Những ngày này, đặc biệt kỷ nguyên này bạn sẽ nhận thấy một thực tế rằng những cụm từ như nhận biết, tỉnh thức, ý thức, thiền… gần như tràn ngập khắp mọi nơi. Nó có phải một trào lưu không? Phải, nhưng không phải trào lưu con người có thể kiểm soát, nó là trào lưu mang tầm… vũ trụ (!)
Kỷ nguyên Bảo Bình là kỷ nguyên của sự nhận biết, của tâm linh, sáng tạo, tự do và khai phóng cho nên việc xem “thiền = nhận biết” là trào lưu cũng không có gì sai trái cả.
Có điều, bạn đã chuẩn bị cho trào lưu sẽ kéo dài cả ngàn năm này chưa, ấy là tuỳ ở bạn. Tôi biết nhiều người cũng quan tâm nhưng chỉ dừng lại ở mức quan tâm mà thôi, tức là rất hời hợt bên ngoài, cũng tò mò nhưng không biết “tỉnh thức” là gì, thiền là gì…
Bản thân tôi để mà giải thích chữ “tỉnh thức” hay “nhận biết” cũng thấy bất lực quá. Vì người tỉnh thì biết mình tỉnh, có mấy người mê mà nhận ra mình đang mê – vì khoảnh khắc bạn nhận ra mình đang mê, là bạn tỉnh xừ nó rồi. Chẳng có ranh giới cho người tỉnh và mê, hoặc bạn tỉnh hoặc bạn mê, hoặc bạn lúc tỉnh lúc mê nhưng không ai vừa tỉnh vừa mê cả.
Tôi may mắn có khá nhiều khoảnh khắc tỉnh, những lúc như vậy tôi cố gắng tìm cách để diễn đạt cái tỉnh và cái mê để cho những ai còn tò mò có thể thấy những thoáng nhìn.
Những giải thích này là nỗ lực cá nhân, nó không phải lời tuyên bố chân lý hay cố gắng thay đổi suy nghĩ của bạn hay gì cả. Bạn đọc nó mà thấy vài thoáng nhìn gì đó, là tôi biết ơn rồi.
Nếu bạn đọc mà vẫn không thấy chút gì khởi lên bên trong, thì âu cũng là chưa đến thời điểm. Không sao cả, mùa xuân luôn luôn tới!
“Ngồi im không làm gì. Đông qua, xuân tới. Cỏ tự nó mọc lên.” Tôi đã ngồi im, đã thấy mùa xuân bắt đầu khởi lên và giờ muốn dùng khả năng giới hạn của bản thân để cho bạn thấy mùa xuân đang đến với tất cả, nếu bạn cũng chịu ngồi im.
Nhưng ngồi im là việc dễ nhất nhưng đồng thời khó nhất. Chẳng mấy ai có khả năng ngồi im được cả vì chúng ta vẫn đang rất mê mải chạy đuổi và tranh đấu cho đủ mọi thứ tham vọng trên đời.
Để “dụ dỗ” các bạn ngồi im, tôi hay dùng chữ viết để mong trong lúc đọc, ít nhất một khoảnh khắc bạn nhận ra bạn đang rất “im”.
Chính khoảnh khắc “im” này của bạn sẽ là việc mở “cái chốt” của ô cửa thiền để bạn có những thoáng nhìn về đạo, về sự thiêng liêng và vĩnh cửu của cuộc sống.
“Chỉ trong im lặng, Thượng đế mới có thể được lắng nghe. Chỉ trong im lặng, lời cầu nguyện mới được đạt tới. Chỉ trong im lặng tình yêu mới nảy nở. Chỉ trong im lặng, hoa nở và quả chín và bạn trở thành một với sự tồn tại.”
Bản ngã không cho phép bạn im lặng, tâm trí là cánh cửa ngăn bạn với im lặng. Nhận biết về trò chơi của bản ngã và tâm trí, cách chúng điều khiển bạn, là bước đầu tiên để buông xuôi và chiến thắng. “Chiến thắng bản thân mình” – câu nói bạn vẫn thường nghe, viết cho đúng là “Chiến thắng bản ngã của bạn”.
Và ý nghĩa của cuộc sống – thứ bạn luôn kiếm tìm – thật ra là khi bạn chiến thắng được bản ngã của mình, để nhận ra bạn không là nó, bạn không còn bị nó điều khiển, bạn tự do. Cho nên người nói ý nghĩa cuộc sống là chẳng có ý nghĩa gì, cũng là như thế.
