Sách vở là người bạn tốt, nhưng kinh nghiệm mới là người thầy thực sự. Những gì anh em học từ sách vở, theo thời gian nó cũng bị cuốn trôi đi. Chỉ có kinh nghiệm, với những bài học theo sau đó mới đủ để anh em khắc ghi mãi vào lòng.
Anh em không thể vị tha, nếu chỉ đọc được nó từ vài ba câu giáo điều. Anh em chỉ có thể vị tha, khi đau khổ nhận ra mình không đủ rộng lượng với chính những người trong gia đình. Anh em không thể chứng một nguyên tắc tâm lý chỉ từ vai ba quyển sách hay ho. Anh em chỉ có thể thực sự học được nó, khi trải qua kinh nghiệm bị mớ bồng bông bên trong dắt mũi hết lần này đến lần khác.
Học một cái nghề cũng vậy. Giờ người ta bảo trên mạng không thiếu gì để học, học bao nhiêu tuỳ thích. Nhưng họ không biết đó chỉ là cái học bề mặt, cái học trên nền tảng lý thuyết xuông. Người ta kiếm tiền được từ nghề, liệu có ng.u mà đi rao rêu ra cho công chúng? Thậm chí thầy bà bán mấy khoá học, họ có dạy nhiều cách mấy đi nữa, vẫn luôn có những thứ mà cả đời người ta chẳng muốn nói ra.
Nhiều người hỏi tôi sao chọn công việc mức lương thấp, chỉ để đổi lấy những bài học mà người ta dạy cho; thời gian và công sức bỏ ra có thể ở nhà tự học được. Cái mà những người này không thấy, là những cái kỹ năng ẩn mà mấy người đi trước họ có thể dạy cho anh em, mà không ở đâu trên mạng có thể dạy được. Một cái nghề sẽ bao gồm rất nhiều đầu việc nhỏ không tên, nhưng lại ảnh hưởng lớn lao đến kết quả sau cùng, tự học làm sao biết. Anh em tự tìm học ở ngoài kia, mua khoá này khoá nọ, nhiều khi không hề biết mình chỉ đang quanh quẩn rìa ngoài, chưa thực sự đi vào thật sâu.
Cái hay của việc vừa học vừa làm, chính là kinh nghiệm và những cái sai luôn ở bên cạnh anh em. Anh em thậm chí không được người ta train một buổi nào, chỉ đơn thuần tự chấp chép làm theo, như con khỉ bắt chước. Rồi anh em đặt câu hỏi, tại sao phải làm thế này, đang ở bước thứ mấy trong một kế hoạch, có cách nào làm nhanh hơn không, nó mở ra cả một quá trình suy tư. Tiếp theo đó anh em tự tìm câu trả lời, tìm không ra mới hỏi “thầy bà” đi trước. Khi đó mới là cái học thực sự của anh em, cái học mà trong đó anh em giữ cho mình sự tò mò, thử sai nhiều lần, và quá trình tư duy sâu sắc. Những gì học được từ mấy lần như vậy, nó khắc rất sâu vào con người anh em.
Trong công việc, một cái học sẽ được đem ra áp dụng ngay trong các dự án thực tế. Đây cũng là cái quý giá mà không có quá trình tự học ở nhà nào có thể mang lại. Phải chạy thực chiến như thế, những vấn đề nó mới lộ mặt ra. Ngồi nghe không không về một kỹ năng nghề, anh em rất khó đặt ra những câu hỏi.
Đôi khi đơn giản là vì anh em chưa từng động tay chân gì vào nó thôi. Chứ làm rồi, được tham gia thử sai rồi, câu hỏi từ đâu nó túa ra, anh em hỏi mãi không hết.
Vậy nên với những anh em trẻ, nếu không quá vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền, vẫn khuyến khích anh em dấn thân thực tập ở những nơi đòi hỏi tính chuyên môn cao. Nếu được làm thử việc tại đó, được trả công cho các bài học mà người ta dạy anh em, nó còn là một món hời lớn nữa kia.
Chuyện tiền nong không ai dám nói nó không quan trọng, tuy nhiên tiền sau khi vào tài khoản ngân hàng của anh em mỗi tháng, dần nó cũng tiêu tan đi hết. Chỉ có kinh nghiệm và những kỹ năng mà anh em bỏ thời gian công sức ra tận hiến, nó mới ở lại lâu bền. Với người trẻ, đó là cái nền tảng vững chắc để có thể bay xa ở cái độ tuổi trung niên. Vậy nên khi còn có thể, dấn thân dữ dô, học nhiều khi năng lượng tinh thần còn dồi dào. Mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi ngu ngốc, người ta có thể cười anh em đôi chút, nhưng đổi lại anh em được rất nhiều.
Tuy nhiên những bài học và kinh nghiệm quý báu, chỉ đến với những ai tận tâm theo học cái nghề. Chứ kiểu đi làm đong đếm từng tiếng, làm sợ vượt mức lương người ta trả cho, thì khó mà học cho lâu bền.