À cái này không phải thói quen thường xuyên của tôi lắm, cách đây vài tháng thì khá siêng năng, để sẵn cuốn sổ đầu giường, dậy là tôi ghi chép những gì mình nhớ vào ngay, mà giờ đỡ rồi, tôi chỉ lâu lâu ghi lại những giấc mơ tôi cho là ấn tượng với mình nhất.
Thông thường thì anh em sẽ không nhớ mình mơ gì vào ngày hôm sau, nên việc ghi lại là khá khó, vậy nên hồi lâu tôi mới hay để cuốn sổ đầu giường vì trong 30s đầu tiên ngay khi thức dậy là lúc anh em nhớ rõ nhất những gì vừa thấy. Việc ghi lại giấc mơ càng chi tiết sẽ càng tốt.
Lý do tại sao lại phải ghi lại giấc mơ? Trên phương diện cá nhân, chia sẻ với anh em một tí, tôi rất thích nằm mơ, dù giấc mơ đó đẹp xấu thế nào. Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ tôi đều có một chút háo hức rằng mình sẽ được mơ một giấc mơ, điều này làm tôi có cảm giác mình sống tận hai cuộc đời cùng một lúc.
Ở phương diện tâm lý học, tôi tin một ngày nào đó tôi sẽ hiểu được những thông điệp mà giấc mơ gửi cho mình. Nhà phân tâm học Sigmund Freud, thầy của Carl Jung, là bậc thầy trong việc phân tích các giấc mơ, quan điểm của ông cho rằng nội dung của giấc mơ là những nhu cầu và ham muốn thầm kín ở bản thân mình. Việc phân tích giấc mơ là vô cùng phức tạp, Carl Jung dành cả cuộc đời làm việc với tận mấy ngàn giấc mơ khác nhau của các bệnh nhân mới có thể để lại công trình nghiên cứu của mình cho đời (tâm lý học của Jung rất rộng, không chỉ dừng ở mức vô thức và ý thức không thôi, nhưng tôi không dám bàn nhiều, vì có những điều tôi vẫn chưa hiểu đến được). Tôi không chắc với vốn hiểu biết hạn hẹp của mình thì có thể nhận ra được điều gì không, dù sao vẫn đáng hy vọng.
Trong cuốn Why We Sleep của Matthew Walker cũng có lạm bàn về Giấc mơ, tác giả không phản bác học thuyết của Freud nhưng cũng không 100% đồng tình, vì ông cho rằng học thuyết về giấc mơ của phân tâm học vẫn chưa có nghiên cứu nào quá xác đáng (phần cũng vì cái thời của Freud khoa học chưa phát triển như bây giờ), nhưng có một điều đảm bảo ý nghĩa của những giấc mơ, là chúng mô tả lại những trải nghiệm Cảm Xúc của con người.
Ghi chép những giấc mơ không nhất thiết là điều bắt buộc, tôi ghi lại kha khá nhưng vẫn chưa thấy hiểu lắm về những điều giấc mơ của mình truyền tải (vẫn hiểu mù mờ một tí nhe anh em). Vô thức thường chỉ hoạt động mạnh mẽ khi Ý thức đã ngủ yên, vì vậy cách để trò chuyện với tâm hồn mình chắc chắn phải thông qua những giấc mơ – nơi mà Vô thức gửi cho anh em nhiều thông điệp thông qua những Archetypes (những mẫu tượng) – Ví dụ, Carl Jung từng nhắc đến hình ảnh con nai tơ trắng trong giấc mơ biểu tượng cho ham muốn tình dục, chẳng hạn.
Vô thức – thông qua giấc mơ – hoạt động theo phương thức bù trừ, để cân bằng lại con người Ý thức trong khi anh em tỉnh táo. Nói thế này cho dễ hiểu, giả dụ thông thường anh em là một đứa ít vận động, ngồi lì ở nhà, ngại giao tiếp, hiếm khi dấn thân thì nội dung giấc mơ của anh em CÓ THỂ giống như motif phim hành động hoặc anh em dấn thân làm nhiệm vụ gì đó có vẻ hấp dẫn lắm, vì cuộc sống bên ngoài của anh em CÓ THỂ đang khá chán. Anh em đi làm, chịu đựng đủ thứ rác rưởi mà không dám phản kháng, anh em ngại đứng lên nói để bảo vệ cho mình thì khi mơ CÓ THỂ anh em giết người hoặc làm một chuỗi hành động bạo lực nào đó khác. Hoặc anh em ế lâu quá, nằm mơ thấy đi chơi với cô này cô kia vui quá trời hahahaha.
Có một điều nữa về giấc mơ, nhưng điều này tôi không chắc chắn, là dự báo trước tương lai – có thể là sự ra đi của người thân, bạn bè hoặc của chính anh em, cái này thì tôi không chắc, nó có thể dự báo sự kiện gì đó trước 1 tuần, 1 tháng hay thậm chí vài năm. Cái này khác với hiện tượng Dejavu nha, anh em cứ thấy một cảnh gì đó quen quen hình như mình gặp ở đâu rồi, cho rằng mình từng nằm mơ thấy, quan niệm này sai, hiện tượng Dejavu đúng ra chỉ là khi anh em làm một việc gì đó và não bộ tự set up chuỗi cảm giác quen thuộc với hành động này mà thôi.
Ở bài Cơ chế phóng chiếu hôm qua, tôi từng đề cập đến việc ghi lại giấc mơ để nhận diện mặt tối của mình – anh em nếu thường hay ghi lại giấc mơ, may mắn sẽ thấy mù mờ thông qua cách mà nó truyền đạt cho anh em (cái ví dụ việc đi làm chịu đựng rác rưởi là một cái ví dụ rất ví dụ cho vấn đề này).
Bài cũng hơi dài, end ở đây, khuyến khích anh em ghi lại giấc mơ nếu thích – có thể sẽ khó mà hiểu được ý nghĩa, nhưng đảm bảo hồi đọc lại sẽ có phút giây giải trí haha. Tôi vẫn lâu lâu đọc lại, và không ngờ mình mơ quái vậy luôn.
Art đẹp.