“Sự thành toàn (Individuation) có nghĩa là trở thành một thể riêng biệt, đồng nhất, và, trong khi phần “bản sắc cá nhân” ôm trọn lấy phần bên trong của chúng ta, lần cuối cùng, và trở nên độc nhất có một không hai, nó cũng hàm ý là trở thành một phiên bản đặc biệt của chính bản thân mình. Nên do đó chúng ta có thể hiểu quá trình thành toàn như là… ‘sự thấu hiểu bản thân.” (Collected Works of C.G.Jung: Volume 7, Carl Jung)
Trong video thứ hai của Series nhỏ lẻ nói về những ý tưởng của Carl Jung thì chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình thành toàn, một quá trình mà Jung tin rằng là cần thiết để có một nhân cách hoạt động khỏe mạnh. Và hành trình khám phá này sẽ giúp ta thấy được một số phần của nhân cách mà Jung coi là cực kỳ quan trọng, cụ thể là Persona, Shadow, Anima và Animus, và Self. Trước khi chúng ta đi sâu vào quá trình thành toàn thì ta sẽ có một cái nhìn tổng quát về những nội dung liên quan ở Video đầu tiên của chúng ta nói về Jung.
Jung là người tạo ra khái niệm tâm thức (Psyche), hay còn có cái tên khác là tổng thể nhân cách của con người, được cấu tạo gồm cõi ý thức và cõi vô thức. Về cõi vô thức thì ông chia ra nó ra thành vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Vô thức cá nhân phần lớn được cấu tạo từ những thông tin bị dồn nén đến từ đời sống cá nhân của một ai đó, trong khi vô thức tập thể được cấu thành bởi những bản năng và nguyên mẫu (Archetype), thứ mà rất quen thuộc với con người. Những nguyên mẫu có thể được xem như là kiểu cấu trúc nhận thức tiến hóa lâu dài, ảnh hưởng tới những xúc cảm, tâm tư, và hành vi.
Nguyên mẫu còn tạo ra những phần khác nhau của tâm thức và giúp cho tâm thức hoạt động một cách tối ưu nếu có sự hòa hợp một cách cân bằng giữa những phần này. Nhưng không may thay, theo như Jung nói, rất ít người có thể hoạt động một cách tối ưu. Đúng hơn hầu hết đều dính phải sự mất cân bằng khi mà một số phần của nhân cách họ bị phóng đại ra, hay biểu hiện-thái quá trong hữu thức, trong khi một số phần còn lại thì bị thu nhỏ lại hoặc kém phát triển bởi vì nó thiếu đi sự biểu hiện phù hợp ở trong hữu thức. Sự mất cân bằng, Jung tin rằng, thường sẽ dẫn đến sự phát triển của cơn loạn thần kinh và thiếu đi sức sống mãnh liệt trong cuộc đời.
Cố gắng để mang đến một sự biểu hiện phù hợp cho những thành phần nguyên mẫu khác nhau của nhân cách con người bằng việc tiếp nhận những nội dung truyền tải của vô thức và thêm nữa là có được những kiến thức về bản thân, chính là mục đích của quá trình thành toàn. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là quá trình này xảy ra một cách tự nhiên nếu như không bị cản trở bởi những thông tin của vô thức thường có xu hướng tự biểu hiện ra bên ngoài thế giới, hay như Jung nói “Mọi thứ trong vô thức đều luôn tìm cách để biểu lộ ra bên ngoài.”
Tuy nhiên, vấn đề là dù quá trình này xảy ra tự nhiên, hầu hết mọi người đều gặp trở ngại ở những giai đoạn khác nhau của quá trình thành toàn khi mà họ không thể liên hợp hoàn toàn những thành phần nhất định của vô thức vào hữu thức. Cách thực hiện việc liên hợp khi mà nó không còn xảy ra một cách tự nhiên nữa chính là một câu hỏi mà Jung quan tâm sâu sắc. Qua việc phân tích bệnh nhân của mình, nghiên cứu, và trải nghiệm cá nhân thì ông đã đi đến ý tưởng rằng những giấc mơ chính là cơ hội tốt nhất để đi vào trong vô thức.
