Trong cuốn Twilight of the Idols, Nietzsche viết:
“Theo cách này, ta lại đứng trên mảnh đất mà ý định, khả năng của ta sản sinh từ đó – Ta, môn đệ cuối cùng của triết gia Dionysus.” (Twilight of the Idols)
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nietzsche chịu ảnh hưởng rất nhiều từ vị thần Hy Lạp cổ đại Dionysus – “vị thần muôn hình vạn trạng” và mang những chiều sâu khó tả.
Để miêu tả bản chất đa diện của Dionysus, Walter Otto đã viết:
“Thời xưa luôn tán dương Dionysus là vị thần cho con người rượu vang. Tuy nhiên, ông ta cũng được biết đến như vị thần hoang dại với sự hiện hữu khiến cho con người điên cuồng và xúi giục họ trở nên tàn bạo và thậm chí thèm khát máu thịt. Ông là người bạn tâm tình và đồng hành của linh hồn người chết… Những bông hoa cũng chứng giám cho ông ấy. Cây thường xuân, cây thông, cây sung đều yêu mến ông. Thế nhưng, vượt xa mọi phước lành trong thế giới thực vật này chính là món quà của cây nho…Dionysus là vị thần của sự mê ly phước lành và tình yêu mê đắm nhất. Nhưng ông cũng là vị thần ngược đãi, đau khổ và hấp hối, và tất cả những người ông yêu quý, tất cả những ai đi theo ông, đều phải chịu chung số phận bi kịch của ông.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Nhiều thần thoại và giáo phái bao quanh Dionysus đã gây ra sức ảnh hưởng lớn tới xã hội Hy Lạp Cổ Đại, và trong chúng, Nietzsche nhận thức được điều ông cảm giác là đang thiếu vắng trong xã hội hiện đại – một sự ăn mừng của cái ông gọi là “khuynh hướng bi kịch”. Nietzsche nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống với nhận thức bi kịch về đời, và khẳng định rằng chỉ thông qua việc trau dồi một trạng thái như vậy, ta mới có thể đạt được sự trưởng thành thực sự, tính sáng tạo, vĩ đại, và khả năng hoàn toàn khẳng định cuộc đời.
“Chỉ có một hy vọng duy nhất và một sự đảm bảo cho tương lai của con người; nó nằm ở chỗ khuynh hướng bi kịch không nên bị suy tàn.” (Nietzsche)
Rút ra từ cuốn sách tuyệt vời mang tên Dionysus: Myth and Cult của Walter Ottto, cũng như từ các sao lục triết học của Nietzsche, trong Video này, chúng ta sẽ tìm hiểu bản chất của Dionysus thông qua vô vàn thần thoại và giáo phái bao quanh vị thần của thế giới cổ đại này. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ giải mã lý do tại sao Nietzsche liên tục say mê hình tượng Dionysus, và làm sáng tỏ những ý tưởng của ông về bản chất bi kịch và mối liên kết của nó với sự vĩ đại và khẳng định cuộc đời.
“Một vị thần say rượu”, Walter Otto viết về Dionysus, “một vị thần điên khùng! Thực sự là một ý tưởng đòi hỏi suy nghĩ sâu lắng nhất của ta.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Khi suy niệm về ý nghĩa và tầm quan trọng của Dionysus, nơi thích hợp nhất để bắt đầu sẽ là thần thoại về sự ra đời của ông ấy. Dionysus được sinh ra bởi một người phụ nữ phàm trần mang tên Semele, và vị thần Zeus bất tử. Khi còn trong bụng mẹ, bà ấy bị tiêu diệt bởi một luồng tia sét do Zeus tạo ra. Đứng trước nguy cơ bỏ mạng cùng mẹ, Zeus đã lấy đứa con Dionysus chưa sinh ra khỏi ngọn lửa nuốt chửng người mẹ, và khâu Dionysus vào đùi của mình; chăm sóc cho đến khi Dionysus trưởng thành và đủ khỏe mạnh để bước ra ngoài thế giới.
