Như những gì tôi viết gần đây, tôi đang bước trên một hành trình dài. Đó là hành trình dần chấp nhận những gì mình có trong có cuộc sống, mình muốn trở thành ai và mình muốn đi đâu.
Tôi cảm thấy được thúc đẩy, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng tôi cũng gặp rất nhiều trở ngại trên hành trình này.
Tôi đang trong quá trình cải thiện tư duy của mình. Để tập trung nhiều hơn vào những điều quan trọng và bỏ qua những thứ còn lại.
Khi nhìn lại những việc mình đang làm, tôi nhận thấy mình gần như đang tự cô lập bản thân, và thành thật mà nói, tôi cảm thấy tốt hơn vì điều đó.
Năm ngoái, tôi tìm đọc rất nhiều về Chủ nghĩa Khắc Kỷ. Giờ tôi đang đọc “Suy Tưởng” của Marcus Aurelius. Tôi đã đọc lại đến lần thứ 3 rồi, lần đọc nào tôi cũng tìm được những tri thức triết học đáng giá.
Một đoạn nổi bật với tôi là:
“Có một điều chưa bao giờ làm ta hết kinh ngạc: tất cả chúng ta đều yêu bản thân mình nhiều hơn những người khác, nhưng lại quan tâm đến ý kiến của họ hơn ý kiến của chính mình.”
Nghe có vẻ là một ý niệm đơn giản, bạn không cần bình luận về bất cứ điều gì ngoài tầm kiểm soát hoặc cuộc sống của chính mình.
Thật dễ để bị cuốn theo mấy cuộc tán gẫu ở nơi làm việc hoặc bị kéo vào những cuộc tranh luận về chính trị mới nhất.
Tôi nhìn lại và thấy mình đã tham gia bàn tán về quá nhiều việc so với những chủ đề tôi thực sự cần/nên tham gia.
Những thứ tôi không quan tâm, những thứ không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc bào mòn trạng thái tinh thần của tôi.
Tôi đã cho đi một phần của mình để xoa dịu người khác.
Tôi đánh mất sự bình yên của chính mình, để bình luận về những vấn đề không liên quan gì đến mình.
Tất cả những điều này, xét cho cùng, là lỗi của tôi.
Tôi biết mình không cần phải tham gia vào những cuộc trò chuyện này, nhưng tôi đã làm vậy. Gần như vì sợ mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó. Nếu không tham gia, nếu không đưa ra ý kiến của mình, thì sau này sẽ không thể tham gia.
Tôi đã vui vẻ đặt mình vào vị trí sẵn sàng chịu sự soi mói từ đồng nghiệp, chỉ để đưa ra quan điểm về một vấn đề mà tôi không thực sự quan tâm. Ngay cả khi tôi thực sự quan tâm đến chủ đề này, tại sao việc người khác biết về suy nghĩ của tôi lại quan trọng?
Tôi có thể thấy điều trớ trêu là tôi viết trên mạng, chia sẻ quan điểm của mình về mọi việc với hơn 500 người. Nhưng tôi thấy có sự khác biệt.
Tôi hoàn toàn kiểm soát được những suy nghĩ mình chia sẻ ở đây, tôi làm như vậy với hy vọng suy nghĩ của tôi sẽ ảnh hưởng lên người khác và họ có thể rút ra được điều gì đó từ chúng. Không giống như những lời “ngồi lê đôi mách” ở nơi làm việc mà tất cả chúng ta đều biết rõ.
Trong tương lai, tôi dự định sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận. Cũng giống như cách tôi làm ở đây, tôi sẽ thôi “nói mà không suy nghĩ”.
Tôi cần lưu tâm hơn đến việc bảo vệ sự bình thản của chính mình và điều đó rất quan trọng đối với tôi. Tôi tìm thấy sự bình yên trong trạng thái trung lập.
Ngày nay, mọi thứ trên thế giới này buộc phải phân biệt phải – trái, trắng – đen, đúng – sai. Tôi muốn đào một con đường xuyên thẳng qua chúng. Tôi muốn đi đúng con đường mà mình đã chọn.
Một con đường bình lặng, sống có chủ đích hơn. Không có chỗ cho những bép xép. Và khi quyết định đi chệch khỏi con đường mà mình đang đi, tôi muốn điều đó phải mang ý nghĩa nào đó.
Một sự lựa chọn có chủ ý, quan sát nhiều hơn và nói ít hơn. Không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy cần phải đưa ra ý kiến, cho phép bản thân giữ lại điều gì đó chỉ dành cho mình.Tôi chọn tập trung vào những gì trong tầm kiểm soát của riêng tôi. Không có lựa chọn nào khác.