịch thượng. Anh nên cẩn thận hơn khi treo áo của em lên mắc là góp ý. Ông bị mù à mà đi làm thế với áo của tôi là phê phán.
b) Bỏ qua
Có những việc xấu chẳng ảnh hưởng gì đến bạn, và việc bạn quan tâm đến cũng chẳng được lợi lộc gì. Dạng như mấy drama trên mạng, phát ngôn gây sốc của người nổi tiếng, Trần Đức Bo và Huấn hoa hồng, hay một đám chửi nhau nào đó ven đường. Bạn chỉ cần đéo-quan-tâm rồi lướt qua, có thế mà thôi.
c) Chấp nhận
Đôi khi trong cuộc sống, ta sẽ gặp những trường hợp mà ta không thể bỏ qua, và việc góp ý không mang lại kết quả gì. Điều này thường xảy ra với người thân trong gia đình. Bọn trẻ con phá phách trong nhà, bố bạn nghiện thuốc lá, mẹ bạn hay la mắng, ông nội bạn lẩm cẩm và hỏi tao ăn cơm chưa 32 lần mỗi ngày chẳng hạn. Bạn hầu như sẽ không bao giờ có thể thay đổi những điều này. Ai cũng có những cố tật không thể bỏ, và giải pháp duy nhất là chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống
Vì chúng ta là người thân, ta nên chấp nhận những điểm này ở nhau và cảm thông cho người nhà mình nhiều hơn. Tình cảm gia đình cao đẹp nhất nảy sinh khi bạn có thể thoải mái sống với những cố tật này của người thân, khi bạn có thể vui vẻ với tiếng phàn nàn của mẹ, tiếng rít thuốc lào của bố mình và những lời ca cẩm của ông nội. Nếu như bạn không thể thấy thoải mái, thì bạn lại nên bỏ qua, im lặng và không nói gì. Dù sao thế cũng tốt hơn là đi công kích người thân của mình.
5. TỪ BỎ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC
Bước cuối cùng là giải thoát những cảm xúc thù ghét người/ việc xấu đó trong bạn. Bao gồm tất cả những thù hằn, giận dữ, viễn cảnh trả thù hay rủa xả. Điều này sẽ chẳng dễ dàng gì đâu, cảm xúc về người đó vẫn sẽ trỗi dậy trong bạn, nhưng cứ bỏ qua đi. Các cảm xúc có tính nhất thời, nếu bạn không giữ chúng trong lòng, rồi chúng sẽ tự biến mất. Cá nhân tôi thường tự nhắc mình rằng: Chỉ là sự thường thôi mà, tức tối mãi có được gì cho mình đâu.
Có một câu truyện ngụ ngôn của người Mỹ bản địa kể rằng trong nội tâm chúng ta có hai con sói luôn đấu tranh. Con sói đen thì tà ác: nó sợ hãi, giận dữ, ghen tị, tham lam, kiêu ngạo. Con sói trắng còn lại dễ thương hơn: nó có niềm vui, thanh thản, khiêm tốn, tự tin, sự rộng lượng, thành thật, dịu dàng, và từ bi. Con nào được nuôi dưỡng nhiều hơn thì sẽ mạnh hơn và áp đảo con còn lại. Hãy cẩn thận với việc ôm ấp cảm xúc tiêu cực trong lòng, bạn đang vỗ béo cho con sói đen đấy. Từ bỏ những oán giận trong lòng, lại là một cách tốt hơn để nuôi dưỡng con sói trắng trong lòng mình.
ỨNG THẾ NÀO KHI BỊ PHÊ PHÁN?
Thói thích phê phán là một tật xấu mà nhiều người mắc phải. Vì chúng ta đều luôn làm những điều không tốt, ta luôn có thể bị người khác phê phán. Bố mẹ tôi phàn nàn về tôi mỗi ngày. Và tôi phải nói rằng dù tôi không thích bị như thế, tôi cũng chẳng oan uổng gì.
Bị chỉ trích thì rõ ràng là khó chịu lắm. Ta sẽ ngay lập tức dựng khiên phòng thủ lên và phản bác lại. Lại một cuộc chiến đấu nữa nổ ra và mọi thứ sẽ rất mệt mỏi. Lời khuyên của tôi là, hãy coi việc người khác phê phán mình như một thói xấu, như một sự thường, và áp dụng chiến lược 5T với hành vi đó.
Tách biệt – Chỉ vì ai đó phê phán bạn không có nghĩa họ là người xấu
Thấu hiểu – Họ phê phán có phải vì lỗi lầm của bạn không, hay chỉ đơn giản là họ muốn có tâm thế bề trên? Thường thì cả 2 đều sẽ xảy ra. Nếu bạn chẳng làm gì sai thì rất ít khi người khác công kích bạn. Hãy thử tự xét lại mình xem bạn có phải là người mắc lỗi không.
Thấu cảm – Thử nhớ lại những khi bạn tức tối với một ai đó và gầm lên với họ xem sao, lúc đó bạn cảm thấy khó chịu với họ tới mức nào? Thử nghĩ về những lúc bạn gặp áp lực trong cuộc sống, có phải lúc đó bạn chỉ muốn chỉ trích tất cả mọi thứ không? Có lẽ họ cũng đang cảm thấy tương tự.
Thiết lập – Nếu người ta phê phán vì đó là lỗi của bạn, thì nhận lỗi thôi. Nếu bạn chẳng làm gì sai, đưa ra một lời giải thích và góp ý nhẹ nhàng. Nếu đó chỉ là một anh hùng bàn phím đang muốn thể hiện, thì cứ việc lướt qua là xong.
Từ bỏ – Một cách thành thật thì, những lời phê phán có lợi cho ta hơn là có hại. Việc bị phê phán chẳng gây hại gì cho bạn, nhưng nó có thể giúp bạn nhận ra những thiếu sót của mình để từ đó cải thiện tốt hơn. Người khác luôn nhận ra sai lầm của chúng ta tốt hơn chúng ta nhiều. Những lời chỉ trích, luôn tự chứa đựng trong nó một món quà. Hãy nhận lấy món quà đó, tự xét lại bản thân và sửa chữa thiếu sót của mình, rồi bỏ sự giận dữ trong bạn đi thôi. Ai lại tức tối khi được nhận quà cơ chứ?