Tôi vẫn luôn nhớ lại về ngôi làng nhỏ nơi mà tôi được sinh ra. Tại sao sự tồn tại lại chọn ngôi làng nhỏ đó là nơi đầu tiên thì thật không thể giải thích được. Nó chính xác là nơi mà nó phải là. Ngôi làng đó rất đẹp.
Tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi nhưng tôi chưa bao giờ đi qua nơi nào có được cùng vẻ đẹp ấy. Không từng có nơi nào giống như nó.
Ngôi làng chỉ có vài túp lều gần bên một cái ao, và một vài cái cây cao nơi tôi thường chơi. Không có ngôi trường nào trong cái làng đó. Đó là điều vô cùng quan trọng, bởi vì tôi cứ tiếp tục giữ được tình trạng vô học thức trong gần như bảy năm và đó là những năm tháng kiến tạo nên tính cách một con người nhiều nhất. Sau đó, bất kể bạn cố gắng thế nào, bạn không thể trở nên học thức được nữa.
Vậy nên bằng cách nào đó tôi vẫn giữ nguyên là một người vô học thức, mặc dù tôi sở hữu rất nhiều bằng cấp – bất cứ kẻ ngu nào cũng có thể có được chúng. Không chỉ những bằng cấp bình thường nhưng một cái bằng thạc sĩ hàng đầu đi chăng nữa cũng có thể được đạt bởi bất cứ tên ngốc nào. Vậy nên rất nhiều những tên ngốc vẫn luôn giành lấy các tấm bằng mỗi năm qua mà không biết rằng chúng không có bất cứ ý nghĩa gì với cuộc đời hết.
Ở ngôi làng đó không có trường học, không có những con đường lớn, không có xe lửa, không có bưu điện nào cả. Thật là một phúc lành. Ngôi làng nhỏ đó tự nó là một thế giới thu nhỏ theo cách của riêng nó. Thậm chí sau khi tôi đi xa khỏi ngôi làng nhưng tôi vẫn luôn còn ở trong thế giới riêng của nó – thế giới của sự vô học thức. Cho đến cuối cùng, ngôi làng đó vẫn không thay đổi: không con đường nào nối với nó, không đường rày nào chạy qua nó, thậm chí bây giờ sau gần 50 năm, không bưu điện nào, không trạm cảnh sát nào, không bác sĩ nào – trên thực tế không có ai ốm yếu trong ngôi làng đó cả để mà cần bác sĩ, nó rất trong lành và không bị ô nhiễm chút nào.
Tôi biết những người trong ngôi làng đó, rất chân chất, họ là những người chưa từng nhìn thấy một đoàn xe lửa, những người chưa từng thấy thậm chí một chiếc xe bus hay một chiếc xe hơi, họ là những người mà sẽ rất kinh ngạc nếu trông thấy những thứ như vậy. Họ không bao giờ rời khỏi ngôi làng. Họ sống đầy tràn phúc lành và thầm lặng.
Nơi tôi sinh ra, Kuchwada, tuy không có tàu lửa lẫn bưu điện nhưng nó có những quả đồi nhỏ, khá nhiều những đụn đất và có một cái hồ rất đẹp và một vài túp lều nữa – những túp lều lợp bằng rơm. Có một ngôi nhà bằng gạch – là nơi mà tôi đã lớn lên và cũng không có nhiều những căn nhà bằng gạch như vậy trong làng. Dù được xây bằng gạch nhưng nó cũng chỉ là một căn nhà rất nhỏ.
Tôi có thể nhìn thấy nó ngay lúc này, và có thể miêu tả nó đến từng chi tiết, nhưng hơn cả ngôi nhà hay ngôi làng, tôi nhớ những con người ở đó. Tôi đã đi qua hàng triệu con người, nhưng con người ở trong ngôi làng đó thì chất phác hơn bất cứ ai, bởi vì họ cực kì nguyên thủy. Họ không biết gì về thế giới, thậm chí không một tờ báo nào đã từng đến được với ngôi làng. Bạn có thể hiểu tại sao ở đó không có trường học, thậm chí cả trường tiểu học. Thật quá đỗi phúc lành! Không một đứa trẻ hiện đại nào có được diễm phúc đó.
