1. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình “có điều kiện” (nhất làng), cuộc sống của tôi từ nhỏ đã chẳng thiếu thốn gì, nếu không muốn nói là đủ đầy, dư dả. Vậy nên câu hỏi về việc “ăn trộm” thứ gì đó chưa bao giờ khởi sinh.
Thế nhưng những ngày tháng đầu tiên khi làm một sinh viên bở ngỡ ở đất SG, tôi đã bị bắt vì tội… ăn trộm.
Đó là một lần đi siêu thị gần nhà, khi dạo quanh các kệ hàng, tôi trông thấy những lọ nước hoa thật đẹp. Tôi không xài nước hoa, cũng chưa bao giờ quan tâm nước hoa vì vốn xuất thân làng quê, đâu bận tâm điều đó. Chưa kể giá những chai nước hoa toàn vài trăm ngàn đến tiền triệu (tiền tiêu cả tháng), tôi chẳng đời nào muốn mua.
Thế nên tôi đã đứng rất lâu trước kệ nước hoa, mê mẩn ngắm nhìn vào những chiếc lọ thuỷ tinh nho nhỏ với thiết kế thật đẹp và thầm nghĩ “những lọ mẫu này đàng nào cũng hết sạch nước hoa rồi, chắc họ sẽ vứt đi thôi, mình lấy chắc không sao”.
Nghĩ vậy nên tôi lấy hai vỏ chai nước hoa rỗng trên kệ và bỏ vào xe đẩy hàng. Qua quầy tính tiền không ai nói gì, tôi yên tâm lắm, lại vui nữa, nghĩ thầm rằng lâu lâu mình sẽ đến xem còn bình nào hết sẽ lấy nữa, chẳng mấy chốc mình sẽ có bộ sưu tập những chiếc bình xinh xinh. Tôi đang hoan hỉ thì một chú bảo vệ đeo điện đàm bước đến trước mặt tôi yêu cầu tôi dừng lại và đi theo chú ấy. Tôi hoảng sợ tột độ.
Chú dẫn tôi vào phòng trực trước mặt một bác bảo vệ lớn tuổi khác. Bác ấy bảo tôi hãy bỏ thứ tôi lấy trộm lên bàn. Tôi run rẩy lục túi lấy hai cái vỏ chai bỏ lên. Bác ấy nhìn tôi với ánh mắt, tôi chẳng biết, có lẽ vừa xem thường vừa thương hại.
Bác ấy hỏi tôi là tại sao lại lấy trộm đồ siêu thị, tôi đáp rằng vì lọ này hết rồi, tôi tưởng tôi lấy cũng không sao. Bác ấy nói rằng dù có hết cũng là tài sản của siêu thị, tôi không được lấy. Rồi bác doạ tôi rằng sẽ làm biên bản, giao tôi cho công an đồng thời gởi biên bản tới trường nơi tôi theo học để họ kỷ luật và đuổi học tôi. Bác ấy nói về việc tôi đã huỷ hoại tương lai của mình thế nào vì tội này.
Tôi khóc như mưa, chưa bao giờ nghĩ việc lấy vài cái lọ nước hoa rỗng lại khiến tôi phải trả giá nhiều như vậy. Nhưng may quá, hoá ra bác ấy chỉ hù, sau khi để tôi khóc lóc sợ hãi chán chê, bác ấy nói sẽ tha cho tôi lần đầu, không biên bản không công an, chỉ yêu cầu tôi không lặp lại hành động đó. Tất nhiên tôi vui mừng (như nghe tin Chúa sống lại) tôi rời khỏi văn phòng đó với nỗi xấu hổ vô cùng.
Và chỉ một lần đó là đủ, tôi biết cảm giác của một kẻ trộm và không bao giờ muốn lặp lại nó, bất kể với ai hay vì cái gì. Cho nên bạn có thể nghĩ những điều sai lầm chúng ta mắc phải trong quá khứ là tội lỗi, là điều tồi tệ và bạn có thể sống với sự day dứt cả đời. Nhưng tôi bảo bạn, mọi sai lầm đều là những bài học. Và nếu bạn thông minh, bạn sẽ học được những bài học rất nhanh, một lần là đủ.
