ở đời, ai mà không say,
chỉ khác là say ít hay nhiều thôi.
Mà không phải say do anh em uống rượu vào… mà sự thật là, dù chẳng uống giọt nào, mà chúng ta vẫy say như thường, say trong chính nhận thức và tư tưởng này của chúng ta.
Ai mà không có những ảo tưởng của riêng mình,
ảo tưởng về cuộc đời,
ảo tưởng về người khác,
và ảo tưởng về chính mình,
Ảo tưởng càng sâu, say đời càng đậm !
Trẻ thơ là nhóm ít say nhất vì những cái say của trẻ, nó rất thô và dễ nhận biết. Nhưng khi chúng ta càng lớn lên, thông qua sự ‘hỗ trợ’ của gia đình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè, xã hội và giáo dục trường lớp thì các ảo tưởng trên càng được lây lan và nhân rộng lên rất nhiều lần.
Tốt nghiệp 12 năm phổ thông, rồi 4 năm đại học, cầm được cái bằng cử nhân xong, anh em nào chẳng nghĩ, giờ chắc mình ngon rồi!… Chỉ đến khi bước vào những công việc đầu tiên, mới vỡ òa ra, 16 năm đi học chỉ để biết đánh vần, đọc, nghe và hiểu xem coi sếp hay khách hàng đang nói cái gì và đang cần cái gì thôi.
Phải hiểu được yêu cầu thì anh em mới có đầu ra chuẩn được, chứ chưa xét đến năng lực cứng/mềm của anh em thế nào. Đó là cú vỡ mộng đầu tiên của hầu hết các anh em sinh viên mới ra trường.
Trường lớp cho anh em kiến thức, chứ không cho kinh nghiệm và thái độ sống, chỉ khi nào bước vào game đời thực tế thì cái kinh nghiệm với thái độ mới được hình thành và được rèn giũa thêm mỗi ngày.
Nên chẳng có môi trường nào rèn thân và rèn tâm tốt hơn môi trường làm việc cả, vì nơi đấy toàn những kẻ say đang lao đầu vào nhau, rồi làm khổ nhau, đau quá thì mới bớt say tý thôi.
Được tý tâm lực ở chỗ làm, thì anh em bắt đầu bước vào môi trường hôn nhân gia đình, vợ chồng, con cái,… mỗi người mang một ảo mộng riêng về nó,… chỉ đến khi cả hai đều vỡ mộng ra, gia đình bền vững hay không, ngoài tình yêu thuở ban đầu ra thì nó còn cần rất nhiều thứ khác, như trách nhiệm, hy sinh, kỹ luật, trật tự nề nếp trong nhà, sự tôn trọng, và quan trọng hơn nữa là mỗi cá nhân phải bớt cái ích kỷ và tham vọng cá nhân riêng của mình xuống khá nhiều, để nương nhau đi tiếp, nếu cả hai đồng thuận muốn đi chung đến một mục tiêu lớn nào đó.
cuộc đời là một trường học,
và là một chuỗi vỡ mộng.
Bước ra đời, ai mà không ảo tưởng rằng,
cái mình biết là hay nhất, tuyệt nhất…
Nhưng ai cũng nhất thì ai đứng nhì. Nhất nhì hay không thì phải xem cách đời phản ứng lại với mình thế nào nữa.
Anh em viết cái tút gần 1 tiếng, cảm giác phấn khích vô cùng, ông nào cũng gật gù, cái quan điểm này của mình quá hay… Bấm nút post với tâm trạng phơi phới vô cùng, kiểu nào đăng lên cũng gây sóng trong phây mình. Vậy mà gần cả tiếng đồng hồ, check phone gần chục lần, vậy mà có đúng 15 likes và 1 comment quảng cáo của một nick ảo nào đó. Anh em có từng thế không?
Cả đăng hình lên phây, nếu không thấy đẹp thì chắc chắn anh chị em không đăng mình lên làm gì, không lẽ đăng xấu để người ta chê. Phải tự bản thân chúng ta thấy đẹp, thậm chí là quá đẹp thì anh em mới đăng lên chứ.
