“Nếu cuộc sống trung bình là 70 năm 35 năm đầu nên dành cho việc đi vào thế giới, làm mạnh bản ngã. Và 35 năm sau là dành cho việc buông xuôi…
Buông xuôi là hành động ý chí cuối cùng và cũng là hành động vĩ đại nhất. Buông xuôi không phải hành động dễ dàng và rẻ. Nó không phải là hành động của bất lực, nhưng nó đến từ sức mạnh vô cùng…”
Chị cho em hỏi quan điểm của chị về việc “buông xuôi”. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện tại rất nhiều người gặp khó khăn về tài chính. Thậm chí là nợ nần. Trong đó có em.
Vậy thì giữa buông xuôi và thất bại, bỏ cuộc – đâu là ranh giới của nó? Và càng thực hành thiền, em càng thấy sự vô nghĩa của việc lao ra ngoài kiếm tiền bất chấp sức khoẻ, cách thức như trước đây. Nhưng nếu không thì rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính cần phải hoàn thành.
Càng thực hành, càng cố gắng sống theo nó thì em nhận đc nhiều hạnh phúc hơn. Nhưng đi kèm vào đó cũng nhiều giằng xé, đau khổ hơn. Lúc vô minh cứ làm mà không biết thì không có tội. Giờ biết mà vẫn làm thì nội tâm giằng xé. Theo chị thì làm sao mình có thể “buông xuôi” trong trường hợp này?
Buông xuôi nghe tưởng như là việc dễ nhất nhưng thật ra nó là việc khó nhất trên đời. Chính vì nó khó nên nó mới đáng giá, mới giá trị, mới ý nghĩa. Buông xuôi mà dễ thì mọi người đã nhẹ bẫng bay zéo zéo lên thiên đường hết rồi không còn ai ở mặt đất đâu.
Quan điểm của tôi là: mọi người đều đang rất nhập nhằng, rất mập mờ và mụ mị về ý tưởng buông xuôi – đó là lý do người ta không thể nào buông xuôi được bất kể họ có nói về nó nhiều như thế nào.
– Buông xuôi thực mang tính toàn bộ, buông xuôi giả mang tính bộ phận.
– Buông xuôi thực cần rất nhiều “lực” – lực-nhận-biết, và hiện không nhiều người có sẵn lực này.
Lực buông xuôi đến qua nhiều lần bạn buông bỏ các thứ nhỏ mang tính bộ phận. Nói cách khác, để một người có thể thực buông cái lớn, người đó sẽ cần rèn luyện qua khá nhiều lần buông cái nhỏ. Cho nên học buông nhỏ xem được không đã, đừng vội tham buông cái lớn. Không ích gì!
Trở lại với tình huống của bạn. Điều đầu tiên là tôi muốn chúc mừng: bạn đang làm rất tốt. Bạn đang càng ngày càng có nhiều nhận biết hơn, nó đến từ việc “thiền”. Thiền là khả năng nhận biết thôi chứ không gì cả.
Bạn càng nhiều nhận biết về cuộc sống, về thế giới, về bản thân mình thì bạn càng trở nên phân vân, bối rối. Vì thế giới dạy một điều trong khi nhận biết bên trong bạn thì nói điều khác. (Đây là tình trạng “chia chẻ” mà Osho thường nói tới) Bạn có nhiều cái muốn bên trong mình và chúng liên tục đánh nhau. Bạn vừa muốn có thêm, muốn có mọi thứ, vừa muốn buông nhưng là buông phần khó khăn thôi.
Ngay cả ý định “muốn buông” của bạn cũng đang rất không toàn bộ. Khi mọi người nói là muốn buông, ý họ là buông thứ khó khăn, buông những gì họ không thích, không ai có ý định buông thứ mà họ yêu thích hay buông thứ họ đang tận hưởng cả. Đây là tâm trí của người tinh ranh, kẻ kinh doanh, đây là tâm trí tính toán.
Và chừng nào sự tính toán còn đó, việc buông chẳng bao giờ là thuần khiết, nó không phải việc buông xuôi của tính đạo mà chúng ta nói tới.
