Thi cử thời phong kiến là một trong những việc khó nhất trên đời. Trong cả vạn nhân tài ứng thi, chỉ cỡ 20 người đỗ tiến sĩ. Bạn cần đọc cả trăm quyển sách dày cộp toàn triết lý cao siêu, thuộc làu hàng ngàn câu văn mà không quên chữ nào, rồi chắt lọc tinh hoa của tri thức chỉ để làm ra một bài thơ 16 câu thật hay. Nói chung, bạn phải là một gã khốn thông minh mới dám dự thi. Để trở thành tiến sĩ bạn phải là thiên tài. Và để trở thành Trạng Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Đình), bạn phải là thiên tài trong những thiên tài.
Lê Danh Phương là một thiên tài như vậy. Lúc 5 tuổi, với trẻ con bây giờ còn chưa biết chữ, cậu bé này đã đọc hết sách Kinh Thi. Mới lên 12, Danh Phương đã học “khắp kinh, truyện, sách của bách gia chư tử”(nếu bạn đọc được quá 3 trang của mấy cuốn này thì bạn rất giỏi đấy). Đến năm 17 tuổi thì cậu thiếu niên đỗ đầu kỳ thi Hương. Rồi đến khi 26 tuổi, Danh Phương đỗ đầu luôn cả 2 kỳ thi Hội và thi Đình. Chưa qua tuổi 30, Danh Phương đã đạt tới tột đỉnh của việc học hành.
Tuổi trẻ mà đã thành đạt, lại làm quan to, Danh Phương dần sinh ra thói tự kiêu. Bấy giờ, cho rằng mình đã đọc hết sách trong thiên hạ, ông bèn sai người làm tấm biển treo trên cửa nhà mình 7 chữ: “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn”. (Nghĩa là: Trong thiên hạ, ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi).
Rồi đến một ngày nọ, Danh Phương đến chùa làm lễ cầu siêu cho người cha mới mất. Khi cúng bái đã xong, ông cùng trụ trì thong thả tản bộ vãn cảnh chùa. Nhà sư nói với Danh Phương rằng:
Quan Bảng tới chùa thật là may mắn làm sao! Chẳng là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó đố chữ rồi về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ mãi mà không ra. Nay bần tăng muốn mạo muội nhờ quan Bảng chỉ giáo cho có được chăng?
Được. Xin sư phụ cứ hỏi. Chẳng có chữ gì mà tôi lại không biết. – Danh Phương tự tin đáp.
Câu đố thế này, xin quan chỉ giáo cho:
Thượng nhi bất thượng
Hạ nhi bất hạ
Thả nghi tại hạ
Bất khả tại thượng.
Nghĩa là:
Trên không thể trên
Dưới không thể dưới
Nhưng nên ở dưới
Không thể ở trên
Danh Phương nghe xong im lặng suy nghĩ, nhưng chàng vắt óc nghĩ mãi mà không ra. Đang khi Danh Phương bối rối chưa biết trả lời thế nào, thì chú bé tiểu đồng chạy vào khoe:
– Sư phụ, con đã giải được câu đố hôm nọ rồi
– Ồ, quan Bảng còn đang suy nghĩ mà con đã giải được rồi. Thế con thử nói ra đây cho quan Bảng nghe xem có đúng không nào.
Cậu bé liền hí hửng: Đó là chữ nhất (一) ạ. Cậu bé giải thích rằng:
Câu đầu: “Thượng nhi bất thượng” là chữ Thượng 上 mà không có phần trên, nên thành chữ Nhất 一.
Câu hai: “Hạ nhi bất hạ” là chữ Hạ 下 mà không có phần dưới, nên cũng là chữ Nhất 一.
Câu ba: “Thả nghi tại hạ” là chữ Thả 且 và chữ Nghi 宜 thì có chữ Nhất 一 ở phía dưới.
Câu bốn: “Bất khả tại thượng” là chữ Bất 不 và chữ Khả 可 thì chữ Nhất 一 ở phía trên.
Danh Phương nghe xong ngượng chín cả mặt. Vì bạn có thể thấy chữ nhất (一) chẳng khác quái gì chữ (a) trong bảng chữ cái của ta bây giờ. Đó là chữ đầu tiên mà trẻ con cũng biết. Ông biết dụng ý người ra câu đố là lấy ngay chữ “nhất” trong tấm biển “Nhất tự lai vấn” để chế nhạo mình. Vô cùng xấu hổ, Danh
Phương cáo từ trở về nhà và lập tức vứt bỏ tấm biển treo trước cửa nhà mình.
