Tự do tài chính, một mục tiêu có lộ trình rõ ràng mà bất cứ một cá nhân nào cũng có thể đạt được. Tuy nhiên thực tế lại đang cho thấy điều ngược lại. Tư duy và thói quen được duy trì hàng thế hệ đã khiến cho hành trình thoát khỏi sự thống trị của đồng tiền trở nên rối rắm và không rõ ràng. Kiểm soát đồng tiền hay tiếp tục làm nô lệ cho nó? Câu hỏi mà bất cứ ai cũng trả lời được nhưng lại không có phương pháp thực thi. Và nếu như bạn cũng đang loay hoay trên con đường tài chính của chính mình, bài viết này sẽ mở lối giúp cho bạn.
Nếu trước đây bạn từng thấy những thứ như kinh tế vĩ mô và tài chính Doanh nghiệp nó quá khó hiểu và lằng nhằng thì việc hiện tại bạn đang mơ hồ trong cái sự nghiệp của bản thân bạn cũng là điều dễ hiểu. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì thật sự thì cốt lõi về động lực và cách vận hành của DN, quốc gia và bản thân của bạn nó không khác gì nhau cả! Những nội dung tôi chia sẻ sẽ cho bạn thấy từng khía cạnh trong sự nghiệp tài chính của bạn, nó là một mô hình thu nhỏ của một DN và siêu nhỏ của một Quốc gia mà thôi.
Trước hết thì tôi xin được nhắc lại một lần nữa về quan điểm của tôi về cuộc sống. Tài chính chỉ là một trong 3 trụ cột mà tôi phát triển mỗi ngày bên cạnh sức khoẻ và tinh thần. Đối với tôi thì chỉ cần 3 khía cạnh đó thôi là đủ cho cái mục đích sống hạnh phúc của tôi cho đến hết đời rồi. Bạn hoàn toàn có thể có nhiều mục tiêu hơn để cảm thấy đủ đầy, nó là do quan điểm mỗi người. Nhưng điều quan trọng là, dù mục tiêu của bạn là gì thì nó phải được xây dựng dựa trên 2 yếu tố này: tầm nhìn và sứ mệnh.
Nghe cứ vĩ mô thế nào ấy đúng không?
Bạn thường sẽ nghe 2 khái niệm này trong Doanh nghiệp, thực chất nó không gì khác ngoài cái mục tiêu của bạn cả. Sứ mệnh là cái giá trị mà bạn tạo ra được cho xã hội, còn cái vị trí của bạn cao tới đâu, bạn đi xa tới đâu nó nằm ở tầm nhìn. Hai cái này quyết định cái mục tiêu của bạn. Tiếp theo là cái lộ trình đạt được mục tiêu đó, trong DN người ta gọi là chiến lược. Nhớ nhé, mục tiêu và chiến lược!
Quay lại với tự do tài chính, nó cũng là một mục tiêu, cho nên nó sẽ có lộ trình rõ ràng. Và nội dung ngày hôm nay cơ bản là để bạn hiểu được chính xác bạn đang ở đâu? Biết rằng bạn phải vượt qua những bước nào? Và quan trọng nhất, là để bạn thật sự hiểu tự do tài chính là gì và như thế nào đã! Hiểu sai thì như bạn đang đói bụng mà đi vào phòng ngủ vậy, sai ngay từ đầu thì cố bao nhiêu cũng chẳng có kết quả đâu!
Trước hết thì bạn sẽ làm quen với những khái niệm mà tôi sẽ liên tục nhắc đi nhắc lại trong những nội dung về chủ đề này.
Như tôi đã nói ở trên, cuộc sống của tôi có 3 trụ cột chính: tài chính, sức khoẻ, tinh thần.
Đối với tài chính, bên trong nó lại có 3 trụ cột mà bạn bắt buộc phải nằm lòng. Đó là kiếm tiền (sự nghiệp), giữ tiền (quản lý tiền) và phát triển tài sản (đầu tư).
Dòng tiền và tài sản: 2 khái niệm cực kỳ quan trọng mà nếu bạn hiểu đúng, nó sẽ cứu rỗi cuộc đời của bạn. Trong quản lý tài chính cá nhân, lý do của tất cả những điều bạn thực hiện trong cả lộ trình chỉ là để tăng trưởng 2 thứ này, nó sẽ quyết định sự tự do tài chính của bạn đến sớm tới đâu. Tôi sẽ có bài viết riêng để nói chi tiết về 2 khái niệm quan trọng này. Cơ bản thì ở bài này bạn cần hiểu sự khác biệt của dòng tiền và tài sản. Tài sản là tất cả những thứ bạn sở hữu có thể quy đổi ra tiền, còn dòng tiền là thặng dư/thâm hụt giữa thu nhập và chi phí của bạn (nghĩa là nó có thể dương hoặc âm), đây là khái niệm cực kỳ quan trọng!