Còn nếu bạn không đủ thông minh, thế thì bạn sẽ cứ lặp cùng sai lầm hết lần này đến lần khác, tới khi nào bạn nhìn thấu được bản chất của cuộc sống lẫn của bản thân mình, để thay đổi, để trưởng thành.
2. Nhiều người hỏi tại sao tôi có nhiều nhận biết từ khi còn trẻ, cũng nhiều người tưởng rằng nhận biết giống như món thừa kế mà ta chỉ nhởn nhơ tận hưởng mà không cần trả giá gì. Không phải thế. Hành trình nhận biết là hành trình của việc trải nghiệm, tận hưởng, phạm sai lầm, đau đớn và học từ sai lầm đó.
Từng và mỗi trải nghiệm trong cuộc sống đều là chất liệu quý giá để chúng ta dệt ra mạng lưới ý thức của mình. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ có trí thông minh để nhìn thấu mọi sự nhanh hơn. Thế thôi!!! Và với tôi, chỉ một trải nghiệm lấy trộm lọ nước hoa rỗng hàng chục năm về trước và phải ngồi trước “quan toà công lý” là bác bảo vệ để nghe về khả năng của đời tôi sẽ bị phá huỷ thế nào – đã xoá bỏ tất cả những bóng-xám-tiềm-năng của một kẻ trộm.
Bởi vì căm ghét cảm giác của việc là một kẻ trộm, bằng cách nào đó đã tạo ra một ý thức nhân phẩm mới trong tôi, dù trước đó tôi cũng chưa từng có ý trộm bất cứ gì.
Bạn hiểu không? Đầu tiên bạn không có ý định trộm đơn giản vì bạn là người ngây thơ, sống trong đủ đầy và không bao giờ có ý tưởng đó.
Nhưng lần thứ hai, sau khi đã trải qua cảm giác của kẻ trộm, bây giờ bạn vẫn không có ý định trộm gì của ai, nhưng không phải vì bạn ngây thơ nữa, mà vì bạn đã trưởng thành hơn.
Bây giờ bạn đã “mặn” hơn: hương vị của nước mắt hối hận, của sợ hãi, của biết ơn và nhẹ nhõm – đó cũng chính là hương vị mặn của sự nhận biết.
Nhận biết là một quá trình mặn đắng của rất nhiều nước mắt và mồ hôi mà may mắn là hậu vị của nó luôn rất ngọt ngào, tinh khiết.
Cả đời tôi chỉ một lần trải nghiệm đó, là đủ. Tôi chẳng bao giờ nhắc tới sự kiện này, thậm chí còn quên bắng đi, nhưng dạo gần đây tôi nghe nhiều tâm sự của các bạn về nỗi đau đớn chán chường tột độ khi bị “lừa”, bị mất mát nhiều của cải trong cuộc sống, tự dưng làm tôi nhớ lại trải nghiệm này.
3. Thời đại này người ta lừa nhau nhiều quá, tôi cũng bị lừa không ít lần, có lần vì tham những lời hứa hẹn lợi nhuận, có lần không tham gì mà vẫn bị lừa. Đôi khi tôi tự hỏi sao thời đại này người ta lừa nhau nhiều thế.
Lừa đảo là tên khác của kẻ trộm thôi, chúng ta lấy đi mồ hôi công sức của người khác và xem nó như của mình, một cách rất nghiễm nhiên, thậm chí nhiều kẻ còn tự hào.
Sự khác biệt giữa kẻ trộm và kẻ cướp, theo tôi, là kẻ trộm còn một chút ít phẩm giá, một chút nhân phẩm để xấu hổ về điều mình làm, nhưng lừa đảo và kẻ cướp, đến chút nhân phẩm đó cũng chẳng còn. Những kẻ lừa đảo giờ còn huênh hoang đến độ, thấy bạn khóc, họ cười thêm vào mặt bạn.
Tôi đã nghĩ, tại sao thời đại này nhiều kẻ lừa đảo thế thì có hai lý do, một là lòng tham của mọi người lớn quá, lý do thứ hai – hệt như lý do một. Đúng vậy, chỉ tất cả vì lòng tham.
Bạn không tham, không ai lừa được bạn. Bạn không tham, bạn không muốn lấy bất cứ gì không thuộc về bạn. Nhưng tại sao người ta tham?
