“Nghệ thuật thực sống trên thế gian này giống như rèn luyện thành một đô vật hơn là vũ công. Bởi ở khía cạnh này, cả hai đều đồng tình với việc dạy một người về bất kỳ điều gì ập đến anh ta bất ngờ, rằng anh sẽ sẵn sàng cho điều đó, và rằng chẳng có gì khiến anh buồn bực.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Những lời này được viết bởi Marcus Aurelius, một triết gia Khắc Kỷ, đồng thời là hoàng đế La Mã từ năm 161 đến năm 180 sau Công Nguyên.
Giữa năm 170 và 180 sau Công Nguyên, khi đang tham gia một vài chiến dịch quân sự, Marcus đã giữ một cuốn nhật ký cá nhân mà trong đó ông ghi chép lại những suy nghĩ về cách ông có thể sử dụng triết học Khắc Kỷ để cải thiện cuộc đời và đối đầu với những gian nan và khốn khó của đời. Cuốn nhật ký này được biết đến với cái tên Meditations và trong Video này, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài lời khuyên thực tiễn có trong cuốn sách để cải thiện chất lượng sống của con người.
Cụ thể hơn, chúng ta sẽ nhìn vào một vài kỹ thuật Marcus sử dụng để đạt được sự thanh bình, đó là
“Một trạng thái tâm lý đặc trưng bởi sự thiếu vắng những cảm xúc tiêu cực, như là nỗi sầu khổ, tức giận, và lo âu, và là sự hiện hữu các cảm xúc tích cực, như là niềm vui.” (A Guide to the Good Life, William Irvine)
Sự thanh bình, ngoài đức hạnh ra, chính là một trong những mục tiêu tối thượng đối với một người thực hành Khắc Kỷ người La Mã như Marcus.
Chìa khóa cho lối sống Khắc Kỷ chính là ý tưởng rằng điều quan trọng nhất cho hạnh phúc của ta, và có lợi cho cuộc sống yên bình, ko phải là những gì xảy đến với ta, mà đúng hơn là sự diễn ngôn nội tâm đi cùng với những sự kiện cuộc đời. Như Marcus giải thích:
“Ta có sức mạnh điều khiển tâm trí – ko phải những sự kiện bên ngoài. Nhận ra điều này, và ngươi sẽ tìm thấy sức mạnh.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Các nhà Khắc Kỷ tin rằng việc đạt được bất kỳ giá trị bên ngoài nào, có thể là danh tiếng, ngoại hình đẹp, quyền lực vượt trên kẻ khác, hay của cải, ko phải là chìa khóa cho một cuộc đời tốt đẹp, mà đúng hơn, đó là sự làm chủ tâm trí. Các nhà Khắc Kỷ nhận thấy những thứ bên ngoài có thể đến và đi bởi những tác nhân nằm ngoài tầm kiểm soát, vậy nên, nếu ta đánh cược hạnh phúc vào bất kỳ thứ nào trong số này, ta sẽ mất đi quyền kiểm soát cuộc đời.
Một người tự hào về ngoại hình của mình sẽ đến lúc già nua, một người giàu sang có thể bay sạch gia tài nhanh chóng, và bản tánh hay đổi thay của đám đông cũng có thể làm một nữ diễn viên nổi tiếng mỏi mệt.
Ko như những giá trị bên ngoài, các nhà Khắc Kỷ tin rằng ta có thể thay đổi cách tâm trí nhìn nhận, hay diễn dịch các sự kiện cuộc đời. Ta phải nhận ra rằng khi gặp phải mất mát hay ai đó đối xử ta tệ bạc, ta ko nhất thiết phải phản ứng bằng nỗi buồn hay giận dữ, mà thay vào đó, ta có thể học điều chỉnh cách mình diễn giải những sự kiện như này để giảm thiểu tác động của những cảm xúc tiêu cực. Đây là điều tối quan trọng nhất, bởi như Marcus đã nói: “Hạnh phúc cuộc đời phụ thuộc vào chất lượng suy nghĩ của ta.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Marcus nhận thấy một trong những điều chủ chốt làm gián đoạn chất lượng suy nghĩ chính là thiếu đi khả năng sống cho hiện tại của hầu hết mọi người. Thay vào đó, họ thường xuyên đắm chìm trong các sự kiện quá khứ hoặc lo lắng về triển vọng tương lai. Một kỹ thuật Marcus sử dụng để gia tăng sự cảm kích đối với từng khoảnh khắc chính là kỹ thuật ông học được từ triết gia-nô lệ vĩ đại Epictetus.
Kỹ thuật này, bây giờ được gọi là “hình dung tiêu cực”, đòi hỏi suy nghiệm về bản chất chớp thoáng của mọi điều bên ngoài cuộc đời ta. Ví dụ, khi chào đón một người bạn, ta nên im lặng suy tư về cái chết của người đó và nhận ra rằng đây có thể là lần cuối đôi bên gặp nhau.
Trong khi, một vài người có thể nhìn nhận điều này bệnh hoạn, các nhà Khắc Kỷ cho rằng con người cần nhận thức rõ ràng hơn về bản chất chớp thoáng của vạn vật. Nhiều người ko nhận ra tính hữu hạn tương đối của thời gian mà họ dành ra cho bạn bè và người thân yêu cho đến khi nó quá trễ, vậy nên những lời nhắc nhở định kỳ có thể giúp con người hoàn toàn trân quý thời gian mình có hơn.
