“Nói với tôi và tôi sẽ quên, dạy cho tôi và tôi sẽ nhớ, cho tôi làm và tôi sẽ học” Benjamin Franklin
Sự lên ngôi của Internet đã tạo nên một tình thế mà theo đó ta có thể truy cập đủ những nguồn tài nguyên để tìm hiểu kỹ bất kỳ chủ đề nào. Nhưng tiếp xúc với những tài liệu liên quan vẫn chưa đủ, thay vào đấy, để thực sự hiểu điều gì đó, có một số kỹ thuật nghiên cứu nhất định mà tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với những kỹ thuật khác. Trong bài viết này chúng tôi sẽ phác thảo một số kỹ thuật như vậy.
I) Thực hành khả năng truy hồi – Đừng đọc lại
Một cách học hành choáng váng thông thường đó chính là hành động đọc thụ động. Với những chủ đề mới lạ, khó hiểu, hầu hết mọi người nhận ra rằng đọc tài liệu một lần vẫn là chưa đủ, vậy nên điều mà nhiều người làm đó chính là đọc qua tài liệu nhiều lần nghĩ rằng điều này sẽ thành công. Tuy nhiên, đọc lại, là một công cụ học tập cực kỳ kém hiệu quả và vô tích sự. Trong cuốn Make it Stick – The Science of Successful Learning, tác giả Peter brown giải thích sự sa sút của việc đọc lại:
“Sự đọc lại có 3 điểm chống lại nó. Nó tốn thời gian. Nó không dẫn tới một trí nhớ lâu bền. Và nó thường liên quan tới một kiểu tự lừa dối bản thân không chủ ý, bởi ngày càng quen thuộc với văn bản sẽ dẫn đến cảm giác như thể làm chủ được nội dung.” (Make it Stick, Peter Brown)
Để tạo ra ký ức bền vững, một công cụ hiệu quả hơn đó chính là sự truy hồi. Sự truy hồi về cơ bản là tự đánh giá chính mình. Để thực hành truy hồi, bạn sẽ tạo ra những câu đố của riêng mình hay sử dụng Flashcard để kiểm tra kiến thức bản thân về tài liệu nào đó. Như Brown giải thích:
“Nghệ thuật truy hồi từ trí nhớ có 2 lợi ích thâm thúy. Thứ nhất, nó nói cho bạn biết những gì mình hiểu và chưa hiểu, và do vậy phải tập trung nghiên cứu sâu ở đâu để cải thiện những mặt mình còn yếu. Thứ hai, nhớ lại những gì mình đã học khiến cho bộ não củng cố lại trí nhớ, giúp kiên cố liên kết của nó với những gì bạn đã biết và giúp bạn nhớ lại dễ dàng hơn trong tương lai. Trên thực tế, truy hồi – kiểm tra – gián đoạn sự quên lãng.” (Make it Stick, Peter Brown)
Triết gia thời Hy Lạp cổ đại mang tên Aristotle đã nhận ra những lợi ích của việc truy hồi cách đây hơn 2000 năm trước, viết rằng “luyện tập nhắc lại nhiều lần một sự vật sẽ củng cố trí nhớ.”
II) Giãn cách việc học tập của bạn.
Có một phương pháp hữu dụng khác là sắp xếp thời gian giữa các buổi học sao cho hợp lý để không xảy ra tình trạng quên đi tài liệu đã học. Tình trạng quên này khiến cho gợi lại tài liệu trong các buổi học tiếp theo khó khăn hơn một chút và do đó cần nhiều nỗ lực hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên mấy, giống như nỗ lực trong quá trình tập luyện dẫn tới việc tăng cơ nhiều hơn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nỗ lực được sử dụng trong một buổi học cũng dẫn tới việc học tập tốt hơn.
III) Đừng chỉ học đơn độc 1 chủ đề.
Một cách khác để biến việc học đáng công sức hơn, và nhờ vậy hiệu quả hơn, đó là thực hành xen kẽ. Trong một buổi học hãy luân phiên giữa một vài chủ đề liên quan thay vì tập trung vào một chủ đề cụ thể. Ví dụ, nếu bạn đang học đại số, đừng chỉ làm các bài thực hành ở cuối chương mới nhất mà bạn đã đọc trong sách giáo khoa của mình, thay vào đó làm vài bài toán từ chương đó và sau đấy làm một vài bài từ các chương trước, làm tới làm lui. Điều này sẽ dẫn tới việc học tập đáng công sức hơn và do đó một sự hiểu biết rộng hơn và thành thạo chủ đề.
