(Tổ tiên mách bảo – phần 2)
Câu này thì ai cũng thuộc, nhưng người sống được hoàn toàn với câu này thì cực kỳ hiếm, vì có rất nhiều suy nghĩ đã có mặt trước khi chúng ta sinh ra, nên có những định kiến, thành kiến và tà kiến, nó đã theo anh em qua rất nhiều cuộc đời rồi.
Nên cũng không phải ngẫu nhiên, mà có người sinh ra đã đầu óc sáng sủa, luôn kiếm chỗ sáng để hướng tới, hoặc ngược lại, có người thì cứ kiếm chỗ tối mà đâm đầu vào.
Chất lượng suy nghĩ trong đầu anh em sẽ quyết định cuộc đời anh em sẽ đi về đâu.
Mà anh em có biết, hơn 90% suy nghĩ trong đầu của anh em đều do ‘môi trường’ tác động tới hay không?
Đó là tại sao, ông bà mình hay bảo,
Hãy nói cho tôi biết 5 người bạn thân của bạn là ai, rồi tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là ai.
Nghĩa là, chất lượng suy nghĩ trong đầu anh em là tổng hòa của 5 cái đầu của những người chơi thân nhất.
Nó đúng ở hầu hết trường hợp, tuy nhiên vẫn có vài trường hợp ngoại lệ, vì sẽ có vài anh em, sẽ kiểu giống tôi, là không có chơi với bạn thân nào cả, thậm chí là đi ăn một mình, coi phim một mình…, gần như rất ít social với bên ngoài.
Không có 5 người đó thì mình chính là tổng hòa của chính mình, nói vậy thui, chứ vẫn còn một câu nói nữa, bao gồm luôn nhóm này, hãy cho tôi xem tủ sách của bạn hay đọc, rồi tôi sẽ nói sẽ bạn biết, bạn là ai
Có người không tiếp xúc với người ngoài nhiều, nhưng lại trò chuyện với sách và chính mình nhiều, nên chất lượng suy nghĩ trong họ cũng ‘có thể’ là tổng hòa của những tác giả và những cuốn sách mà họ hay đọc và trò chuyện nhất.
Vậy nên kết luận là:
Môi trường quyết định tư duy,
Hay tư duy quyết định môi trường?
Cả hai đều đúng nhưng quan trọng là chất lương tư duy của anh em đến đâu. Vì cái nào mạnh hơn, cái đó dẫn.
Khi tư duy tối quá và yếu quá thì chắc chắn cái năng lượng hay tập khí cộng đồng của môi trường đó sẽ dẫn dắt tư duy của anh em.
Còn nếu chất lượng tư duy của anh em sáng hơn, độc lập hơn, thì chính anh em sẽ chọn môi trường cho mình, hoặc tự thiết kế môi trường riêng cho mình.
Còn một bước sâu hơn nữa, đó là sống ngay trong môi trường đen thui, nhưng anh em vẫn sống hài hòa bình thường và đồng thời vẫn tạo cho mình một không gian riêng và đủ chắc chắn để những cái-không-phù-hợp sẽ không thể tiêm nhiễm vào đầu anh em được.
Nếu được chọn môi trường sống thì anh em có phúc quá rồi, nhưng đa phần chúng ta không được chọn môi trường, nên chúng ta phải học cách ‘hòa nhập’, chứ không ‘hòa tan’. Chúng ta vẫn có tư duy riêng của mình dù vẫn sống trong môi trường đó.
Nó là một vòng lặp, nó luôn kéo anh em đi hoặc anh em là nô lệ của vòng lặp đó.
Khi anh em sống trong một gia đình mà ai cũng than đời trách phận, rồi những đứa bạn thân của anh em cũng than đời trách phận, tiếp nữa đến đồng nghiệp, sếp, bạn bè trên mạng, mọi nơi anh em có mặt, đều than đời trách phận… Họ luôn luôn phàn nàn, thì lâu ngày tự nhiên trong vô thức của anh em nó thấm dần rồi anh em cũng phàn nàn giống họ.
