Tôi thường trò chuyện với rất nhiều người về các mối quan hệ của họ. Và không ít trong số đó “khỏe mạnh” chẳng khác gì… virus Ebola: lạnh lẽo, xa cách, thiếu tình yêu và ăn mòn tâm hồn lẫn thể x ác. Tôi nghe đủ những câu chuyện về sự cô đơn và tan vỡ, sự lừa dối và phản bội, nỗi đau và… vẫn là nỗi đau.
Cuối cùng, những cuộc trò chuyện này luôn kết thúc bằng cùng một câu hỏi muôn thuở: “Vì sao?” Vì sao anh ấy/cô ấy lại làm thế với tôi? Vì sao anh ấy/cô ấy không còn quan tâm nữa? Vì sao anh ấy/cô ấy không thay đổi?
Tolstoy từng nói rằng tất cả những mối quan hệ hạnh phúc đều giống nhau, còn mỗi mối quan hệ bất hạnh lại khổ đau theo một cách rất riêng. Tôi nghĩ điều đó đúng. Nhưng nếu nói về chuyện ngoại tình – về việc vì sao có người chọn chung thủy, còn có người lại phản bội – thì câu trả lời thực ra khá đơn giản và dễ hiểu.
Hóa ra, chuyện ngoại tình chẳng hề hiếm gặp ở cả đàn ông lẫn phụ nữ. Các khảo sát cho thấy gần 1/4 số cuộc hôn nhân đều từng trải qua sự phản bội. Và đó mới chỉ là con số thống kê từ những người thành thật khai báo hoặc chẳng may bị phát hiện.
Nhưng ngoại tình là một vấn đề khó để giữ được lý trí. Người ta dễ nổi cơn thịnh nộ, lôi đồ đạc của đối phương quẳng ra bãi cỏ trước nhà, hoặc chìm trong đau đớn đến mức không còn đủ tỉnh táo để nhìn lại hàng loạt dấu hiệu cảnh báo đã kéo dài từ rất lâu.
Vậy nên, hãy thử giải quyết vấn đề này một cách logic. Tôi biết, các thuật toán chẳng có gì lãng mạn hay gợi cảm cả. Nhưng ngoại tình cũng vậy thôi. Vậy nên, mặc kệ đi, ta có một “thuật toán ngoại tình” đây:
❣️ THUẬT TOÁN NGOẠI TÌNH
Thuật toán này khá đơn giản và được tóm gọn như sau:
👉 THỎA MÃN BẢN THÂN > SỰ THÂN MẬT = NGOẠI TÌNH
Nói một cách dễ hiểu: khi nhu cầu thỏa mãn bản thân lớn hơn nhu cầu kết nối tình cảm, thì khả năng ngoại tình là rất cao. Giờ thì cùng bóc tách điều này một chút nhé:
Con người chúng ta ai cũng có nhu cầu tự nhiên được thỏa mãn bản thân: ăn ngon, ngủ nhiều, làm ít, chơi vui. Là những trò giải trí, những niềm vui nhỏ bé, là sex, là ngủ nướng hay thậm chí là vừa nhai ngũ cốc vừa cày phim.
Nhưng cùng lúc đó, con người cũng khao khát cảm giác thân mật, được yêu thương và gắn kết với một người khác. Ta muốn được chia sẻ cuộc đời mình với ai đó, muốn trái tim được đồng điệu, được vỗ về.
Trớ trêu thay, hai nhu cầu này đôi khi lại mâu thuẫn nhau. Để có được tình yêu và sự thân mật, đôi lúc ta phải hy sinh một chút những niềm vui bản thân. Và ngược lại, khi chạy theo sự thỏa mãn của chính mình, ta thường phải đánh đổi tình yêu và sự kết nối. Điều này có thể đơn giản như việc xem một bộ phim ta chẳng thích hoặc đi dự một buổi tiệc làm ta phát chán. Nhưng nó cũng có thể là những điều lớn lao và phức tạp hơn, như mở lòng chia sẻ nỗi sợ hãi và tổn thương của mình, hay đưa ra cam kết sẽ chung thủy với một người suốt một khoảng thời gian dài.