Một đứa trẻ thuộc cõi phàm trần và thần linh, đầu tiên được sinh ra từ một người phụ nữ và sau đó là một vị thần bất tử, Dionysus trong thế giới cổ đại được gọi là “đứa trẻ sinh ra 2 lần”; một vị thần mang bản chất đối ngẫu và nghịch lý, mà ngay từ đầu bản chất cực kỳ khó hiểu ấy đã phân định ông với những vị thần khác.
Sự đau khổ và cái chết đặc trưng cho thần thoại về sự ra đời của Dionysus không chỉ báo trước số phận của ông, ban cho ông ta danh hiệu “vị thần đau khổ và cái chết”, mà còn cả số phận của những ai quan tâm và hứng thú với ông. Bi kịch hoặc sự điên loạn xảy đến với tất cả. Ví dụ, người chị của mẹ ông ấy, Ino, người tự mình chăm sóc đứa trẻ mới sinh và Dionysus mồ côi mẹ, đã chết trong cơn điên loạn bằng cách gieo mình xuống biển cùng với đứa con trong tay.
Trong mọi thần thoại, bất cứ khi nào Dionysus xuất hiện, ông ta sẽ đến một cách hung bạo và đầy báo động. Sự hiện hữu của ông đánh thức cảm giác gấp thúc, ngây ngất, và kinh hoàng trong trái tim của tất cả những người xung quanh ông. Cảm giác gấp thúc mà sự hiện hữu của ông gợi ra đến từ bản chất bí mật khó tả và khổ sở của mình, về sự thực rằng ông là biểu tượng cho “những bí ẩn vĩnh cửu của tánh nhị nguyên và nghịch lý” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult). Bởi lẽ con người còn có thể làm gì khi Dionysus xuất hiện, và họ phải đối mặt với nhận thức rối rắm về bản chất hiện thực, nhưng lại rơi vào trạng thái hưng phấn hoặc nếu ko sẽ đánh mất chính mình trong cơn điên loạn nhất thời.
“Bí mật cuối cùng của sự sống và phi sự sống làm cho con người sững sờ bằng đôi mắt kỳ quái của nó… Tinh thần nhị nguyên phân định Dionysus…chính là nguồn gốc của sự mê hoặc và rối bời mà ông gợi lên ở vạn vật, bởi nó là tinh thần của một sinh vật hoang dại. Sự xuất hiện của hắn mang đến điên rồ.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Sự điên rồ mà ông ta mang đến có thể được hiểu rõ nhất trong thần thoại về Nymphs và Maenads; một nhóm những người phụ nữ chăm sóc và nuôi dưỡng cậu Dionysus trẻ trung, và khi cậu ta trưởng thành, họ đã bị chiếm hữu bởi linh hồn hoang dại của cậu và bị đẩy vào vùng núi, nơi họ nuôi dưỡng con non của các loài động vật hoang dã, hoặc xé xác chúng thành từng mảnh và ăn tươi nuốt sống.
“Vị thần làm cho đầu óc điên đảo, vị thần xuất hiện trước nhân loại trong thời điểm nguy cấp nhất được những người phụ nữ đón chào và ăn mừng trong sự ngây ngất tuyệt đối và mê ly vô ngần. Họ đáp lại sự hiện hữu của ông bằng hành vi điên rồ. Thần thoại vẫn kể đi kể lại cách sự cuồng nộ của ông đã xé toạc họ ra khỏi cuộc sống yên bình như nào, khỏi sự nhàm tẻ của các hoạt động thường ngày có trật tự nhằm mục đích biến họ thành kẻ nhảy múa trong những ngọn núi vắng vẻ tiêu điều và hiu quạnh, nơi họ tìm thấy ông ta và nổi cơn mê cuồng xuyên suốt màn đêm với tư cách là thành viên của bữa tiệc chè chén linh đình hỗn độn của ông.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Sự điên loạn của các Maenad ko chỉ được miêu tả trong xứ Pandemonium khát máu, nơi họ ăn tươi nuốt sống động vật hoang dã, và trong vài câu chuyện thần thoại, xác thịt chính đứa con của họ, mà còn trong sự tê liệt và im lặng chết chóc.
