Hôm nay lại bàn về năng lực định nghĩa,
Định nghĩa sai thì sẽ hành động sai,
Tôi sẽ nói đi nói lại liên tục về năng lực này để anh em cùng luyện tập. Rèn thói quen mới, giờ cái gì cũng nên đặt câu hỏi là mình đã định nghĩa đúng và hiểu đúng về nó hay chưa
‘Chánh niệm’,
Tiếng Trung là 正 念,
Tiếng Pali là sammā – sati
Trong đó, chữ ‘sati’ hay ‘niệm’ chính là sự nhớ lại, hay sự tập trung lại vào hiện tại.
Còn tiếng Anh dịch chữ niệm là ‘mindfulness’, có vẻ rộng nghĩa hơn, nhưng tôi hay dịch là ‘để tâm vào hiện tại’
dù là ngôn ngữ gì nhưng cốt lõi chỉ có một định nghĩa thôi, nên hiểu sai thì sẽ làm sai. Tôi quan sát cũng khá lâu, xem mọi người hay định nghĩa 2 chữ ‘chánh niệm’ này như thế nào, nhưng đa phần sẽ rơi vào các cách hiểu sau:
Chánh niệm là thân ở đâu thì tâm ở đó…
Chánh niệm là sự tập trung vào giây phút hiện tại, tâm không phóng dật…
Chánh niệm là sự nhớ lại..
Thật ra, các định nghĩa trên không sai nhưng nó chỉ đúng 1/2 thôi, nhưng khi đúng 1/2 mà áp dụng thì khả năng kết quả sẽ ra 50/50 không đúng. Vì sao?
Thời còn ở vn, hôm đấy sáng sớm, tôi đang đi bộ ở khu bờ kè thì thấy 2 thanh niên đang rất ‘chánh niệm’ làm gì đấy, nhìn kỹ ra thì hai ông nội đang chích mai-thúy.
Dù đứng từ xa nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự tập trung cao độ vào giây phút hiện tại của hai phượt thủ… gần như không hề dao động khi dòng người liên tục đi ngang qua… nhưng hai bố vẫn ‘tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến’.
Nếu chỉ định nghĩa ‘chánh niệm’ là ‘tâm ở đâu, thân ở đó’ hay ‘tập trung vào giây phút hiện tại’ thì ngoài các Thiền sư đắc đạo ra, thì chẳng ai qua được sự an trú vào hiện tại bằng các Bác trong hội mai-thúy đâu.
Tiếp nữa, có lần tôi hỏi vài bạn bên team_tu_tập, “thế các ông đi cướp giật hay ăn trộm có chánh niệm không”…
Không những có, mà lại rất tập trung nữa đằng khác, vì chỉ cần lệch vài giây hay trật động tác vài nhịp thì làm sao giật đồ được. Chưa kể có bị dân nó dí bắt thì phải siêu tập trung rồ xe bỏ chạy mà làm sao không té và đụng ai.
Đến đây, bạn nào còn thực hành ‘thân ở đâu, tâm ở đó’ thì mới chỉ đúng phân nửa định nghĩa thôi, vì sự thật có 2 loại chánh niệm: chánh niệm this và chánh niệm that
Chánh niệm this là TÀ NIỆM… vẫn tập trung nhưng làm những điều trái tự nhiên. Đơn cử, các anh em mê thiền định rồi tham đắm an trú trong hiện tại, hay để đắc thần thông, hoặc để chứng đắc tầng thiền định nào đó thì… khả năng là tà niệm rất cao.
Còn chánh niệm xịn… chính là sự tập trung vào hiện tại, sự nhớ lại hiện tại, sự biết rõ những gì đang diễn ra nhưng… động cơ là để làm những điều đúng tự nhiên, đúng với quy luật của vũ trụ.
‘Chánh niệm’ xịn, tiếng Anh dịch trọn nghĩa là, ‘Right mindfulness’
Chữ ‘Right’, dịch nhanh là đúng, tốt, thiện lành…
Nhưng anh em cũng cần định nghĩa sâu hơn nữa…
“Thế nào là đúng tốt, thế nào là thiện lành”
Bởi vì, ở đời, có những việc anh em thấy rất thiện lành nhưng động cơ đằng sau thì không lành chút nào.
Thời nào cũng thế, rất nhiều người nhân danh ‘cái tốt’ để đi tiêu diệt hay giải phóng ‘cái xấu’ nhưng bản chất chưa biết cái nào thực sự tốt, cái nào thực sự xấu.
Với tôi, 2 chữ ‘chánh niệm’, thực hành chữ ‘niệm’ không khó bằng thực hành chữ ‘chánh’.
Tập trung vào hiện tại thì luyện thời gian anh em sẽ có niệm lực và định lực ở một mức cụ thể thôi…
Nhưng để biết cái gì thực sự là chánh… thì anh em phải có ‘chánh kiến’, dịch nom na là trí tuệ nhìn thấu bản chất và hiện tượng của mọi việc và mọi sự. Mà để có chánh kiến thì có khi không chỉ 1 đời người là xong… ae chú ý.
Còn chưa xác định cái gì là ‘chánh’ thì dù có cố tập trung vào hiện tại thì khả năng cao vẫn rơi vào tâm phóng dật như thường. Anh em thấy đấy, mới 2 chữ thế thôi mà không khéo còn làm sai… nên tua lại hết những định nghĩa trong não ae đang có… thì ae ngẫm xem có bao nhiêu % là đúng !?
Cheers,
Bác 7B