Đây là một trải nghiệm có thật. Tôi đã muốn viết ra những dòng chia sẻ này từ khi tôi nhận biết nó. Nhưng sau đây tôi xin kể lại trải nghiệm bản thân một cách vụn vặt như một dòng suy nghĩ thoáng qua. Có thể bạn đã từng trải qua cảm giác này rồi.
Sự phóng đại hóa nỗi sợ qua giấc mơ không phải là thuật ngữ chính thức gì trong tâm lí học cả. Nó là một trải nghiệm khá thú vị bản thân tôi và có thể dùng làm các ví dụ để nghiên cứu về sự căng thẳng của não bộ, sự trầm cảm, tội lỗi, mặc cảm và lo âu,… Tôi nghĩ chúng ta ai ít nhiều cũng trải qua điều này. Bạn có thể chia sẻ ở dưới post nếu đồng tình với tôi.
Tôi có 2 khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể và hầu như tôi không quan tâm tới nó, tôi chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Nhưng rõ ràng đó là thứ tôi nghĩ hoặc ít nhất tôi lừa dối bản thân mình vậy.
Tôi có một chiếc răng cửa bị mẻ phân nửa từ lúc năm lớp 3. Nó đã gắn bó với tôi tới tận bây giờ. Tôi được gia đình khuyên bảo:” Con có thể đi trám răng, hoặc cà cho chiếc răng cửa còn lại bằng chiếc bị mẻ”. Tôi nghĩ rằng chả sao. Ko ai chú ý cả. Mọi người thường chỉ hỏi tôi tại sao bị mẻ răng vào lần đầu gặp mặt và chả bao giờ hỏi lại lần 2. Tôi cũng chả phiền lòng điều đó. Cho tới khi tôi gặp sự phóng đại qua giấc mơ.
Sự phóng đại nỗi sợ này rất đặc biệt. Khác với việc bạn mơ tưởng về thế giới khác, giấc mơ tái lập cuộc sống thực tại bạn thông qua giấc mơ. Bạn bè, gia đình, cuộc sống y chang, chỉ có điều khác, tai họa đến với bạn khủng khiếp hơn,… Trong giấc mơ ấy, thay vì bị mẻ răng, tôi đã mơ tới nhiều tình huống khác nhau: 2 chiếc răng cửa tự nhiên bị lỏng lẻo và rớt ra, bị đấm gãy 2 chiếc răng cửa, và đôi khi là đi luôn nguyên hàm răng,… Nỗi sợ thông qua cảm giác bị tự ti, bị mọi người bàn tán trong giấc mơ là một trải nghiệm kinh hoàng. Đối với một người vô cùng tự tin theo chủ nghĩa hoàn mỹ thì tôi nghĩ nó còn khủng khiếp hơn.
Khuyết điểm thứ hai là bắt nguồn từ những năm cấp 3, sau một lần khám bệnh về cột sống, tôi bị chuẩn đoán bị lệch cột sống(chỉ lệch ít) và được khuyên rằng nên điều chỉnh lại tư thế ngồi. Tuy chỉ là vậy, nhưng nó đã tự động trở thành một nỗi sợ vô thức của tôi cho đến tận đại học. Tuy đã sửa được đôi chút nhờ work out nhưng nỗi sợ ấy vẫn còn gây ra trở ngại cho tôi trong việc đi đứng. Tôi đi đứng bình thường nhưng lúc nào cũng để tâm về dáng đi của mình.
Thông qua giấc mơ, nó đã phóng đại lên một trình độ mới. Nỗi sợ về lệch đã bị cường điệu hóa bằng việc khi tôi đứng thẳng người, giấc mơ đã biến chân tôi một bên thấp một bên cao. Chỉ có khi tôi chùn chân xuống thì tư thế mới bình thường trở lại. Y như việc bạn đứng khuỵu gối xuống trong lúc trò chuyện. Sự phóng đại hóa ấy đôi khi làm tôi nhận ra mình đang mơ và tỉnh dậy.
Đúng thế, mỗi chúng ta có vô số nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi trong cuộc sống và đôi khi “bộ não” phóng đại nó thông qua giấc mơ. Nó không hẳn là một ác mộng. Tôi không nghĩ những lúc mơ ấy tôi bị căng thẳng hay stress. Nó diễn ra khá ngẫu nhiên và đa phần làm tôi gợi nhớ đến khuyết điểm bản thân.
Tuy tôi có thể đánh lừa bản thân về việc nhủ rằng nó sẽ ổn, tôi không hề trốn tránh nó, tôi chấp nhận nó. Nhưng não bộ đôi khi khá kì lạ và “đôi khi” nó muốn chúng ta phải trải nghiệm cảm giác kinh hoàng như vậy! Tôi trải nghiệm nó như 1 bài học cuộc sống. Qua giấc mơ đấy, tôi nghĩ tôi vẫn chưa tự tin vào bản thân. Và tôi cần cải thiện hơn về điều đó.
Đối với tôi, lời nói của con người, lời khuyên nó là điều tốt để chúng ta cải thiện bản thân. Nhưng đồng thời, hiếm khi nó lại là một trong những nguyên do khiến chúng ta mặc cảm trong vô thức.
Cũng vì thế đôi khi tôi nghĩ chúng ta ẩn giấu danh tính trên mạng xã hội tốt hơn bởi lẽ chúng ta không lường trước được những lời nói trên mạng sẽ ảnh hưởng đến tâm lí chúng ta thế nào. Chúng ta phải chấp nhận những lời khen và những lời chê bai như một phần của xã hội. Sẽ không ai luôn nhận những lời tán dương mà không kèm theo những lời khiển trách. Trừ khi bạn là một vị thánh hoàn mỹ.
#bleachuck