Khuất Nguyên là một nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Theo truyền thuyết, ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 m Lịch, hay lễ diệt sâu bọ) chính là để tưởng niệm cái chết của ông.Khuất Nguyên là người thuộc hoàng tộc nước Sở thời Chiến Quốc, có tài năng phi phàm, học rộng, hiểu nhiều nên rất được vua Sở yêu quý, trao cho trọng quyền. Trong thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh. Ngoài thì lo việc bang giao, ứng đối với chư hầu. Khuất Nguyên đáp lại điều đó bằng sự trung quân ái quốc hết mực, cả đời ông luôn cúc cung tận tụy vì sự cường thịnh của quốc gia.
Tuy vậy, lòng nhiệt huyết muốn cải cách của ông lại là cái gai với một số đại thần trong triều. Vì thế mà Khuất Nguyên bị đồng liêu gièm pha. Vua Sở thì hôn ám tin lời gian thần, nên cho đày ông đi biệt xứ. Khuất Nguyên vô cùng uất hận, chỉ biết gửi gắm nỗi lòng qua bài thơ “Ly Tao” nổi tiếng với 2 câu thơ kinh điển:
“Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”.
Nhưng dù bị ruồng bỏ, xua đuổi, lòng Khuất Nguyên vẫn hướng về nhà vua, vẫn mong có ngày nhà vua sẽ tỉnh ngộ để mình được trở về. Ông thường xuyên dâng lên quyết sách, khuyên can vua Sở, chỉ mong sao cho nhà vua được còn, nước được mạnh. Nhưng vua Sở suốt đời không tỉnh ngộ, hết lần này đến lần khác bỏ ngoài tai lời của Khuất Nguyên, để đến nỗi cuối cùng chính ông ta phải lâm họa diệt thân nơi đất khách. Khuất Nguyên thấy vậy thì vô cùng buồn bã, cả ngày chỉ thơ thẩn như người mất hồn. Một ngày nọ, Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:
– Ông là quan tam lư đại phu đấy phải không? Vì sao ông đến nỗi này.
Khuất Nguyên nói:
– Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên ta bị đuổi.
Cụ đánh cá nói:
– Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu? Vì cớ gì lại ôm giữ ngọc quý trong người để đến nỗi bị đuổi như thế!
Khuất Nguyên nói:
– Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủi mũ, khi vua tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bặm của đời?
Rồi Khuất Nguyên ôm đá gieo mình xuống sông mà chết. Có mấy ai trong chúng ta chưa từng trải qua tâm cảm của Khuất Nguyên. Càng yêu đời, thì càng mong được đời đáp lại. Nhưng càng mong được đời đáp lại, lại càng dễ thất vọng. Nhất là những người có tài năng và nhiệt huyết, những người nhìn ra khuyết điểm của thế giới quanh họ, thì lại càng mong muốn cháy bỏng được thay đổi những điều đó. Nhưng ở đời bao giờ chẳng nhiều người mê hơn tỉnh, có mấy ai hiểu được lòng mình? Có mấy ai biết về đường “ngay” để mà đi? Nên Khuất Nguyên mới thấy “Đời đục cả, chỉ một mình ta trong. Người say cả, chỉ một mình ta tỉnh”.
Thật khó để không đồng cảm với Khuất Nguyên, nhưng cũng thật khó để đồng tình với việc làm của ông. Ôi! Cái nhược điểm chí mạng của thiên tài là biết rõ cái mê của người khác, mà không biết rõ được cái mê của mình! Nếu đã biết là người ta mê còn mình tỉnh, thì cũng phải biết rằng người mê ấy chẳng thể nào hiểu được mình. Người ta đã không thể hiểu được mình, lại mong người ta hiểu được mình, có khác gì lao đầu vào đá, vậy há chẳng phải là mình cũng “mê” sao?
Cũng trong khoảng thời gian mà Khuất Nguyên đang uất hận vì thất thế, Trang Châu (Trang Tử) đang nổi danh là nhân tài thuộc hàng bậc nhất Trung Hoa, nhưng lại ở ẩn. Một ngày nọ, Trang Tử đang ngồi câu trên sông Bộc, vua Sở biết tiếng ông nên sai hai quan đại phu đem lễ vật đến mời ông ra làm quan. Trang Tử cầm cần câu không nhúc nhích cũng không thèm nhìn lại, nói:
– Tôi nghe Sở vương có con rùa thần có cái mai rất đẹp, chết đã ba nghìn năm. Vua Sở quý nó và cất trên miếu đường mà thờ phụng. Con rùa ấy muốn được chết để lưu lại cái xương của mình cho người sau quý trọng, hay là muốn được sống để kéo lê cái đuôi của mình trong bùn?.
Hai vị đại phu nói:
– Thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn còn hơn!
Trang Tử đáp:
– Thôi, về đi. Ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn. Khuất Nguyên yêu đời, nên uất hận mà chết vì yêu đời quá mà không được đời đáp lại. Trang Tử yêu đời, nhưng cũng hiểu đời. Ông biết đời là mê, trên thì hôn ám, dưới thì loạn tặc, nên ông không cố chấp muốn người ta hiểu được mình. Ông buông bỏ được cái mù quáng trong lòng, nên nhất định không chịu để mình chết trong cái ngàn vàng dẫu được người ta tôn trọng mà ẩn thân đi để được tiêu dao “kéo lê cái đuôi của mình trong bùn”. Vì thế mà hưởng trọn được cái sống của mình.