Từ đó ông bỏ tính kiêu ngạo của tuổi trẻ, chuyên tâm vào nghiên cứu, học hành. Nhờ đó mà tài năng thiên bẩm ngày một nở rộ. Ông đã để lại cho dân tộc một kho tàng đồ sộ các tác phẩm về đủ mọi lĩnh vực từ văn học, lịch sử, địa lý,… mà ngày nay vẫn còn rất nhiều giá trị. Và nếu bạn đang thấy lạ lẫm với cái tên Lê Danh Phương, thì đó chính là Trạng Tí….. À nhầm, đó là tên thật của nhà bác học Lê Quý Đôn, một trong những học giả lớn nhất trong lịch sử nước ta.
CÁI BẪY CỦA TRI THỨC
Cái bẫy mà Lê Quý Đôn mắc phải thật ra là tật xấu mà hầu hết mọi người đều mắc phải. Tôi hay gọi đó là ảo tưởng biết tuốt. Nó thường xảy đến khi ta đã thành thục điều gì đó trong thời gian dài. Có nhiều tài năng và kinh nghiệm trong một lĩnh vực thường sẽ khiến ta nghĩ rằng mình đã biết hết mọi thứ về lĩnh vực đó rồi. Không chỉ người trẻ tuổi, mà người trưởng thành cũng rất hay mắc phải tật xấu này.
Những người làm kế toán được 10 năm hay cho rằng mình đã biết hết về công việc này rồi. Những người bác sĩ có thâm niên thường nghĩ rằng không cần học thêm gì để khám chữa bệnh nữa. Anh chàng sinh viên có được vài học bổng dễ ảo tưởng rằng mình là một viên ngọc trong đống đá cuội. Lê Quý Đôn cũng là một ví dụ. Ông đọc sách quá nhiều đến mức nghĩ rằng mình đã đọc hết mọi sách vở trên đời rồi.
Vấn đề của việc dung dưỡng suy nghĩ “biết tuốt” là nó tước đi cơ hội tiến bộ của bạn. Ta chỉ học hỏi khi ta chưa biết về điều gì đó. Bạn học bảng chữ cái vì bạn không biết đọc. Khi biết đọc rồi thì bạn sẽ không học chữ nữa. Thế nên khi nghĩ mình đã biết hết về điều gì đó, ta sẽ không cố gắng để tiến bộ thêm nữa.
Cho rằng mình đã biết đủ sẽ khiến nhân viên kế toán bám riết lấy phương pháp thủ công thay vì học cách sử dụng phần mềm. Người bác sĩ nghĩ mình giỏi sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp chữa bệnh lỗi thời thay vì tìm hiểu về những tiến bộ y học hiện đại trên thế giới. Thói ngông nghênh sẽ làm anh chàng sinh viên nọ bỏ những tiết học trên giảng đường. Thường thì những nhân viên lâu năm sẽ ngoảnh mặt với mọi ý tưởng mới, bất kể đó là tốt hay xấu.
Ta ôm ấp ảo tưởng biết tuốt vì cái cảm giác tự cao tự đại mang lại cho ta nhiều sự hưng phấn. Thế nên cũng có nhiều người chẳng biết gì, nhưng cũng ôm ấp ảo tưởng biết tuốt. Những anh hùng bàn phím thích tranh cãi trên mạng là người như vậy. Những người thích tranh luận bất kể đúng sai ngoài đời cũng cùng một giuộc như thế.
BẠN CHẲNG BIẾT QUÁI GÌ ĐÂU, CƠ MÀ TÔI CŨNG THẾ
2000 năm trước, con người muốn bay lên trời để chạm tới những đám mây. Thế là họ bện lông vũ lại bằng sáp ong và nhảy từ trên đỉnh núi xuống. Tất nhiên là họ đéo bay được. Khôn thế quê tôi đầy. Vài người ngã tan xác, còn Icarus thì rơi tõm xuống biển.
Con người đã không vì thế mà từ bỏ giấc mơ của mình. Đến 200 năm trước, chúng ta đã có thể bay lên với chiếc khinh khí cầu đầu tiên. Rồi đến 100 năm trước, những chiếc máy bay đã giúp chúng ta lượn vòng quanh những đám mây. Các loại máy bay không ngừng được cải tiến. Giờ đây chúng đã có thể đưa con người đến mọi nơi một cách an toàn tuyệt đối. Và chúng ta có thể thoải mái nhìn xuống những đám mây qua khung cửa sổ trong lúc nhâm nhi một tách cafe.
