“Những cơn mẫu thuẫn gay gắt nhất, nếu vượt qua, sẽ để lại cảm giác an toàn và bình thản không dễ gì bị xáo trộn.” (Carl Jung)
I) Sự phát triển của Shadow và Persona
“Tất cả phẩm chất, năng lực và khuynh hướng không đồng nhất với các giá trị tập thể – những thứ tránh xa ánh sáng của dư luận, trên thực tế – đã hợp lại tạo nên Shadow, phần đen tối của nhân cách không ai biết tới và không được công nhận bởi bản ngã (Ego). Một chuỗi vô tận các hình tượng của Shadow và doppelgänger trong nhiều câu chuyện thần thoại, cổ tích và văn học trải dài từ Cain và Edom, cho đến Judas và Hagen, rồi thì Mr.Hyde của Stevenson cuối cùng là kẻ xấu xí nhất (Ugliest man) của Nietzsche. Những hình tượng như này đã xuất hiện liên tục và chịu khuất phục trước ý thức của con người, nhưng ý nghĩa của cái mẫu tượng đối nghịch này vẫn chưa được nhân loại biết tới.” (Depth Psychology and a New Ethic, Erich Neumann)
“Persona chính là mặt nạ ta đeo để giao tiếp với thế giới bên ngoài và con người. Nó được tạo ra nhờ vào việc gộp lại quá trình xã hội hóa, những kỳ vọng đến từ xã hội, trải nghiệm của một người về thế giới đó, và những đặc tính và khuynh hướng tự nhiên của cá nhân. Nó tổng hợp những khía cạnh ta muốn nhìn thấy ở bản thân mình, một cách lý tưởng, và cách ta muốn thế giới nhìn vào mình, cũng như là cách thế giới muốn nhìn nhận và mong muốn ta trở thành cái gì. Persona là thứ quyết định bản sắc xã hội của ta; nó được tạo ra để phù hợp với vai trò ta có trong cuộc sống và ngoài thế giới, cách ta muốn được chú ý và nhìn nhận như nào. Nó chính là bộ mặt ta mang để có thể hòa nhập và được xã hội chấp nhận. Nó không phải là bản chất của chúng ta, mà đúng hơn nó là những gì ta muốn và giả vờ trở thành đối với người khác, nhiều khi, là đối với bản thân mình.” (War of the Gods in Addiction, David Schoen)
II) Sự kìm nén Shadow và gắn bó thái quá với Persona.
“Phần ánh sáng rộng lớn của ý thức gây ra hệ quả tất yếu đó là một phần của Psyche có ít ánh sáng hơn và không phù hợp với nhận thức sẽ bị đẩy vào trong bóng tối đến nỗi không sớm thì muộn sẽ xảy ra bất đồng trong hệ thống tâm thức. Thoạt đầu, nó không được công nhận và do đó phóng chiếu – nói cách khác nó xuất hiện như một sự phóng chiếu về mặt tôn giáo, dưới hình thức phân chia thành 2 sức mạnh Ánh Sáng và Bóng Tối.” (The Symbolism of the Spirit, Carl Jung)
“Tình huống phố biến và quen thuộc hơn đối với con người đó là khi bản ngã (Ego) tự đồng nhất chính nó với các giá trị đạo đức. Quá trình đồng hóa này xảy ra bằng cách hợp nhất phần bản ngã với Persona. Bản ngã nhầm tưởng mình là phần nhân cách giả tạo (tất nhiên trong thực tế thì phần nhân cách giả tạo này đã được điều chỉnh để phù hợp với tập thể), và quên mất rằng nó đang sở hữu những khía cạnh trái ngược với Persona. Điều này có nghĩa rằng bản ngã đã kìm nén phần mặt tối của nó và không còn tiếp thu những nội dung từ bóng tối nữa, vì nó mang tính tiêu cực và bởi lý do này mà nó bị chia cách khỏi vùng ý thức.” (A Psychological Approach to the Dogma of the Trinity, Carl Jung)
III) Tác hại tiêu cực của việc kìm nén Shadow
“Mỗi người đều mang một Shadow, nó càng ít hiện diện trong đời sống ý thức của cá nhân bao nhiêu, thì nó càng đen tối và đậm đặc bấy nhiêu. Sau tất cả, nó sẽ tạo ra một chướng ngại trong vô thức, cản trở những ý muốn tốt đẹp nhất của ta.” (Carl Jung)
IV) Bị Shadow chiếm hữu và sự nghiện ngập.