Như ông đã nói:
“Giấc mơ chính là những sản phẩm hồn nhiên vô tư, tự xuất hiện của vô thức tập thể, nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí. Nó có bản chất thuần khiết; nó cho ta thấy một sự thật thẳng thắn, rõ ràng, và do đó nó phù hợp, khi mà không còn thứ nào khác tốt hơn, trong việc trả lại ta một tính cách phù hợp với bản chất tự nhiên của con người kể từ khi hữu thức của chúng ta đã đi quá xa khỏi nơi bắt nguồn của nó và rơi vào bế tắc.” (The Collected Works of C.G.Jung: Volume 10, Carl Jung)
Jung cũng có sự nhấn mạnh rõ ràng về tác dụng trị liệu của việc phân tích giấc mơ. Bằng cách ghi chép lại và phân tích giấc mơ một ai đó, xác định ý nghĩa của nó và những thứ liên quan khác, Jung nghĩ rằng một người nào đó sẽ có thể liên hợp được những nội dung của vô thức vào hữu thức.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc phân tích giấc mơ không phải là thứ dễ như ăn kẹo, bởi bản chất khó hiểu của giấc mơ và sự thật rằng có nhiều giấc mơ mang tới những vật liệu giúp cho việc xây dựng nhưng nó lại khó để kết hợp với hữu thức. Do đó sự diễn dịch về giấc mơ nên được xem như là một loại kỹ năng có được qua việc thực hành, và có thể cải thiện bằng một sự am hiểu về một số nguyên mẫu quan trọng nhất, những nguyên mẫu này chúng ta sẽ dành thời lượng còn lại của Video để nói.
Trước khi nhìn vào một số nguyên mẫu kém phát triển và cũng do đó mà có thể nó tự biểu lộ chính mình ở trong giấc mơ, nhưng trước hết là phải nhìn vào Persona. Từ Persona đã được sử dụng trong thời kỳ La Mã để chỉ một cái mặt nạ được đeo bởi người diễn viên. Và tương tự như vậy, trong tâm lý học Carl Jung, thì Persona đại diện cho kiểu mặt nạ dùng cho giao tiếp xã hội mà mỗi chúng ta đều “đeo” khi tương tác với những người khác. Hay nói cách khác thì nó đại diện cho phần nhân cách mà chúng ta muốn cho người khác biết.
“Về cơ bản thì Persona chẳng có gì là thật cả: Nó chỉ là một sự thỏa hiệp giữa cá nhân và xã hội về cách mà một người đàn ông nên xuất hiện. Anh ta có một cái tên, có một danh hiệu, đại diện cho công ty nào, anh ta là cái này hoặc cái nọ. Dù theo cảm nhận bình thường thì có vẻ tất cả đều là thật, nhưng sự liên quan của nó tới phần bản sắc cá nhân của con người thì nó chỉ được xem như là một hiện thực thứ hai, một sản phẩm của việc dàn xếp. Persona chỉ là một vẻ bề ngoài giả tạo, một hiện thực 2 chiều.”
(Carl Jung)
Đa số chúng ta đều có một Persona bị phóng đại, có nghĩa là họ gắn bó-thái quá với phần “mặt nạ dành cho giao tiếp xã hội” của mình tới mức gây tổn hại đến những nơi quan trọng của tâm thức. Trong quá trình thành toàn một người phải nhận ra rằng Persona không phải là toàn bộ nhân cách của con người, mà đúng hơn chỉ là phần nhỏ bé của một nhân cách lớn hơn. Và sự hiểu biết này chỉ có thể đạt được bằng cách đào sâu trong vô thức và khai thác nguồn thông tin dồi dào và có ý nghĩa do các nguyên mẫu thể hiện ra.
Giai đoạn đầu tiên trong cuộc khám phá vào vô thức, theo như Jung nói, đó là chạm trán nguyên mẫu Shadow của chính mình. Trong suốt cuộc đời của con người thì một số nét đặc trưng của cá nhân gây nên phản hồi tiêu cực và kể cả là sự trừng phạt đến từ người khác. Và vòng lặp tiêu cực này tạo nên sự lo âu với kết quả là những nét đặc trưng này bị đẩy ra khỏi nhận thức và mang vào trong vô thức, nơi mà nó tạo nên Shadow – mặt “tối” của nhân cách con người.
Để ý thức được và liên hợp bóng tối vào hữu thức là một điều khó khăn, và đôi khi cần sự anh dũng.
Nhưng nếu thất bại thì nó có thể gây ra sự hỗn loạn trong cuộc sống của một ai đó. Trong màn đêm đen tối của vô thức thì Shadow không hề yếu đuối, mà đúng hơn là nó gây ra ảnh hưởng tới cảm xúc, tư duy, và hành vi, theo một cách mà vượt ngoài tầm kiểm soát của hữu thức. Thông thường Shadow sẽ tìm cách để biểu lộ chính mình qua việc phóng chiếu (Projection), theo cách này thì thay vì thấy được những thành phần bị chối bỏ của Shadow đang ngự trị bên trong mỗi chúng ta thì bây giờ ta đang phóng chiếu những thứ đó vào người khác.