Nhưng con người vẫn không dừng lại ở đó. Kể cả khi đã bay được rất cao và rất xa, lĩnh vực hàng không vẫn liên tục được phát triển để bay cao và xa hơn nữa. Vượt lên những đám mây rồi, người ta lại muốn chạm tới mặt trăng. Lên tới mặt trăng rồi, người ta lại muốn tới được sao Mộc. Và nếu một ngày đến được sao Mộc, chắc chắn chúng ta sẽ vẫn còn muốn tiến xa hơn nữa.
Con người không bao giờ dừng lại. Chúng ta luôn muốn làm mọi thứ tốt trở nên tốt hơn nữa. Vậy nên mọi lĩnh vực trên đời sẽ luôn được nghiên cứu để phát triển hơn. Dù ngành marketing đã mang về hàng chục tỉ đô, những cách thức marketing mới vẫn luôn được sáng tạo để mang về thêm hàng trăm tỉ đô nữa. Dù y học hiện đại đã chữa được nhiều căn bệnh chết người ngày trước, nó vẫn không ngừng được nghiên cứu để chữa được nhiều bệnh hơn nữa.
Tri thức trong mọi lĩnh vực luôn được cải tiến không ngừng như thế. Điều ấy có nghĩa là tri thức trên đời không chỉ cực kỳ rộng lớn thôi đâu, mà nó còn là vô hạn nữa.
Tri thức là vô hạn, nhưng con người lại là hữu hạn. Chúng ta bị giới hạn khả năng nắm bắt tri thức bởi các nguồn lực của mình. Người ta bảo rằng cần đến 10000 giờ rèn luyện nghiêm túc để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Và bạn nghĩ mình có bao nhiêu cái 10000 giờ đây?
Thực tế là đa số chúng ta chỉ ở mức trung bình trở xuống trong mọi lĩnh vực mà ta tham gia. Chỉ một số rất ít người là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn đang đọc bài viết này, có lẽ bạn không ở mức xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Và tôi cũng thế, nên tôi mới ngồi viết bài này.
Nhưng kể cả khi bạn có là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, thì những điều mà bạn biết vẫn còn là rất ít ỏi so với những điều mà bạn chưa biết. Bởi vì a) thế giới này quá đỗi rộng lớn và b) mọi thứ luôn mở rộng không ngừng.
Có đến cả tỷ điều mà đến giờ nhân loại vẫn chẳng biết gì. Chúng ta không chữa được bệnh ung thư, không biết gì về COVID-19. Chúng ta không biết hết về các loài sinh vật trên trái đất, về đại dương rộng lớn, lòng đất sâu thẳm, và cả khoảng không gian bao la ngoài vũ trụ kia.
Bác sĩ giỏi nhất trên đời cũng chẳng biết hết về cơ thể người, nếu không thì mọi bệnh nan y đã được chữa khỏi. Chẳng chuyên gia nào của NASA dám nhận mình biết hết về vũ trụ cả. Người nghĩ mình là chuyên gia tài chính cũng không biết hết về đầu tư, vì nếu thế thì họ phải giàu hơn cả Warren Buffett rồi.
Người nghĩ mình hiểu hết về marketing cũng không biết hết về quảng cáo, vì sẽ luôn có những cách thức mới được phát minh.
Sự thật đắng lòng là: So với sự vô cùng tận của tri thức, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến mức biết “nhiều” trong bất cứ điều gì. Nếu bạn lấy một số bất kỳ chia cho vô cùng, bạn sẽ luôn được một số vô cùng cực nhỏ và tiệm cận với 0. So với biển học vô bờ, thì tài năng của chúng ta dù lớn đến đâu cũng chỉ luôn xấp xỉ bằng 0 mà thôi.
Đó là lý do ảo tưởng biết tuốt lại nguy hiểm. Thực sự thì bạn chẳng biết mấy tí, và nghĩ mình biết nhiều chỉ khiến bạn dậm chân tại chỗ với chút kiến thức ít ỏi của mình mà thôi. Trong thời đại mà mọi thứ biến động với tốc độ chóng mặt như hiện nay, đó thực sự là một vấn đề lớn đấy. Những phát kiến mới luôn được tạo ra mỗi ngày. Những cách thức làm việc hôm qua còn đúng, hôm nay có lẽ đã lỗi thời rồi. Trong ngành marketing thì những phương pháp của vài năm trước đã không còn là tối ưu cho thời buổi ngày nay.
Nếu bạn không thể liên tục tiến lên và học hỏi những điều mới, cơn sóng của thời đại sẽ cuốn bạn đi sớm thôi.
TÂM THẾ CỦA KẺ NGỐC
Nền triết học phương tây thường được cho là khởi nguồn từ Sokrates. Ông được coi là người khai sinh ra phương pháp luận biện chứng. Chính là cái thứ trong tư tưởng Marx-Lenin đã hành hạ bạn suốt mấy năm học đại học đấy.
