Theo quan điểm của cá nhân mình, sống là đi tìm hạnh phúc. Tất cả chúng ta có mặt trên cuộc đời này đều là để đi tìm những trải nghiệm tốt đẹp, vậy tại sao lại có sự khác nhau rất lớn giữa người với người, cùng đi tìm hạnh phúc mà tại sao có người lựa chọn sống bình dị trong khi người khác thì lao tâm khổ tứ đi tìm quyền lực, lại có kẻ lựa chọn ăn chơi sa đọa để rồi chôn vùi sức khỏe, tương lai của bản thân… Sở dĩ có sự khác nhau trong lựa chọn này là do sự cách biệt trong tư tưởng, quan niệm của mỗi người về hạnh phúc, sâu xa hơn nữa là do trí tuệ, nhận thức của mỗi người là khác nhau. Ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng có người may mắn được gặp những bậc minh triết, được dìu dắt, hướng dẫn một con đường đi đúng đắn; phần đông còn lại thì đi tìm một cách bản năng, để rồi bị cám dỗ bởi những lạc thú, cơn vui tạm thời, mong manh, ngắn ngủi, nhiều khổ đau.
Và dẫu cho ngoài kia có rất nhiều người rao bán hạnh phúc, hướng dẫn nhiều con đường, tuyên bố rằng có thể đưa con người đến với niềm hạnh phúc chân thật, tuyệt đối, vĩnh cữu… Nhưng mình nghĩ tốt nhất vẫn là con đường chúng ta tự cảm nhận, tự tìm hiểu và tự đúc kết bằng trí tuệ, kinh nghiệm của bản thân.
Và do đó, ngay từ nhỏ, mình đã khao khát tìm hiểu các quy luật đang âm thầm chi phối vạn vật, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của mỗi người chúng ta. Bởi, như đã bàn ở những bài trước, ta cần phải hiểu luật thì mới mong đi đúng đường, đạt được kết quả như ý. Hôm nay, mình sẽ bàn về một quy luật của
Đạo Gia có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn minh phương đông. Quy luật ấy nói rằng:
Nhất âm, nhất dương chi vị đạo. Theo cách hiểu của bản thân mình, về bản chất, cuộc đời là một trò chơi có tổng bằng 0.
Nhắc lại ví dụ ngâm tay phải vào nước lạnh (~2 độ C), tay trái vào nước nóng (~70 độ C). Sau 10 phút, bạn cùng lúc ngâm hai tay vào xô nước bình thường (~30 độ C), khi đó tay phải của bạn thấy nóng, trong khi tay trái thì thấy lạnh. Tạm lấy nóng làm ẩn dụ cho cơn phê, niềm vui sướng. Lạnh làm ẩn dụ cho sự đau khổ.
Khi ở mãi trong sự sung sướng, bạn sẽ thấy cái sướng kia không còn sướng nữa; đồng thời với bạn thực tại sẽ là trở nên khổ (một cách tương đối). Thậm chí, khi rơi vào trường hợp tồi tệ (như đang ngâm mình trong suối nước nóng, bạn bị vứt vào bồn nước đá), bị tước đoạt cái sướng bấy lâu, rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, bạn sẽ đối mặt với một cảm giác cực kỳ thống khổ. Điều này giải thích tại sao những thanh niên bay lắc luôn cảm thấy nhàm chán với thực tại, khi gặp nghịch cảnh thì giơ tay chịu trói, thậm chí trầm kẽm, sợ hãi đến khờ người. Một ví dụ điển hình nữa là những cô chiêu, cậu ấm được sống trong nhung lụa từ nhỏ đến lớn, đến khi ra đời thì yếu ớt, không thể chịu cực, chịu khổ, ăn vài cục shit nhỏ đã hốt hoảng quay về bu bám cha mẹ. Sự thật rằng, các bậc phụ huynh không thể không thể bảo bọc con cái cả đời, rồi sẽ đến lúc các bạn ấy phải tự mình đối mặt với rắc rối của bản thân, khi đó, các bạn chẳng có gì ngoài một tâm hồn non nớt, yếu ớt, nhạy cảm với khổ đau.
Tương tự, khi bạn ở trong cái khổ, bạn sẽ cảm thấy cái khổ kia thật ra cũng không khổ lắm, kèm với đó là thực tại, cuộc sống hằng ngày (được ăn uống bình thường, nghỉ ngơi, hít thở…) đối với bạn là một điều hết sức hạnh phúc, thậm chí bạn còn chẳng thiết tha gì nữa ngoài việc được sống một cuộc đời bình dị.
Nếu không tin thì bạn nên thử đến thăm hỏi những người ở bệnh viện nơi bạn sống, hỏi họ xem điều mà họ mong muốn nhất, điều mà nếu xảy ra sẽ làm họ hạnh phúc nhất bây giờ là gì? Chợt nhớ câu “khi con người ta đau tay, họ chỉ nghĩ đến cái tay đau của họ mà thôi.”