Cho nên điều tốt đầu tiên là bạn đã bắt đầu sống thiền, sống trong nhận biết. Bắt đầu đặt câu hỏi về buông xuôi là gì… đây là những dấu hiệu tốt, rất tốt. Đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình buông xuôi.
Điều thứ hai là, trong thời buổi lạm phát, suy thoái kinh tế này nhiều người thất bại, thua lỗ và nợ nần lắm, không chỉ riêng bạn.
Điểm chung của tất cả những người thua lỗ nợ nần là đều có một ngàn lý do để đổ lỗi, do nền kinh tế, do người làm cùng, do bị lừa , do chồng do vợ, do bà hàng xóm, do đá tan ở Bắc Cực vân vân mây mây… Tôi nghe nhiều câu chuyện nhưng chưa thấy một ai đủ chân thành để nhìn thấu được vào bản chất: tôi bị mất mát, thua lỗ, đó là do tôi, do lòng tham của tôi mà tôi mới rơi vào tình trạng này.
Chúng ta tham nhưng không chấp nhận là mình tham. Chúng ta rất dễ thấy cái tham của người khác nhưng khi đến lượt bản thân mình, chúng ta gọi nó là “cơ hội”, là “đầu tư”, gọi nó là “kinh doanh”, thậm chí còn gọi nó là “tin người”…
Tham là một trong những bài học lớn nhất trong cuộc sống mà ai rồi cũng sẽ phải học, không sớm thì muộn. Và khi học được rồi thì sẽ tự động buông bỏ được lòng tham.
Buông bỏ được lòng tham, người ta ngay lập tức thấy mình sống trong một thế giới khác. Buông bỏ được lòng tham, người ta ngay lập tức nhận ra mình không còn chia sẻ một thực tại như những người khác xung quanh nữa.
Có người mất vài triệu để buông được lòng tham, có người mất vài chục triệu, có người mất hàng trăm triệu, cũng có người mất hàng trăm tỉ để học được bài học về lòng tham.
Đừng nói rằng vài trăm tỉ của bạn thì luôn lớn hơn vài triệu của người khác. Đối với một người nông dân nghèo, toàn bộ tài sản của họ là vài triệu và bị lừa mất, bạn không thể nói là khổ của họ ít hơn việc bạn mất vài trăm triệu của bạn. Khổ là tương đương. Khổ sinh ra bởi tham là tương đương.
Khi không còn tham bạn nhìn vào cuộc sống sẽ thấy rất dễ dàng: 99% khổ của mọi người đến từ tham của họ, không tham tự dưng bớt được biết bao nhiêu khổ.
Và lòng tham thì muôn hình vạn trạng, muôn vàn dáng vẻ. Nếu bạn không thấy tham của bạn, học cách nhìn vào tham của tất cả mọi người xung quanh, dễ thấy tham của người khác hơn tham của mình. Sau khi nhìn người khác xong thì dùng nó để soi chiếu và thấy cái tham của bạn. Bạn càng thấy mình nhiều tham, bạn càng chán ngấy, và càng chán ngấy thì càng đến gần hơn với việc buông bỏ nó.
Vâng, bạn có thể buông bỏ lòng tham, nhưng bước đầu tiên là phải thấy nó cho rõ, thấy tác hại của nó, thấy hệ luỵ của nó. Thấy những khổ sở mà nó mang lại. Ngẫm kĩ xem đã bất cứ khi nào lòng tham mang lại cho bạn sự hài lòng mãn nguyện hay chưa, hay chỉ thêm nhiều tham mới, nhiều khổ mới.
Nợ nần là gánh nặng, không dễ buông. Gánh nặng đó là bài học cho bạn thấu tỏ hệ luỵ của lòng tham. Không tham, không nợ nần. Người đã từng khốn khổ vì nợ sau này sẽ rất ý thức để không gây ra thêm bất cứ món nợ nào. Và để không nợ, cách duy nhất là không tham. Tham nhất định gây nợ.
Ranh giới nào giữa buông xuôi và bỏ cuộc vì thất bại? Chúng giống nhau là từ bên ngoài bạn đều thất bại. Khác biệt là ở bên trong, việc bạn chấp nhận được nó hay không?