“Điên loạn trú ngụ trong tiếng vang rền, inh tai nhức óc và kêu gào trào dâng; nó cũng ngự trị trong sự yên ắng. Những người phụ nữ đi theo Dionysus mang cái tên Maenad, từ sự điên loạn này. Bị chiếm hữu bởi nó, họ lao đi, xoay vòng tròn một cách điên rồ, hoặc đứng yên, như thể bị hóa đá.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Cơn điên loạn của các Maenad đến từ cơn điên loạn của Dionysus. “Tánh khát máu của Maenad cũng chính là tánh khát máu của bản thân vị thần này.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult) Khi còn là một đứa trẻ, theo như nhà thơ người Hy Lạp-La Mã thế kỷ thứ 2 mang tên Oppian, Dionysus rất thích xé xác những đứa trẻ thành từng mảnh và để chúng sống lại một lần nữa. Trong số nhiều cái tên, ông được gọi là, “kẻ cuồng nộ”, “kẻ điên cuồng”, và “kẻ ăn tươi nuốt sống”.
Nhưng tập trung quá nhiều vào tính khát máu điên dại của Dionysus và các Maenad sẽ làm méo mó hình tượng này. Bởi sự điên loạn vốn có bên trong con người ông và xảy đến với tất cả những ai ông tiếp xúc với, là sự điên loạn hai mặt – có khả năng gây ra những hành động kinh khủng và khiếp hãi nhất, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự phong phú, nâng cao cuộc sống, và sáng tạo nhất. Sự điên loạn ảnh hưởng tới Dionysus và những ai đi theo ông, chính là sự điên loạn thần thánh.
“Cái điên loạn được gọi là Dionysus không phải bệnh tật, suy nhược trong cuộc sống, mà là người bạn đồng hành cuộc đời khỏe khoắn nhất. Nó là sự xáo động dâng trào từ nơi sâu kín tận cùng nhất khi chúng trưởng thành và cố gắng tìm đường đi lên bề mặt. Nó là sự điên loạn có sẵn trong bụng mẹ. Điều này thu hút mọi khoảnh khắc sáng tạo, liên tục thay đổi sự sống có trật tự thành hỗn loạn, và mở ra sự cứu rỗi và nỗi đau nguyên thủy – và trong cả hai thứ ấy là tính hoang dã nguyên thủy của sự sống.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Khi cuộc đời bắt đầu trì trệ và suy tàn, khi con người nhận thấy bản thân trong xiềng xích do mình áp đặt hoặc điều gì đó khác, khi xã hội ngày càng mang tính đàn áp và mâu thuẫn với khả năng phát triển của cá nhân, Dionysus sẽ xuất hiện để phá vỡ xiềng xích đó, làm mới và thắp lại cuộc đời đang có nguy cơ chết mòn. Trong cuốn Bacchae của Euripides, sau khi bị nhà vua tống vào tù, các Maenad đột nhiên nhận thấy xiềng xích của họ mất tích một cách bí ẩn, và chứng kiến cánh cửa tù ngục bao quanh họ mở ra theo ý muốn của mình. Trong thần thoại, Dionysus thường xuyên đóng vai “người khai phóng”, một danh hiệu trong số vô vàn danh hiệu khác mà người Hy Lạp Cổ Đại ban cho ông.
Tinh thần khai phóng của Dionysus được thể hiện trong vai trò là thần rượu vang, với sức mạnh làm tươi mới, khuấy động, và truyền cảm. Người ta nói rằng ở những lễ hội công cộng bày tỏ lòng thành kính với Dionysus, một dòng rượu vang bất chợt chảy ra, và những cây nho nở hoa và chín mọng chỉ trong một ngày. Ấy nhưng, như mọi khía cạnh vốn có trong hình tượng Dionysus, rượu cũng mang bản chất nhị nguyên: nó có thể làm say đắm, nhưng dùng quá mức cũng có thể dẫn tới sự tàn phá và tiêu tàn trong cơn say.