Chiến thắng bản ngã của chính mình là một chiến thắng vừa vinh quang cũng vừa im lặng, chẳng có gì để mà nói tới nhưng đồng thời cũng không còn gì khác để mà tự hào.
Khoảnh khắc bạn chiến thắng bản ngã, bạn biến mất thế thì ý nghĩa cuộc đời bạn cũng biến mất. Ý nghĩa cuộc đời đích xác là cái bóng của bạn. Khoảnh khắc bạn mất, ý nghĩa mất.
Giờ nói về nhận thức và tỉnh thức, làm sao để nói về nó một cách thật dễ hiểu để cho bạn không mệt mỏi chán chường? Tôi mới nghĩ ra một hình tượng hồi hôm qua rất thiết thực khi đang ăn củ dong luộc và bị một sợi dong găm vào răng.
Bạn nhất định biết cảm giác khi đồ ăn hay sợi sơ rau, thịt bị dính vào kẽ răng chứ? Nó nhỏ bé thế, nó mềm thế, nó chả gây đau chút nào nhưng nó có khả năng khiến bạn phát điên lên, bạn không thể cảm thấy ổn cho tới khi bạn lấy cái sợi đó ra khỏi răng của bạn. Một cảm giác khó chịu khủng khiếp mà ngay cả đứa trẻ con hay người già, nam hay nữ, tây hay ta khi gặp cũng đều khó chịu như nhau.
Để ý đi, khi một cọng đồ ăn dính vào răng của bạn và kẹt lại đó, toàn bộ nhận thức của bạn dồn vào chính xác cái điểm đó mà thôi. Bạn thậm chí không còn khả năng suy nghĩ hay tập trung vào bất cứ đâu ngoại trừ cái mảnh đồ ăn đang kẹt trong răng của bạn. Đây chính là ví dụ dễ dàng mà ai cũng có thể nhận thấy, về nhận biết.
Toàn bộ nhận biết của bạn gom về một điểm duy nhất và làm bạn điêu đứng khó chịu cho tới khi bạn giải quyết được nó.
Rồi một cái răng đau, một hạt cát trong giày, một cái dằm nhỏ như đầu cọng tóc mắc vào gót chân những thứ nhỏ bé như thế nhưng khi nó xuất hiện, cả cuộc đời của bạn dường như bị xáo trộn và tập trung tới độ không còn gì quan trọng hơn nữa. Toàn thể bản thể của bạn tập trung vào hiện tại mạnh đến nỗi mọi sự trong quá khứ và tương lai đều chẳng còn nghĩa lý gì.
Người yêu chia tay thì chia tay, bạn chẳng thèm nghĩ đến việc ấy nếu như một hạt cát đang trong mắt bạn.
Công ty phá sản thì phá sản, bạn chẳng có thời gian nghĩ về nó nếu như một cái dằm đang găm vào ngón tay bạn.
Cả thế giới bị dịch virut giết chết một nửa cũng chẳng đáng bận tâm bằng khoảnh khắc một hạt cát gây đau trong giày của bạn.
Bạn cứ phải lấy hạt cát ra đã, giải phóng đôi chân mình đã rồi mới có thời gian mà nghĩ về nỗi đau của thế giới chứ.
Sự nhận biết và tỉnh táo mà bạn có với những ví dụ trên, là nhận biết một cách vô thức. Bạn bị “buộc” phải nhận biết về chúng, bạn không hề chủ động. Dầu vậy nó vẫn là ví dụ hay về sự nhận biết cho những ai luôn thắc mắc nhận biết là gì.
Cũng như vậy, bản ngã có cách thức của nó để hành hạ bạn nhưng lại khiến bạn phân tâm không tập trung vào nó mà bận tâm về những thứ khác, thế thì nó tha hồ mà làm khổ bạn, làm chủ bạn.
Bản ngã khiến bạn đau khổ gấp vạn lần chiếc dằm trong chân hay hạt cát trong giày. Bao nhiêu lần bạn đau đớn tưởng chừng muốn chết? Những cái đau trong tâm mà chẳng liên quan gì tới thể lý?
Bao nhiêu lần bạn đau đớn, thất vọng, khổ sở, lo âu mà chẳng biết vấn đề đến từ đâu mà giải quyết? Nếu đau đớn chỉ là thứ bên ngoài như hạt cát và cái dằm thì cuộc sống mới dễ dàng làm sao, đàng này đau đớn đến từ đâu đó bên trong mà bạn tưởng chừng nó là bạn, bạn tưởng nó là tính chất cố hữu của bạn, bản tính của bạn cho nên chẳng cách nào gạt bỏ nó.