Anh em đi ăn, đi chơi, rồi hẹn họ với những ai trong môi trường luôn phàn nàn đó, rồi anh em cưới nhau, rồi lại tiếp tục phàn nàn, rồi sinh con, cũng phàn nàn tiếp, nó kéo từ đời này sang đời khác. Nó thành một tập khí rất sâu dày, hay thành một ‘vô thức tập thể’ với chất lượng tư duy rất kém chất lượng.
Mà hay cái là, chất lượng tư duy kém hay tối thì nó cứ kiếm chỗ tối mà sinh sôi và làm tổ tiếp,
‘Gần mực thì đen’ chỉ là tầng nghĩa thứ nhất, tầng nghĩa sâu hơn, là cái đầu đã đen thì lại càng thích chơi với mực hơn, hút cùng tần số mà.
Nên nó lẩn quẩn là như thế, rất khó thoát vòng lặp này. Cái khó của thế hệ chúng ta, mọi thứ đang ảo hóa dần, thì lại càng khó nhận ra, cái nào thực sự là đèn, cái nào thực sự là mực.
Thời nay, cái gì lấp lánh, cũng chưa chắc là vàng.
Nên anh em phải tỉnh táo, vì đôi lúc, cũng hào quang rực rỡ nhưng chưa chắc là đèn sáng đâu, không khéo thì coi chừng anh em lại lạc lối trong ánh sáng.
Chúng ta không được chọn nơi hay chọn môi trường chúng ta sinh ra, nhưng chúng ta luôn có sự lựa chọn để trở thành đèn hay mực, cốt lõi là anh em có muốn hay không.
Game đời nó hay là vì nó luôn khó, chứ ai cũng được xếp vào môi trường lý tưởng thì dễ nhận thưởng quá rồi. Nên hầu hết chúng ta sẽ rơi vào môi trường tối nhiều hơn sáng, để chúng ta còn có cơ hội tỏa sáng chứ.
Hồi lâu, có ông bạn Mỹ bảo tui vui là, “khi sống một tập thể hay một cộng đồng mà ai cũng yếu hay quá tối, thì mày sáng một tý là trở thành ngôi sao rồi, chứ chưa chắc là mày giỏi thật !”
Thật ra, trên góc nhìn của tôi cũng tương tự, là hầu hết chúng ta đang đi vào giai đoạn công nghệ khá đỉnh nhưng chất lượng tư duy của số đông lại bắt đầu lười, nhát và yếu đi rõ hơn. Muốn đi đường tắt, muốn làm ít hưởng nhiều.
Nó đang chạy theo chu kỳ và chúng ta đang ở giai đoạn ‘hoại’ khá rõ,
Nên giai đoạn này, khi hầu hết đang yếu đi (dù họ đang ảo là họ mạnh lên), mà anh em nào ‘chịu’ mạnh lên tý thì đó là cơ hội tuyệt vời cho anh em… chứ đừng sợ gần mực hay bóng đêm nhiều quá.
Chốt lại, nếu anh em được lựa chọn môi trường thì quá tốt rồi, nhưng nhớ là vẫn phải lựa cho kỹ. Còn nếu không được lựa chọn thì chính anh em phải là nguồn sáng của chính mình mà thôi.
Để trở thành ‘nguồn sáng’ của chính mình thì anh em phải tư duy và sống một cuộc đời khác với cách anh em xưa giờ. Một kết quả mới không đến từ một hành động cũ được.
Mấy năm nay, tôi ít nói chuyện với ai, một là vì sống bên đây cũng không có giao tiếp nhiều. Thứ hai là tôi không thích nói chuyện về người thứ 3 (nếu không quá cần thiết), không thích phàn nàn, không thích nói gì bất lợi cho người khác. Nếu nói thì nói về giải pháp, làm sao để chúng ta tốt hơn, để giải quyết vần đề cụ thể, không nên lòng vòng lặp lại, nên đâm ra, những bạn bè anh chị em trong vòng quan hệ của tôi cũng tự rụng bớt đi.
Vì khi chất lượng tư duy anh em cải thiện lên thì tự động những người không phù hợp với tư duy mới đó sẽ tự rời xa anh em… mà anh em không cần làm gì cả.
Sáng real thì tự động cái tối nó không che khuất được.