Thói quen không chỉ định hình một anh em lý tưởng trong tương lai, mà còn xác định luôn vận mệnh và hướng đi của anh em trong đời. Khi thói quen trở thành một phần của lối sống hằng ngày, hầu như mọi quyết định của anh em sẽ đều phải được cân nhắc, xem nó có ảnh hưởng đến thói quen đó hay là không.
Và sau thời gian dài, sau hàng loạt những quyết định được cân nhắc kỹ, anh em sẽ khác với bản thân ở quá khứ rất nhiều.
Hành động viết nhật ký mỗi ngày, được nhiều người đánh giá là trò trẻ con và có phần phí phạm thời gian, trong khi nếu anh em xác lập được nó một thời gian dài, ngày nào cũng viết dù chỉ vài dòng cho bản thân, sau nhiều năm tự dưng con người anh em sẽ điềm đạm, nghĩ gì cũng có vẻ sâu sắc hơn rồi. Vậy tính ra, đâu hẳn là phí phạm lắm, đúng không?
Cái lợi của việc viết này, khá rõ ràng nghen anh em. Đợt xưa tôi có từng đọc một câu, thề chịu chết không hiểu được, nhưng giờ đã thấm hơn rất nhiều. Đó là câu “Thích điều mình làm, thay vì làm điều mình thích” – trước tôi thấy hai vế gần như giống hệt nhau về nghĩa, khác nhau ở đâu nhìn không ra. Cũng từ thói quen viết, nó giúp tôi suy nghĩ, và hiểu được nhiều ý niệm hơn.
Muốn viết được nhiều, muốn vừa viết vừa hiểu sâu điều mình đang nói đến, thì chắc chắn phải đọc. Thói quen viết đòi hỏi một vốn từ nhất định, một lượng kiến thức luôn được trau dồi, nó xảy ra rất tự nhiên, như một kỹ năng mà anh em luôn muốn cải thiện vậy. Từ một thói quen, nó kéo theo một thói quen khác, việc viết đòi hỏi thói quen đọc, hoặc ngược lại, để viết là hành động giúp anh em tiêu hoá những thứ chi được nạp vào người tốt hơn.
Nhưng việc đọc sách không hề dễ, nếu nói không ngoa là một môn chơi cần nhiều kỹ năng để thực sự thấy thích thú. Anh em tự hỏi mình xem, khi đọc mình có đang suy tư, có đang chìm đắm vào thế giới của tác giả, có đôi khi đối chiếu lại với chính mình? Hay anh em chỉ đang nhìn dòng chữ chạy ngang qua mắt, để đầu óc lang thang nơi nào, đọc một cách lười biếng và tự đánh lừa bản thân? Việc đọc đòi hỏi một quá trình suy nghiệm tốn nhiều năng lượng tinh thần, để giữ được mình tập trung, anh em phải tránh xa thiết bị giải trí cũng như thói quen xấu gây lú, gây ngáo.
Anh em chỉ thử lướt cái Fb Watch hay Short trên Utube tầm 10p thôi, sau đó lôi sách ra đọc, tập trung được chết liền. Vậy viết với đọc giờ rủ rê thêm một thằng bằng hữu, là ít online, ít giải trí rác. Lại kéo theo một thằng khác nữa ngủ đủ, ngủ sớm – thử thiếu ngủ một hôm sáng hôm sau tập trung đọc được chết liền.
Ý của tôi ở đây là gì? Anh em không cần phải thay đổi gì cho lớn lao, không cần phải làm mới mình ngay tức khắc. Sự thay đổi mà thói quen mang lại, nó ngấm ngầm diễn ra theo thời gian, mà phải vài tháng (thậm chí nhiều năm sau) anh em mới thấy được giá trị của nó. Và cái cốt yếu, những thói quen tốt nó thường rủ rê lẫn nhau, một nhánh thói quen lại phải đòi hỏi nhiều nhánh thói quen khác bổ trợ cho.
Anh em chỉ cần bắt đầu thật nhỏ, hình thành một thói quen mà anh em thấy thích, hoặc từ bỏ một vòng lặp xấu hàng ngày. Tự nó theo thời gian sẽ dần mở ra nhiều thói quen khác mà tốn rất ít năng lượng. Yêu cầu duy nhất của nó, có lẽ là sự kiên nhẫn theo thời gian, một thói quen tốt cần rất nhiều thời gian để được vun trồng và phát triển. Nó phát triển chậm, nhưng mà phá rất nhanh.
Tâm lý đòi hỏi phải thành thục nhiều thói quen một lần sẽ phản tác dụng, khi thất bại trong việc đưa bản thân vào kỷ luật, anh em có xu hướng dễ bỏ cuộc hoàn toàn, cũng là nguyên do chính dẫn đến sự nghi ngờ bản thân, cũng như cảm giác bất lực và thấy cục đời vô vị kiểu gì.
(Còn tiếp)