Tôi bắt đầu bài viết bằng câu nói của tác giả Alexander Lowen trong cuốn sách “The Language of Body” (Ngôn Ngữ Cơ Thể),
“…sinh vật sống bày tỏ bản thân bằng hành động rõ ràng hơn bằng lời nói. Nhưng không chỉ đơn thuần bằng hành động! Trong mọi tư thế, trong mọi thái độ, và trong mọi cử chỉ, sinh vật sống nói bằng thứ ngôn ngữ vượt quá sự biểu đạt bằng lời nói và phản ứng của nó”
Mối dây liên kết giữa cơ thể và trí óc luôn là mối quan tâm từ lâu đời của loài người, và sự thấu hiểu của chúng ta về nó vẫn còn nằm trong lớp sương mù bao phủ. Nhưng cho dù bản chất thực sự của nó là gì, mối liên kết này vẫn đặc biệt mạnh mẽ, và nhờ nó mà vòng nhân quả chạy theo cả hai chiều. Trí óc của chúng ta có thể giúp hồi phục một cơ thể yếu ớt, trong khi cơ thể vẫn có thể làm điều ngược lại. Ở phương Tây, phương pháp thứ hai này thường không được sử dụng tối đa. Các nhà tâm lý học và trị liệu tâm thần chính thống thường hướng nhiều hơn tới các kỹ thuật hoạt động ở cấp độ tư duy và cảm xúc của chúng ta, hoặc áp dụng hóa trị cho bộ não của chúng ta bằng thuốc, hơn là giúp chúng ta giải quyết các vấn đề của mình bằng các kỹ thuật hoạt động ở cấp độ cơ thể. Nhưng đối với nhiều người trong số chúng ta, sự thay đổi ở cấp độ cơ thể sinh học có thể là sự thay đổi chúng ta cần để mở khóa một cuộc sống tốt hơn. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu cách mà cơ thể chúng ta có thể được sử dụng để cải thiện sức khỏe tâm lý và phát triển một nhân cách tốt hơn rất nhiều.
Carl Jung viết trong cuốn sách “Psychological Types” (Những Nguyên Mẫu Tâm Lý) rằng, “…chúng ta không chỉ rút ra suy luận sâu sắc về cấu tạo của tâm lý từ cấu tạo của cơ thể, mà còn có thể suy ra từ đặc điểm tâm linh về cơ thể tương ứng với nét đặc trưng”.
Gốc từ nguyên của từ “character” (nhân cách) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “công cụ dập”. Trải nghiệm cuộc sống ghi dấu ấn vào chúng ta, kết hợp với di truyền giúp chúng ta hình thành nên tính cách. Tuy nhiên dấu ấn trải nghiệm này hoạt động ở cả cấp độ cơ thể lẫn tâm trí, và vì lý do này, nhân cách của chúng ta được thể hiện thông qua cơ thể cũng nhiều như thông qua tâm trí của chúng ta. Alexander Lowen viết trong cuốn sách “The Spirituality of The Body” (Tâm Linh Tính của Cơ Thể) rằng,
“…thần và hình [là] hai khía cạnh của một quá trình đơn nhất, một cái thuộc về tinh thần, một cái thuộc về thể chất, giống như hai mặt của một đồng xu. Bất kỳ lực tác động nào lên đồng xu cũng đều ảnh hưởng đồng thời cả hai bên mặt đồng xu”.
Một ví dụ để làm sáng tỏ quan điểm này. Giả sử thời thơ ấu, chúng ta có nhiều hình mẫu hài hài gây cười để noi theo hơn là hình mẫu dạy chúng ta cách sống và cách phát triển. Một trải nghiệm như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của chúng ta. Các kiểu tư duy tự ức chế và cảm xúc tiêu cực như ghét, giận, hay lo lắng cũng thường định hình nên con người chúng ta. Nhưng những cảm xúc độc hại và tư duy tiêu cực thường không được niêm phong kín trong tâm trí. Tư duy của chúng ta dẫn tới hành động, còn hành động là một hiện tượng thuộc về cơ thể. Cảm xúc thì trong tâm trí nhưng chúng cũng có biểu hiện vật chất và biểu hiện này ảnh hưởng tới cấu trúc cơ thể chúng ta. Gánh nặng hành trang tuổi trẻ không chỉ đè nặng lên tâm lý chúng ta mà còn đè nặng lên cơ thể, ức chế các hoạt động của chúng ta, như Lowen đã giải thích
“Nếu một người cảm thấy an toàn và vững chắc về bản thân, anh ta tự nhiên sẽ đứng thẳng. Nếu anh ta đang lo sợ, anh ta sẽ thu mình lại. Nếu buồn hoặc suy sụp, cơ thể anh ta sẽ đổ gục xuống. Nếu đang cố gắng che đậy sự bất an bên trong, anh ta sẽ đứng trơ ra như một bức tượng, với các cử chỉ thiếu tự nhiên”
Mỗi người trong chúng ta đều có trực giác rằng cơ thể con người hình thành nên nhân cách, vì nó tạo nên nền tảng đọc vị mọi người bằng ngôn ngữ cơ thể của họ.
