Việc đọc nhãn dinh dưỡng – nutrition facts – (thông tin dinh dưỡng) trên các loại thực phẩm đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng bạn đã thực sự hiểu được những dòng thông tin trên đó nói gì chưa, hay thậm chí bạn có biết là mình đang bị nhà sản xuất gài hay không? Ở bài này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc nhãn dinh dưỡng cơ bản và cách hiểu đúng để không bị gài.
———
Các thông tin cơ bản
Mình sẽ nói những cái bạn cần phải chú ý.
+ Serving size
Servings per container: Là số lần dùng của gói sản phẩm.
Serving size: khối lượng/số lượng của sản phẩm mỗi lần dùng, kế bên là lượng calo của mỗi lần dùng.
Ví dụ: sản phẩm này có 8 lần dùng, và thành phần dinh dưỡng bên dưới được tính trên một lần dùng là 55 gram (tổng khối lượng của sản phẩm là 440 gram), nếu bạn sử dụng 110gr thì tất cả thông tin dinh dưỡng phải nhân hai lên.
+ % Daily value: cái này thì dẹp qua một bên vì “daily value” này được mặc định là 2000 hoặc 2500 calo tùy tiêu chuẩn. Tuy nhiên, lượng calo cần nạp của mỗi người mỗi khác, nên bạn không cần phải quá quan tâm đến chỗ này.
+ Saturated fat (chất béo bão hòa), sodium, added sugars (lượng đường nhà sản xuất thêm vào), cholesterol: các chỉ số này càng ít thì càng tốt. Ở bài về eat clean, mình cũng đã có nói về sodium và đường, còn chất béo thì hẹn các bạn vào một bài riêng cho chất béo nha.
+ Total carbohydrate: tổng lượng carb của sản phẩm, bao gồm cả chất xơ, tinh bột, đường (glucose, fructose,…). Ở chỉ số này, chất xơ càng cao là càng tốt. (Cũng như chất béo, carb là một chủ đề khá khó và dài nên mình sẽ dành một bài riêng để nói về carb).
+ Protein: đạm, đây là chất dinh dưỡng chính để xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên, để biết được chi tiết về lượng đạm thì bạn cần phải mở thành phần chi tiết ra coi nha.
+ Vitamin D, Calcium, Iron, and Potassium: vitamin và khoáng chất, khỏi phải nói, các chỉ số này càng cao thì càng tốt.
—-
Mẹo khi đọc nhãn dinh dưỡng và bao bì sản phẩm.
+ Thông thường các bạn sẽ bị gài bẫy ở ngay hai dòng đầu tiên: có khá nhiều hãng cố tình in cỡ chữ tổng số lần dùng nhỏ hơn hẳn so với khối lượng cho một lần dùng (serving size) để đánh lừa các bạn là một lần ăn hết chỉ có bao nhiêu đó calo, đặc biệt ở các sản phẩm có khối lượng không quá nặng thì họ còn chia đôi khối lượng ra để làm thông tin dinh dưỡng. Thường thấy ở các sản phẩm như kem, bánh, snack, nước ngọt,…., mình từng cầm lên tay rất nhiều bịch bánh snack có khối lượng đâu đó 40-50 gram nhưng thông tin dinh dưỡng thì lại cho thông tin ở lượng 30 gram.
+ “No added sugar”: thường thấy ở các sản phẩm nước ép, đúng là họ không thêm đường vào, tuy nhiên lượng đường tự nhiên cũng kha khá và nó cũng sẽ ảnh hưởng tới khẩu phần ăn của bạn.
+ “Gluten free”: đơn giản chỉ là sản phẩm này không có chứa gluten (có trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch, lúa mạch đen). Nhưng họ có thể bỏ vào đây cả đống thứ khác không tốt cho bạn.
+ “Có vị trái cây”: có một hãng nước giải khát rất nổi tiếng cho ra đời một sản phẩm “Sữa vị …”. Tuy nhiên khi đọc kỹ thành phần thì không hề có trái đó mà chỉ là hương liệu của trái đó. Cẩn thận nhé.
+ “Made with whole grain” – “Được làm với ngũ cốc nguyên cám”: đúng là trong thành phần có ngũ cốc tuy nhiên có khi nó chỉ chiếm rất ít, đây chỉ là một chiêu quảng cáo.
+ Đọc luôn thành phần: ngoài việc đọc nhãn dinh dưỡng ra thì bạn nên đọc cả thành phần sản phẩm để có thể biết được sản phẩm bạn mua được làm từ gì để tránh bị dắt mũi ở một vài trường hợp kể trên.