Osho nói, ”Tham là nỗ lực lấp đầy sự trống rỗng bên trong” và tôi đồng ý vô cùng, nhưng trống rỗng cái gì? – Câu trả lời là sự trống rỗng giá trị – Tôi rút ra điều đó từ cuộc sống của chính mình.
Khi bạn không tạo ra giá trị thực sự gì cho cuộc sống, cho xã hội, cho bản thân mình – bạn như chiếc bình rỗng tuếch – bạn sẽ rất lo sợ.
Lo sợ này khiến bạn trở nên tham, muốn tìm mọi cách nhanh chóng lấp đầy chiếc bình. Thời đại công nghiệp tạo ra lối sống “mì ăn liền”, mọi thứ đều cần nhanh nhanh nhanh, quay cuồng trong tốc độ, ai cũng sốt ruột, ai cũng vội vã, chẳng mấy ai còn muốn bỏ nhiều thời gian công sức gầy dựng giá trị bên trong – thứ giá trị thực sự giúp người ta tạo ra phẩm giá cho bản thân mình.
Thời nông nghiệp, người ta nuôi trồng thực phẩm, bằng cách nào đó người ta biết cách tôn trọng tự nhiên và tôn trọng tiến trình. Cây cần thời gian để lớn lên, hoa cần thời gian để đậu trái, trái cần thời gian để chín… mọi thứ đều theo quy luật và thời điểm, vội vã chẳng tích sự gì.
Nhưng thời đại hậu công nghiệp, muốn ăn quả chỉ cần mở tủ lạnh lấy ra hộp trái cây đã được gọt sẵn sàng, tất cả mọi khâu đoạn đều được rút ngắn giúp tiết kiệm thời gian thành thử người ta cũng không còn ý thức về kiên nhẫn, về tiến trình.
Thời đại hậu công nghiệp, lợi ích vật chất thì quá rõ ràng nhưng di chứng lớn về tinh thần đó là người ta trở nên xa rời với các tiến trình tự nhiên, người ta mất đi sự kiên nhẫn, tính kỷ luật và khả năng chờ đợi.
Không ai “nhẫn”, chẳng có thời gian để biết “nhẫn” là gì, “nhẫn” quan trọng thế nào.
Kiên nhẫn là thứ phẩm giá đang càng ngày càng mất hút, trong thế giới vật chất, tinh thần hay cả thế giới tâm linh nữa. Dường như người ta có mọi thứ, trừ sự kiên nhẫn. Cũng chẳng còn ai nhắc đến kiên nhẫn như là một giá trị cần có. Thậm chí ngược lại, người kiên nhẫn dễ bị xem là kẻ ngu.
Thật khó để kiên nhẫn bán từng ly cafe, từng tô phở thu đồng bạc lẻ khi tất cả bạn bè xung quanh ngồi rung đùi môi giới đất đai hoặc mua mua bán bán vài đồng tiền ảo cũng đủ kiếm cả gia tài. Sốt ruột chứ!
Càng nhiều người sốt ruột và mất đi ý chí, sự kiên nhẫn trong tiến trình tạo giá trị thực cho bản thân và cuộc sống, thì sẽ càng nhiều người đi lừa và bị lừa. Vì ai cũng muốn cái gì đó làm giàu nhanh nhanh.
Người giàu nhanh, ăn xổi ở thì, giàu mà không đến từ việc tạo ra giá trị thực bên trong thì bất kể có sở hữu bao nhiêu tiền của, người đó vẫn thấy mình là bình rỗng, bình không đáy, không bao giờ an tâm, không bao giờ thoả mãn. Bình rỗng tạo ra tham ngày càng lớn hơn. Để hết tham, bình cần không-rỗng.
4. Có ba trạng thái bình-rỗng người ta cần lưu ý: Đầu tiên là trạng thái bình rỗng của đứa trẻ ngây thơ. Nhưng trạng thái này sẽ rất nhanh chóng biến mất. Thời đại công nghiệp ăn liền, cái gì cũng nhanh, trẻ con lớn cũng nhanh, cha mẹ không ngừng nhồi đủ thứ vào bình rỗng của trẻ khiến chúng bị đầy tràn trước cả khi có ý thức của riêng mình.
Trạng thái thứ hai là khi người ta lớn lên, người ta nỗ lực lấp đầy cuộc đời mình bằng rất nhiều giá trị.
