Bản chất của con người là cố chấp trong tư tưởng, anh em đôi khi có thể non dạ, bị lừa lọc cũng chỉ vì nó thuộc về phần bản năng – rằng anh em thường xuyên bị chi phối bởi những người xếp cao hơn mình trong cán cân quyền lực hoặc những tay lừa đảo đánh vào lòng tham, nỗi sợ của anh em (một phần bản năng nguyên thuỷ khác). Chứ trên thực tế, anh em khó bị lay chuyển hơn mình vẫn nghĩ nhiều.
Càng về già con người sẽ càng khó thay đổi, nhất là mindset, vì một vài lý do:
Càng lớn tuổi hơn, càng khó kết nối với các giá trị cấp tiến của thời đại. Anh em sống nhiều chục năm đời người, tư duy đã xây thành đắp luỹ qua bao nhiêu biến cố, giờ đập đi tu sửa hay thêm mới cũng có dễ dàng đâu?
Thứ hai là tâm lý lớn hơn – khôn hơn, tâm lý này anh em đã và sẽ chắc chắn chứng kiến, không ở người khác thì cũng ở bản thân mình. Bao giờ trò chuyện với người lớn hơn, anh em sẽ thấy ở họ vẫn có cái khinh khỉnh của người lớn hơn về số năm sống trên đời, họ đánh giá anh em chưa trải, còn non. Ví dụ anh em khuyên bảo họ cách dạy con, họ sẽ nghĩ chưa có con thì không có quyền lên tiếng – trong khi trên thực tế, việc có con hay chưa không liên quan đến kiến thức về con cái mà anh em sẵn có.
Anh em ai cũng có cuộc đời khác nhau, tuổi thơ khác nhau, các mối quan hệ khác nhau, học gì tiếp xúc gì cũng khác nhau – nên mọi quan niệm sống của anh em, có thể có nét tương đồng, nhưng tựu chung lại vẫn không phải là một. Có một số thứ xảy ra, đối với người này là đúng nhưng với người khác là không phù hợp nữa. Anh em vẫn hay bị cuốn vào những tranh cãi không đâu, những ức chế vì cái ‘khác’ của người làm anh em phiền lòng, nhưng chính bản thân anh em vẫn cố chấp dù biết quan điểm mỗi người là khác nhau.
Trong phạm trù giải trí, một số anh em đánh giá cao việc xem phim nhưng số khác thích đọc sách, đâu thể bảo họ vứt sách để xem những thứ mà họ không thấy niềm vui. Vừa rồi có phim con mực, thấy cũng hay hay, nhưng mà nhiều ý kiến phê bình trái chiều nhau quá – điều đáng nói ở đây, cơ số anh em không thích phim đã đành, vẫn bỏ thời gian ra dèm pha những anh em xem phim thấy thích. Từ bao giờ cái sở thích của mỗi người lại lại là thứ đem ra để đánh giá, chửi bới lẫn nhau?
Đó chỉ là một ví dụ, còn rất nhiều tư tưởng đối nghịch nhau trên đời, chuyện đúng sai cũng vậy – làm gì có thứ gì đúng với sai, chỉ có phù hợp hay không vào thời điểm nào đó nhất định. Từ “gia trưởng” chẳng hạn, mỗi anh em sẽ có một góc nhìn khác, có người xem nó tiêu cực, một số khác lại không. Quan điểm cá nhân, tôi thấy “gia trưởng” chỉ đơn giản là trưởng của gia đình, một người cha đứng đầu và biết dẫn dắt. Đàn ông có chút gia trưởng trong người mới làm nên nghiệp lớn và gia đình mới nề nếp hơn. Với tôi là vậy, có lẽ anh em đã hiểu nhầm từ gia trưởng với độc đoán hay bảo thủ. Mà ngay cả từ bảo thủ, quan điểm của mỗi anh em là đã khác nhau rồi.
Từ ‘giỏi’ chẳng hạn, cha mẹ hay kiểu muốn con giỏi như người này người kia, nhưng mà giỏi là gì, như thế nào là giỏi, giỏi kiếm tiền, giỏi ăn nói, giỏi Anh Văn hay giỏi gì khác? Có ai giỏi hết mọi thứ không? Nếu không thì có gọi nó là giỏi không? Ai biết, mỗi lần bị ép anh em cứ đối chất với obz như thế xem sao haha.
Anh em không thích bị thay đổi, anh sẽ thích tự mình thay đổi hơn. Con người cố chấp là vậy đó, có người shill cho anh em cái này cái kia hay hay, bảo anh em làm chưa chắc anh em đã thoải mái – nhưng cũng một thứ đó, anh em tình cờ khám phá ra, lại sẽ bỏ hết tâm huyết vào mà thực hiện. Đời là trò chơi quyền lực, anh em ai cũng thích tác động lên người khác hơn là ngược lại – cho nên mỗi khi có ai muốn thay đổi tâm ý, tư duy của anh em, bất giác anh em sẽ phòng thủ. Vì thế mà phần lớn chúng ta không thích bị sai bảo, kể cả là cấp trên, anh em có thể dạ dạ vâng vâng chứ trong lòng anh em chưa hẳn đã đồng thuận.
Anh em đọc bài của tôi, nếu có thấy phù hợp, đó cũng chỉ là sự tương đồng giữa hai dòng quan điểm, vẫn có những cái nhỏ nhặt trong chính quan điểm đó nó khác nhau. Đọc ở đâu cũng vậy, anh em xây thêm tư duy cho mình hoặc/và cũng cố hoặc/và phản bác nó đi – cũng chỉ bởi góc nhìn sự việc của anh em mỗi người một khác.