Tết năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 10 là mẫu hậu tôi lại ban chiếu ra lệnh cả nhà ra chùa làm lễ “dâng sao giải hạn”. Thói quen này đã có ngót chục năm. Chẳng hiểu do bố con tôi khi ra chùa chỉ mải lang thang vãn cảnh để một mình mẹ vào làm lễ, hay do tiền công đức của nhà tôi cúng dường chưa đủ tỏ tấm lòng thành với các bậc thần linh mà từ ngày bắt đầu có thói quen ấy, hạn có vẻ lại vận vào tôi nhiều hơn.
Quan điểm về việc cầu cúng ở chùa thì mỗi người mỗi khác, nhưng đa phần xã hội tin vào việc thờ cúng ở chùa sẽ mang lại phước lành cho bản thân và gia đình. u cũng chỉ vì mong muốn những điều tốt đẹp và muốn tránh xa những tai ương có thể ập đến mà nhiều người đã bỏ biết bao thời gian, công sức, và cả tiền bạc chỉ để dành cho việc lễ bái.
Những nén hương mà mẹ tôi thắp lên ở chùa có mang lại phước lành cho gia đình tôi không, thì tôi không biết. Đấy là việc của các đấng thần linh, tôi biết thế đếch nào được. Nhưng tôi biết chắc là điều ấy không đúng với những giáo lý của nhà Phật, và cũng không mang lại phước lành cho chúng sinh, theo chính quan điểm của Đức Phật. Đạo Phật sâu sắc và chứa đựng những phương thức thực hành hay ho để giải thoát con người khỏi đau khổ hơn việc cúi người xuống vái thật sâu trong khi lẩm nhẩm A di đà Phật nhiều.
2500 năm trước, tại 1 vương quốc nhỏ nằm dưới chân dãy Himalaya mà ngày nay là đất nước Nepal, đương kim quốc vương sắp sửa đón cậu con trai đầu lòng của mình. Với cậu con trai này, vua có 1 kế hoạch Vua muốn cậu trở thành vị vua toàn trị của cả vương quốc, và muốn cuộc sống của cậu ngập trong hạnh phúc không bao giờ có khổ đau. Đức vương xây dựng những bức tường thành cao ngất bao quanh cung điện nhằm ngăn hoàng tử biết đến thế giới bên ngoài. Ngài dung túng đứa trẻ, ban cho nó ê hề thức ăn và những món quà, bao quanh nó là những người hầu thỏa mãn mọi ý tưởng bất chợt của nó.
Ngài chọn cho con mình những người thầy giỏi nhất, đào tạo cho nó những kiến thức cần thiết nhất mà một vị vua tương lai cần có. Ngài trải sẵn một con đường phủ đầy hoa hồng, để con trai mình bước lên ngôi vương trong sự sung sướng. Đúng như dư định, đứa trẻ lớn lên vô cùng thông minh, và không biết tới sự đau khổ của những kiếp người.
Toàn bộ tuổi thơ của vị hoàng tử nọ đã trôi qua như thế. Nhưng mặc cho sự xa hoa và giàu sang vô tận ấy, vị hoàng tử vẫn trở thành một chàng thanh niên hay cáu kỉnh. Chẳng chóng thì chày, mọi trải nghiệm đều sớm trở nên trống rỗng và vô nghĩa đối với chàng. Cho dù cha chàng có ban cho chàng thứ gì đi nữa, thì nó cũng có vẻ như là không đủ, không bao giờ khiến chàng thỏa mãn. Sự giàu sang cuối cùng vẫn không phải câu trả lời của hạnh phúc.
Nên vào một đêm nọ, chàng trốn khỏi cung điện để tìm hiểu xem có gì đằng sau những bức tường kia. Một tên hầu đưa chàng tới một ngôi làng gần đó, và những gì chàng chứng kiến khiến chàng khiếp sợ.
Lần đầu tiên trong đời mình, chàng nhìn thấy con người chịu đựng đau khổ. Chàng thấy người đau ốm, người già cả, những kẻ hành khất, những người đang đau đớn, và cả người chết.
Những cảnh ấy ban đầu có lẽ đã làm cậu ấm của chúng ta sợ phát khóc. Hoàng tử quay trở về cung điện và nhận thấy mình đang lâm vào một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại. Không biết phải xoay sở với những điều mà chàng nhìn thấy bằng cách nào, chàng xúc động trước mọi thứ và kêu ca thật nhiều. Và, giống như những người trẻ tuổi khác, chàng hoàng tử cuối cùng lại oán trách cha mình vì mọi thứ mà ngài cố gắng mang lại cho chàng. Chính là sự giàu sang, chàng hoàng tử nghĩ, mới khiến chàng đau khổ nhường ấy, mới khiến cho cuộc đời chàng vô nghĩa thế. Chàng quyết định bỏ đi, để tìm một cách nào đó mang lại hạnh phúc thực sự. Không phải chỉ cho chính mình, mà còn là cho tất cả mọi người trên thế gian.