Tôi luôn được sống trong trạng thái vô giáo dục những năm ở đó và đó quả thực là những năm tháng tươi đẹp nhất.
Trong ngôi làng của ông bà ngoại tôi thường hay lui tới một hồ nước hoặc một con sông. Con sông thì hơi xa hơn một chút, có lẽ hai dặm, vậy nên tôi phải chọn đến cái hồ thường xuyên hơn. Nhưng đôi lần tôi cũng đi ra sông, bởi vì tính chất của hồ và sông là hoàn toàn khác biệt. Một cái hồ, theo cách nào đó, là chết, là đóng, không thể tuôn chảy, không đi tới bất cứ đâu, tĩnh. Đó là nghĩa của cái chết: không có chút nào năng lượng tích cực của sự chuyển động.
Dòng sông thì khác, luôn tuôn chảy đến một nơi không biết trước nào đó, có lẽ nó cũng không quan tâm nơi nó sẽ chảy đến là đâu, nhưng nó cứ chảy mãi, không quan tâm chảy để đạt được gì. Hồ thì bất động, cứ ở mãi nơi nó ở, đơn giản là chết, mỗi ngày đều chết, không có sự phục sinh. Nhưng dòng sông thì đầy sức sống, kể cả với một dòng sông nhỏ, hay sông lớn như đại dương, bởi vì sớm hay muộn nó cũng tới với đại dương.
Tôi yêu cảm giác của những dòng chảy: cứ trôi đi, tuôn trào, di chuyển một cách sinh động. Vậy nên thậm chí kể cả khi dòng sông xa hơn hai dặm, thỉnh thoảng tôi cũng đi đến đó chỉ để được thưởng thức nó. Còn lại tôi thường chọn bơi trong hồ.
Nhà chúng tôi ở một nơi rất đẹp, ngay trước cái hồ rộng hàng dặm: quá đẹp và quá tĩnh lặng. Chỉ thỉnh thoảng bạn mới có thể thấy những đàn cò trắng bay qua hay chỉ khi vào mùa sinh sản chúng thường gọi nhau để tìm bạn tình, chỉ lúc ấy sự yên bình mới bị quấy nhiễu. Nếu không thì đó gần như một nơi tuyệt vời để thiền định. Và sau những cuộc gọi tìm bạn tình ấy của đàn chim, sự yên bình còn trở nên đậm đà hơn, sâu sắc hơn.
Cái hồ đầy ắp những hoa sen và tôi cứ ngồi đó hàng giờ với sự mãn nguyện – như thể cả thế giới đều không phải là vấn đề khi mà xung quanh là những bông sen, đàn cò trắng, sự tĩnh lặng.
Ngôi làng cũng có một cái ao xưa, rất xưa cũ, với những cái cây xưa cũ xung quanh nó – chúng có lẽ đến hàng trăm tuổi – cùng với những phiến đá đẹp ở xung quanh và dĩ nhiên sẽ có những con ếch đã nhảy ra nhảy vào. Basho đã làm thơ để mô tả vẻ đẹp của nó: “Ao xưa. Ếch nhảy vào. Tõm!”
Đây mà là miêu tả sao? Kiểu miêu tả gì vậy chứ? Mọi thứ chỉ như vô tình được nhắc tới. Đó chính là vẻ đẹp của Basho: ông ấy có thể miêu tả thứ gì đó mà không thật sự miêu tả nó. Ông ấy có thể nói về thứ gì đó mà thậm chí không đề cập tới dù chỉ một từ liên quan tới nó. Ngày qua ngày bạn có thể nghe tiếng “tõm” của con ếch, lần nữa rồi lại lần nữa.
Tiếng con ếch nhảy vào thật sự giúp tôn vinh sự im lặng ở đó. Âm thanh đó làm cho sự im lặng đó tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã không quay trở lại ghé thăm ngôi làng một lần nào nữa. Một lần với ý nghĩa tràn đầy là đủ, đủ cho mãi mãi. Không cần lần thứ hai.
Và dù không trở lại ngôi làng – nhưng sự tĩnh lặng của cái ao xưa đó thì đã ở lại với tôi – mãi mãi.
Osho, Đứa trẻ nổi loạn