“Thời đại bây giờ của chúng ta… luôn muốn tiêu diệt thần thoại. Con người hiện nay, mất đi các câu truyện thần thoại, trở thành một kẻ thèm khát tất cả những gì thuộc về quá khứ trước kia của anh và đào bới điên cuồng để tìm kiếm lại gốc rễ của mình…” (Friedrich Nietzsche, The Birth of Tragedy)
Chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà khoa học và công nghệ giúp giảm thiểu sự đau đớn về mặt thể lý của ta ở một mức độ đáng kinh ngạc. Nhưng còn sự đau khổ về mặt tâm lý thì sao? Bởi, trong khi tuổi thọ của ta đã được kéo dài, và nhiều căn bệnh đã bị xóa sổ, nhưng nó vẫn không giải quyết được nan đề hiện sinh của chúng ta. Cũng giống như bất kỳ người đàn ông hay đàn bà nào sinh ra trên trái đất này, chúng ta được sinh ra, chúng ta sẽ chết, tất cả mọi thứ và mọi người ta biết rồi cũng sẽ hóa thành cát bụi, và trừ khi ta là một trong số những cá nhân kiệt xuất, thì di sản ta để lại có thể tồn tại nhiều nhất là một thế hệ. Việc suy tư quá nhiều về những sự thực này không khiến ta vui. Nhưng nếu ta bám víu mãi những sự thực này và cùng lúc cảm thấy cuộc đời của mình vô nghĩa thì ta sẽ phải chịu đựng những cơn đau đớn cực độ về mặt tâm lý.
Trong khi khoa học và công nghệ mang đến cho ta nhiều thứ, thì chẳng có một ứng dụng, thiết bị, phương trình, hay loại dược phẩm nào có thể khiến cho cuộc đời của ta có ý nghĩa. Đúng hơn vai trò này từ lâu đã được thần thoại đảm nhiệm. Tuy nhiên, Phương Tây lại gặp khó khăn rất nhiều đối với vấn đề này. Theo như Friedrich Nietzsche và Carl Jung thì sự suy giảm đáng kể của Thiên Chúa Giáo đã khiến cho Phương Tây rơi vào một thời kỳ thiếu đi thần thoại, và nó vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay. Và do sự thiếu vắng đi thần thoại, không kể đến những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật, đã khiến cho ta gặp nhiều khó khăn trong việc đối diện với nan đề hiện sinh của chính mình và thiên hướng mắc phải những căn bệnh tâm lý của ta càng gia tăng hơn.
“Trong số những kẻ được gọi là loạn thần ở thời đại chúng ta ngày nay thì cũng có rất nhiều người đến từ những thời kỳ khác nhau không bị căn bệnh loạn thần – hay nói đúng hơn là, tự chia cắt và chống lại chính bản thân mình. Nếu họ sống trong một thời kỳ…mà con người được thần thoại kết nối tới thế giới của tổ tiên… thì họ có lẽ đã được dung thứ cho sự chia rẽ xảy ra bên trong bản thân của mình.” (Carl Jung, Memories, Dreams, Reflections)
Nhưng làm cách nào thần thoại giúp ta gánh vác được gánh nặng hiện sinh của mình và xoa dịu đi sự đau khổ về mặt tâm lý? Phải chăng thần thoại không chỉ đơn thuần là những phương pháp ban sơ được dùng để giải thích cơ chế hoạt động của thế giới tự nhiên hay là những câu truyện viễn tưởng dùng để tôn vinh nguồn gốc của một nền văn hóa? Với sự trỗi dậy của khoa học thì liệu rằng ta đã vượt qua được cái mong muốn tìm đến thần thoại hay chưa? Theo như Nietzsche và Jung thì câu trả lời là ta vẫn chưa. Bởi khoa học và thần thoại nhắm đến những câu hỏi khác nhau. Các phương pháp khoa học thì dùng để giải quyết mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả và giúp ta hiểu hơn cơ chế hoạt động của thế giới này. Mặt khác, thần thoại là các câu chuyện truyền tải những kiểu hành vi, khuôn mẫu hành động, và cách ta trải nghiệm thế giới, giúp thúc đẩy quá trình phát triển lành mạnh về mặt tâm lý và tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa. Mặt khác, thần thoại chính là nơi chứa đựng tri thức tinh hoa từ nhiều thế hệ trước kia, mang đến những lời giải cho nan đề hiện sinh mà ta gặp phải và giúp liên kết một nền văn minh dưới một lý tưởng chung.