Và Sokrates, ông tổ triết học, cha đẻ phương pháp luận biện chứng, thầy của Platon, chuyên gia biện luận, nhà thông thái thành Athens đã từng nói rằng: “Tôi chỉ biết có một điều, đó là tôi không biết gì cả”.
Ờm…..
Cái quái gì đang xảy ra vậy?
Ừ thì đúng là mấy lão triết gia vẫn hay nói mấy câu khó hiểu vãi cả ra, nhưng làm đếch có ai mà không biết gì cơ chứ?
Không chắc ý tưởng thực sự của Sokrates là gì. Muốn biết thì đi mà hỏi ông ấy. Nhưng tôi có kiến giải của riêng mình về câu nói này như sau: để có thể học hỏi nhiều hơn, ta phải tự nhụ rằng mình không biết gì nhiều. Để trở nên thông thái hơn, ta phải tự coi mình là một tên ngốc.
Học hỏi là một quá trình được lặp lại vô cùng tận. Khi chúng ta học hỏi, ta không đi từ “không biết” tới “biết”, mà ta đi từ không biết tới biết một chút. Rồi khi ta học hỏi thêm được một điều gì đó mới, ta lại biết thêm một chút nữa, rồi một chút nữa nữa và cứ tiếp tục như vậy. Tri thức không phải là vũng nước để bạn nhảy phắt cái là qua. Tri thức là một cái cầu thang mà bạn phải leo lên từng bậc một. Và ta cứ leo mãi leo mãi mà không bao giờ đến đỉnh, vì cái cầu thang này là vô tận.
Nhưng mục tiêu của chúng ta không nên là lên đỉnh, vì chẳng có cái đỉnh nào cả, mà nên là không ngừng leo cao hơn.
Vướng vào ảo tưởng biết tuốt cũng giống như lầm tưởng rằng mình đã leo đến đỉnh, và bạn sẽ không tiếp tục tiến lên nữa. Ngược đời ở chỗ, nếu bạn chấp nhận sự thật rằng mình luôn chẳng biết gì nhiều, thì bạn sẽ không ngừng leo cao hơn trên cái cầu thang tiến bộ.
Ta chỉ cố gắng học hỏi khi ta nghĩ mình yếu kém. Bạn từng nỗ lực học hỏi trong lĩnh vực của mình, vì ngày đó bạn thấy mình chẳng biết gì. Bạn cố gắng phát triển bản thân, vì bạn cảm nhận sự kém cỏi của mình. Cảm giác bản thân yếu kém là một cú thúc vào mông giúp chúng ta tiến về phía trước. Thế nên nếu như ta luôn tự nhủ rằng mình còn biết ít lắm, thì ta sẽ không ngừng học hỏi. Nếu như ta nghĩ mình vẫn luôn yếu kém, ta sẽ càng nỗ lực để tiến bộ. Chỉ khi ta nghĩ mình là kẻ ngốc, ta mới cố gắng để trở nên thông thái hơn.
Nhân viên kế toán nghĩ mình kém cỏi sẽ học thêm các chứng chỉ quốc tế và chịu khó đọc những tạp chí chuyên ngành. Người bác sĩ nghĩ mình chưa biết đủ sẽ tìm tòi những nghiên cứu và phương thức chữa bệnh mới. Anh chàng sinh viên hiểu rằng mình còn kém lắm sẽ hăng hái hơn trong tiết học ở trường.
Hiểu một cách đơn giản thì:
Nghĩ mình tài giỏi = Không tiến bộ
Nghĩ mình yếu kém = Không ngừng cố gắng để tiến bộ.
Và rồi nếu cứ liên tục cố gắng như vậy, rồi thì đến một ngày ta cũng sẽ đạt đến cái mốc mà người đời gọi là tài năng thôi mà, đúng không?
Tôi tin rằng, các thiên tài đều luôn nghĩ mình biết rất ít trong lĩnh vục của họ. Vậy nên họ không ngừng mài giũa bản thân mình, và đó là lý do mà họ trở nên xuất chúng. Edison tạo ra 10000 phát minh, vì ông ấy nghĩ mình chưa tạo ra thiết bị tốt nhất. Stephen Hawking cứ không ngừng nghiên cứu về vũ trụ vì ông ấy nghĩ mình chưa hiểu hết về vũ trụ. Warren Buffet vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày dù đã là tỉ phú, vì ông hiểu còn rất nhiều điều mà mình chưa biết. Có lẽ Sokrates luôn nghĩ mình “không biết gì cả”, nên ông mới có thể trở nên thông thái đến thế.
