Tối qua trước khi ngủ tôi có nghe một bài podcast khá hay của anh Hieutv, bàn về việc bản thân chúng ta đã sẵn sàng cho cái chết của mình hay chưa, và nếu một ngày trước giờ phút lâm chung thì chúng ta liệu có thấy tiếc nuối với cuộc đời của mình. Link bài podcast tôi sẽ để dưới phần cmt.
Nghĩ về cái chết của bản thân ở cái tuổi còn chưa chính thức ra đời, tôi thấy đúng là lo. Khi mà bản thân còn quá nhiều mục tiêu và tham vọng, một sự kết thúc quả thật là chưa đáng. Tôi nghĩ nếu không có gì bất trắc xảy ra thì phần lớn người trẻ sẽ tồn tại thêm vài chục năm đời người nữa. Cơ mà vấn đề mà tôi nhìn thấy, không phải là việc chuẩn bị cái kết đẹp cho bản thân như thế nào, mà là chuẩn bị tinh thần ra sao cho sự rời đi của bất kỳ người thân thiết nào trong cuộc đời của mình.
Đây là cái thực tế đau buồn mà ai ai cũng đều phải học cách đón nhận từ sớm. Cũng như cha mẹ chúng ta thôi, nhiều chục năm trải qua sẽ không ít lần chúng ta chứng kiến những mất mát lớn và những chia ly. Tôi không biết mọi người thế nào, chứ từ bé thi thoảng tôi vẫn hay nghĩ ngợi linh tinh về sự mất mát này.
Hồi cấp hai có lần nhà tôi đi ăn cùng nhau, mừng tiệc sinh nhật một thành viên trong gia đình, đêm hôm đó về không hiểu sao tôi lại nghĩ, không biết liệu có một ngày nào đó mà những bữa cơm nhà như vậy sẽ vĩnh viễn thiếu đi một người nào đó hay không, tôi khóc ướt nhèm cả gối.
Cái “thói quen” đó vẫn cứ thế lặp đi lặp lại cả chục năm nay, ngày xưa tôi thấy suy nghĩ kiểu này nó quở lắm, giống như bản thân đang trù ẻo người khác vậy, tôi gạt phăn nó đi ngay, cơ mà đâu dễ, nó vẫn cứ quay lại như thường. Mãi sau này thì tôi mới nhận ra nó cũng không hẳn là quá tiêu cực như bao người vẫn quan niệm, vẫn luôn tồn tại những lợi ích to lớn từ những ý niệm không mấy hay ho này. Thực ra những chuyện liên quan đến chết chóc rất hiếm khi được đem ra bàn luận vì nó có phần nhạy cảm quá.
Tôi hay nghĩ vậy chứ hễ nói ra với người khác rồi thì nó lại mất cái hay. Chuyện một người nào đó, một ngày nào đó không còn xuất hiện nữa là điều chắc chắn không thể tránh khỏi, thậm chí ngày đó có thể đến rất nhanh. Phận làm con sâu cái kiến, ai cũng muốn người thân sống mãi bên mình mà đâu có được, nó nằm ngoài quyền hạn của chúng ta mà.
Biến cố chưa bao giờ là dễ chịu, tôi cũng ít nhiều từng chứng kiến người trong đại gia đình về với đất mẹ, cũng có lúc xúc động cũng có lúc không, tùy vào tình trạng gắn bó giữa nhau nữa. Nhưng phần lớn tôi thấy có những người gần như sụp đổ, phải mất rất lâu mới lấy lại cân bằng hay nặng nề hơn thì họ không thể hồi phục được. Một thứ nằm ngoài tầm kiểm soát và lại là một thứ sớm muộn gì cũng xảy ra mà chúng ta lại để nó ảnh hưởng nặng nề như vậy quả nhiên không đáng chút nào. Dù cho mất mát đó ra rất lớn.
Những suy nghĩ của bản thân là thứ mà chúng ta nên hạn chế phán xét đúng sai hay đạo đức. Đúng là có những suy nghĩ rất tiêu cực và khó chịu, làm chúng ta gần như thấy rõ cái con người xấu xa ẩn nấp sâu bên trong bản ngã của mình. Trên đời ai không muốn là người tốt lành, thánh thiện; nhưng bản chất con người là thứ sẽ không bao giờ mất đi, con người vẫn sẽ luôn là loài đố kỵ, tham lam, thiển cận và rất nhiều tánh xấu khác. Người càng dồn nén những ý niệm hay cảm xúc tiêu cực của bản thân là người đang ngày ngày bồi bổ cái tối tăm trong mình thêm phần u ám. Ý niệm về cái chết của một người, của bản thân từng là nền tảng quyết định sinh tồn. Cứ tự hỏi bản thân xem, thời kỳ săn bắn hái lượm, nếu tổ tiên không tự mình nghĩ đến những viễn cảnh xấu nhất mà cứ ung dung yêu đời thì chúng ta đâu còn là một giống loài đáng tồn tại?
Cho nên những suy nghĩ về cái chết của người thân, gia đình, bạn bè; nếu một ngày có xuất hiện thì chúng ta nên đón nhận lấy. Nó không có xấu xa đến vậy đâu. Thậm chí tôi khuyến khích việc chủ động nghĩ đến những cái chết đau thương nhất có thể. Giáo sư tiến sĩ kiêm nhà tâm lý học Jordan Peterson đã từng nhắc đến việc này, nếu chúng ta không nghĩ về sự rời đi của một người nào đó thì khi việc này thực sự xảy ra, tinh thần chúng ta sẽ tan nát và khó có thể đứng lại được. Đây là cách mà chúng ta chuẩn bị cho bản thân để đối mặt với những thách thức mà chúng ta đã lường được trước. Phụ nữ có phần sẽ khó khăn với kiểu suy nghĩ này nhưng với Đàn ông thì nên được trang bị từ sớm. Nghĩ xem, gia đình bạn không may có người mất, bạn là thành viên trụ cột trong gia đình, nếu bạn không đủ vững chãi thì ai sẽ là người chăm lo hậu sự, ai sẽ là người để mẹ già, em gái dựa vào khi gặp mất mát?
Mà dù sao chúng ta cũng sẽ chia tay ai đó thôi, có những cái chết đáng tiếc đến mức gia đình không kịp gặp mặt lần cuối và chuyện người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh lại là chuyện rất thường. Nhất là trong tình trạng dịch bệnh thế này, những ca nặng ở các bệnh viện trong Sài Gòn, thì những điều mất mát càng dễ xảy ra. Nghĩ lại thấy 70 năm cuộc đời nó đâu có dài mấy, tính ra cũng còn hơi ngắn nữa. Nhiều khi đến lúc chia tay nhau rồi mới vỡ lẽ ra nên đối đãi với nhau tốt hơn và nhiều cảm thông hơn, sau cùng cũng chỉ khóc lóc rồi nuối tiếc.
Post này cũng chỉ có vậy. Những suy nghĩ là thứ nên được đón nhận, không chỉ với sự mất mát người thân, mà với nhiều biến cố nhất có thể mà chúng ta có thể đoán trước được. Đây vẫn luôn là sự chuẩn bị tinh thần cần thiết đó thôi. Sau cùng thì (hơi self help một tí), trong cái thời đại ai cũng chỉ quan tâm đến mình như hiện nay, những quan tâm chia sẻ thực lòng với người thân, bạn bè và những người quan trọng với mình là điều vô cùng quý giá. Ít ra thì lúc người ta đi mất, chúng ta cũng hài lòng về những kỷ niệm của nhau.