Khi một xã hội mất đi thần thoại của riêng nó, thì những thành viên trong xã hội đó vẫn chưa mất đi cái mong muốn viết lên câu chuyện về cuộc đời của mình. Đúng hơn vai trò này quan trọng tới sự hạnh phúc của chúng ta đến nỗi nó là một điều gì đó ta luôn thực hiện, cho dù có thần thoại trợ giúp hay không. Chúng ta cường điệu hóa những sự kiện nhất định trong quá khứ, phủ nhận người khác, và thậm chí là bịa đặt một số sự kiện nhất định trong câu chuyện cuộc đời của mình và ta làm điều này để biết được mình là ai và mình đang đi đâu trong cõi đời này. Nhưng khi “tầm nhận thức của một xã hội được thần thoại mang đến” (Nietzsche) thì quá trình tạo nên một câu chuyện cuộc đời có ý nghĩa, và quá trình phát triển về mặt tâm lý sẽ được thúc đẩy rất nhiều. Để hiểu cách mà thần thoại đạt được thành tựu này ta cần phải xem xét vai trò của biểu tượng thần thoại. Bởi theo như lời của Nietzsche thì những biểu tượng của thần thoại đóng vai trò như là “những người hộ vệ có mặt ở khắp chốn nhưng không ai biết tới…mà rằng dưới sự bảo bọc của họ những tâm hồn bé nhỏ dần lớn khôn…”
Không như một ký tự, thứ dùng để chỉ hay đại diện một thực thể hữu hình, một biểu tượng theo như lời của học giả theo trường phái Carl Jung tên là Edward Edinger thì “đó là một hình ảnh hay một sự đại diện cho một thứ gì đó mà ta hoàn toàn không biết, một ẩn số.” (Edward Edinger, Ego and Archetype). Tôn giáo chính là nguồn biểu tượng dồi dào nhất. Cho dù đó là hình thánh giá từ Thiên Chúa Giáo, mạn đà la từ Hindu Giáo, hay luân pháp (Dharma Wheel) của Phật Giáo, biểu tượng hoạt động theo một cách thức rất thần bí, mời gọi ta tiến tới những mục tiêu mà mình chỉ hiểu được 1 phần nhỏ của nó.
“Vai trò của những biểu tượng tôn giáo đó là mang đến một ý nghĩa cho cuộc sống con người. Người da đỏ Pueblo tin rằng họ chính là những người con của thần Father Sun, và niềm tin này đã mang đến cho họ một góc quan (và một mục tiêu) vượt xa cả sự tồn tại hữu hạn của mình. Nó cho họ một không gian rộng lớn để phát triển nhân cách và cho phép họ có một cuộc sống đủ đầy với tư cách là những con người toàn vẹn. Hoàn cảnh của họ còn sướng gấp nhiều lần so với một người ở trong nền văn hóa của chính anh, biết rằng mình chẳng khác gì một kẻ hèn kém không có một ý nghĩa sâu sắc nào dành cho cuộc đời của mình.” (Carl Jung, Man and His Symbols)
Sự vắng bóng của thần thoại giống như một động thái chống lại biểu tượng. Tại sao chúng ta nên tin vào một thứ gì đó, khi nhìn nhận một cách khách quan, thông qua lăng kính của một bộ não khoa học được khai sáng, lại chẳng thấy nó có cơ sở thực tế nào? Nhưng vai trò của biểu tượng không phải là giúp ta thao túng hay hiểu biết về thế giới bên ngoài, đúng hơn vai trò nòng cốt của nó là giúp ta phát triển về mặt tâm lý và nó vẫn sẽ thực hiện công việc này bất luận giá trị thực tế bên ngoài của nó là gì đi nữa.