“Tìm hiểu rõ ràng hơn về những đặc tính đen tối – nó là những thứ thấp kém cấu thành nên Shadow – đã cho thấy rằng chúng có bản chất là cảm xúc , một dạng tự lập, và tiếp đó nó mang đặc tính ám ảnh, hoặc đúng hơn là mang tính chiếm hữu.” (Carl Jung)
“Theo nhiều cách, Shadow của cá nhân củng cố, khuyến khích và lệ thuộc vào hành vi gây nghiện để bộc lộ chính mình, liệu có bất kỳ sự tồn tại nào khác bên ngoài ánh sáng của kho chứa, gác xép, và tầng hầm, những nơi đã bị khóa chặt và giấu kín từ rất lâu. Thường thì những hành vi gây nghiện sẽ giúp cho Shadow của cá nhân có duy nhất một cơ hội để được sống và tồn tại. Shadow của ta càng bị chia cắt và ở trong vô thức bao lâu, thì chúng ta lại càng dễ bị tổn thương bấy nhiêu khi phần Shadow này thoát ra và được giải phóng trong một thời gian nhất định bởi những hành vi nghiện ngập.” (War of the Gods in Addiction, David Schoen)
V) Liên hợp Shadow
“Thứ bóng tối này tôi thừa nhận là của riêng mình.” (William Shakespeare)
“Lần đối diện này chính là thử thách đầu tiên cần lòng dũng cảm trên con đường vào sâu bên trong, một thử thách đủ để làm kinh sợ hầu hết mọi người, bởi lần gặp mặt chính bản thân mình lại liên quan tới những điều khó chịu hơn, thứ mà có thể tránh được nếu ta phóng chiếu tất cả những thứ tiêu cực đó ra bên ngoài môi trường. Nhưng nếu ta có thể thấy Shadow của mình và dám tìm hiểu về nó; thì một phần của vấn đề đã được giải quyết: chúng ta ít nhất cũng đã hiểu biết về vô thức cá nhân. Shadow chính là một phần bên trong nhân cách, chính vì thế mà nó muốn sống cùng dưới một hình thức nào đó. Không thể dùng lý luận để biết được sự tồn tại của nó hay là hợp lý hóa nó thành một thứ vô hại. Vấn đề này cực kỳ khó nhằn, bởi nó không chỉ thử thách toàn bộ con người, mà nó cùng lúc còn nhắc nhở anh ta về sự bất lực và vô dụng của mình.” (Carl Jung)
“…sự liên hợp [Shadow] không thể xảy ra và dùng cho một mục đích tươi đẹp trừ khi một người có thể thừa nhận những khuynh hướng gắn liền với Shadow và hiểu rõ được chúng ở một mức độ nào đó – tất nhiên, cùng với việc tự đánh giá lại chính mình . Dù điều này dẫn đến sự chối bỏ và căm ghét bản thân, nhưng nó cũng giúp bản thân mình tự lập, thiếu những điều này thì sự thành toàn (Individuation) không thể xảy ra.” (A Psychological to the Dogma of the Trinity, Carl Jung)
V) Shadow và Đối diện với con rồng (The Dragon)
“Trong nhiều thần thoại thì anh hùng là người chế ngự con rồng, chứ không phải là người bị nó nuốt chửng ngược lại. Và đúng là cả hai trường hợp này đều đối mặt cùng một con rồng. Nhưng, anh sẽ không thể là anh hùng nếu như chưa bao giờ chạm trán với con rồng, hoặc nếu anh nhìn thấy nó, nhưng sau đó lại cho rằng mình không thấy gì. Nói một cách công bằng thì, chỉ những ai mạo hiểm chiến đấu với con rồng và không thất bại trước nó sẽ là người đạt được cái “kho báu khó khăn lắm mới có được”.
Chỉ riêng anh mới là người có sự tự tin, bởi anh đã đối diện với vùng đất đen tối của bản thân và nhờ đó giành lại được chính mình. Trải nghiệm này mang tới lòng tin và kỳ vọng, niềm tin về khả năng của mình là thứ giúp anh sống tiếp, khi tất cả những thứ quấy nhiễu bên trong đã được chính anh giải quyết. Anh đã đạt được niềm tin rằng mình sẽ có thể vượt qua tất cả mối nguy họa trong tương lai bằng cách tương tự như này. Anh đã có được sự tin tưởng đến từ thâm tâm của mình, thứ giúp anh tự lập.” (Carl Jung)