Bao nhiêu là đủ?
Ở những năm 1950, đầy đủ là một cái áo che thân, một đôi dép không đứt, mỗi ngày có thứ để bỏ vào bụng, có một nơi tạm bợ để che nắng, che mưa.
Năm 1970 thì là một cái áo không rách, một chiếc xe đạp chưa hỏng, cơm trắng ngày ba bữa, một căn nhà nho nhỏ để trở về.
Năm 2000, sung túc với phần đông là một cái áo chưa cũ, một chiếc xe máy hãy còn nguyên vẹn, cơm và thức ăn dinh dưỡng, một căn nhà đầy đủ ánh sáng, tiện nghi.
Năm 2022 thì chắc anh phải có 6 bộ quần áo thật đẹp, một chiếc ô tô thật mới, được ăn những món thật ngon, ở một biệt thự thật to mới làm anh thấy đủ?
Cụ Cần dạy rằng, sở dĩ những người có học thức, nhiều tiền, có địa vị… cảm thấy sướng là vì những người xung quanh họ đều thèm thuồng và cho đó là sướng. Người ngồi ô tô thấy mình sướng là vì có những kẻ đi bộ lê lết cực nhọc thèm thuồng được ngồi trong khoang xe tươm tất như mình… Kẻ đeo châu ngọc cảm thấy sung sướng, hãnh diện là vì nhiều người nghèo khó mong muốn sở hữu vật quý như họ.
Giả sử cả xã hội đều có xe hơi, đều đeo châu ngọc thì cái sướng của mình ắt hẳn sẽ không còn thật sướng nữa. Thật ra cái sướng của mình là do cái khổ của kẻ khác xấu số hơn mình mà có. Và vì thế mà người ta tạo ra biết bao nhiêu đau khổ cho nhau, chỉ để tranh giành lấy những cảm giác sung sướng hão huyền của bản ngã.
Mình được nghe một chú kể lại rằng, vào những năm 1980, cái sướng của chú là có sở hữu một đôi giày nguyên vẹn, cái áo không vá, cơm ngày ba bữa…
Đến năm 2021, vẫn là chú, với đầy đủ nhà ở, thực phẩm ngon bổ, quần áo tươm tất, phương tiện đi lại, thiết bị giải trí… tuy nhiên, chú lại luôn cảm thấy chưa hài lòng với cuộc sống của mình, cứ mãi cảm thấy thua kém so với bạn bè, bà con, hàng xóm… So với ngày xưa, đời sống vật chất của chú tuy có khá lên, nhưng tinh thần của chú thì đã mất đi sự hoạt bát, thoải mái, vui vẻ rồi.
Mình không bác bỏ giá trị của những tiện nghi vật chất đối với trải nghiệm sống của mỗi người chúng ta. Trên thực tế, mình cho rằng vật chất đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng hạnh phúc tự thân của mỗi người – với điều kiện, phải biết đủ.
Đi tìm hạnh phúc
Anh Nhân sáng dậy sớm, chạy bộ, nấu bữa sáng, đi làm. Tan ca anh ghé chợ mua vài thực phẩm, nấu bữa tối nhẹ nhàng rồi yoga, đọc sách đôi khi là tán ngẫu vài câu với bạn thân và anh đi ngủ lúc 9h30, dĩ nhiên là đêm nào anh cũng đều ngủ thật ngon.
Cuối tuần anh thường lên rừng, về biển, hít thở không khí tươi mới, dễ chịu. Cơ thể anh lúc nào cũng khỏe khoắn, thảnh thơi. Anh biết hạnh phúc với những gì mình có.
Mức thu nhập hiện tại của Nhân là 10 triệu đồng, tuy vậy, anh vẫn đang trên đường phát triển thu nhập của bản thân, để giúp người, giúp đời. Về phần bản thân, anh cảm thấy không nhất thiết phải ở nhà lầu, đi xe hơi, ăn đồ đắt đỏ. Vì sau khi đọc seri “Khổ vui ở đời” của Như Tuệ, anh biết, sướng ở đâu thì khổ ngay sau đó thôi mà.
Anh Đạt làm lương tháng 50 triệu, thường phải đi tiếp khách, nhậu nhẹt đến khuya, không có thời gian để tập thể dục, một lý do nữa là vì sống lâu trong môi trường trì trệ lâu quá, anh đâm lười. Anh bị chứng khó ngủ hành hạ mỗi đêm, thường xuyên cảm thấy thiếu năng lượng, hay cáu gắt, buồn chán. Anh chẳng có sở thích nào lành mạnh, chỉ toàn những thú vui tai hại như gái gú, rượu bia, thuốc lá, game, tiktok, video nhảm…
Nhân sống ở một căn trọ nhỏ ngoại ô, di chuyển bằng chiếc cub. Đạt sống ở chung cư hạng sang, che nắng mưa bằng chiếc camry. Nhưng liệu ai là người hạnh phúc hơn? Nếu được lựa chọn, bạn sẽ sống cuộc đời của Nhân hay của Đạt?
Thân ái!
Như Tuệ.
Hình là các tượng với phong cách Phật Giáo ở nhiều nền văn hoá và nhiều thời kỳ.