Nếu ai đó coi trọng sự thỏa mãn bản thân hơn là tình cảm nhận được từ mối quan hệ, họ sẽ ngừng hy sinh vì mối quan hệ đó và rất dễ đi đến con đường phản bội. Còn nếu ai đó trân trọng tình yêu và sự thân mật hơn, họ sẵn lòng hy sinh một phần nhu cầu cá nhân để giữ vững lòng chung thủy. Hãy tưởng tượng một chiếc cân. Một bên là nhu cầu thỏa mãn bản thân, bên kia là sự kết nối tình cảm. Nếu một lúc nào đó, cán cân nghiêng về phía thỏa mãn bản thân, thì… xin chúc mừng, bạn đã có một kẻ ngoại tình.
❣️ HAI LÝ DO LỚN KHIẾN NGƯỜI TA NGOẠI TÌNH
Có hai cách khiến chiếc cân này mất thăng bằng.
Cách thứ nhất: Người đó vốn dĩ là người nông cạn, ích kỷ và luôn cần được thỏa mãn ngay lập tức.
Cách thứ hai: Mối quan hệ đang không mang lại đủ sự thân mật và khao khát mà họ cần.
Giờ thì cùng gỡ rối từng lý do một…
❣️ LÝ DO THỨ NHẤT: NHU CẦU THỎA MÃN BẢN THÂN QUÁ LỚN
Theo tôi, trưởng thành chính là khả năng gác lại những ham muốn trước mắt để hướng đến những mục tiêu quan trọng và bền vững hơn trong tương lai.
Bạn không tự “giải tỏa” trong giờ làm việc vì như vậy sẽ bị đuổi cổ ngay lập tức. Bạn không ăn bánh chocolate vào mỗi sáng vì bạn không muốn lên cơn đau tim ở tuổi 32. Bạn cũng không tiêm thẳng heroin vào mắt trước khi đón con ở trường – thôi nào, chắc chẳng cần tôi phải giải thích thêm lý do đâu nhỉ?
Đúng vậy, những điều đó có thể khiến ta cảm thấy thoải mái trong giây lát. Nhưng rồi sao? Bạn còn nhiều mối quan tâm lớn hơn và quan trọng hơn thế, và bạn đủ trưởng thành để dẹp cái ham muốn nhất thời ấy qua một bên.
Đó gọi là “trưởng thành.” Đó gọi là “làm người lớn.” Đó gọi là “đừng làm một kẻ thất bại.”
Ngoại tình cũng nằm dưới cái ô đó. Tất nhiên, có thể việc dán chặt cơ thể vào một gương mặt lạ đẹp đẽ kia sẽ khiến bạn thấy vui sướng đôi chút. Nhưng một người trưởng thành sẽ biết dừng lại, nhắc nhở bản thân về những cam kết quan trọng và dài lâu trong đời.
Những kẻ ngoại tình vì thỏa mãn bản thân thường có hai kiểu: một là những kẻ đáng thương đang cố “bù đắp” sự trống rỗng trong lòng, hai là những kẻ nắm trong tay quyền lực.
Kiểu thứ nhất – những kẻ bù đắp khốn khổ: Họ lúc nào cũng phải tìm mọi cách để lấp đầy khoảng trống trong lòng bằng những thú vui chớp nhoáng. Nếu người yêu cũ của bạn thuộc kiểu này, ngoại tình có lẽ chỉ là một trong vô vàn thói quen tự hủy hoại bản thân mà họ theo đuổi. Họ có thể là kẻ nghiện rượu, ham tiệc tùng, sử dụng ma túy hoặc là một người luôn chạy theo danh vọng. Còn không thì… có thể họ đang tính chuyện xâm chiếm thế giới.