Người ta nỗ lực để làm đầy bình bằng tiền bạc vật chất, danh tiếng, quyền lực, tình yêu, tình bạn, tri thức, kĩ năng, sự sáng tạo, sáng kiến, mọi thứ.
Những giá trị thực giúp làm đầy bình như tri thức, trải nghiệm, kĩ năng, sự sáng tạo… thì đều cần thời gian, cần sự trau dồi, sự kiên nhẫn và tính kỷ luật – ngày càng ít người chọn con đường này.
Thay vào đó việc làm đầy bình bằng vật chất, danh tiếng chóng vánh ngày càng dễ hơn, đặc biệt khi chủ-nghĩa-hình-ảnh đang làm chủ mọi phương tiện sống: chỉ một tấm hình đầy tính sắp đặt cũng đủ mang lại cảm giác giá trị khi được mọi người khen ngợi tung hô, sao phải vất vả?
Mọi người chọn đường tắt để làm đầy bình thay vì đường dài vất vả, đó là lý do chúng ta luôn sợ hãi và tham lam.
“Có thực mới vực được đạo”, đừng nghĩ thực chỉ là lương thực, thực ở đây còn nghĩa là “cái thực”, tức cái không-giả. Đạo là cái không-giả.
Bình đầy thực khi nó chứa các giá trị thực. Giá trị thực này khiến người ta không còn sợ, chẳng còn tham. Một người đã có kĩ năng, sự sáng tạo, tính trách nhiệm, sự độc lập, tự chủ, tính kỷ luật và kiên nhẫn – người đó chẳng việc gì phải sợ.
Nhớ, người ta không sợ khi họ là bình đầy: bình-đầy chỉ khi nó chứa thứ mang giá trị thực. Và giá trị thực là thứ người ta phải bỏ công sức lẫn thời gian. Nó không bao giờ là thứ mì ăn liền dễ dàng cả.
Thế rồi có trạng thái bình rỗng thứ ba, khi người ta đã thu gom, đã tạo ra được nhiều giá trị thực và rồi cũng thấy được sự vô tích sự của nó, khi người ta đã có khả năng vứt bỏ, đổ bỏ tất cả mọi thứ trong bình để lại trống rỗng một lần nữa – như đứa trẻ nhưng không là đứa trẻ. Thế thì người ta trở thành phương tiện thiêng liêng của Thượng đế, của cuộc sống. Đây là trạng thái bình rỗng của đạo nhân. Luôn đầy ắp và cũng luôn trống rỗng, đồng thời.
5. Trống rỗng nhận biết là sự trống rỗng đáng sợ nhất. Không có nhận biết, người ta hành xử với nhau như thể người kia là kẻ thù, là nô lệ – đối tượng để khai thác và lợi dụng và bóc lột.
Trống rỗng phẩm giá bên trong khiến người ta không thể tôn trọng phẩm giá của người khác.
Trỗng rỗng giá trị bên trong khiến người ta không bận tâm công sức và giá trị của người khác.
Trống rỗng tình yêu bên trong khiến người ta sống một cuộc đời hoài phí và vô nghĩa vô cùng.
Nhưng tình yêu bên trong này đến từ đâu? Nó là những gì chúng ta gọi là “yêu bản thân” đấy. Nhưng chẳng mấy người hiểu yêu-bản-thân là hành trình gian nan làm sao. Nó là hành trình của việc thoát khỏi mọi trói buộc để tự lập, học cách làm chủ cuộc đời mình, không lệ thuộc, không dựa dẫm, tự tạo giá trị cho bản thân thông qua biết bao cố gắng, nỗ lực, kỷ luật và mồ hôi nước mắt.
Yêu bản thân không phải là việc dễ dàng. Ai còn nghĩ yêu bản thân là dễ dàng, là không nỗ lực gì, là chỉ cần lặp lại những câu thôi miên rằng mình tốt đẹp, mình xứng đáng có mọi thứ – không cần đánh đổi công sức, không trải qua gian khổ đớn đau (đa phần là đớn đau của sự vỡ tan bản ngã) – thế thì yêu-bản-thân này chỉ là rỗng tuếch. Và khi nó là rỗng tuếch, người ta sẽ không bao giờ hết sợ lẫn hết tham…