Có thể xem làm được trò trống gì không khi và chỉ khi anh em làm nó với game đời thật, trả giá thật và căng thẳng thật – còn lại những thứ trial hay thử nghiệm đều làm anh em thấy ngáo với ảo tưởng cả.
Anh em đá bóng giao lưu với bạn bè, tâm lý anh em thoải mái, phô diễn kỹ thuật ào ào, vậy có gọi anh em đá bóng hay không? Chưa chắc, biết anh em hay hay không phải xem độ lỳ tâm lý anh em đến đâu, tâm lý và thể xác nó tác động với nhau ghê gớm, anh em vào sân đá độ ăn tiền với người ta mà vẫn giữ được bình tĩnh xử lý mới gọi là hay, bằng không, anh em chỉ đang ảo tưởng về khả năng của bản thân thôi.
Độ rộng hẹp của comfort zone nó liên quan đến việc anh em sẽ trải nghiệm game đời đến đâu, nhiều bạn trẻ tham gia nhiều khóa học và chương trình cộng đồng này nọ, ở đấy họ tạo sân chơi cho mấy anh em trải nghiệm – đó là điều đáng khen, nhưng chưa chắc là anh em đã thực phát triển, có khi anh em chỉ đang nghĩ vậy thôi. Cái hạn chế của những cộng đồng như đoàn trường hay phi lợi nhuận, là cái giá phải trả hiện hữu trước mắt, anh em làm sai cái này hết giờ cái này thì sẽ bị trừng phạt theo cách nọ, kiểu thế, tận sâu trong thân tâm anh em vẫn là một cảm giác gì đó an tâm. Đó là chưa kể những khóa học đào tạo khả năng lead người khác, nó cũng như anh em đọc sách self help cả mà có trải nghiệm hơn thôi – nói thiệt với anh em, game đời nó mù mờ và biến thiên, cái đáng sợ là anh em không biết cái giá phải trả của mình lớn nhỏ thế nào, chết trong lòng 1 ít hay là chết luôn, trả bằng tiền bạc hay danh dự, vì nó không rõ nên tâm thế anh em sẽ khác xa với khi anh em đi tham gia trò chơi, trải nghiệm.
Thời này cái vòng an toàn nó hẹp, vì ai ai cũng ru rú trong không gian của mình, anh em không làm điều này điều kia đôi khi chỉ vì xã hội không tạo điều kiện cho anh em được làm. Để ý ông bà già hay thế hệ đi trước hay chỉ trích hậu bối cũng có lý do cả, thế hệ này vào đời sớm quá trời, nên trải thật, việc thật, sai thật và trả thật có khi trả bằng cái giá rất đắt – nên về sau, ra ngoài kiếm ăn, họ lỳ lợm mà khó bị bật bãi.
Thế hệ mình, không nhiều anh em dám dấn thân trải nghiệm, vì có quá nhiều thứ làm anh em thấy sợ hãi, ngày xưa dù không muốn cuộc đời cũng ép người ta phải ra ngoài, chứ bây giờ, nếu có muốn cũng khó, mà xã hội nó cũng không còn vận hành theo kiểu thiếu ăn thiếu mặc để mà anh em được quyền lăn xả.
Cái nữa là ông bà già ngày xưa khổ quá, từ bé đã chảy máu mắt mới kiếm được miếng cơm, xem tivi truyền hình thấy dân học hành trí thức sách vở ngời ngời nên nghĩ vậy là sướng, điều hướng con cái theo kiểu ép nó họ những điều vô bổ, để mong nó được ổn định. Kể cho anh em nghe câu chuyện liên quan, có bà mợ mở quán cơm, khách quen của bả chỉ có mấy bà ngoài chợ với đám nhân viên văn phòng; một bên thì tay chân lấm bùn, da đen nhẻm; bên thì ăn mặc sang trọng, tóc tai gọn gàng, mặt mày sáng bóng thế mà ăn dĩa cơm cũng đồng giá 15k. Mấy bà ngoài chợ vì quen thân, hỏi tại sao tụi này sang trọng thế, đi xe hơi xe ga này nọ mà bán cho nó đúng có 15k, không hét giá lên? Kể ra mới biết, dân văn phòng nói thiệt là nghèo, ngó sang vậy vì tính chất công việc chứ thu nhập chưa bằng 1/3 các bà – anh em cứ nghĩ một sạp chợ trung bình có thể đem về cho mấy bà kia hơn 10 củ một tháng. Cũng giống như thế hệ trước thôi, cứ bảo con ráng học hành, đề cao hình tượng trí thức, cơ bản vì số họ khổ, xưa giờ hiếm được ăn học cho nó đàng hoàng đầy đủ nên giờ con cái mà muốn tự ra buôn bán, ở riêng hay làm gì cực cực là ngăn cản liền, không muốn con cực mà hóa ra hại con.
