Tính cách của con người, như từng đề cập ở bài tính cách (link dưới cmt) sẽ bị ảnh hưởng rất nặng trong khoảng thời gian đầu đời – khi mà mối quan hệ chính yếu nhất là với cha mẹ. Giai đoạn này sẽ định hình sâu sắc bản sắc của một con người, bám rễ chắc chắn đến mức khó mà thay đổi được. Không chỉ đơn thuần là những chỉ bảo bề mặt, ngôn từ, hình phạt này kia; giai đoạn này còn liên hệ mật thiết đến khía cạnh tâm lý.
Nhiều bậc phụ huynh, vì thiếu kiến thức, thiếu đi sự bình tĩnh, đặc biệt là thiếu đi tình cảm từ chính cha mẹ họ – sẽ tiếp tục đẩy con mình vào vết xe đổ quá khứ mà họ đã từng trải qua, thậm chí những lựa chọn trong đời của những người này, như việc chọn công việc, chọn chồng chọn vợ cũng bị ảnh hưởng không ít từ tương tác với cha mẹ khi còn bé xíu. Đôi khi tính cách của con cái có phần xa lánh, dè chừng, bướng bỉnh; họ không hiểu vì sao, dù cho đã vô cùng cố gắng chu cấp, nuôi dạy chúng cho đường hoàng – có thể, chính bản thân họ khi xưa cũng chịu sự bỏ mặc từ chính phụ huynh nên bây giờ cố gắng bù đắp lại, tuy nhiên khía cạnh tâm lý nó sâu sắc và tiềm ẩn chứ không chỉ là những nỗ lực hay cố gắng thường ngày.
Người con trai trong gia đình thường có một mối quan hệ sâu sắc với mẹ, với con gái thì là hình tượng người cha. Đồng ý tầm quan trọng của cả hai đều đáng kể, cha hay mẹ đều nuôi dạy con mình – nhưng sợi giây liên kết thực sự chỉ tồn tại giữa con trai – mẹ và con gái – ba. Việc lựa chọn bạn đời sau này có can hệ rất lớn, anh em có xu hướng lựa chọn bạn đời có đặc điểm chung với cha hoặc mẹ của mình. Điều này dù muốn dù không, anh em sẽ vô thức bị thu hút bởi những đối tượng như thế. Tôi từng nhắc đến khái niệm ẩn nam, ẩn nữ (việc anh em có cảm xúc với ai cũng vì ẩn nam ẩn nữ phóng chiếu đặc tính tương đồng lên người đó) và chúng được định hình thông qua ấn tượng đầu tiên của anh em vs cha mẹ.
Một bà mẹ đơn thân, lý do vì chồng bỏ đi theo người khác, mang tâm lý oán hận đặt lên con trai mình (dù bà không cố tình muốn điều đó). Việc thiếu đi đối tượng để san sẻ tình yêu, bà dành hết tình cảm và năng lượng lên đứa con trai bé bỏng (trong vô thức bà biến nó như một người tình lý tưởng), bà bảo bọc, cấm đoán và thậm chí điều hướng con mình theo hướng ngược hoàn toàn với người cha bội bạc. Về sau, đứa con trai sau này đã trưởng thành, vì tâm lý đã bị ảnh hưởng rất sâu bởi một bà mẹ mạnh mẽ và nam tính – hắn ta chọn người bạn đời cũng đã “tổn thương” như mẹ của hắn vậy. Có khi bất chấp can ngăn từ bạn bè, hắn vẫn quyết định đến với cô ta, một người phụ nữ cá tính và độc đoán (hệt như mẹ của hắn ta) và sống cuộc đời bị vợ đè đầu cưỡi cổ, sâu trong thâm tâm hắn, hắn đã có một người mẹ thứ hai, tiếp tục sống trong cái cảm giác an toàn và quen thuộc suốt nhiều năm đầu đời mà nó đã trải qua.
Gia đình có người cha rượu chè, cờ bạc, về nhà đánh vợ chửi con – khi còn bé có khi anh em không nhớ lắm những khoảnh khắc như vậy, nhưng tâm lý anh em tổn thương ít nhiều. Đứa con gái rất sợ cha nó, một người hoàn toàn bảo thủ (khác với gia trưởng nghe), từ bé con nhỏ đã phải chịu đựng sự vô lý từ người cha, đồng thời cũng không nhận được tình thương phù hợp. Bà mẹ trong lòng nhiều khi phẫn uất, như trút đi đâu cũng không được, ngoài mấy đứa con. Con bé sống qua tuổi thanh thiếu niên chỉ toàn nước mắt, chịu đựng và thiếu thốn tình cảm, nó sợ cảm giác bị bỏ rơi đến mức chối bỏ nỗi sợ đó ở chính mình. Xây dựng một cái vỏ bọc độc lập và mạnh mẽ, con bé trưởng thành lên mà không cần ai giúp đỡ, nó rất ngại nhờ người ta, vì quá sợ phải phụ thuộc vào người đời. Nó không mấy tình cảm với cha, thậm chí ghét bỏ ông vì những tổn thương từ bé, dù thế, nó vẫn bị thu hút bởi những thằng có phần cá tính và độc đoán, có khi không may cưới trúng thằng khác cũng rượu chè cờ bạc.
Vậy đâu đã xong? Cả một đời chịu đựng sẽ khiến những đứa bé như vậy mệt mỏi, dù thân xác có lớn tòng ngòng, đứa trẻ nhỏ tổn thương ngày bé vẫn còn nằm co rúm trong tâm hồn những người “đã lớn” này. Tiếp tục chịu đựng hoàn cảnh, con cái của họ tiếp tục sẽ sống dưới kiểu hình tâm lý đó cho dù họ có thể hiện ra bộ mặt khác hoàn toàn so với cha mẹ mình. Một chuỗi lặp không lối thoát. Những đứa trẻ bị tổn thương không dễ được chữa trị, có khi mất cả đời cũng không thoát được.
Mối quan hệ giữa mình với cha mẹ, lúc bé thế nào, bây giờ ra sao; anh em để ý sẽ thấy chính mình cũng có những ảnh hưởng về mặt tâm lý từ cha/mẹ mình. Người cha có vai trò rất quan trọng với con, dù mối liên kết chủ yếu ở hai giới đối nghịch, giữa cha và con trai luôn cần có sự trao đổi – để phát triển sự nam tính lành mạnh cho chúng sau này. Kiến thức, hoạt động thể chất, tư duy, tâm lý độc lập thế nào đều nên được người cha hướng dẫn – những điều mà một người phụ nữ không bao giờ bù đắp được cho con mình. Một người cha hư tổn, cũng sẽ khiến con trai hắn sau này nếu không nhu nhược thì cũng dạng trời ơi. Hình tượng người cha trong mắt con gái còn ghê gớm hơn nữa, vì con gái lấy mẫu đó để định hình ra bạn đời của mình. Có điều giờ mấy ông hay kiểu đi làm về vứt con cái cho mẹ và bà nuôi thay vì gần gũi với con cái, sau này con hư tại mẹ cháu hư tại bà chứ không có lỗi của mình, cái tâm lý thích đổ lỗi cũng chỉ có ở những người đàn ông hư nhược, đã từng sống dưới sự nuôi dạy của một gia đình mà cha mẹ cũng từng bị dạy sai.