Trẻ quen đóng bỉm sẽ thấy lười giao tiếp với mẹ và người xung quanh, vì không có nhu cầu. Người mẹ cũng sẽ không quan sát được thói quen bài tiết hay lịch trình sinh hoạt tự nhiên của cơ thể trẻ.
Bỉm là món đồ tiện lợi, nhưng cái gì càng tiện lợi, càng làm khả năng nhận biết và sự chú tâm yếu đi. Trong khi nhận biết và chú tâm là hai yếu tố rất quan trọng tạo ra sự liên kết sâu sắc giữa người mẹ và đứa trẻ nói chung lẫn sự trưởng thành của trẻ nói riêng. (Càng nhiều chú tâm, càng nhiều nhận biết.
Càng nhiều nhận biết, càng sớm trưởng thành.)
Bỉm ban đầu được tạo ra để phù hợp lối sống công nghiệp của người mẹ phương tây, dần dà thời đại này người ta quên mất việc trẻ có thể lớn lên mà không dùng tới bỉm. Người mẹ ngày nay không nên là “mẹ-bỉm-sữa”, nhưng nên là người mẹ-nhận-biết. Khi người mẹ đầy nhận biết, cô ấy sẽ càng ít phụ thuộc các thứ bên ngoài trong việc nuôi nấng đứa trẻ, từ vật chất tới kiến thức.
Chúng ta không cần loại bỏ hẳn bỉm, nhưng chỉ nên dùng nó trong một số trường hợp cần thiết như khi đi ra ngoài, đi công việc… còn lại khi ở nhà nên giải phóng trẻ khỏi bỉm càng sớm càng tốt.
Tôi quan sát 2 đứa trẻ bằng tuổi, một đứa sống vùng làng quê ít đóng bỉm, khi đi chơi chỗ lạ và mỗi lần mắc tè nó đều tìm cách ra hiệu cho người thân ở gần xung quanh và nói “tè tè”.
Trong khi đứa trẻ sống trong môi trường phố thị chẳng nói gì, cứ tè thẳng vào bỉm và mẹ nó kêu “vì nó lười nói, chậm nói nên phải đóng bỉm”. 
Người mẹ không thấy rằng, chính vì chiếc bỉm tiện lợi đó mà đứa trẻ mới chậm nói, vì không còn mấy nhu cầu để mà nói nữa. Mỗi lần tè, bỉm thấm xong hết, không khó chịu thì nói làm gì, giao tiếp làm gì, chẳng có nhu cầu nói gì cả.
Khi đứa trẻ tè không bỉm và bị ướt, nó sẽ khó chịu, chính sự khó chịu đó sẽ khiến nó học cách giao tiếp với người khác – và nói là cách giao tiếp thứ hai, sau khóc. Khi nó không nói được, nó khóc.
Tôi nhìn đứa trẻ 2 tuổi nhỏ xíu khều khều kéo kéo áo tôi và nói ngọng ngịu “tề tề” thấy vui làm sao, thấy may mắn làm sao vì nó không phải đeo bỉm. Nó cũng từng là một đứa trẻ bị xem là chậm nói khi còn sống ở môi trường phố thị.