Thế là, hoàng tử từ bỏ tất cả, vương vị, lạc thú, người vở trẻ xinh đẹp, đứa con trai mới chào đời, và cả song thân hết mực yêu thương chàng.
Trong suốt nhiều năm trời, vị hoàng tử ấy tự mình vật lộn với cuộc đời. Chàng sống khổ sở hơn cả một kẻ hành khất bên đường. Ở một mình trong rừng khuya vắng với bọn thú dữ hằm hè rình rập xung quanh. Mỗi ngày chỉ ăn một trái cây, chịu đựng đủ mọi thứ bệnh tật dày vò. Đối mặt với nỗ cô đơn, suy sụp cùng đủ các trạng thái tâm lý đau khổ khác, và tất nhiên, là cả cái chết nữa.
Vài năm trôi qua. Rồi thêm vài năm nữa. Và rồi … chẳng có gì xảy ra hết. Chàng hoàng tử bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống khổ hạnh này không phải chân lý. Nó không mang lại cho chàng sự hiểu biết sâu mà chàng hằng mong muốn. Nó không phơi bày thêm bất kỳ một bí mật sâu xa về thế gian này hay một mục đích cao cả nào hết cả.
Vô cùng hoang mang, hoàng tử gột rửa bản thân sạch sẽ, ra đi và tìm thấy một cái cây nằm bên một dòng sông. Chàng quyết định sẽ ngồi xuống bên gốc cây và không đứng lên cho tới khi đạt tới một ý niệm nào đó.
Như truyền thuyết kể lại, vị hoàng tử bối rối ấy ngồi dưới gốc cây suốt bốn mươi chín ngày, và rồi cuối cùng ngộ ra được con đường đến hạnh phúc và diệt trừ đau khổ. Bạn đoán ra rồi đấy. Vị hoàng tử đó chính là đức Phật. Không như những người lập giáo ở các tôn giáo lớn khác có xuất thân rất huyền bí như con trai của Thiên Chúa Jesus hay nhà tiên tri của Đấng Allah Mohammed, Phật hoàn toàn là một con người bình thường đã tìm ra “đạo” bằng chính những nỗ lực của mình. Từ “Phật” – Buddha có nghĩa là người tỉnh thức, một người đã giác ngộ tâm trí. Nó không bao giờ có nghĩa tương tự như chúa, nhà tiên tri, hay bất kỳ thần linh nào khác. Phật giáo cũng chỉ là một tư tưởng, một phương pháp thực hành để diệt khổ, chứ không phải đức tin về những đấng thần linh vĩ đại như đa số những tôn giáo khác.
Hệ thống triết lý mà Phật truyền bá xoay quanh 2 điều, nguyên nhân của đau khổ và cách để diệt trừ nó. Ông cho rằng, để diệt trừ được đau khổ thì không thể cầu nguyện như những gì người đương thời làm, mà cần tu tập để tôi luyện một tinh thần mạnh mẽ cho bản thân. Những kiến thức được truyền dạy trong kinh Phật như tứ diệu đế, ngũ triền cái, bát chánh đạo,… hay những phương pháp tu tập mà Phật đề xuất như ngồi thiền, quán tưởng, hành trì 5 giới đều nhằm mục đích huấn luyện tinh thần cho các Phật tử, để họ sẽ không gục ngã trước những đau khổ của cuộc đời. Việc cầu nguyện và cúng bái, chưa bao giờ được Phật chỉ dạy. (1)
Nói cho dễ hiểu thì đạo Phật cũng như một môn học trong giảng đường đại học. Mục tiêu của môn học là hạnh phúc và diệt trừ đau khổ. Phật chính là thầy trưởng khoa, trong khi các vị sư là các giảng viên, còn chùa triền là các cơ sở đào tạo. Những cuốn kinh điển ghi lại lời trưởng khoa là giáo trình, các điều răn là nội quy, còn việc tu tập, thực hành Phật pháp là làm bài tập. Như bất kỳ môn học nào khác, muốn qua môn này thì chỉ cần nghe giảng viên giảng bài, đọc kỹ giáo trình, làm bài tập đầy đủ và tuân thủ đúng nội quy, thế thôi. Nếu học và làm bài chăm chỉ thì bạn sẽ qua môn, xin chúc mừng. Nếu không nghe lời giảng viên và cũng không hiểu giáo trình thì bạn sẽ được F, tương đương một vé học lại. Hãy yên tâm, vì môn học này có học phí rất rẻ và mở rất nhiều lớp học cải thiện, chứ không như trường B nào đó ở quận Đống Đa.