IV) Nghỉ giải lao
Khi bạn bối rối bởi một bài giải tích đặc biệt khó nhằn, đang chật vật vì mất ý tưởng trong lúc viết (Writer’s block), hay không thể nắm bắt được một chủ đề phức tạp, một cách hiệu quả để vượt qua những chướng ngại như vậy đó là nghỉ giải lao. Trong cuốn sách A Mind for Numbers: How to Excel at Math and Science, Barbara Oakley giải thích cách mà nghỉ giải lao kích hoạt thứ mà cô gọi là chế độ tư duy phân tán, một chế độ tư duy giúp kích thích sự sáng tạo.
“Kể từ đầu thế kỷ 21, các nhà thần kinh học đã đạt được những tiến bộ sâu sắc trong việc tìm hiểu 2 loại mạng lưới khác nhau mà não bộ chuyển đổi giữa – trạng thái cực kỳ chú tâm và trạng thái nghỉ ngơi thư giãn hơn. Chúng ta sẽ coi những quy trình tư duy liên quan tới 2 loại mạng lưới riêng biệt này tương ứng là chế độ tập trung và chế độ phân tán – những chế độ này cực kỳ quan trọng với việc học tập.” (A Mind for Numbers, Barbara Oakley)
Trạng thái cực kỳ chú tâm, hoặc chế độ tập trung, xảy ra khi trực tiếp làm việc gì đó. Chế độ phân tán xảy ra khi bạn dừng công việc và bắt đầu một hoạt động cho phép bạn nghỉ xả hơi và tâm trí của mình lang thang. Những hoạt động thúc đẩy chế độ phân tán bao gồm dạo bộ trong thiên nhiên, chợp mắt, hay nghe nhạc. Điều thú vị ở đây là thông thường khi chuyển sang chế độ phân tán, bộ não ta vẫn dành thời gian cho những gì đã làm khi mình đang tập trung, nhưng theo kiểu tiềm thức. Oakley đề xuất rằng chế độ tư duy phân tán này khuyến khích sự sáng tạo và có thể dẫn tới những khoảnh khắc được gọi là “ahha” dường như nằm ngoài khả năng khi ta tập trung quá lâu vào thứ gì đó.
Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại, từng có những giấc chợp mắt ngắn ngủi khi ông mắc kẹt ở một vấn đề nào đó để kích thích sự sáng tạo, trong khi nhà văn Charles Dickens được biết đến là người đi bộ đường dài để thử và tìm nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết của mình.
V) Nhận thức được rằng khả năng trí tuệ của bạn không phải là cố định.
Mọi người thường rơi vào cái bẫy tư duy rằng một chủ đề quá khó đối với họ, hoặc họ không có đủ “tài trí” để học một chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu bởi nhà tâm lý học Carol Dweck đã cho thấy rằng những người chỉ đơn thuần giữ vững niềm tin rằng họ có khả năng cải thiện trí tuệ của mình học những kỹ năng mới tốt hơn nhiều so với những người không giữ vững niềm tin này. Mọi người thường tin rằng trí tuệ của mình phần lớn được quyết định bởi gene, tuổi tác, hay những tác nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, nhưng mặc dù những giới hạn như thế có tồn tại, nó hầu như không gây cản trở như người ta từng tin – và nghiên cứu của Dweck cho thấy rằng chỉ đơn thuần nhận thức được sự thật này khiến ta trở thành những người học tốt hơn!
Nghiên cứu của Dweck cũng dẫn cô tới phát hiện rằng tốt nhất phấn đấu cho thứ mà cô gọi là mục tiêu học tập, thay vì bắt kịp với hiệu suất. Peter Brown tóm tắt những phát hiện này trong cuốn Make it Stick – The Science of Successful Learning:
“Dweck nhận thấy rằng một số học sinh hướng tới mục tiêu hiệu suất, trong khi những người khác cố gắng hướng tới mục tiêu học tập. Trong trường hợp đầu tiên, bạn đang làm việc để xác thực khả năng của mình. Ở trường hợp 2, bạn đang làm việc để có được kiến thức hay kỹ năng mới. Những người có mục tiêu hiệu suất giới hạn tiềm năng của họ một cách vô thức. Nếu trọng tâm của bạn là xác thực hay thể hiện kỹ năng của mình, bạn sẽ chọn những thử thách mà mình tự tin có thể đáp ứng. Bạn muốn mình trông thông thái hơn, vì vậy bạn thực hiện lặp đi lặp lại động tác. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là nâng cao khả năng của mình, bạn chọn những thách thức ngày càng gia tăng và bạn hiểu rằng những thất bại giống như thông tin hữu ích giúp bạn tăng cường sự tập trung, sáng tạo hơn và làm việc chăm chỉ hơn.” (Make it Stick, Peter Brown)