Nhìn chung, anh em mình ai cũng sợ sệt này kia nên việc ra ngoài dấn thân là khó; có những đứa dám làm tôi thực sự thấy nể và anh em cũng nên kiêng sợ mấy đứa này – tôi có quen con bé bằng tuổi rời quê vào Đà Nẵng học Kinh tế, sau 1 năm bỏ học để đi làm đủ thứ nghề trên đời, giờ nó tự mở được quán bar nhỏ ở Nha Trang, thân phận con gái mà làm được vậy, nhìn lại bản thân kém hèn thấy ghê. Mà nói thế, làm gì cũng sẽ trả giá, ông thầy Peterson có một câu khá hay, đại loại như Không quan trọng quyết định của anh là gì, vì quyết định nào cũng sẽ dẫn đến một cái giá, quan trọng là anh có chấp nhận được cái giá đó hay không thôi. Nên anh em muốn dấn thân cũng khoai, cái tâm sợ đôi khi có ích, nó giúp anh em cân nhắc thiệt hơn đủ đường, cơ mà sợ sệt quá thì nó đâm hèn anh em ạ, như tôi vậy. Mà kể cả anh em có không làm gì (vì sợ hoặc vì không có cơ hội) cũng sẽ phải trả giá cho cái ‘không làm gì’ ấy.
Comfort zone nghe nó sang mồm với ghê gớm thế, không chỉ có việc dấn thân thì anh em mới mở rộng được vòng tròn trú ngụ của mình. Đôi khi việc mở rộng nó diễn ra ở những phạm trù vi tế, làm nền tảng cho những thứ lớn lao hơn trong tương lai. Ví dụ thế này, có thể anh em không dấn thân tự mở này tự trải nghiệm kia to lớn, nhưng vì ý thức được hạn hẹp trong cách giao tiếp của bản thân nên anh em cứ gặp ai cũng muốn tập cách trò chuyện cho mượt, anh em phá vỡ đi cái rào cản sợ người ta đánh giá mình. Hoặc gặp bé nào làm phục vụ cà phê, đi thể dục trên đường, anh em mạnh dạn vào bắt chuyện làm quen để hành cái tôi nhỏ mọn của anh em vài ba lần, dần dần anh em lỳ lợm, bé nào với giá cao cỡ đâu anh em cũng dám phô diễn thì sao hahaa. Còn nhiều lắm, không cần cứ phải mơ xa, muốn mở rộng thì anh em thay đổi dần những điều nhỏ nhặt hơn, giả dụ như dám lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình sau thời gian dài anh em cam chịu; dám từ bỏ thói quen xấu (như ăn ngọt) với mong muốn giữ cơ thể và sức khỏe tốt hơn; dám bỏ xem phim người nhớn để dành thời gian đọc sách; dám giơ tay phát biểu, dám là người chơi đầu tiên trong squid game hahaha etc. Những thứ như thế cũng đã là cách anh em vượt qua cái nổi sợ của mình rồi, vì đây cũng là những nhỏ nhặt nên anh em cũng đỡ bị ảo tưởng hơn hẳn.
Người ta dấn thân, trải nghiệm, trả giá rồi mới rút ra bài học – mình ngồi không chắc chắn cũng sẽ đến phiên đời nó thử thách mình, anh em không dấn thân sớm thì hãy tu tập sớm, nói chứ có nhiều sách xịn để anh em rèn luyện tư duy, như một cách trang bị để sau đời vã thì cơn đau bớt đi đôi phần.
Anh em có ai thắc mắc sao tôi non choẹt mà vẫn thích hay nói chuyện đời khó lắm không, thiệt ra tôi đi làm thêm phục vụ shipper này kia cũng nhiều, không dám nhận là có trải nghiệm nhưng cũng có kinh nghiệm đâu đó 2 3 năm nhiều hàng quán khác nhau, tiếp xúc với đủ thứ khách và kiểu bạn chơi thứ thiệt, cũng từng bị chơi xấu cũng từng trả những cái giá ‘mù mờ’ mà đến khi trả xong mới biết cái giá đó là gì.
Với cả tôi thích kể chuyện và cũng thích nghe người ta kể, tôi học với cảm cũng kha khá từ những thứ mà ông già hay mấy người lớn lớn trong gia đình tôi vẫn hay kháo nhau. Đôi khi không cần phải xa xôi, anh em nghe chuyện của người ta, để ý phong thái sau nhiều năm ăn đấm đời của họ, anh em sẽ biết cách trang bị tâm lý cho mình. Quan sát cảm xúc của bản thân cũng tương tự, không ít lần, tôi nghĩ mình giỏi giang lắm cho đến khi đụng chuyện thì như con thỏ nhỏ không còn tỉnh táo đâu nữa mà xử lý, đôi khi những việc nhỏ như thế có thể suy ra phần nào luật đời (dù ít ỏi) nếu anh em chịu suy nghĩ và để ý.
Việc anh em đọc sách, xem video này kia, kiến thức anh em mở rộng, anh em chém đủ thứ trên trời dưới biển, văn phong anh em lả lướt, bạn bè trò chuyện xong tấm tắc khen – cẩn thận nghe mấy bồ, sướng thì sướng chứ ảo chết người. Tình cờ nghĩ ra cái ý bài này sau một buổi họp nhóm, vài người anh em khen tôi trình bày ý kiến hay, dõng dạc cuốn hút, cơ mà đâu có biết từng có lần tôi ra công ty in để phô ra một quyển sách, chất vấn thông thường với nhân viên ở đó mà tôi chảy mồ hôi hoặc đâu biết mấy khi đơn giản trò chuyện với ông bà lớn trong nhà, giọng điệu lắp bắp, ăn nói như thằng trẻ con. Mấy lần được khen như vậy tôi sợ lắm, không phải vì sợ người ta sẽ nhận ra mình kém hơn những gì họ nghĩ mà sợ chính bản thân mình nghĩ mình tài ba.
Hết.