Tổng bằng 0 này còn thể hiện trong rất nhiều mặt của cuộc sống. Ở đây mình tạm bàn về quyền lực, danh tiếng… theo mình thì ai trong số chúng ta, nếu có cơ hội cũng sẽ lựa chọn sở hữu hai điều này, mình ngày xưa cũng vậy, bởi chúng thổi phòng cái tôi, mang lại cho ta một cảm giác ngọt ngào, an toàn, thỏa mãn, hạnh phúc, dễ chịu… Tuy nhiên, tất cả đều có cái giá của nó, cái giá của quyền lực, tiếng tăm là:
– Nguồn lực để gầy dựng: theo quan sát của mình, từ Đông sang Tây, tự Cổ chí Kim, rất nhiều người vì danh quyền mà hy sinh tất cả (sức khỏe, thời gian, tiền bạc, hạnh phúc gia đình…).
– Sự bám chấp, luôn phải gồng mình sống thuận theo đám đông, cố gắng níu kéo, giữ cho danh quyền không bị sụp đổ, từ đó đánh mất tự do nơi cõi lòng. Tới đây thì mình lại nhớ ra một quy luật nữa của tâm thức, bạn càng trụ aka bám chấp vào ngoại vật thì tâm bạn càng yếu ớt, và vì càng yếu ớt nên bạn càng đau khổ.
– Bạn dần quen với những liều dopamine khi được công nhận và do đó, thực tại đối với bạn sẽ trở nên buồn chán hơn. Đó là chưa nói đến sự mong manh của danh quyền, khi chúng biến mất, bạn hụt hẫng, thống khổ.
– Nếu bạn nghĩ ra thêm những cái giá của danh quyền thì nhớ comment cho mình được biết với nha, cảm ơn bạn.
Trang tử cũng từng dạy rằng: Muốn có phải mà không có quấy, muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái lý của trời đất, ấy là mơ tưởng có trời mà không có đất, có âm mà chẳng có dương, hai phương diện đồng có của mỗi vật. Muốn phân biệt hai lẽ tương đối ấy như hai vật khác nhau, nếu không phải ngu thì là điêu.
Thật vậy, tất cả những hiện hữu ở đời đều có hai mặt, với tư duy thông thường, chúng ta luôn mong muốn một mặt mà không chấp nhận cái giá phải trả là mặt còn lại, thậm chí là phủ nhận chúng. Để rồi đi đến những quyết định sai lầm, ăn xổi, chỉ muốn có sướng mà không muốn khổ, bập vào những thứ tai hại như mai thúy, cần sa, bia rượu, thuốc lá, suk card, lăng nhăng…
Chẳng phải tự nhiên mà tất cả các bậc hiền triết lớn của nhân loại như Đức Phật, Chúa Jesus, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử đều khuyến khích con người chúng ta chịu đựng những sự đau khổ của việc giữ những giới luật, điều răn… Cốt vẫn là để chống lại bản tính ăn xổi, tư duy lầm lạc của bản năng, hướng về sự vui sướng dài lâu hơn là cơn phê tai hại.
Ở trên là theo góc nhìn của đạo gia, còn theo Phật gia, bàn về sướng khổ, thầy mình dạy rằng: phàm ở trên đời, hành động đều có thể chia làm bốn loại cơ bản như sau:
1. Con đường SƯỚNG TRƯỚC KHỔ SAU: mai thúy, bia rượu, game, thuốc lá, suk card…
2. Hành động KHỐ TRƯỚC SƯỚNG SAU: chống lại cơn nghiện (game, thuốc lá, suk card, mai thúy…); dùng định lực hướng về những điều lành mạnh như ăn uống thanh đạm, đọc sách, chạy bộ…
3. Hành động SƯỚNG TRƯỚC SƯỚNG SAU: sống thuận với những niềm vui lành mạnh, thiền định, đọc sách, chạy bộ, bơi lội, chăm sóc người thân, trồng cây…
4. Hành động KHỔ TRƯỚC KHỔ SAU: ghen tuông, tức giận, đánh đấm, chửi bới, sống thiếu trí tuệ (nhịn ăn để giảm cân, sống ác aka nghịch đạo nhưng cầu nguyện hòng mong quả ngọt)…
Tới đây thì có thể rất nhiều bạn cho rằng mình ít khi nào đi con đường số 4, tuy nhiên mình rất tiếc là bạn đã sai. Theo góc nhìn của Phật gia (mà mình hiểu), phàm thiếu trí tuệ, chịu khổ để truy cầu hạnh phúc một cách sai lầm là đi vào con đường số 4. Ở đây mình tạm nêu một vài ví dụ phải kể đến như: quyền lực, danh vọng, địa vị…
Bài đến đây là đã dài rồi, concept của Phật Gia mình sẽ bàn thêm ở bài sau. Rất mong nhận được sự góp ý, bình luận của các bạn, mình cảm ơn.
Như Tuệ.