Còn có đẹp thực sự hay không thì phải coi phản ứng của số đông nữa. Tất nhiên có những cái đẹp đặc biệt, nó vượt tầm thẩm mỹ của số đông, nhưng số đấy rất hiếm… chắc chắn không phải thuộc phân khúc của chúng ta rồi.
Mà ảo tưởng mình đẹp để mình thấy thoải mái hơn, hạnh phúc hơn, thì cũng chẳng sao cả, vì cũng chẳng hại hay phiền đến ai… vì tất cả cũng chỉ diễn ra trong tư tưởng của riêng mình thôi.
Tôi bóc vui vài cái say thô để anh em dễ hình dung, rằng chúng ta lúc nào cũng đang tự lừa dối mình hết… Lừa hết cái này đến cái khác. Mà không phải do anh em muốn lừa mình… mà do anh em cũng không thể nhận thức được là mình đang say.
Có kẻ say nào mà nói mình đang say đâu !
Anh em cố nói người ta say, có khi người ta đánh cho.
Cái khó hơn là, ai cũng say, tôi cũng say, anh em cũng say… nên cũng chưa chắc tôi ít say hơn anh em. Nên đôi lúc chuyện ở đời, nó giống như 2 ông đang say ngồi khuyên bảo nhau, “ê, mày đừng uống rượu nhé, hại đấy!”
Tôi viết thì vẫn viết thôi, vì dù có say sưa đến mức nào thì vẫn còn ông Thầy Đời luôn đứng cạnh kèm cặp và yêu thương chúng ta… Say đến đâu thì Đời dạy đến đó. Đời dập mấy trận thì cũng bớt say thôi.
Game đời nó có luật vận hành riêng,
Dù chúng ta có ảo tưởng đến cỡ nào thì cũng không chạy thoát ra khỏi những luật chơi đó. Càng bớt ảo thì càng bớt khổ… còn không thì Thầy Đời sẽ làm ta khổ đau triền miên, để làm gì… để chúng ta tỉnh táo hơn.
Đôi lúc, chúng ta không biết ‘mình là ai’ trong cuộc đời này… Nếu chưa biết thì thầy Đời sẽ từ từ nói cho anh em biết.
Hồi xưa, Ông Bà già đánh đòn tét đít mà ta còn chưa nhớ, chứ Đời mà đã đánh thì đau lắm anh em ah, khắc ghi tận trong xương. Mà biết sao giờ, đau khổ để mà học, để cho thân tâm này có cơ hội lớn hơn.
Say đời, nó cũng có vài mức,
Say thô nhất, là say vật chất, say tiền tài, say sắc, say cảnh trần đẹp,… nói chung những cái này rất dễ thấy trên hình tướng bên ngoài.
Say vi tế hơn, là say cái danh, say quyền lực… và say tình. Say 3 cái này thì tha hồ mà đau khổ… vì đôi lúc có khổ triền miên biết bao cuộc đời rồi mà vẫn chưa nhận ra rằng mình đang say.
còn cái say siêu vi tế nhất, là say cái sự hiện hữu này. Chúng ta rất sợ mình không còn hiện hữu nữa, không là gì cả, không là ai cả. Say tỉnh thức, say giác ngộ, say chứng đắc, đều thuộc cái say siêu vi tế này.
Tôi là người nhạy cảm với khổ,
và nhờ sự nhạy cảm đó, nên bất kỳ khi nào có sự khổ diễn ra trong mình, tôi biết, là mình đang say về chính vấn đề đang gây khổ đó.
Mình say, nên mình mới bám chấp vào nó,
mà khi còn sự bám chấp, thì bắt buộc sự khổ phải diễn ra thôi… dù là cái bám chấp đó trên cái hữu hình hay cái vô hình.
Cheers,
Bác 7B
———
Hình của Saji Thansar