Cha tôi thường hay có những chuyến đi Bombay dài ngày vì công việc, mỗi lần chuẩn bị lên đường ông thường bảo lũ trẻ con trong nhà muốn ông mang quà gì về thì hãy ghi vào một tờ giấy để ông có thể ghi nhớ. Thông thường lũ trẻ thường yêu cầu quà bánh, đồ chơi, xe đạp và không một đứa trẻ nào yêu cầu những thứ như tự do hay sự tôn trọng cả. Trừ tôi!
Cầm tờ giấy ghi danh sách quà tặng trên tay, ông đến tìm tôi và nói: “Con thật lạ! Những thứ như tự do, tôn trọng, tinh thần dân chủ… mà con yêu cầu, chúng đâu có được bán ở ngoài chợ, làm sao ta mua được?”
Tôi nói: “Nếu như cha không thể mang về cho con một ít tự do, một ít tôn trọng, một ít tinh thần bè bạn… thì ít nhất cũng hãy mang đi bớt sự độc đoán, cấm đoán, áp đặt của cha đi. Ngoài ra, con không cần gì cả!”
“Con thật là một đứa trẻ quái lạ. Rõ ràng ta không thể mua những thứ ấy, vậy nếu con không muốn đồ chơi gì thì sách – như mọi lần – thì sao?”
“Thôi được rồi, hãy mang về cho con cuốn sách. Cuốn ‘cha và con’ của Tủgenev, con muốn cuốn đó. Nhưng con muốn cha hãy đọc nó!”
Bằng cách ấy, tôi luôn có mọi cuốn sách mà tôi yêu cầu, những cuốn bạn không thể tìm được trong thư viện hay những hiệu sách trong thị trấn. Cha tôi mang về cho tôi rất nhiều sách và thư viện của tôi nhờ đó cứ lớn thêm mãi.
Khi cha mang về cuốn ‘cha và con’ tôi đã yêu cầu ông ấy đọc nó, không chỉ một mà rất nhiều lần. Và ông ấy đã đọc, không chỉ một mà nhiều lần, chẳng bởi vì ông ấy yêu thích nó nhưng bởi vì tôi đã yêu cầu. Đó là cách duy nhất tôi có thể nói chuyện với ông về cách nhìn mới giữa mối quan hệ cha và con. Đó là cách duy nhất tôi có thể cho ông thấy khoảng cách và sự khác biệt giữa hai thế hệ, rằng ông ấy tốt hơn nên là một người bạn để chia sẻ với tôi mọi sự, thay vì cấm đoán và áp đặt như một tên độc tài với kẻ nô lệ.
Có lần tôi quá yêu thích cuốn ‘Sự Phục Sinh’ của Leo Tolstoy nên đã đọc và mang nó đi theo khắp mọi nơi, kể cả khi ngủ. Cha tôi nói: “Con thích nó thì ta có thể hiểu, nhưng hẳn con phải đọc xong lâu rồi chứ? Cả tháng rồi đi đâu con cũng mang theo cuốn đó, kể cả đi vệ sinh. Con lại còn mua hàng chục bản copy của cuốn đó, để làm gì? Ta đã nhìn hoá đơn mua sách rồi. Con mua đến hàng chục bản.”
Tôi nói: “vì con quá yêu thích cuốn đó! Con biết cha không vui, nhưng mà khi con xin tiền để mua sách, tốt hơn hết cha nên cho con!”
“Con đang nói gì thế?”
“Con hứa với cha rằng tiền con xin từ cha chỉ là để mua sách mà thôi. Con cần những cuốn sách và con không có tiền. Nếu cha không cho con tiền, con sẽ phải ăn cắp từ đâu đó. Con không muốn trở thành một kẻ trộm cắp nên nếu cha không cho, tức là cha đã ép con trở thành kẻ trộm, ấy thế thì cha sẽ phải chịu trách nhiệm khi con trai cha là kẻ trộm cắp.”
“Thôi được rồi, con không cần nói nữa, khi nào cần tiền cứ đến hỏi, ta sẽ cho nhưng con tuyệt đối không được ăn trộm của ai đâu đấy!”
“Con sẽ không bao giờ phải ăn trộm gì khi mà cha luôn cho con thứ con cần. Con chỉ cần tiền tiền khi mua sách thôi. Cha sẽ thấy!”
Nhưng rồi cha tôi chẳng cần tôi chứng minh về số tiền khi thấy cái thư viện của tôi cứ lớn dần lên mãi. Ông nói: “Ban đầu chúng ta có một thư viện căn nhà. Bây giờ chúng ta dường như đang có một căn nhà trong cái thư viện.“