Trích “Chuyện người chuyện ngỗng”
Có thể nói sự chăm sóc là thực hành làm người cơ bản nhất, vì nó giúp chúng ta tiếp tục duy trì sự sống của mình trên tinh cầu này. Lấy ví dụ đơn giản: người mẹ, người bố, người thân, và toàn bộ hệ thống y tế cho đứa trẻ sơ sinh, bầu sữa, hơi ấm, những tài nguyên thiết yếu, cùng những kiểm tra sức khỏe cốt để đứa trẻ sống sót và tiếp tục phát triển thành người trưởng thành,… Đó là sự chăm sóc.
Theo định nghĩa được đặt ra bởi hai triết gia Berenice Fisher và Joan Tronto (1990), người đứng vai chăm sóc người khác được gọi là người chăm sóc (caregiver), còn người nhận sự chăm sóc từ người khác là người được chăm sóc (carereceiver); hai vị trí này như hai mặt của một đồng xu, lúc này ta là caregiver, lúc sau ta lại là carereceiver.
Con người là một trong những loài cần sự chăm sóc của đồng loại để sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Một chú chó con có thể chỉ cần trên dưới một tháng bên cạnh mẹ trước khi có thể tự làm được nhiều tác vụ sinh tồn cơ bản, nhưng trẻ sơ sinh cần số thời gian gấp nhiều lần như thế. Nhưng quan trọng hơn, ngay cả khi đã trưởng thành, loài người cũng không phải kiểu sinh vật có thể sống đơn độc.
Loài người không được sinh ra với những vũ khí tự nhiên như nọc độc, nanh vuốt và sức mạnh vượt trội, không có những lớp vỏ dày như mai, sừng và bộ da sần sùi. Những đứa trẻ sơ sinh sẽ không thể sống sót nếu như sinh ra bị bỏ mặc bên ngoài thiên nhiên.
Chúng không có bản năng săn mồi hay tự thu thập thức ăn, cũng không thể tự tìm kiếm nơi trú ẩn. Đứa trẻ lấy dinh dưỡng từ bầu sữa của người mẹ sau khi dây rốn bị cắt đứt, cần ấp vào bờ tay vững chắc của cha sau khi không còn được bao bọc bởi tử cung, cần được theo dõi sức khỏe liên tục từ nhân viên y tế sau khi lá phổi lần đầu tiên rung động trong tiếng khóc và trong bầu khí quyển của trái đất. Sự tồn tại là tồn tại trong mối quan hệ với thứ khác – đó là một hiện tượng xã hội-bản thể luận (socio-ontological). Sự chăm sóc làm nên tính bền chặt của xã hội.
Ngoài việc cần nương tựa lẫn nhau để sinh tồn trong thế giới tự nhiên, con người cũng cần nhận được sự săn sóc nếu muốn hòa nhập vào xã hội đầy phức tạp.
Từ khi lọt lòng, con người lạc vào mê cung của ngôn ngữ và các mối quan hệ xã hội – thứ hoàn toàn xa lạ với nó. Sự thúc giục chăm sóc lẫn nhau buộc chúng ta nỗ lực giao tiếp và sản sinh ra ngôn ngữ. Từ nền tảng ngôn ngữ trực quan – những khái niệm chỉ sự vật và hiện tượng có thể được cảm nhận bằng giác quan – con người tiếp tục sản sinh ra ngôn ngữ trừu tượng và tạo ra một thế giới mới của những mối quan hệ xã hội.
Không chỉ tồn tại trong thế giới vật chất, chúng ta còn sống trong ngôn ngữ. Điều đó yêu cầu sự hiểu biết để hòa nhập với những lề thói xã hội do chính con người tạo ra. Sự chăm sóc bây giờ thể hiện ở việc thế hệ trước dạy thế hệ sau cách giao tiếp trong ngôn ngữ.
Sự chăm sóc không phải việc con người có thể lựa chọn, mà đó là điều kiện cơ bản nhất của sự tồn tại. Giống như việc chúng ta không thể lựa chọn việc mình có được sinh ra hay không, ngay từ đầu ta đã bị đẩy vào sự sống. Việc chăm sóc vì thế cũng là tất yếu: ta không thể chọn “không được chăm sóc bởi người khác”, và rồi đến một ngày, ta cũng trở thành “người chăm sóc người khác” trực tiếp thông qua việc nuôi nấng con cái và bố mẹ mình khi họ đã già, gián tiếp thông qua việc chỉ dạy người khác khi họ bước chân vào thế giới ta đã quen thuộc. Có thể nói, từ cấp độ sinh học đến cấp độ biểu tượng, chúng ta lệ thuộc lẫn nhau thông qua nhu cầu và hành động chăm sóc.
Thế nhưng, sự chăm sóc không phải bản năng sinh học của cơ thể, chăm sóc là một thực hành xã hội. Loài người không sinh ra với bản chất chăm sóc đã định đoạt sẵn trong DNA, mà họ có nhu cầu được chăm sóc sau khi được sinh ra để duy trì sự sống và thế giới của mình. Berenice Fisher và Joan Tronto định nghĩa “chăm sóc là một thực hành có tính giống loài, bao gồm tất cả mọi việc chúng ta làm để duy trì, nối tiếp, và sửa chữa ‘thế giới’ của chúng ta, cốt để ta sống trong nó tốt nhất có thể”.
Quả thực, sự chăm sóc chính bản thân mình là rất cần thiết. Nhưng ngày nay, dường như ta phải chứng kiến xu hướng kêu gọi sự chăm sóc đến từ tất cả mọi nơi, và nó đều hướng đến việc làm lợi cho bản thân mình mà thôi. Những “thiết chế của sự chăm sóc”, từ phong trào sống xanh, thời trang bền vững, chánh niệm, cho đến các giáo phái, đều hướng đến sự chăm sóc đối với chính mình, biến danh tính thành thứ ngày càng cứng nhắc hơn. Xu hướng này nghe có vẻ tích cực, nhưng khiến ta đứng trước nguy cơ phá vỡ sự đồng lệ thuộc và cấu kết làm nên nội hàm của sự chăm sóc từ trước đến nay. Phóng tác sự chăm sóc tới nhiều thế giới nhất có thể phần nào khiến ta suy nghĩ về việc liệu chỉ có một, hay có nhiều kiểu chăm sóc khác nhau.
Sự chăm sóc có nhất thiết chỉ nằm ở duy trì sự sống ở cấp độ sinh lý, và có phải nó luôn yêu cầu sự gần gũi ở mặt thể xác và tinh thần, hay chăm sóc là giữ những khoảng cách phù hợp ở từng thời điểm. Nên nhớ, chăm sóc là một loại lao động, vì vậy, ta cũng có thể bị bóc lột trên đủ các chiều cạnh – bóc lột lao động, bóc lột cảm xúc, bóc lột đạo đức.