Nhưng Marcus cũng khuyên rằng khi suy nghiệm về những điều này, ta cũng phải “cẩn trọng kẻo niềm vui trong chúng khiến ta trân quý nó nhiều đến nỗi sự mất mát của nó sẽ phá hủy bình yên trong tâm trí ta.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Marcus cũng sử dụng kỹ thuật hình dung tiêu cực để giúp ông sống cho hiện tại nhiều hơn bằng cách suy nghiệm về sự thực rằng cái chết của bản thân ông có thể đến bất kỳ lúc nào. Các nhà Khắc Kỷ tin rằng khi con người trở nên nhận thức hơn về cuộc đời có thể kết thúc bất cứ lúc nào, họ sẽ có khả năng cao sống theo cách nồng nhiệt nhất có thể, và cố gắng tận dụng từng khoảnh khắc. Một sự nhận thức như vậy cũng mang đến bối cảnh cho tính tầm thường tương đối của rất nhiều thứ hầu hết mọi người lo lắng về.
Ngoài lo lắng về quá khứ và tương lai, còn một điều khác thường mang đến những cảm xúc tiêu cực, và phá vỡ chất lượng suy nghĩ của ta, đó là bận tâm tới quan điểm người khác. Theo Marcus, quá bận tâm tới những quan điểm như vậy sẽ chẳng dẫn tới một cuộc đời đủ đầy, mà thay vào đó là một cuộc đời thất vọng, bất mãn, và tức giận.
Marcus đề ra một vài lý do để biện minh cho lời khẳng định này. Một lý do đơn giản là vì đại đa số con người toàn bận tâm tới những vấn đề nhỏ nhặt và do đó quan điểm của họ mang rất ít giá trị. Như lời của Marcus thì:
“Tất cả mọi thứ mà con người tin là quan trọng trong cuộc đời chính là sự trống rỗng, đồi bại, nhỏ nhen, lũ chó nhỏ cắn nhau, những đứa trẻ con cười khúc khích khi đánh nhau, và sau đó đột nhiên bật khóc.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Với bản tính bần tiện của con người, Marcus đề ra câu hỏi sau: “Tôi thường băn khoăn làm thế nào mà mỗi con người yêu bản thân mình nhiều hơn người khác, ấy nhưng lại coi trọng ý kiến người khác hơn của chính mình.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Marcus cũng ko phải là người thích nhìn vào số đông, hay sử dụng sự đồng thuận của đa số để quyết định cách một con người nên sống. Như ông đã nói: “Mục tiêu trong đời ko phải là ngả về phía đa số, mà là thoát khỏi việc nhận thấy bản thân ở trong hàng ngũ những kẻ điên rồ.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Chẳng có gì ngạc nhiên mấy đối với một người phấn đấu cho sự thanh bình, Marcus khuyên chúng ta ko nên nổi giận khi người khác xúc phạm mình. Khi bị xúc phạm, Marcus nói rằng ta ko nên ăn miếng trả miếng, mà thay vào đó, ta nên nhận ra rằng “Sự trả thù tốt nhất chính là khác biệt với kẻ đã gây ra vết đau.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Để giúp đạt được kiểu trả thù này, Marcus khuyên răn những lời sau: “Khi ai đó đổ lỗi hoặc ghét ta, hay những người lên giọng chỉ trích tương tự, hãy đi vào tâm hồn họ, lẻn vào bên trong và xem kiểu người của họ là gì. Ta sẽ nhận ra rằng chẳng có lý do gì để lo lắng về việc họ nên mang bất kỳ quan điểm nhất định nào về mình.” (Meditations, Marcus Aurelius)
Để tận dụng minh triết của Marcus Aurelius nhằm giúp thay đổi cuộc sống của ta, chỉ mỗi nhận thức về những lời dạy thôi là chưa đủ, đúng hơn, thực hành liên tục các kỹ thuật Khắc Kỷ là điều cần thiết. Có thể một trong những lý do Marcus giữ một cuốn nhật ký chính là để nhắc nhở bản thân liên tục về những lời dạy của chủ nghĩa Khắc Kỷ, nhờ đó ông có thể áp dụng chúng một cách hữu hiệu trong cuộc sống thường ngày.
Nhưng những ai đã đưa vào thực hành và nỗ lực sẽ có khả năng được hưởng lợi bởi vì các nguyên lý của triết học Khắc Kỷ đã trụ vững qua thử thách thời gian. Phương pháp trị liệu nhận thức hành vi, một trong những kỹ thuật trị liệu tâm lý hiệu quả nhất cho chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, cũng được dựa trên những bài giảng của chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Để kết thúc Video này, chúng tôi sẽ mang đến một đoạn văn của Marcus, trong đó ông diễn giải rõ ràng lý do tại sao ta ko nên trì hoãn nỗ lực cải thiện bản thân mình: “Hãy nhớ ngươi đã trì hoãn công việc này bao lâu rồi…Đến một lúc nào đó, ngươi phải nhận ra thế giới mình thuộc về, thứ sức mạnh nào cai trị nó và gốc gác mà mình xuất thân; rằng thời gian được chia ra cho ngươi là hữu hạn, và nếu ngươi ko dùng nó để giải thoát bản thân, nó sẽ mất đi và ko bao giờ quay lại.” (Meditations, Marcus Aurelius)