“Nếu đứng ở quan điểm của chủ nghĩa hiện thực (realism), thì tất nhiên biểu tượng không phải là một sự thật ở thế giới bên ngoài, nhưng nó là một sự thật về mặt tâm lý, bởi nó đã và đang là cầu nối cho tất cả những gì tốt đẹp nhất của nhân loại.” (Carl Jung, Symbols of Transformation)
Không phải câu chuyện thần thoại nào cũng có giá trị ngang nhau, hay phù hợp cho các giai đoạn phát triển của lịch sử con người. Một số câu chuyện thần thoại phản ánh rõ nét sự đấu tranh của đàn ông và phụ nữ ở những thời kỳ khác nhau và mang tới một tập hợp những biểu tượng giúp ta đương đầu với nan đề hiện sinh của mình tốt hơn. Nietzsche thì không ưa thích thần thoại của Thiên Chúa Giáo cho lắm – với ông Thiên Chúa Giáo là dạng thần thoại chối bỏ cuộc sống, đối nghịch với những thần thoại mang tính bi kịch được ưa chuộng hơn ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Jung thì không chỉ trích nhiều về Thiên Chúa Giáo. Với ông Thiên Chúa Giáo là một trong vô số những thần thoại của tôn giáo mà ông xem như là có giá trị lớn đối với mỗi cá nhân:
“Thần thoại của tôn giáo là một trong những thành tựu vĩ đại và quan trọng bậc nhất của con người, nó mang đến cho họ một sự bảo bọc và sức mạnh đến từ bên trong không dễ gì bị nghiền nát trước sự bạo tàn của vũ trụ.” (Carl Jung, Symbols of Transformation)
Trong khi Nietzsche và Jung khác biệt về góc quan đối với Thiên Chúa Giáo, thì cả hai đều không tin rằng những câu chuyện của Thiên Chúa Giáo có thể quay trở lại ở Phương Tây. Trong cuốn sự truyện của mình, Jung đã hồi tưởng lại một thời điểm quan trọng trong cuộc đời khi điều này trở nên hiển nhiên hơn đối với ông:
“…Rồi một thứ gì đó bên trong hỏi tôi “Nhưng con người ngày nay đang dựa vào câu chuyện thần thoại nào để sống?” – “Dựa vào thần thoại của Thiên Chúa Giáo” – “Vậy thì ngươi có sống dựa vào đó không?” –
“Thú thực rằng, câu trả lời là không. Bởi đó không phải điều mà ta muốn theo đuổi” – “Vậy tức là chúng ta không còn dựa vào bất kỳ thần thoại nào nữa à?” – “Rõ ràng là không, chúng ta không còn sống dựa vào bất kỳ thần thoại nào nữa.” – “Nhưng nếu thế thì chính bản thân ngươi đang sống dựa theo câu chuyện thần thoại nào?” Tại thời điểm này cuộc đối thoại với bản thân tôi dần trở nên khó chịu, và tôi ngừng việc suy nghĩ lại. Tôi đã rơi vào bế tắc.” (Carl Jung, Memories, Dreams, Reflections)
Dù mất đi thần thoại, nhưng thứ vẫn chưa bị mất đi đó chính là mong muốn tìm kiếm ý nghĩa của chúng ta và cũng vì thế mà Phương Tây đang ở trong một tình thế khó xử. Bởi vì nó thiếu đi thần thoại, thứ giúp ta viết lên một câu chuyện cuộc đời có ý nghĩa và giúp liên kết lại một nền văn minh mà ta đang sống, nhiều người, theo như Jung và Nietzsche, sẽ bám víu vào những hệ tư tưởng chính trị do chủ nghĩa tập thể mang đến. Những hệ tư tưởng này bao gồm cả các biểu tượng và nghi thức riêng của nó, giúp cho những người tham gia cảm thấy mình đang đóng góp một thứ gì đó lớn lao hơn cái bản thân cô độc của họ. Nhưng sự tôn thờ Nhà nước, bất kể hình thức nào, đều là tôn thờ một vị thánh thần giả mạo. Cho dù những hệ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa tập thể giúp xoa dịu những tín đồ của nó khỏi gánh nặng của việc tồn tại, nó vẫn là môt sự thay thế đầy thiếu sót nếu so với thần thoại. Bởi chế độ nhà nước tập quyền không phải là thứ khuyến khích quá trình phát triển nhân cách lành mạnh. Đúng hơn cái sự giáo dục đạo đức mà nó mang tới lại chính là thứ làm mất đi giá trị của mỗi cá nhân để phục vụ lợi ích của tập thể. Nhưng vấn đề tồi tệ hơn, như lịch sử đã chứng minh, việc tôn thờ Nhà nước không giúp gắn kết một nền văn hóa, mà thay vào đó gây ra sự chia rẽ, xung đột và cái chết:
“Nhà nước thời hiện đại chỉ đơn thuần là một sự ngụy tạo, một lá chắn, một niềm tin không có thực, một khái niệm. Trên thực tế, những chiến thần cổ đại luôn là người mang con dao hiến tế, bởi trong cuộc chiến thì bầy cừu chính là vật hiến tế… Vì lẽ đó, thay vì trở thành những gì tiêu biểu nhất của nhân loại hoặc trở thành một vị thánh sống của con người, thì bây giờ chúng ta lại có những vị thần đen tối đến từ Nhà nước (State)… những vị thần cổ xưa trước kia bây giờ sống lại trong một thời điểm mà đáng ra họ nên bị loại bỏ từ lâu, và không ai có thể nhìn thấy điều đó.” (Carl Jung, Nietzsche’s Zarathustra)
Nếu ta đồng tình với Nietzsche và Jung rằng những hệ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa tập thể (Collectivist) là một phương án thay thế đầy thiếu sót và mang tính hủy diệt đối với việc mất đi thần thoại của chúng ta, phải chăng lựa chọn cuối cùng là rơi vào trạng thái thụ động của chủ nghĩa hư vô? Nietzsche và Jung đều quả quyết rằng phương án như này không hợp lý chút nào và nó sẽ chỉ dẫn tới một cuộc sống đầy hoang phí. Có thể ta bị ép buộc phải chấp nhận rằng mình sinh ra trong một nơi thiếu đi thần thoại, nhưng nó không đồng nghĩa rằng ta phải chịu đựng một cuộc sống đầy vô nghĩa.
“Nó là một thước đo sức mạnh ý chí của một người khi anh phải chịu đựng việc mọi thứ dần trở nên vô nghĩa, sở dĩ người ta có thể chịu đựng được việc sống trong một thế giới vô nghĩa ở mức độ nào đó là nhờ vào việc họ tự tu sửa lại một phần của bản thân mình.” (Nietzsche, The Will to Power)
Cái mong muốn chỉnh sửa lại một phần ý nghĩa cuộc đời của mình trong một thế giới vô nghĩa chính là lý do vì sao thời đại của ta, cho dù vắng bóng đi thần thoại, vẫn có thể được xem như là thời đại của anh hùng. Người anh hùng chính kẻ có sức mạnh ý chí như Nietzsche đã ám chỉ ở phía trên. Thay vì bị nuốt chửng bởi cơn hỗn loạn đến từ thâm tâm, thứ khiến cho nhiều người mất kết nối tới các câu chuyện thần thoại có ý nghĩa, người anh hùng chính là kẻ đối mặt với sự hỗn mang đó và anh hay cô ta sẽ là người tìm lời giải đáp cho gánh nặng của sự tồn tại mà thời đại ngày nay đang phải đối mặt. Số ít kẻ can trường chấp nhận thử thách mới là người quay về được thế giới thần thoại. Bởi khi họ dám vươn lên để đặt lại trật tự cho một phần nhỏ của thế giới, thì họ đã lựa chọn con đường thần thoại, mà đại diện của con đường này đó chính là một trận chiến với con rồng.
“…chỉ những người liều lĩnh chiến đấu với con rồng và không bị nó nuốt chửng ngược lại mới là người giành được cái “kho báu khó khăn lắm mới đạt được”. Chỉ mình anh mới được xem như là người có sự tự tin, bởi anh đã đối diện với vùng đất đen tối của chính bản thân và nhờ đó giành lại được chính mình. Trải nghiệm này mang tới lòng tin và kỳ vọng, niềm tin về khả năng của mình là thứ giúp anh sống tiếp, khi tất cả những thứ quấy nhiễu bên trong đã được chính anh giải quyết. Anh đã đạt được niềm tin rằng mình sẽ có thể vượt qua tất cả mối nguy họa trong tương lai bằng cách tương tự như này. Anh đã có được sự tin tưởng đến từ thâm tâm của mình, thứ giúp anh tự lập.” (Carl Jung, The Symbolic Life)