“FRED, ĐỪNG ĐỐT NÓ. TRONG CUỐN SÁCH ẤY ĐÃ CÓ LỬA RỒI”.
Đó là lời người lính bên kia chiến tuyến nói với chỉ huy, khi cuốn nhật ký này sắp bị tiêu hủy trong đống lửa cùng những giấy tờ vô giá trị. “Lửa” trong cuốn sách chính là cuộc đời của tác giả ẩn chứa trong đó. Một cuộc đời nồng nhiệt lòng dũng cảm và cháy bỏng tình yêu thương. Một bông hoa diễm lệ, nở giữa chiến trường đầy máu tanh.
Cuốn sách này rất chân thực và xúc động. Chân thực vì đây là nhật ký, và xúc động vì nó là nhật ký của một trái tim giàu tình cảm. Cảm xúc trong cuốn sách dạt dào tới mức mình phải dừng đọc liên tục chỉ để ngẫm nghĩ và cảm nhận về chúng.
Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội với bố và mẹ đều công tác trong ngành y. Cô có lẽ được thừa hưởng tài năng và tấm lòng của một người lương y từ cha mẹ mình. Để lại gia đình êm ấm và tương lai xán lạn sau khi trở thành bác sĩ, cô xung phong ra trận giữa lúc tiền tuyến Quảng Trị đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Cuốn nhật ký ghi lại cuộc sống của người bác sĩ quân y trong hơn 2 năm tại mảnh đất đầy bom đạn này.
Ngọn lửa mãnh liệt nhất trong cuốn sách chính là tình cảm sâu sắc của Thùy Trâm. Giữa khói lửa, tình yêu thương của một người chiến sĩ với đồng đội, của một người lương y với bệnh nhân, của một người con với quê hương đất nước vẫn cháy trong lòng cô gái trẻ. Cô rơi lệ vì người thương binh đang quằn quại trong ca mổ với không một liều thuốc gây tê, nhưng vẫn gắng nhoẻn miệng cười để động viên bác sĩ. Cô thương những người đồng chí, đồng đội đang cùng chung lòng chiến đấu, nhưng trong cảnh khó khăn thiếu thốn đủ đường vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho nhau. Những trang nhật ký của Thùy ghi dấu rất nhiều hình ảnh của những người dưng mà cô thương như anh em ruột thịt với một tình thương trìu mến. Cô đau buồn với những người dân nhỏ bé đang ngày đêm phải chịu đựng hy sinh mất mát. Cả chính mảnh đất tiền tuyến nơi cô đang đứng cũng được Thùy trân trọng trong tim. Dù mảnh đất khắc nghiệt này đã làm cô phải rời xa những ngày êm ấm, cô vẫn coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình.
Nếu bạn hay có những nỗi buồn khi về đêm, bạn có lẽ sẽ đồng cảm với cuốn nhật ký này. Đời Cách Mạng không phải lúc nào cũng đẹp. Cuộc sống thiếu thốn trong chiến tranh và nỗi nhớ của người con xa nhà tạo nên một nỗi buồn sâu thẳm thấm đượm trong từng trang nhật ký. Xa nhà buồn lắm chứ. Nhất là những ngày mưa rơi trắng xóa hay gió lạnh tràn về, ngồi dưới ngọn đèn khuya mà lòng tê buốt. Những nỗi lòng này chẳng thể tỏ bày cùng ai, chỉ còn biết trải lòng qua trang nhật ký để rồi lại tự động viên mình cố gắng vượt qua gian khó. Nỗi buồn ấy như một cơn gió đầu thu man mác, không lạnh lẽo nhưng gieo một sự đượm buồn rất thấm vào trong lòng người đọc.
Mình chưa thấy cuốn sách nào viết về chiến tranh lại chân thực đến thế. Sự tàn khốc của chiến trường mà chúng ta chưa từng phải trải qua, thật là kinh khủng đến nghẹn ngào. Kháng chiến không chỉ có những trận thắng vẻ vang chói lọi. Đằng sau đó là rất nhiều cuộc đời đã hy sinh để xây đắp nên cuộc đời chung của cả dân tộc. Đó là người lính bị viên đạn lạc găm thẳng vào cột sống làm tàn phế nửa người khi chưa đầy đôi mươi. Đó là người thương binh phải phẫu thuật cắt đôi chân mà không có lấy một liều thuốc gây tê. Cậu bé liên lạc hồn nhiên hôm qua còn cười nói ríu rít, hôm nay đã ra đi mãi mãi. Người cha bị địch bắt trói đi qua xác con trai mình đã mất đầu, những tia máu căm thù hằn lên trong đôi mắt nhòa lệ. Bản thân tác giả cũng phải chịu đựng nỗi căng thẳng tột độ khi chứng kiến những bóng ma có cánh chao lượn trên trời rồi bất thần đổ ập xuống cách mình chỉ vài chục bước chân. Ngày ngày trôi qua, cái bóng của tử thần cứ lập lờ ẩn hiện trên khắp vùng đất mà “sự gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” này, gieo rắc một nỗi sợ hãi tột độ, nhưng cũng nung nấu lòng căm thù trong những con người nơi đây. Đọc mà xót xa đến lặng người.
Cuộc đời Thùy Trâm là một tấm gương về lòng hy sinh và lòng biết ơn cuộc sống ngay dưới làn mưa bom. Cô ấy đã “chết như cô ấy đã sống, hoàn toàn dâng hiến và không vị kỷ”. Người con gái trẻ đã dám bỏ lại sau lưng gia đình êm ấm, tương lai xán lạn, và cả hạnh phúc cá nhân của mình để xung phong vào chiến trường. Đến phút cuối cùng khi không còn gì để dâng hiến nữa, cô đã hy sinh cả mạng sống của mình để đồng đội có thể chạy thoát. Điều đáng nói hơn là dù hy sinh cả cuộc đời như vậy, cô vẫn luôn lạc quan và trân trọng cuộc sống. Ta không tìm thấy được dù chỉ một dòng than thân trách phận nào trong cuốn sách. Trong gian khó, Thùy Trâm không nhìn thấy sự bất hạnh của bản thân, cô chỉ nhìn thấy cuộc đời mình còn may mắn hơn rất nhiều những người dân nghèo đã chết mà không có lấy một ngày hạnh phúc.
Điều ấy phải nói là làm mình thấy thật xấu hổ. Vì mình cứ than thở hoài về cuộc sống, trong khi hoàn cảnh của mình đã may mắn hơn chính Đặng Thùy Trâm rất nhiều rồi.