Mang những thành phần của Shadow ra trước ánh sáng của hữu thức là điều cấp thiết nếu như ai đó muốn chỉnh sửa một số khía cạnh mà mình không thích ở bản thân. Hay như Jung giải thích:
“Thật không may khi không thể không nghi ngờ rằng một người, xét về mặt toàn diện, không được tốt như anh tưởng tượng hay mong muốn về bản thân mình. Mỗi người đều mang một Shadow, và nó càng ít xuất hiện trong đời sống hữu thức một cá nhân, thì nó càng đen tối và đậm đặc. Nếu sự tự ti là điều ý thức được, thì một người luôn có cơ hội để sửa chữa nó… Nhưng nếu nó bị đè nén và cô lập khỏi sự nhận thức, thì nó sẽ không bao giờ được sửa chữa.” (The Essential Jung, Carl Jung and Anthony Storr)
Shadow, theo như Jung nói, không chỉ cấu thành từ những đức tính tiêu cực. Mà đúng hơn, trong quá trình gắn bó-thái quá với phần Persona con người thường từ chối những nét tiêu biểu của nhân cách mình không phải vì nó gây hại, mà là vì nó không phù hợp với những quan điểm của xã hội ngày nay. Vì thế, khi liên hợp Shadow vào hữu thức, một người sẽ bắt gặp được những đặc tính tốt đẹp và dòng năng “Shadow, khi được nhận ra, là nguồn gốc của sự tái sinh; một ham muốn thôi thúc mới và hữu ích không thể đến từ những giá trị có sẵn của bản ngã. Mỗi khi xuất hiện một trở ngại, và một thời điểm khó khăn nào đó trong cuộc sống… chúng ta phải nhìn vào phần mặt tối, không thể chấp nhận được kể cả cho đến bây giờ, thứ đã từng là nơi mà hữu thức sử dụng để vứt bỏ.” (Meeting the Shadow: The Hidden Power of the Dark Side of Human Nature)
Ngoài Shadow ra, một nguyên mẫu khác cũng kém phát triển đó là nguyên mẫu đối nghịch-giới tính còn gọi là Anima ở nam và Animus ở nữ. Trong khi Persona được hướng ra bên ngoài, có chức năng giống như là một rào chắn bảo vệ bản ngã khỏi thế giới xã hội bên ngoài, thì tương tự như vậy Anima/Animus thì hướng vào bên trong, bảo vệ bản ngã khỏi những thông tin đôi khi gây ra sự đe dọa và chiếm hữu đến từ nơi đen tối sâu bên trong của vô thức:
“Chức năng tự nhiên của Animus (cũng như là Anima) là giúp giữ đúng vị trí của hữu thức và vô thức tập thể của cá nhân; giống như Persona có thể hiểu đại loại là nơi nằm giữa bản ngã có nhận thức và những đối tượng của thế giới bên ngoài. Animus và Anima thì hoạt động như một cầu nối, một cánh cửa, dẫn tới những hình ảnh của vô thức tập thể, cũng như Persona là một dạng cầu nối tới thế giới bên ngoài.” (Carl Jung)
Lần chạm trán với Anima/Animus sẽ được biểu hiện ở trong hữu thức của một người như là một cuộc gặp mặt, trong giấc mơ hay cảnh mộng, với sự tham gia của một người khác giới. Một nhân vật như này thường xuất hiện khi mà tinh thần của ta bị lệch lạc một cách nghiêm trọng, và sẽ cho lời chỉ dẫn về cách để loại bỏ bất kỳ rào cản tâm lý nào đang cản trở tiến trình phát triển một cách tự nhiên của quá trình thành toàn. Gặp mặt một nguyên mẫu như này có thể là dấu hiệu cho thấy một thời điểm có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của con người sẽ xảy đến, với điều xảy ra đầu tiên là một sự chuyển hóa đầy ý nghĩa về mặt tâm lý:
“Lần gặp gỡ với Anima/Animus cho thấy một mối liên kết với vô thức ngày càng sâu đậm hơn so với Shadow. Trong trường hợp của Shadow, nó là cuộc gặp gỡ những mảnh ghép bị coi thường và chối bỏ của một tâm thức toàn diện, những phẩm chất thấp hèn và không ai muốn có. Trong cuộc gặp mặt với Anima/Animus, nó là việc tiếp cận tới những mức độ của tâm thức, thứ mà có tiềm năng dẫn dắt chúng ta tới sự hiểu biết sâu sắc và cao nhất… mà một bản ngã có thể đạt được.” (Jung’s Map of the Soul, Murray Stein)
Sau khi con người tiếp cận và liên hợp được những khía cạnh của nguyên mẫu Anima/Animus vào bản ngã, thì họ sẽ đi vào được tầng sâu nhất của tâm thức, nguyên mẫu của sự toàn vẹn – thứ mà Jung gọi là Self và được xem như là một nguyên mẫu quan trọng nhất. Sự biểu hiện thích hợp của Self chính là đích đến của quá trình thành toàn. Như Jung đã nói:
“…Self chính là mục đích của cuộc đời chúng ta, bởi nó là cách biểu lộ hoàn hảo nhất của sự phối hợp trong thời khắc quyết định mà ta gọi là sự hoàn thiện về nhân cách…” (Carl Jung)
Cũng như mặt trời nằm ở trung tâm hệ Mặt Trời (Solar System), cũng tương tự như vậy thì Self chính là nguyên mẫu trung tâm của toàn bộ tâm thức. Nguyên mẫu Self hoạt động như một thể thống nhất hoặc tổ chức theo nguyên tắc của tâm thức và nó hướng tới sự hợp nhất của cõi hữu thức và cõi vô thức. Hãy nhớ lại trong Video đầu tiên của chúng tôi về Jung thì thứ nằm ở giữa phần hữu thức chính là bản ngã (ego), Jung cũng lưu ý rằng:
“Những nội dung của vô thức được đồng nhất vào bản ngã càng nhiều bao nhiêu, thì bản ngã lại càng gần hơn với Self bấy nhiêu, mặc dù sự tiệm cận này là một quá trình không bao giờ kết thúc.” (Carl Jung)
Khi một người có sự nhận định rõ ràng về Self thì họ sẽ có được một cảm giác chính mình và cả thế giới hòa hợp lại thành một thể thống nhất. Trên thực tế, Jung thấy rằng mối liên kết với Self cực kỳ quan trọng đến nỗi mà nhiều lần ông đã miêu tả nó như là “một kho báu sẽ giúp cho [một người] trở nên tự lập” và một “mối liên kết tới sự vĩnh cửu”.
Jung biết đến sự tồn tại của Self là nhờ vào việc khám phá ra những biểu tượng thuộc về vạn vật như là tứ vị nhất thể (Quaternity) và họa tiết của Mạn-đà-la (Mandala), theo như lời ông nói, “không chỉ xảy ra ở trong giấc mơ của con người thời nay, những người chưa bao giờ nghe về nó, mà còn được phổ biến rộng rãi ở trong những ghi chép lịch sử của nhiều người và nhiều thời đại khác nhau.”
“Một hình vẽ Mandala”, Jung nói “là sự biểu hiện toàn vẹn của Self về mặt tâm lý.” Không những hình vẽ của Mandala đã có một lịch sử lâu dài và liên tiếp xuất hiện trong hình ảnh của nhiều tôn giáo bao gồm Hindu Giáo, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, mà Jung còn quan sát thấy rằng một số bệnh nhân của ông cũng có những hình ảnh về Mandala đột nhiên xuất hiện “trong thời khắc tinh thần bị lạc lối hay là đang chỉnh đốn lại đường đi của nó.” Mandala, và những “biểu tượng của sự trật tự (Order)”, Jung tin rằng đó là những biểu tượng của sự toàn vẹn được thể hiện ra bởi Self trong những thời khắc khó khăn.
Quá trình thành toàn, mà đỉnh điểm nhất là giúp ta nhận thức được Self là gì, theo như Jung, là điều cần thiết để phát triển một nhân cách khỏe mạnh cũng như là bộc lộ ra những tiềm năng đặc biệt có bên trong mỗi chúng ta. Nhưng đi cùng với những lợi ích. Thì Jung nghĩ rằng quá trình thành toàn này cũng là điều cần thiết cho một xã hội khỏe mạnh. Jung tin rằng những xã hội ưa tuân thủ, cấu thành bởi nhiều người gắn bó-thái quá với Persona của mình, sẽ trở thành một miếng mồi ngon lành cho một chính quyền thích áp bức trỗi dậy. Do vậy mà quá trình này là cần thiết để tạo nên một sự thay đổi tích cực lâu dài trong xã hội đang ngày càng đông người, có quá trình thành toàn hỗ trợ giúp họ nhận ra rằng có nhiều thứ tồn tại bên trong con người họ và sau đó nhận ra rằng vai trò của xã hội này đều nằm dưới sự điều khiển của Persona. Một xã hội cấu thành bởi nhiều cá nhân với những bản sắc độc đáo của riêng mình sẽ không, theo như Jung nói, trở thành con mồi dễ dàng cho một chính quyền áp bức bóc lột:
“…Chừng nào bản thân xã hội đó còn những con người mất đi bản sắc riêng của mình, thì nó hoàn toàn nằm trong tay những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân tàn bạo. Hãy để những con người này kết thành một nhóm và tổ chức tùy ý – chính vì sự kết bè kết phái này và cả sự tuyệt chủng về mặt nhân cách của mỗi cá nhân chính là lý do xã hội này rơi vào tay một kẻ độc tài. Rất tiếc thay, một triệu số 0 hợp lại chẳng thể nào ra được số 1.” (Man and His Symbols, Carl Jung)