Thế nhưng, mọi người trong xã hội chung quy cũng giống bọn sinh viên chúng tôi, thích làm những việc dễ dàng hơn là những việc đúng đắn. Để qua môn, ví dụ triết chẳng hạn, bọn tôi sẽ chẳng chọn con đường đúng đắn là học tập chăm chỉ. Còn lâu mới có chuyện các sinh viên chịu khó học về ý thức với chả vật chất, hay ngồi nghiền ngẫm để hiểu quan hệ nguyên nhân, kết quả và quy luật lượng – chất thực ra là cái gì. Chúng tôi chọn con đường dễ dàng, đấy là lập bàn thờ 2 cụ Marx và Lenin (như trong ảnh), share quả xoài và cái thìa (hoặc cả mớ những thứ tạp nham khác), hay tệ hơn nữa, là biếu xén cho giảng viên để xin điểm (à cái này tôi chưa làm bao giờ nhé).
Các Phật tử cũng y như vậy. Để qua cái môn “làm thế nào để hạnh phúc” này, các Phật tử vẫn sẽ chọn con đường dễ dàng hơn là con đường đúng đắn. Họ sẽ không đọc và nghiền ngẫm các triết lý hay ho mà Phật truyền dạy, cũng chả bao giờ ngồi thiền thực hành những điều Phật dạy một cách tử tế. Thay vào đó, họ chọn những gì dễ dàng, đó là cúi rạp mình xuống trước tượng ông trưởng khoa Phật, dâng lên bàn thờ đủ thứ lễ lạt xa hoa, màu mè và không cần thiết (kiểu như mấy cái Iphone hay xe ô tô bằng vàng mã ý), đổ hàng tá tiền dưới danh nghĩa công đức cho cơ sở đào tạo và các giảng viên. Cũng như các sinh viên với niềm tin rằng những việc làm vô ích sẽ giúp họ qua môn, những người đến chùa với muc đích lễ bái cũng tin tưởng rằng những việc làm như vậy sẽ mang lại phước lành cho bản thân và gia đình. Mục đích của những người đến chùa cúng bái là tốt, nhưng những hiều biết sai lầm về đạo Phật lại dẫn đến những hành vi sai trái, và rồi lại dân đến những hiểu lầm sai trái khác. Như đã nói ở trên, lễ bái không phải là cách mà Phật cho là đúng đắn.
Văn hóa của chúng ta đã thần thánh hóa ông trưởng khoa Siddhartha Gautama, coi ông như thần thánh và chỉ cần một cái búng tay cũng có thể làm tan biến một nửa đau khổ trên thế gian này. Những nhân vật có tính phổ biến đại chúng như Phật tổ Như Lai trong Tây Du ký, hay Bụt trong chuyện Tấm Cám chính là kết quả của việc thần thánh hóa này. Hình tượng Phật được mọi người hình dung như một vị thánh, trong khi ông cũng chỉ là một con người, một Người tỉnh thức theo đúng nghĩa của từ Buddha.
Các giảng viên cũng khó thoát khỏi vòng xoáy tha hóa. Từ chỗ là những người có trách nhiệm truyền bá đạo Phật để giúp mọi người hạnh phúc hơn, các giảng viên giờ đây phải trở thành những ông thầy cúng bất đắc dĩ. Bởi vì có ai chịu đến nghe các giảng viên giảng giải đâu cơ chứ? Người ta chỉ thích mời các thầy làm lễ cho gia đình để cầu cạnh đủ thứ. Giáo trình thì bị xuyên tạc và nhồi nhét đủ thứ thần thánh huyền bí. Các cơ sở đào tạo chỉ còn là những nơi tụ tập cho những người thích cúng bái chứ chẳng còn là nơi yên tĩnh để có thể tu hành.
Những hành vi và nhận thức ấy cuối cùng dẫn đến việc đạo Phật hiện nay bị biến tướng thành một tôn giáo thần thánh, chứ không còn là một phương pháp tu tập, thực hành như những gì tôn giáo này vốn là. Và cuối cùng, như một hệ lụy tất yếu, chúng ta thấy đủ những chiêu trò làm băng hoại xã hội của chùa Ba Vàng, tịnh thất Bồng Lai, hay đủ những nơi núp bóng cửa Phật khác.
Phật cho rằng nơi chúng ta đang sống là cõi “trần”. “Trần” nghĩa là hạt bụi. Cho dù đóng kín mít cửa sổ, bụi vẫn có thể len lỏi vào nhà. Phật cho rằng người sống trên đời không thể tránh được sự xâm nhập của những hạt bụi đau khổ, chính là những vận hạn. Muốn xua tan chúng thì cách tốt nhất là tu tập để tôi luyện tinh thần, theo những cách mà chính Phật đã tìm ra, chứ không phải là cúng bái hay cầu nguyện một cách mù quáng.
Hy vọng rằng sau bài viết này, sẽ không còn những lễ dâng sao giải hạn nữa, mà thay vào đó, mọi người sẽ tìm ra những con đường đúng đắn khác, để tự giải hạn của chính mình.