Người thấy NGHĨA mà quên LỢI, là người ngu
Người thấy LỢI mà nhớ NGHĨA, là người tốt
Người thấy LỢI mà quên NGHĨA, là người khôn
Nên làm người ngu thì sướng, vì bằng hữu dám sống vì nhau. Làm người tốt thì khổ, vì dễ thiệt thòi. Làm người khôn thì cực khổ, vì toan tính mãi thành cô độc
Sếp hỏi tôi, Thầy này, vậy làm người chỉ thấy LỢI, không thấy NGHĨA thì sao? Tôi cười đáp: Vậy là người cùng khổ rồi còn gì?
Khổng Tử dạy học trò, có nêu 9 điều người ta nên tự xét mình, nếu muốn làm NGƯỜI LỚN:
1. Nhìn cho RÕ
2. Nghe cho KĨ
3. Mặt ôn hòa
4. Biết khiêm cung
5. Nói thật thà
6. Làm cẩn thận
7. Biết tường tận
8. Giận phải kiềm
9. Nghĩa hơn Lợi
Nghe mấy điều này, bạn lòng bảo tôi, giá mà nhân viên học thuộc 9 điều này, thì thật tốt! Tôi cười ngặt nghẽo bảo, làm được 9 điều này, thì khác gì bậc TRÍ, nhân viên nào làm được 9 điều này, thì phải lập đàn lễ, kết nghĩa huynh đệ kim lan với nó cả đời, giữ nó cho chắc
9 điều ấy mà dễ có, Khổng Tử đâu khổ vì học trò như thế? Có lần Khổng Tử hỏi về chí hướng, một học trò đáp:
– Trò ngu dốt, chỉ thích cái tầm thường, không dám nói ra
– Thì anh cứ nói đi
– Thưa Thày, xuân đã ấm rồi, áo mới may xong, muốn cùng bằng hữu với trẻ thơ tắm sông, rồi hát nghêu ngao cho thỏa
Khổng Tử nghĩ nghĩ rồi thở dài:
– Ta cũng muốn vậy
Xem ra, cái ước mơ viển vông nhất, thường lại đơn giản nhất
Mà khó đạt nhất!
Thì có sao đâu? Cứ cầu cho mưa rơi, ướt một khung Trời, thấm vào trái tim. Và chẳng cần tìm gì nữa, ngoài một tiếng cười, phải không, bạn lòng?