Nếu có thể nói “vị thần muôn hình vạn trạng” này mang một bản chất nền tảng và cốt lõi, nó sẽ là: tính nghịch lý và nhị nguyên được biểu hiện trong con người ông. “Sự đủ đầy của đời và tính ác liệt của cái chết” (Otto) bên trong ông đều là một và tương tự nhau, vô định hình. Dionysus là vị thần bi kịch đối ngược. Theo lời của Otto:
“Đúng là thế giới của các vị thần không thể không mang nghịch lý. Nhưng chẳng có thế giới nào trong số này bị gián đoạn bởi nó như thế giới của Dionysus. Ông ta, người nuôi dưỡng và là vị thần của sự mê ly; ông ta, vị thần mãi mãi được ca tụng là người mang đến rượu vang loại bỏ mọi nỗi sầu và lo âu; ông ta, người giải cứu và chữa lành, “niềm vui sướng của người phàm”, “vị thần mang nhiều niềm vui”, người nhảy múa và là người tình ngây ngất, “người ban cho sự giàu sang”, “ân nhân” – vị thần này thú vị hơn tất thảy những vị thần khác nhưng cũng là kẻ đáng sợ nhất. Thậm chí không một vị thần Hy lạp nào dám tiếp cận Dionysus vì sợ hãi về những biệt danh minh chứng cho sự bạo tàn tuyệt đối ko lòng thương xót của ông. Trên thực tế, con người phải gợi ra ký ức kinh hoàng khủng khiếp về màn đêm vĩnh cửu để tìm ra bất kỳ điều gì có thể tương so được. Ông ta được gọi là “kẻ thay đổi con người”, “kẻ ăn tươi nuốt sống”, “kẻ ham thích gươm kiếm và chém giết”. Vì lẽ đó, ta ko chỉ nghe nói về việc hiến tế con người trong giáo phái của ông mà còn về lễ nghi kinh rợn, trong đó một người bị xé thành từng mảnh.” (Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Để hiểu tầm quan trọng của Dionysus trong thời hiện đại, cả Walter Otto và Nietzsche nghĩ rằng ta nên tìm hiểu thế giới quan đứng sau những thần thoại và giáo phái quay quanh vị thần.
“Hình ảnh của mỗi vị thần thực thụ là hình ảnh của một thế giới. Sẽ có khả năng xuất hiện một vị thần điên loạn nếu như có một thế giới điên loạn công khai bản thân nó thông qua anh ta. Thế giới đó ở đâu? Liệu ta vẫn có thể tìm ra nó? Liệu ta có thể đánh giá đúng bản chất của nó?” ((Walter Otto, Dionysus: Myth and Cult)
Tầm nhìn vũ trụ mà Nietzsche nhận thấy là đang công khai bản thân nó thông qua Dionysus chính là thế giới quan bi kịch mà ông tin là có khả năng phục hồi phẩm cách và năng lực của chủ nghĩa anh hùng mà thế giới hiện đại ngày nay đã đánh mất phần lớn.
Bản chất thế giới quan bi kịch kiểu Dionysus chính là nguyên lý hàm chứa ở một trong những đoạn dang dở của Heraclitus: “Mọi thứ luôn có đối nghịch bên trong chính nó.” Trong thần thoại của Dionysus, sự điên loạn, tàn phá và cái chết đe dọa tất cả những ai tiếp xúc với ông, nhưng tương tự vậy là khả năng chữa lành, khai phóng, vui sướng, và loại bỏ mọi nỗi sầu và lo âu. Dionysus là “kẻ mâu thuẫn vĩ đại”, vừa là “nguyên mẫu của những người hùng chiến thắng” vừa là “vị thần đau khổ và cái chết”. Vị thần bi kịch đối ngược này là biểu tượng của tính tương phản đối lập trong vạn vật. Ông bày tỏ sự thực rằng đối lập và hài hòa, sáng tạo và hủy diệt, mê ly và kinh hãi, sự sống và cái chết, là điều không thể tách rời lẫn nhau.
Một góc nhìn bi kịch sâu sắc về bản chất của vạn vật có thể kích thích điều Nietzsche gọi là “sự khẳng định cuộc đời theo kiểu Dionysian” – một sự khẳng định trọn vẹn về tổng thể sự sống, nơi những nhân tố tiêu cực và mang tính tàn phá ko bị vu oan, giải thích hay bác bỏ, mà được xem như thành phần tất yếu của điều tốt, đúng, và đẹp, và do đó là cái đáng thèm muốn sau cùng.