Đây là một chiêu lừa của bản ngã, nó khiến bạn tưởng như bạn là nó và thế rồi làm sao bạn có thể “giết” nó được? Nhưng chiếc gai ở trong chân bạn có là bạn không? Cái nhọt mọc trên người bạn có là bạn không? hạt cát trong mắt bạn có là bạn không? tất nhiên không.
Tương tự quần áo trang sức bạn mặc trên người có là bạn không? Nhà cửa xe cộ mà bạn tích cóp có phải là bạn không? Chức tước mà bạn kiếm được có là bạn không? Những mối quan hệ xã hội, những danh hiệu, những di sản mà bạn đã có hoặc sẽ có, chúng có là bạn không?
Tách rời tất cả những gì mà bạn có, bạn sẽ nhận ra bạn chẳng là chúng và không có chúng, bạn chẳng là gì.
Chẳng-là-gì này mới đích thực là bạn. Một cảm giác thanh thản, thư thái, không còn bận tâm, không còn tham vọng hay nuối tiếc, không còn lo sợ hay hi vọng, trống rỗng hoàn toàn, đấy mới là bạn.
Khi không có cát trong giày, không bụi trong mắt, không đồ ăn thừa trong răng bạn hoàn toàn quên về chân về mắt về răng của bạn.
Cát – bụi – sợi đồ ăn mắc vào chúng và có tác dụng nhắc nhở bạn về sự tồn tại của chân bạn, của mắt và của răng.
Sự tồn tại của bản ngã cũng có tác dụng tương tự. Nó gây đau, nó nhắc nhở bạn về sự tồn tại của bạn. Rằng bạn không là nó, rằng có gì đó sai và bạn phải lấy nó ra để trở về trạng thái bình thường của mình – là trạng thái trống rỗng, thanh thản, trạng thái tan biến như mình không hề tồn tại, trạng thái của vô trí.
Bản ngã và tâm trí là một, chỉ là cách gọi khác nhau. Không có tâm trí sẽ không có bản ngã, không có bản ngã tức là không tâm trí.
Giống như người vượt ngưỡng đau sẽ rơi vào hôn mê. Hôn mê giúp bạn không còn cảm thấy đau, còn tỉnh bạn sẽ còn đau. Còn suy nghĩ bạn còn tâm trí, còn tâm trí còn bản ngã.
Vì cứ nghĩ mà coi, nếu bạn không suy nghĩ gì, bất cứ gì, thì có gì để mà đau? Không nghĩ gì về nỗi đau và thất bại quá khứ, không nghĩ gì về sự lo lắng và hi vọng tương lai, có gì ở hiện tại này để mà nghĩ, mà đau?
Thiền nhân là người sống trong trạng thái vô tâm trí, trạng thái tỉnh thức và nhận biết. Tất cả chúng ta đều là thiền nhân có điều là thiền nhân bán-thời-gian, thỉnh thoảng vài khoảnh khắc. Phật là thiền nhân toàn-thời-gian, luôn tỉnh táo luôn nhận biết về mọi sự, luôn vô trí – không khoảnh khắc nào ngơi nghỉ. Người ấy làm chủ toàn bộ tâm trí của mình.
“Hãy là ánh sáng lên bản thân ngươi” – chẳng ai thiền thay cho ai được, chẳng ai tỉnh thức cho ai được nhưng người tỉnh có thể cho chúng ta những chỉ dẫn, đôi khi là những cú tát để giúp ta tỉnh táo hơn.
Hãy biết ơn bất cứ ai cho bạn những cú tát, nhưng cũng không nhất thiết phải giơ má bên kia cho họ tát thêm làm gì cả :))
“Ngươi hãy vác thập giá của mình, mà theo ta” – chẳng ai vác thập giá thay ai được, chúng ta phải tự vác tội lỗi của mình, gánh nặng của mình, bản ngã của mình để rồi chết trên thập giá ấy, và chỉ qua cái chết thì mới có sự hồi sinh. Đừng sợ chết. Sợ chết là sợ sống.
Người sợ sống sẽ không bao giờ sống và đó là lý do chúng ta đều đang sống như những xác chết, không sinh khí, không sáng tạo, không mãn nguyện biết ơn, không hạnh phúc, không bình an.
Đến lúc sống khác rồi, tết này nếu chỉ cần làm một điều gì khác, hãy im lặng nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn. Bạn nhất định sẽ nhận biết được rất rất nhiều điều.
P/s: Mặc dầu vậy xin bạn nhớ cho, lời nói ra đều vô nghĩa, chỉ im lặng thuần khiết mới là chân lý!