Khái niệm khoản chi thiết yếu và tiêu chuẩn. Cái này thì đơn giản! Khoản thiết yếu là những khoản mà bạn sẽ không sống nổi nếu không có nó. Còn tiêu chuẩn là những khoản chi sẽ cải thiện và phát triển tài sản vô hình của bạn. Tài sản vô hình là gì thì hẹn bạn trong những nội dung tiếp theo nhé!
Bây giờ thì chúng ta đi thẳng vào vấn đề chính, đối với tôi, bạn phải trải qua 8 giai đoạn này trên lộ trình tài chính cả đời của mình:
Thứ nhất là 1 trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời bạn, giai đoạn mà bạn sẽ phải thiếu thốn đủ thứ, năng lực, kiến thức, tình cảm, thu nhập và quan trọng nhất là rất dễ “thiếu nợ”. Giai đoạn tài chính phụ thuộc. Đây là giai đoạn mà cả tài sản và dòng tiền của bạn đều bị âm (nghĩa là thu nhập ít hơn chi tiêu), hay thậm chí bạn còn chưa có thu nhập để mà ít hơn. Gọi là phụ thuộc vì lúc này chắc chắn bạn sẽ phụ thuộc vào một bên thứ 3 nào đó để có chi phí mà tồn tại.
Giai đoạn thứ hai là tôi tạm gọi là tài chính chủ động. Lúc này, bằng một cách nào đó, tài sản ròng và dòng tiền của bạn ít nhất là về “mo”. Nghĩa là thu nhập ít nhất đủ để bạn chi trả cho tất cả các khoản chi thiết yếu hàng tháng. Điều này nghĩa là bạn không còn phải phụ thuộc tài chính vào bất kỳ bên thứ 3 nào nữa.
Giai đoạn thứ 3 là tài chính ổn định: “keyword” của giai đoạn này chính là quỹ dự phòng. Bạn bắt đầu biết cách quản lý tiền, cân bằng được thu chi (có dòng tiền dương). Quan trọng là, bạn bắt đầu có được một khoản dự phòng (tôi khuyến nghị khoản này ít nhất là phải bằng từ 6 tháng đến 1 năm chi tiêu thiết yếu của bạn). Đây là thứ cực kỳ quan trọng có thể đánh giá sức khoẻ tài chính của bất cứ ai, kể cả DN và một quốc gia. Hầu hết những cú sụp đổ tài chính trong thời kỳ khủng hoảng đều xuất phát từ yếu tố này.
Quỹ dự phòng đơn giản là bạn tích luỹ được một khoản tài sản thanh khoản tốt có thể giúp bạn duy trì qua bất cứ giai đoạn khó khăn tài chính nào. Khoản tích luỹ càng lớn thì cái khiêng bảo vệ của bạn càng chắc chắn. Covid là một phép thử vô cùng có trọng lượng để đánh giá độ chắc chắn của chiếc khiêng của bạn (hoặc là ba mẹ của bạn). Qua đây thì chúc mừng bạn nào vẫn khoẻ mạnh tài chính sau mấy đợt giãn cách vừa rồi nhé!
Giai đoạn 4 là giai đoạn xoá nợ. Lúc này bạn đã trả hết những khoản nợ có lãi suất (ngoại trừ các khoản vay mua nhà) mà trước đó bạn đã gây dựng lên trong quá trình khởi nghiệp (hoặc chơi bời). Và quan trọng hơn hết, tài sản ròng của bạn bắt đầu dương. Bạn lúc này đã có thể phân bổ tài sản và đầu tư sinh lợi nhuận (Đây gọi là thu nhập thụ động). Cách phân bổ tài sản như thế nào tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi cá nhân. Tôi sẽ viết một bài nói riêng về cái này!
Giai đoạn thứ 5 là giai đoạn tài chính an toàn. Có 2 target mà bạn phải đạt được để đến được giai đoạn này. Thứ nhất là bạn đã tích luỹ được một khoản dự phòng ít nhất bằng một năm chi tiêu thiết yếu. Thứ hai là dòng tiền từ việc bạn đầu tư tài sản phía trên (thu nhập thụ động) đã đủ để bạn chi trả cho tất cả chi tiêu thiết yếu trong một năm.