“Nói Có với đời ngay cả trong những vấn đề lạ lẫm và khó nhằn nhất; ham muốn sống…đó là điều tôi gọi là Dionysian.” (Twilight of the Idols)
Nhưng một “khuynh hướng bi kịch” và khẳng định cuộc đời theo kiểu Dionysian ko phải là điều dễ trau dồi, đòi hỏi sức mạnh mà hầu hết đều ko đủ khả năng. Để có được khả năng đồng thời nhìn vào và khẳng định ngang bằng “nỗi kinh hoàng của màn đêm” lẫn “đỉnh cao của vui sướng”, để kết hợp “đỉnh cao và vực thẳm”, hay theo cách nói của Thomas Carlyle, nhìn thấy vũ trụ như là một “ngôi đền thần bí và căn đại sảnh diệt vong” và vẫn nói Có với nó, đòi hỏi trạng thái hiếm có được Nietzsche gọi là “sức khỏe tuyệt trần”.
Tất cả những ai thiếu đi sức khỏe này sẽ bị hủy diệt bởi tầm nhìn bi kịch về vũ trụ. Chỉ một thoáng nhìn vào vực thẳm cuộc đời cũng sẽ khiến họ phỉ báng nó như những người mà Zarathustra gọi là “kẻ thuyết giáo về cái chết” – những cá nhân trong cơn đau đớn, khổ sở, hoặc có cái nhìn bi kịch sâu sắc, khẳng định “Cuộc đời đã bị bác bỏ!” (Z), và ủng hộ việc bỏ cuộc và chán sống.
“Họ phủ nhận cuộc đời;”, Nietzsche viết về những ai thuyết giảng sự chán sống, “họ vu cáo nó, do đó họ là đối nghịch của tôi.” (Nietzsche contra Wagner)
Nietzsche tìm thấy ở Dionysus một biểu tượng cho sự phản đối của ông đối với những ai thuyết giáo về việc bỏ cuộc.
“Dionysus nói chuyện với tôi khác biệt biết bao! Tất cả mọi sự buông xuôi này kỳ dị với tôi biết bao!” (Nietzsche)
Bên trong thần thoại và giáo phái của Dionysus, Nietzsche đã trực cảm sự hiện hữu của một “sức khỏe tuyệt trần” mà ông tin là ngập tràn trong văn hóa Hy Lạp Cổ Đại, cho phép cá nhân người Hy Lạp trau dồi sức mạnh cần thiết ko chỉ để chịu đựng, mà còn tôn thờ như thần thánh, sự bi kịch đối ngược thể hiện trong bản chất hiện thực:
“Tính đủ đầy của đời và sự dữ dội của cái chết đều khủng khiếp như nhau bên trong Dionysus. Người Hy Lạp chịu đựng hiện thực này ở quy mô toàn diện và tôn thờ nó như thần thánh.”
Cảm giác bi kịch ngập tràn trong văn hóa Hy Lạp Cổ Đại có thể được tìm thấy trong việc tôn thờ sự sinh sôi nảy nở của họ, và nhận thức rằng nỗi đau và khổ sở tất yếu có trong mọi hình thức sinh nở và sáng tạo. “Chủng tộc này đã phải chịu đựng đau khổ gì”, Nietzsche viết về Hy lạp Cổ Đại, “để tạo ra vẻ đẹp như vậy.”
