Phàm việc chiến tranh có ba điều quyết định: Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa. Suy xét dựa trên ba điều này có thể biết được thành bại của cuộc chiến.
Nhân hòa không quan trọng bằng Địa lợi, Địa lợi không quan trọng bằng Thiên thời. Nhân hòa là khả năng của con người tài năng hay kém cỏi. Địa lợi là hình thế của cương thổ thuận lợi hay khó khăn. Thiên thời thường được cho là sự thuận lợi của thời tiết, nắng, mưa, gió, bão hay khí hậu. Nhưng thiết tưởng sự thuận lợi của thời tiết cùng lắm chỉ có thể quyết định sự được thua trong một vài trận đánh, chứ làm sao có thể quyết định thành bại của cả một cuộc chiến? Những cuộc chiến tranh tự cổ chí kim như chiến tranh Tam quốc, chiến tranh Thế giới, chiến tranh Việt Nam chẳng lẽ cũng được quyết định bởi thời tiết hay sao?
Thiên thời không ở nơi bầu trời, mà ở nơi lòng người. Lòng người cùng quyết ý muốn chiến tranh, cho dù trăm nghìn thách thức mà tự nhiên đặt ra cũng có thể vượt qua. Lòng người không muốn chiến tranh, cho dù có sở hữu phương tiện hiện đại, tướng lĩnh tài ba đến đâu cũng không thể xoay chuyển thế cục.
Chiến tranh thắng lợi là do quân chủ và nhân dân đồng lòng quyết chiến. Chiến tranh thất bại là do quân chủ chỉ muốn tiến hành vì lợi ích cá nhân mà không để tâm tới ý nguyện của nhân dân. Thiên thời là yếu tố quyết định toàn diện chiến tranh. Địa lợi và Nhân hòa chỉ quyết định một giai đoạn của chiến tranh.
Vậy nên một khi khí số nhà Hán đã hết, tức là người dân không còn có lòng phục hưng nhà Hán nữa, thì Gia Cát Võ Hầu có tài ba đến mấy, cũng không thể xoay chuyển được thế cục vậy! Ta có thể xem xét vài cuộc chiến sau để làm rõ hơn điều này.
Trong Thế chiến thứ II, người Nga bị người Đức đe dọa đến sự tồn vong nên cùng sinh lòng căm phẫn, đồng tâm quyết chiến, hăng hái ra trận. Còn người Đức thì sinh lực tiêu hao, tinh thần giảm sút, người dân mệt mỏi vì phải đổ xương máu để phục vụ tham vọng của những nhà độc tài và lợi ích của giới quân phiệt. Nên dù cho khí tài quân sự vượt trội, vòng vây bóp chặt các huyết mạch của cả Liên Xô, người Đức vẫn không làm sao khuất phục nổi những người lính sẵn sàng đi chân trần trong mùa đông, uống vodka thay lương thực để cầm súng bảo vệ đất nước của họ.
Trong chiến tranh Việt Nam, giới chính trị Mỹ phát động chiến tranh chỉ để phục vụ lợi ích kinh tế của những nhà tư bản, trong khi bán đi xương máu của chính những người dân sống trên đất Mỹ. Những người lính Mỹ sang Việt Nam, hay cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đều không muốn cầm súng, nên dù họ có bao nhiêu trang thiết bị hiện đại, bao nhiêu tướng lĩnh quân sự tài ba cũng không thể đánh bại một đội quân nhỏ bé núp sau lùm cây. Còn người Việt Nam thì đồng lòng muốn bảo vệ cương thổ, cả nước cùng chung sức bất kể vùng miền, nên dù cho thua kém về Địa lợi, thiếu hụt về Nhân hòa, nhưng đến cuối cùng vẫn dành chiến thắng.
Chiến tranh Vệ Quốc thì ứng với lòng người, tức là thuận với ý “Trời”, cho dù có thể gian nan trong một vài thời điểm, nhưng về lâu dài tất thắng. Chiến tranh cướp bóc thì trái với lòng người, nghịch với ý “Trời”, cho dù có thể giành được lợi ích trong một số thời điểm, nhưng đến cuối cùng tất bại. Nhìn về cuộc chiến tranh Nga – Mỹ ủy nhiệm qua Ukraine hiện nay, có thể thấy rõ người dân bên nào đang chiến đấu để bảo vệ đất nước, người dân bên nào đang bị giai cấp thống trị lợi dụng để đạt được mục đích. Vậy cho nên một bên đoàn kết thống nhất, một bên lục đục chia rẽ. Một bên càng đánh càng mạnh, một bên ngày càng bị đẩy lùi. Lấy lẽ đó để suy ra, tất biết cục diện cuối cùng sẽ được định đoạt như thế nào vậy.