Chủ đề này tôi biên rồi, nhưng bài này bồi thêm ý cho anh em, để chúng ta bớt hồ đồ và biết tôn trọng cách sống của người khác, rồi dồn thời gian tập trung cải thiện mình thôi, mà quan trọng hơn hết là đỡ mất thời gian tranh luận tại sao người kia sống thế này, người này lại sống thế kia, rồi tại sao người ta không sống giống mình.
Sống sao là quyền tự do của người ta, ở mức cơ bản thì cái tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật và quy định chung…
Chứ đèn đỏ mà anh em đạp ga lao tới thì toang, đỏ, vàng, xanh đã ghi rõ, anh em chạy xe vòng vòng cả ngày không ai quan tâm nhưng đến đèn đỏ thì nhớ dừng.
Còn trên mức cơ bản tý, cuộc sống nó cũng vận hành với những quy định ngầm như tín hiệu xanh đỏ vàng của đèn giao thông vậy, có cái pháp luật không cấm nhưng anh em không nên làm, không nên nói, đó là đèn đỏ ngầm!
Anh em nào va chạm trải đời nhiều rồi thì nắm rõ có mấy đèn đỏ ngầm ở đâu, khi nào, để biết dừng đúng lúc, đừng đi quá giới hạn.
Rồi trở lại vụ không gian hạnh phúc, nó liên quan gì đến vụ đèn đỏ ngầm, mỗi người có không gian hạnh phúc khác nhau, cả con vật cũng thế, không gian hạnh phúc của một con bò là được ăn cỏ xanh, được vệ sinh đều đặn, ngắm cảnh, nghe nhạc, và không bị làm thịt. Nôm na như vậy, không gian hạnh phúc của con bò không áp dụng cho chúng ta được.
Và ngược lại, điều làm chúng ta hạnh phúc cũng không thể áp lên con bò được, anh em để cục vàng và bó cỏ xanh tươi mát thì con bò sẽ đá cục vàng đi chỗ khác. Vô nghĩa đối với nó. Giữa người với người cũng thế, không gian hạnh phúc của một vị tướng nó khác, và không gian hạnh phúc của ông xe ôm nó khác.
Ông xe ôm chạy đủ tiền, ra làm chai bia, đá tý mồi, rồi cầm đủ tiền chợ về cho vợ ngày mai là vui… tối ngủ ngon, mai ra chạy tiếp. đó là các yếu tố cấu thành không gian hạnh phúc của ổng.
Còn một vị tướng thì không gian hạnh phúc nó phức tạp hơn, liệu lính mình hôm nay nó đã ăn đủ chưa, rồi lính mình có làm đúng mục tiêu không, chiến lược A nó đến đâu rồi, rồi hàng tấn việc khác, chưa kể gia đình vợ con… phải gom hết lại thì nó mới thành không gian hạnh phúc của một vị tướng, không gian hạnh phúc khác nhau, thì mức độ trăn trở sẽ khác nhau, nên anh em chọn Vai gì diễn ở game đời này thì không gian hạnh phúc nó tịnh tiến và thay đổi theo Vai diễn đó.
Tôi độc thân thì không gian hạnh phúc nó khác, tôi có vợ có con rồi thì không gian hạnh phúc nó sẽ khác đi, nhiều yếu tố hơn vì có thêm người trong đó.
Thiết kế cho mình một không gian hạnh phúc phù hợp và đủ tầm, là một nghệ thuật sống, chứ chẳng chơi.
Sức, lực, mình đến đó thì không gian hạnh phúc nên vừa tầm thôi, để mình làm vừa đúng sức, đúng năng lực. Anh em đọc đến đây mà hiểu, thì sẽ rút được vài ý cốt lõi
1. Không gian hạnh phúc, không ai hơn ai cả, nó chỉ phù hợp với người đó thôi. Cho nên, đừng nên đánh giá tại sao người ta sống như vậy, đó là quyền tự do của ng ta.
2. Không gian hạnh phúc có thể tinh giản và cắt bớt được, trước ăn 4 buổi tôi mới vui, giờ rút 2 buổi cũng vui.. nó như vậy. Không tăng nguồn lực thì nên giảm cầu, còn nguồn lực dồi dào thì không gian hạnh phúc đủ trò, đủ kiểu, cũng chẳng sao, miễn đủ đáp ứng.
3. Không gian hạnh phúc là một trò chơi của tâm trí. Thật ra, anh em đang làm đủ mọi thứ trên đời, cũng chỉ để thoả cái cảm giác của chính mình thôi… nó vi tế, anh em phải ngẫm rồi mới thấy điều tôi nói.
Tôi có một ông anh, lần đầu mua chiếc siêu xe, ông hạnh phúc vô cùng, tuy nhiên cảm giác hạnh phúc đó bắt đầu giảm dần khi ổng mua đến chiếc thứ 5… nó thực sự hết cảm giác phê ban đầu ! rồi ổng lại kiếm trò lạ khác để tìm cảm giác phê mới… đỉnh điểm ông bay qua miếng điện cạo đầu để tìm cảm giác buông bỏ!
Tôi còn nhớ hồi cấp 3, Má tôi mua cho chiếc xe máy đầu tiên, cảm giác nó còn phê hơn lúc tôi mua chiếc xe hơi bây giờ… mind game anh em ah. Nên tất cả đều là cảm giác, một trò chơi mà mình tự chơi với chính mình. rồi mình tự làm mình khổ.
4. Không gian hạnh phúc càng ít yếu tố cấu thành thì càng dễ duy trì và ít dính mắc, cũng một tô phở,
một anh công nhân ăn cảm giác sẽ khác, một ông ceo ăn cảm giác sẽ khác, một cô diễn viên nổi tiếng ăn sẽ khác, anh em nghĩ ai ăn tô phở hạnh phúc nhất?
Khó nói đúng không, ai ăn toàn tâm, không nghĩ ngợi gì, trọn vẹn với tô phở, vị giác đầy đủ, thì hưởng trọn khoảnh khắc đó… Chứ anh em ngồi ăn mà nghĩ về chuyện a, việc b, người c, tô phở bớt ngon là chắc.
Tản mạn vậy thôi, có ý nào dùng được thì anh em dùng, hiểu không gian hạnh phúc của mỗi người khác nhau thì anh em sẽ nhìn ra được những cái đèn đỏ ngầm để tiết chế đúng lúc…
mỗi văn hoá nó khác, mỗi sắc tộc nó khác, mỗi vùng miền nó khác!
Cheers
Bác 7B
———
Hình của Bijan