“Một người thông thái có thể đọc vị rất rõ quá khứ đời tư qua dáng vẻ và hành vi của chúng ta. Toàn bộ nền kinh tế tự nhiên đều dựa vào biểu hiện. Mọi bộ phận trên cơ thể đều biết cách để kể chuyện” — Ralph Waldo Emerson
Chúng ta cần nên kính trọng mối dây liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Mặc dù chúng ta có thể dựa vào những mô tả sinh học về tính cách của người khác để giúp chúng ta hiểu được họ là ai và chúng ta nên tương tác với họ như thế nào, nhưng khá ít người trong chúng ta nghiêm túc mà xem xét cơ thể của mình cùng biểu hiện sơ sài về những khuyết điểm trong tính cách của chúng ta. Nhưng sự ngu dốt thì không có chỗ trong vấn đề này, như Socrates đã tuyên bố từ lâu:
“…thật xấu hổ khi lớn lên trong sự bất cẩn trước khi có thể thấy được người đàn ông trong các ngươi như thế nào bằng việc tập luyện để đạt được vẻ đẹp hình thể hằng mong muốn”.
Phát triển một cơ thể theo hướng lý tưởng nhất là một trong những cách chắc chắn nhất để đạt được một nhân cách tốt đẹp. Vì khuôn mẫu tư duy và cảm xúc của chúng ta tác động tới cấu trúc cơ thể, nên cách chúng ta cử động cơ thể cũng thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Ví dụ như, nếu chúng ta muốn trở nên can đảm, chúng ta có tự nhủ với mình rằng “Hãy can đảm lên!”, nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể bắt đầu cử động cơ thể theo cách phản ánh và thúc đẩy lòng dũng cảm. Nhưng để tận dụng cách tiếp cận từ dưới lên này để phát triển tính cách, chúng ta cần hiểu thân hình lý tưởng mà chúng ta theo đuổi — chỉ với những kiến thức như vậy, chúng ta mới có thể bắt đầu tạo ra các bài tập để giúp chúng ta đi đúng hướng.
Điều đầu tiên chúng ta cần nhận ra là với sự gia tăng của chứng rối loạn lo âu và trầm cảm ngày nay, biểu hiện cơ thể của một số lượng người ngày càng tăng cũng trở thành bệnh lý. Một trạng thái cơ thể bình thường không nên được coi là đại diện cho sức khỏe. Sự cứng nhắc, bất động, lúng túng trong cử động và tính cưỡng ép hoặc bốc đồng trong hành động, là điển hình cho biểu hiện ủ rũ của con người được cho là bình thường ngày nay và tất cả những đặc điểm đó cần phải bị loại bỏ.
“Diễn giải rộng ra, người bị rối loạn cảm xúc cử động một cách cưỡng chế hoặc bốc đồng. Người cưỡng chế thường cứng nhắc, sự kiềm chế bản ngã của anh ta quá nghiêm trọng đến mức các chuyển động của anh ta mang tính chất máy móc, khuôn mẫu và thiếu tính tự phát… Người bốc đồng thì hiếu động; anh ta không thể ngồi yên hoặc chuyển năng lượng của mình vào các hoạt động mang tính xây dựng. Bản ngã hời hợt của anh ta liên tục bị cảm xúc lấn át. Đồng thời, anh ta thường xuyên thất vọng vì tình cảm tràn đầy mà không đạt được gì. Người cưỡng chế sợ buông bỏ sự kiểm soát cứng nhắc của mình, người bốc đồng không thể duy trì tốt sự kiểm soát” — Alexander Lowen viết trong cuốn sách “The Voice of Body” (Tiếng Nói Của Cơ Thể)
Ngược lại với bức tranh về rối loạn cảm xúc, một cơ thể khỏe mạnh ở một con người phát triển tốt được xác định bởi hai đặc điểm chính: sự duyên dáng và tính “tiên phát”. Sự duyên dáng có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất của một cơ thể, là nơi trú ngụ của một tâm hồn thăng hoa. Cá nhân sự duyên dáng bắt mắt chúng ta một cách tự nhiên, không chỉ bởi vì những người như vậy là hiếm, mà còn bởi vì kiểu chuyển động này vốn đã rất thu hút. Những người duyên dáng không tự ý thức về cơ thể của mình và họ di chuyển một cách dễ dàng tự nhiên. Lowen gợi ý rằng sự duyên dáng được tìm thấy ở tỷ lệ vàng giữa tính tự phát và khả năng kiểm soát. Quá nhiều thứ góp phần vào sự xáo trộn tâm lý, nhưng liều lượng lành mạnh của cả hai là công thức tạo nên sự duyên dáng, hay như Lowen giải thích,