Kiểu thứ hai – những kẻ quyền lực: Họ là những người có địa vị cao và không ai dám nói “không” với họ. Họ là Genghis Khan, hay gần đây hơn là Bill Clinton hoặc Arnold Schwarzenegger. Với họ, hậu quả gần như không có hoặc chẳng đáng kể gì. Như trường hợp của Khan, sau khi tiêu diệt một tỉnh người vô tội, ông ta thoải mái trải qua cả tuần lễ trong cuộc vui xác thịt đẫm máu với những cô gái còn trinh trong vùng.
Nhưng quyền lực không chỉ tồn tại ở cấp độ xã hội. Nó có thể đến từ việc một người được trao toàn bộ quyền kiểm soát trong mối quan hệ, hoặc khi họ nhận ra rằng sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào từ phía đối phương. Đúng vậy, đôi khi chính bạn lại vô tình trao cho người ấy lý do để phản bội mình. Và đây là lúc lý do thứ hai xuất hiện.
❣️ LÝ DO THỨ HAI: SỰ THIẾU VẮNG KẾT NỐI THỰC SỰ
Chẳng cần là thiên tài tên lửa để hiểu rằng khả năng ngoại tình trong một mối quan hệ tỷ lệ thuận với mức độ thảm hại của mối quan hệ đó.
Vấn đề là ở chỗ, nhiều người không nhận ra mình đang sống trong một mối quan hệ tồi tệ. Họ lớn lên trong một gia đình đầy rẫy những mối quan hệ bất hạnh, hoặc đã quen với việc yêu đương đầy đau khổ. Với họ, khổ đau chẳng phải là điều gì bất thường – nó chỉ là bình thường.
Và rồi họ sửng sốt khi phát hiện vợ mình ngủ với anh giao sữa. “Mọi thứ đang tốt đẹp cơ mà, chuyện gì xảy ra vậy?” Không, không hề “tốt đẹp” đâu bạn trẻ. Để tôi giải thích cho.
Có hai kiểu mối quan hệ thường dẫn đến ngoại tình. Cả hai đều có điểm chung là ranh giới quá mờ nhạt. Và cả hai đều tạo ra một ảo giác rằng “mọi thứ vẫn ổn,” trong khi thực chất chỉ là đống rác rưởi được sơn phết trái tim màu đỏ lên trên.
👉 Kiểu đầu tiên: Một người luôn cảm thấy mình phải làm “mọi thứ” cho đối phương. Họ lo lắng, chăm sóc và nuông chiều người kia. Họ cảm thấy mình giống như một vị thánh, và rồi điều gì xảy ra? Họ bị phản bội.
Vấn đề ở đây là, khi bạn làm mọi thứ cho đối phương, khi bạn luôn đảm bảo mọi chuyện sẽ ổn dù có chuyện gì xảy ra, bạn vô tình tạo cho họ một suy nghĩ rằng chẳng có hậu quả nào thực sự tồn tại cả.
Ví dụ, người yêu của bạn bị mất việc vì lại lén “tự xử” trong giờ làm. Bạn xắn tay vào hỗ trợ tài chính cho họ, thậm chí còn tự gửi CV xin việc hộ họ trong suốt 6 tháng tiếp theo. Tại sao bạn nghĩ họ sẽ thay đổi? Tại sao bạn nghĩ họ sẽ tự vấn lại bản thân?
Giống như nuôi một con chó con luôn tè bậy ra thảm nhà. Nhưng lần nào bạn cũng lau dọn sạch sẽ và nhẹ nhàng dỗ dành “Vì mình yêu nó mà!” Thế thì làm sao nó ngừng tè bậy được?
Đó chính là những gì xảy ra khi đối phương ngoại tình. Bạn có thể bất ngờ, nhưng thực chất bạn đã chịu đựng và tiếp tay cho hành vi đó từ lâu rồi. Không, đây không phải lỗi của bạn, nhưng rõ ràng bạn chẳng giúp tình hình tốt hơn chút nào.