Đó là lý do vì sao mà Steve Jobs khuyên các bạn sinh viên “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ”. Stay hungry, stay foolish.
SỰ THOẢI MÁI CỦA VIỆC NGỐC NGHẾCH
Cái hay của tâm thế kẻ ngốc là nó giúp bạn vứt bỏ cái tôi lớn của mình, và thoải mái chấp nhận những sai lầm thiếu sót của mình.
Ảo tưởng mình thông thái khiến ta sẽ luôn phải cố chứng tỏ tài năng của mình với người khác. Không đến mức treo bảng như Lê Quý Đôn, nhưng ta sẽ thích ba hoa về kiến thức của mình. Ta sẽ lao vào mọi cuộc tranh luận và cố gắng đè bẹp người đối diện, bất kể mình đúng hay sai. Nếu chẳng may ta có phạm sai lầm ở đâu đó, ta sẽ không bao giờ thừa nhận khiếm khuyết của mình. Nếu ai đó chỉ ra rằng ta đã sai, thì ta sẽ gầm lên với họ và cố biện minh cho mình. Và nếu ta có chẳng may gặp thất bại, thì điều đó sẽ trở nên cực kỳ đau đớn và khó chấp nhận.
Xây dựng bản ngã của mình như một người thông thái thực sự mệt mỏi, và chẳng mang lại sự tiến bộ nào.
Nhưng làm một kẻ ngốc thì khác, nó rất thoải mái. Bạn chẳng cần phải cố chứng tỏ mình với ai cả, vì bạn có viết gì nhiều đâu. Bạn sẽ không phải cố cãi đến cùng trong những cuộc tranh luận. Nếu ai đó bảo rằng bạn đã sai, hay có thiếu sót ở đâu đó, bạn sẽ thoải mái lắng nghe và nhìn nhận khuyết điểm của mình. Bởi vì bạn đã chấp nhận rằng mình có nhiều thiếu sót, những lời góp ý giờ đây sẽ như một món quà giúp bạn tiến bộ thay vì là con dao chĩa vào bạn. Bạn cũng sẽ thoải mái với những thất bại, vì bạn là tên ngốc mà, thất bại một chút thì có sao đâu cơ chứ? Và điều hay là càng thoải mái với thất bại, thì ta càng dễ có được thành công.
Nỗi sợ lớn nhất của tôi khi bắt đầu blog này là ai đó sẽ bình luận rằng tôi là một thằng ngu bên dưới những bài viết của tôi. Tôi sợ chết khiếp những lời chê bai, và đó là lý do vì sao tôi trì hoãn việc lập nên trang web của mình trong một thời gian dài.
Nhưng khi tôi thử áp dụng tâm thế kẻ ngốc vào trò chơi viết lách này, thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn nhiều. Tôi tự nhủ với mình rằng, kiểu gì thì tôi cũng viết như cứt thôi, tôi có phải là Hemingway đéo đâu cơ chứ. Những bài viết của tôi, và cả bản thân tôi, sẽ luôn tồn tại thiếu sót ở đâu đó.
Nếu thế thì có ai đó bảo tôi là thằng ngu có lẽ cũng chẳng sao cả, vì tôi vẫn luôn rất kém mà. Nếu người ta bảo tôi viết như cứt thì cũng ổn thôi, vì đó là lý do tôi tiếp tục viết. Viết, là cách duy nhất để các bài viết của tôi đỡ cứt hơn.
Nhìn nhận mọi chuyện theo hướng này giúp tôi có thể thoải mái đăng tải những bài viết của mình mà không sợ hãi. Giờ thì chắc là tôi cũng viết đỡ tệ hơn hồi trước rồi nhỉ?
Khi tôi mở rộng việc áp dụng tâm thế kẻ ngốc vào đời sống, tôi thấy mình có thể đón nhận những lời phê bình thoải mái hơn rất nhiều. Gạt bỏ lòng tự ái nhỏ mọn sang một bên giúp tôi có thể chấp nhận những sai lầm của mình dễ dàng hơn. Nhờ đó mà tôi có thể tiến bộ từng chút, từng chút một về mọi mặt trong đời sống.
Và nếu giờ có ai bảo tôi là đồ ngốc, hay tôi sai mẹ nó hết rồi, thì tôi vẫn thấy ổn thôi. Vì đó là sự thực mà. Kiểu gì thì tôi vẫn sẽ luôn xấp xỉ con số 0 thôi mà. Nhưng suy nghĩ này đã giúp tôi đỡ ngốc hơn ngày trước. Và thế là đủ rồi.