“Tính tự phát là một chức năng của sự tự thể hiện. Một người càng có sức sống thì các chuyển động của anh ta càng tự phát. Cơ thể biểu cảm một cách tự nhiên; nó liên tục thay đổi để phản ánh cảm xúc bên trong. Về mặt này, nó giống như một ngọn lửa, không bao giờ giống nhau ở bất kỳ thời điểm nào. Nhưng một cơ thể người có cấu trúc rõ rệt hơn ngọn lửa, nó không cứng nhắc như một cỗ máy. Nó linh hoạt và phản ứng với hoạt động của các lực lượng bên trong… Khi khả năng kiểm soát và tính tự phát được tích hợp trong chuyển động của cơ thể, ta có kết quả là sự phối hợp. Sự phối hợp phản ánh mức độ mà bản ngã được đồng nhất với cơ thể và vẫn chỉ huy các chuyển động của nó. Một người khỏe mạnh có được sự phối hợp nhịp nhàng trong các cử động của mình”
Nhưng con người, dù thạnh hay suy, không chỉ đơn thuần dựa trên sự duyên dáng trong biểu hiện trên cơ thể, người đó phải còn có khả năng “tiên phát”. Không phải “tiên phát” theo nghĩa thực hiện hành vi thù địch chống lại người khác, mà là ngược lại với sự thụ động. Người “tiên phát” không ngồi yên chờ đợi những thứ cần thiết được dọn sẵn, mà họ phải là người chủ động. Những người như vậy sẵn sàng tiến lên trong cuộc sống để tìm kiếm những gì họ cần. Tính “tiên phát” là một đặc điểm tự nhiên thể hiện ở tất cả các sinh vật sống, nếu không có nó thì không thể tồn tại được. Con người là sinh vật duy nhất có thể tự lừa dối mình với niềm tin rằng thụ động là cách thích hợp để sống.
“Những xung động hung hăng tự nhiên của con người có thể bị dập tắt nhưng chúng không thể bị loại bỏ. Cuộc sống, bản thân nó, là một quá trình tích cực ở chỗ nó là một quá trình liên tục, tiến về phía trước nhằm tìm cách vượt qua mọi trở ngại. Một hạt giống đang nảy mầm vực dậy theo cách của nó lên trên mặt đất để đến với ánh sáng. Miễn là các hoạt động trao đổi chất luôn liên tục, thì nguồn năng lượng sẽ được sản xuất để cung cấp cho các xung năng mạnh mẽ. Khi những xung lực này bị chặn lại khỏi sự biểu hiện, dòng năng lượng bình thường sẽ bị phá hủy, tạo ra một trạng thái bùng nổ” — Alexander Lowen
Làm thế nào để một người thể hiện tính “tiên phát” để thúc đẩy sức khỏe? Theo Lowen, tính “tiên phát” chủ yếu phụ thuộc ở đôi chân của chúng ta. Đôi chân là thứ đưa chúng ta tiến lên trong cuộc sống, cho nên sức mạnh linh hoạt hay bị hạn chế đều nằm ở đôi chân, nhưng với một sự thụ động sẽ ức chế một tư duy “tiên phát”. Đứng với trọng lượng chuyển xuống lòng bàn chân và đầu gối hơi cong là một tư thế có thể khiến tâm trí tăng cường tính “tiên phát”. Nhưng tính “tiên phát” cũng phụ thuộc vào mối liên hệ của chúng ta với mặt đất, hoặc như Lowen giải thích,
“Có được nền tảng vững chắc để đứng thẳng thì có một ý nghĩa tâm lý lẫn nghĩa đen. Về mặt tâm lý, có nghĩa là một người nên có lý do hoặc nguyên nhân chính đáng cho hành động của mình. Nếu không có niềm tin bên trong, dù đúng hay sai, rằng hành động của mình là chính đáng, thì sẽ khó tiến về phía trước một cách hiệu quả… Để đánh giá mức độ mạnh mẽ của một người, chúng ta có thể đánh giá cách mà anh ta có thể giữ vững lập trường của mình. Nói rộng ra, chúng ta có thể nói rằng một người càng đứng vững trên đôi chân của mình, thì người đó càng có thể giữ vững lập trường của mình”.
Tính “tiên phát” và sự duyên dáng. Đó là các dấu hiệu của một cơ thể thăng hoa và chúng ta càng thực hành những biểu hiện như vậy, thì chúng ta càng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
(Còn tiếp)
————–
(Bài dịch mình đã xin phép từ 1 người tên Jason Ho, anh ấy cũng là 1 người dịch về AOI trước kia. Nay xin phép lấy 2 bài về Ideal of body, những bài còn lại thì mình vẫn dịch tay, 2 bài này là ngoại lệ)