Trong cuốn Twilight of the Idols, Nietzsche giải thích cảm giác thiêng liêng mà người Hy Lạp Cổ Đại cảm thấy đối với nỗi đau đến trước sự sinh nở và sáng tạo:
“Với người Hy Lạp, biểu tượng tình dục do đó là một biểu tượng thiêng liêng…Từng nhân tố đơn lẻ trong hoạt động sinh sản, mang thai, và sinh đẻ đều khơi dậy cảm giác cao cả và long trọng nhất. Trong học thuyết về những điều thần bí, nỗi đau được gọi là thánh thiện: sự đau nhói của một người phụ nữ sinh con thánh hóa mọi đau đớn; và ngược lại, mọi sự trở thành và phát triển – tất cả những gì bảo đảm cho một tương lai – đều liên quan tới nỗi đau. Để có thể mang niềm vui sáng tạo vĩnh cửu, để ham muốn sống mãi mãi khẳng định chính nó, thì nỗi thống khổ khi một người phụ nữ sinh con cũng phải hiện diện vĩnh viễn. Tất cả điều này đều mang nghĩa là Dionysus.” (Twilight of the Idols)
Với Nietzsche, Dionysus biểu tượng cho việc bào chữa nỗi đau lẫn khổ sở ở mức độ cá nhân, có thể là nỗi thống khổ khi một người phụ nữ sinh con hay nỗi đau và khổ sở có trước sự tạo thành chính mình hay một tác phẩm nghệ thuật, cũng như là ở mức độ vũ trụ. Một thế giới quan Dionysian tiết lộ một vũ trụ mà trong đó “sự màu mỡ vô tận của thế giới sẽ” tích tụ và phá bỏ các dạng sống, thế giới, và ngân hà một cách ngây thơ và quằn quại truyền tải ý tưởng rằng nỗi đau và khổ sở là một phần bản chất nguyên thủy của sự vật, và loại bỏ chúng chẳng khác gì loại bỏ chính bản thân cuộc đời với mọi vẻ đẹp và hùng vĩ của nó.
Kết quả của thế giới quan bi kịch này chính là “người bi kịch thậm chí khẳng định số phận khốn khó nhất trên thế gian này”, nhận ra rằng miễn là anh ta sở hữu “sức khỏe tuyệt trần”, nỗi đau, khổ sở và bi kịch không những chỉ được chào đón mà còn được tôn thờ như là “những tác nhân kích thích vĩ đại của đời”, và rằng anh sẽ chỉ “phát triển mạnh mẽ hơn thông qua những biến cố đe dọa hủy diệt anh ta.” (The Will to Power)
Để đạt được sự khẳng định kiểu Dionysian và ko chỉ chấp nhận những khía cạnh “khủng khiếp, quỷ ác, khó hiểu” của sự sống như là điều tất yếu, mà còn khẳng định chúng là một phần đáng ao ước của cái tổng thể, đó là một lý tưởng có khả năng sẽ ko đạt được trạng thái vĩnh cửu của nó. Khuynh hướng của con người khi ở trong nỗi đau khổ tột cùng chính là trở thành “những kẻ truyền giáo cái chết” đầy uất hận và thèm muốn một vài hình thức giải thoát nào đó, ấy là điều quá mạnh để vượt qua một lần và mãi mãi. Nhưng nếu một sự khẳng định thế giới kiểu Dionysian là khả thi, ngay cả khi chỉ là một trải nghiệm thoáng qua và tạm thời, thì sự tranh đấu và nỗ lực cần thiết để có được kiểu tồn tại này vẫn đáng bỏ ra.
Bởi những đỉnh cao mà con người trèo lên khi họ có thể nhìn vào những vực thẳm đáng sợ của cuộc đời, để trải nghiệm những suy nghĩ đớn đau nhất và hình thức hư vô cực đoan nhất, và vẫn có thể trồi lên từ độ sâu đó và khẳng định cuộc đời – nói Có với tính tổng thể của nó – ấy chính là trạng thái cao quý nhất một con người có thể đạt được:
Trong một đoạn văn từ cuốn The Will to Power với tựa đề “Con đường tới một sự nói “Có” mới mẻ của tôi””, Nietzsch đã diễn đạt ý tưởng này:
“Triết học, như cách tôi hiểu và sống cùng nó cho đến nay, chính là cuộc tìm kiếm tự nguyện cho cả những khía cạnh sự sống ghê tởm và mang tiếng xấu nhất…Một kiểu thực nghiệm triết học mà tôi được thấy trước những khả năng cho chủ nghĩa hư vô nền tảng nhất thông qua thử nghiệm; nhưng điều này ko có nghĩa là nó sẽ dừng lại ở cái phủ nhận, một câu nói Không, một ý muốn phủ quyết. Thay vào đó, nó thích được băng qua điều đối nghịch với thứ này – tới một sự khẳng định thế giới như nó vốn là kiểu Dionysian, ko có phép trừ, ngoại lệ, hay chọn lọc…Trạng thái cao quý nhất một triết gia có thể đạt được: được đứng trong mối quan hệ kiểu Dionysian với sự sống – công thức của tôi dành cho nó chính là Amor Fati [tình yêu số phận].” (The Will to Power)