Tin hay không thì tùy, nhưng một mối quan hệ lành mạnh cần có những lời nói “không.” Hai người cần phải đứng lên bảo vệ nhu cầu và giá trị của bản thân. Chỉ khi đó, cả hai mới có thể cùng thảo luận xem điều gì phù hợp và không phù hợp trong mối quan hệ.
👉 Kiểu thứ hai: Đối phương có tính chiếm hữu và ghen tuông đ iên cuồng.
Hãy thử tưởng tượng bạn hẹn hò với một người luôn lén xem trộm điện thoại của bạn, tra hỏi từng giây bạn đi đâu, nổi điên mỗi lần bạn ra ngoài với bạn bè và hét vào mặt bạn đến mức vỡ cả mạch máu chỉ vì một ngày bạn quên nhắn tin. Trong tình huống đó, tại sao bạn không ngoại tình cơ chứ?
Ý tôi là, người ấy đang đối xử với bạn như thể bạn đã phản bội họ rồi, dù bạn chẳng làm gì sai cả. Vậy tại sao không ngoại tình luôn? Tình hình cũng chẳng tệ hơn được nữa.
Và thế là chuyện gì đến cũng đến. “Chồng tôi đã mắng tôi suốt ngày rồi. Giờ tôi đang ở bên mấy cô bạn, làm vài ly cocktail táo ngọt ngào, và chợt nhận ra mình đã chẳng còn hạnh phúc với anh ta từ cả năm nay. Vậy thì tại sao không hôn anh chàng dễ thương đang tán tỉnh mình kia chứ? Anh ta còn tốt với mình nữa. Và dù sao thì về nhà cũng lại bị mắng thôi. Thế thì… tại sao không nhỉ?” Bùm, anh giao sữa lại lập công lần nữa.
Thói quen chiếm hữu và ghen tuông thái quá thể hiện sự bất an cùng thiếu tự tôn nghiêm trọng. Làm sao đối phương có thể tôn trọng bạn khi chính bạn còn chẳng chịu nổi một chút bất an trong mối quan hệ?
Tự tin đúng nghĩa, đầy quyến rũ, không đến từ việc tranh giành sự thỏa mãn bản thân, mà từ khả năng chấp nhận gác lại ham muốn ấy. Và điều đó dẫn chúng ta đến…
❣️ LÀM SAO ĐỂ NGĂN NGỪA VIỆC BỊ CẮM SỪNG?
Có một vài bước đơn giản để tránh bị lừa dối. Nhưng lưu ý nhé, “đơn giản” không có nghĩa là “dễ dàng.” Để tôi nói rõ hơn.
👉 BƯỚC 1: ĐỪNG YÊU NGƯỜI KHÔNG BIẾT KIỀM CHẾ BẢN THÂN
Điều này nghe thì hiển nhiên đấy, nhưng đừng vội ngã vào vòng tay của kẻ đầu tiên nhìn bạn mà không nhăn mặt.
Hẹn hò với một người thích thỏa mãn bản thân có thể rất vui, miễn là bạn còn đáp ứng được họ. Nhưng bạn cần phải nhìn xa hơn cái vẻ ngoài hào nhoáng ấy và xem xét cách họ thực sự sống. Họ có biết hy sinh vì người khác không? Họ có bốc đồng không? Cuộc sống của họ có đầy rẫy những rắc rối không đáng có không? Họ có chịu trách nhiệm về hành động của mình không?
Vấn đề với những kẻ sống để thỏa mãn bản thân là họ thường khiến những người thiếu tự tin nhầm tưởng đó là sự tự tin. Tôi còn nhớ mối tình đầu của mình, điều tôi yêu nhất ở cô ấy là việc cô muốn gì là làm đó ngay lập tức. Thời điểm đó, tôi tự ti đến mức nghĩ rằng đó là biểu hiện của sự dũng cảm và tự tin.
Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra đó chẳng phải tự tin gì cả. Đó chỉ là ham muốn nhất thời không biết kiềm chế. Và khi cô ấy muốn một người khác làm mình vui sướng, thì… bạn biết kết cục rồi đấy.
Như tôi đã nói, sự tự tin thực sự chỉ tồn tại khi một người thoải mái với những gì họ không có. Nó đến từ khả năng gác lại ham muốn cá nhân và làm điều đúng đắn khi cần thiết.
Những người yêu phải kẻ chỉ biết thỏa mãn bản thân thường nghĩ: “Anh ấy hạnh phúc khi ở bên mình thế này, tại sao lại muốn tìm người khác chứ?”
Vâng, vì anh ta hẹn hò với bạn chỉ để thỏa mãn bản thân, chứ không phải vì sự gắn kết thực sự. Anh ta vui khi ở bên bạn, miễn là bạn làm anh ta vui. Nhưng ngay khi bạn không còn mang lại cảm giác đó nữa, anh ta sẽ đi tìm người khác.
👉 BƯỚC 2: XÂY DỰNG RANH GIỚI LÀNH MẠNH
Điều này có nghĩa là bạn phải biết đứng lên vì chính mình. Hãy xác định rõ những gì chấp nhận được và không chấp nhận được trong mối quan hệ – cả với bản thân lẫn đối phương. Và quan trọng hơn, bạn phải kiên định với những điều đó.
Nó có nghĩa là bạn hiểu rằng bạn không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của đối phương và ngược lại. Bạn không có quyền đòi hỏi họ làm điều gì đó vì mình và họ cũng không có quyền đòi hỏi bạn như vậy.
Nó có nghĩa là mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với khó khăn của chính mình. Và đôi khi, điều tử tế nhất bạn có thể làm cho người mình yêu chính là để họ tự đối mặt với vấn đề của họ.
Mục đích của một mối quan hệ không phải là để đối phương giải quyết mọi rắc rối trong đời bạn, cũng không phải để bạn giải quyết hết mọi vấn đề của họ.
Mục đích của nó là để hai cá thể độc lập cùng nhau hỗ trợ và đồng hành, trong khi mỗi người tự chiến đấu với vấn đề của mình.
👉 BƯỚC 3: LUÔN SẴN SÀNG RA ĐI
Đây là điều tôi nhắc đến khá nhiều khi trả lời email từ độc giả, và nó thường khiến họ bất ngờ. Nhưng một mối quan hệ chỉ mạnh mẽ khi cả hai người đều sẵn sàng ra đi. Không phải là mong muốn ra đi, mà là sẵn sàng. Mỗi mối quan hệ lành mạnh đều cần những lời từ chối cứng rắn nhưng đầy yêu thương. Nếu không, sẽ chẳng có gì thay đổi, vì đơn giản là không có lý do nào để thay đổi cả.
Một người bạn khôn ngoan từng nói với tôi rằng, sau hai cuộc ly hôn, bài học quan trọng nhất anh ấy học được là: “Cách nhanh nhất để giết chết một mối quan hệ chính là xem nhau như điều hiển nhiên.”
Một mối quan hệ không phải là nghĩa vụ. Nó là một sự lựa chọn – được đưa ra mỗi ngày. Đó là lựa chọn nói rằng: “Sự gắn kết giữa chúng ta quý giá hơn ham muốn ích kỷ của bản thân tôi.” Đó là lựa chọn chấp nhận những tổn thất ngắn hạn vì lợi ích lâu dài. Đó là lựa chọn trân trọng những gì đã đưa hai người đến bên nhau. Và để tình yêu đó giữ bạn ở lại.
Ảnh: (Ch.ết tiệt, anh giao sữa. Lúc nào cũng nẫng tay trên của cánh đàn ông chúng ta.)
Dịch từ trang: markmanson.net/why-people-cheat