Nếu đột nhiên người khác không thể nhìn thấy bạn, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì. Bạn sẽ lấy những thứ mình thích trong cửa hàng hoặc siêu thị hay nghe ngóng xem người khác nói gì về mình?
Trong cuốn sách Cộng Hòa của Plato, người đối thoại với Socrates là Glaucon đã dùng thí nghiệm tư duy về Ring of Gyges (chiếc nhẫn tàng hình) để chứng minh cho Socrates thấy rằng mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và đạo đức chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực. Glaucon cho rằng chúng ta là những sinh vật ích kỷ, và nếu không phải lo lắng về việc bị bắt và bị trừng phạt, chúng ta sẽ có thể làm đủ mọi chuyện xấu xa. Nếu tàng hình thì chúng ta sẽ luôn làm những điều có lợi cho bản thân chứ không tuân theo đạo đức.
Nếu không bị ai nhìn thấy, chúng ta có thể trở thành những tên trộm hoặc phạm tội vì chẳng có lý do gì để không làm thế cả.
Vào thế kỷ XVII, triết gia Thomas Hobbes cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng con người chúng ta quá ích kỷ để có thể hành động đúng đắn nếu không bị cưỡng chế.
Ngược lại, một số triết gia nghĩ rằng lực tác động đến đạo đức phải xuất phát từ bên trong. Vào thế kỷ XVIII, triết gia Immanuel Kant thuộc phong trào Khai sáng cho rằng mâu thuẫn giữa đạo đức và lợi ích cá nhân có thể được giải quyết nhờ vào lý trí của con người. Theo Kant, những nguyên tắc đạo đức có tính hợp lý nên bất cứ ai có lý trí đều sẽ nhận ra ảnh hưởng của chúng. Một số triết gia khác cho rằng lực tác động bên trong của đạo đức bắt nguồn từ tình cảm con người. Nhà cải cách xã hội, cha đẻ của chủ nghĩa vị lợi John Stuart Mill tin rằng chúng ta có thể giải quyết mâu thuẫn bằng cách nuôi dưỡng sự cảm thông và rèn luyện những mong muốn của mình theo hướng chúng ta quan tâm nhiều và coi hạnh phúc của người khác như là của chính mình.
Triết gia người David Hume thì cho rằng cảm giác đóng vai trò quan trọng đối với các giá trị đạo đức, đặc biệt là sự cảm thông – một nguồn động lực mạnh mẽ trong bản chất con người: “Một cơn ho sặc sụa của người khác khiến ta cảm thấy lo lắng, mặc dù bản thân cơn ho đó không ảnh hưởng chút nào đến ta.”
Theo Hume, lòng cảm thông là nguyên tắc thúc đẩy mọi đánh giá của chúng ta về giá trị của thế giới này. Khi đánh giá một điều tốt hay xấu, đúng hay sai, đạo đức hay phi đạo đức, chúng ta đều dựa trên sự đồng cảm với lợi ích của người khác.
Những quan điểm của David Hume và John Stuart Mill cho thấy tất cả các giá trị quan của chúng ta, bao gồm cả đạo đức, đều được duy trì bởi cảm xúc và lòng cảm thông chứ không phải lực tác động bên ngoài hay tác động của nguyên tắc duy lý. Việc thực thi đạo đức dựa trên cảm xúc nảy sinh từ một vấn đề và nó không bắt buộc mọi người phải hành xử như nhau. Bên cạnh đó, nguyên tắc lý luận của Kant cũng phản ánh thực tế rằng mỗi người có một khả năng suy luận khác nhau và khả năng này quyết định hành vi đạo đức của họ. Điều này là cần thiết bởi nếu những giá trị đạo đức chỉ được xây dựng dựa trên cảm xúc, thì sẽ chẳng có lý do gì để buộc hầu hết mọi người phải coi trọng các giá trị quan đạo đức.
Vậy còn bạn, nếu được tàng hình, bạn có vì thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của bản thân mà bỏ qua giá trị đạo đức hay không? Câu trả lời, có lẽ, phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Nhưng dù lựa chọn của bạn là gì, hãy luôn nhớ rằng, đạo đức không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà còn là hành động cụ thể mà chúng ta thực hiện mỗi ngày.