Giai đoạn thứ 6 là giai đoạn tài chính độc lập. Sự khác biệt với giai đoạn an toàn tài chính là dòng tiền từ đầu tư tài sản của bạn lúc này đã có thể trang trải cho toàn bộ chi phí tiêu chuẩn của bạn. Nghĩa là những khoản chi phục vụ cho việc phát triển những khía cạnh còn lại trong cuộc sống của bạn. Đối với bản thân tôi là những khoản chu cấp cho việc rèn luyện sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và tài sản vô hình của mình.
Giai đoạn thứ 7 là một cột mốc mà bạn đánh đổi tất cả thời gian, công sức và nỗ lực để đạt được, giai đoạn tự do tài chính. Lúc này lợi suất đầu tư mỗi năm dường như đã có thể giúp bạn có bất cứ trải nghiệm nào mà bạn muốn. Thậm chí nó vượt ra khỏi những khía cạnh mục tiêu trong cuộc sống của bạn.
Cuối cùng, một giai đoạn mà có vẻ như số người đạt được chỉ đong đếm trên đầu ngón tay. Giai đoạn thịnh vượng tài chính (tôi thích gọi như vậy). Lúc này thì những cái trải nghiệm cá nhân và cái đỉnh tháp maslow có vẻ như đã không còn khiến bạn hạnh phúc nữa rồi. Lúc này bạn sẽ bắt đầu cho đi, cơ bản không phải là bạn cao cả gì đâu, mà đó là chuyện tất yếu để bạn thoả mãn. Tôi thì còn chưa đến cả giai đoạn 7 đâu nên sẽ khó mà cảm được hết để mà diễn tả cho bạn. Nhưng mà những con người ở vị trí này chính là nguồn cảm hứng để cho tôi nghe học đọc xem, tìm tòi, nghiên cứu, thử sai, bị vã và bị vã mỗi ngày để tìm ra những phương pháp tối ưu cải thiện cuộc sống mình. Lối sống thuận đạo không chỉ là nghe vài cuốn sách và tự kỷ ám thị là được. Làm được những thứ không ai thèm làm, và bỏ được những thứ cám dỗ với hầu hết mọi người không phải là dễ.
Và để chốt lại bài viết, mục tiêu của nội dung này là để bạn nhận ra được 3 điều cốt lõi:
Thứ nhất: Phải tách bạch giữa chi tiêu và tài sản. Bạn chỉ có thể đạt được An toàn, Độc lập, Tự Do và Thịnh vượng tài chính nếu khoản lãi suất từ tài sản đáp ứng được chi tiêu. Còn nếu bạn cứ lấy tài sản ra chi tiêu thì cả an toàn bạn cũng chưa thể nào có được.
Thứ hai: Làm bất cứ gì cũng phải biết mục tiêu và lộ trình để đạt được mục tiêu. Nghe thì không có gì đặc biệt. Nhưng chỉ cần bạn ghi nhớ cái này trước khi thực hiện thì bất kỳ mục tiêu nào cũng vậy, thứ gì người khác đạt được thì mình cũng có cách để đạt được!
Thứ ba: Một người tự do tài chính hay không, không nằm ở số tiền mà họ nắm giữ. Vì rõ ràng ở trên tôi không hề nhắc gì tới con số mà bạn cần phải đạt được cả. Con số là tuỳ thuộc vào cá tính và tư duy của mỗi người. Và một chi tiết cực kỳ quan trọng tôi có nhắc trong bài là dòng tiền. Bạn hãy nhớ! Cốt lõi của chặng đường tài chính này chính là dòng tiền, dòng tiền và dòng tiền! Dòng tiền cũng là nội dung kế tiếp mà tôi sẽ chia sẻ với bạn.
Và một điều nữa, trên con đường đi đến mục đích cuối cùng, bạn sẽ thấy, thứ bạn đang tìm kiếm không phải là tài chính, mà nó là sự tự do. Cho nên, nếu bạn hỏi tôi, có cách khác đạt được tự do tài chính mà không phải trải qua những giai đoạn này hay không? Câu trả lời đương nhiên là có! Một điều chắc chắn là sẽ không bao giờ có công thức chung cho sự thành công. Bạn có thể đi tìm tự do từ bên trong tâm hồn, bạn có thể kiếm một công việc mình đam mê và cống hiến tới cuối đời với nó mà không màn tới chi tiêu và tài sản! Nhưng cho dù quá trình của bạn là gì đi nữa, thì bạn sẽ phải đồng ý với tôi rằng: Có thể mục tiêu mà bạn bước đến lộ trình này là những cột mốc với những con số cụ thể. Nhưng cái mà bạn đạt được thì lại là việc thoát khỏi sự ràng buộc của những con số.
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây, mong rằng bài viết sẽ hữu ích! Hẹn gặp lại!