Người buông xuôi chấp nhận là mình thất bại, chấp nhận là mình ngu si, chấp nhận mình là kẻ vô dụng nhất, giờ thì bất cứ gì đến, người đó đều đón nhận.
Người đó sẽ cố gắng bù đắp cho những thiệt hại mình gây ra, vì đó là cách để người đó “chuộc tội”, nhưng người đó sẽ không tham nữa.
Người buông xuôi trong tính đạo thì trở nên mềm, dịu hơn, hương vị của người đó trong lành thanh khiết hơn.
Còn đa phần người từ bỏ vì thất bại thì trở nên cay và đắng. Họ chấp nhận thất bại bên ngoài nhưng bên trong vẫn sôi sục sự tức giận, căm ghét, đổ lỗi, dằn vặt, nuối tiếc…
Đặc biệt, họ tiếp tục nuôi dưỡng lòng tham để chờ một dịp khác tới sẽ “bùng lên”, sẽ “làm lại”, sẽ “khôn” hơn, “cẩn thận hơn”. Khao khát làm lại này là dấu hiệu của việc buông xuôi giả. Buông xuôi thực mang lại an bình. Hãy xem đó là tiêu chuẩn.
Từ bỏ vì thất bại, hay buông xuôi giả, khi lòng tham vẫn còn đó nung nấu cơ hội làm lại – nhất định không thể nào mang lại an bình.
Cho nên có thể nói, cảm giác an bình là ranh giới xác định đâu là buông xuôi thực hay chỉ là việc từ bỏ vì thất bại.
Không ai nguỵ tạo sự an bình được, bạn có nó thì có nó, bạn không có thì không có. Bạn có thể giả vờ bên ngoài nhưng bên trong tự bạn biết bạn có đang an bình hay không. Chỉ người buông xuôi trong nhận biết, thấy rõ tác hại và sự nguy hại của lòng tham, thì mới buông được lòng tham, và khi buông được tham, người ta nhất định sống trong an bình.
Nói về lòng tham, rất kì lạ, khi chúng ta bị lừa chúng ta thấy rất rõ tác hại của lòng tham, chúng ta căm ghét nó, chúng ta căm phẫn. Nhưng đâu đó trong tâm ta ao ước: ước gì kẻ đã lừa tôi, bây giờ đi lừa người khác nào đó, lấy tiền trả lại cho tôi… Ước gì người đó lừa cả thế giới đi cũng được, nhưng trả lại tiền cho tôi…
Điều này tuy là nghịch lý nhưng lại cũng rất hiển nhiên trong mỗi người. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Mất tiền, người ta thấy như mất đi gan ruột mình, tiền không còn là vật chất bên ngoài nữa, nó trở thành cuộc sống của người ta, nó trở thành chính người ta. Tiền là cách đơn giản nhất để mọi người, tất cả mọi người, học về tác hại của lòng tham. Nếu bạn may mắn, bạn chỉ mất mỗi tiền…
“Và càng thực hành thiền, em càng thấy sự vô nghĩa của việc lao ra ngoài kiếm tiền bất chấp sức khoẻ, cách thức như trước đây. Nhưng nếu không thì rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính cần phải hoàn thành.
Càng thực hành, càng sống thiền thì em nhận đc nhiều hạnh phúc hơn. Nhưng đi kèm vào đó cũng nhiều giằng xé, đau khổ hơn. Lúc vô minh cứ làm mà không biết thì không có tội. Giờ biết mà vẫn làm thì nội tâm giằng xé. Theo chị thì làm sao mình có thể “buông xuôi” trong trường hợp này.”
Một, điều cần hiểu là em không thể buông xuôi được đâu, em chưa đủ “lực” để buông xuôi. Vì buông xuôi là việc khó, rất khó, cần rất nhiều bản lĩnh, rất nhiều nội lực. Người mạnh thực sự trên con đường đạo không phải là người nắm giữ được nhiều, mà là người buông xuôi nhiều. Em chưa có khả năng buông xuôi đâu, nên đừng bận tâm về nó nữa. Phí thời gian…
P/s: tự dưng viết tới đây thấy mệt, thấy không muốn viết thêm nữa, xin lỗi em…