Đây là một trong số những đoạn hay nhất từ cuốn sách của Carl Jung mang tên Man and His Symbol, được viết ngay trước khi ông mất, và đó cũng là một lời giới thiệu từ tác phẩm của ông tới công chúng.
“Con người đã phát triển nhận thức một cách chậm rãi và cực nhọc, trong một quá trình mà mất vô số thời đại để đạt tới một nền văn minh (xuất hiện tại một thời điểm nào đó kể từ ngày phát minh ra chữ viết vào khoảng 4000 năm trước Công Nguyên). Và công cuộc tiến hóa này vẫn không ngừng, khi mà phần lớn tâm trí con người vẫn chưa được khám phá ra. Thứ chúng ta gọi là “tâm thức” (Psyche) không giống với hữu thức của chúng ta và những nội dung mà nó chứa đựng. Bất kỳ ai phủ nhận sự tồn tại của vô thức trên thực tế họ đang cho rằng những kiến thức hiện diện được ở tâm thức chính là toàn bộ những gì mình biết được. Và niềm tin này rõ ràng sai giống như việc nhận định rằng chúng ta biết tất cả những gì mình biết được từ cái vũ trụ quan sát được này. Tâm thức của chúng ta là một phần của tự nhiên, và bí ẩn của nó là một điều vô tận. Thêm nữa ta không thể định nghĩa được tâm thức hay tự nhiên. Chúng ta chỉ có thể nêu ra những gì mình cho là bản chất của nó và miêu tả, một cách tốt nhất, cách nó hoạt động.” (Carl Jung)
Nhận thức chính là cách hiểu biết tự nhiên xuất hiện gần đây, và nó vẫn trong trạng thái “thử nghiệm”. Nó mỏng manh yếu đuối, dễ bị đe dọa bởi những mối nguy hiểm đặc thù, và dễ bị tổn thưởng. (Carl Jung)
Để có một tinh thần ổn định và khỏe mạnh về mặt thể lý, thì vô thức và hữu thức phải được liên hợp không thể tách rời và thêm nữa là song hành cùng nhau. Nếu cả hai bị tách ra hoặc “bị phân ly,” thì sẽ xảy ra rối loạn về mặt tâm lý. Về vấn đề này, những biểu tượng (Symbol) của giấc mơ chính là người truyền tin quan trọng từ phần bản năng tới phần lý trí của con người, và sự diễn giải của nó giúp cho một nhận thức nghèo nàn trở nên phong phú hơn mà nhờ đó nó học được ngôn ngữ bị lãng quên đến từ bản năng. (Carl Jung)
Một người thường nghĩ rằng anh chính là chủ nhân của tâm hồn mình. Nhưng nếu anh không kiểm soát được tâm trạng và cảm xúc của mình, hay nhận thức được những cách thức bí mật do các yếu tố vô thức làm ra để ảnh hưởng tới kế hoạch hay quyết định của mình, thì chắc chắn rằng anh không phải là chủ nhân của nó… Con người hiện đại thường bảo vệ chính mình khỏi phần bị chia cắt bằng những ngăn chứa. Những khía cạnh bên ngoài cuộc sống và hành vi của anh được giữ, nói theo nghĩa đen, trong các ngăn chứa riêng biệt và không bao giờ được tiếp xúc với ngăn còn lại. (Carl Jung)
Dù vô thức là gì cái gì đi nữa, nó là một hiện tượng tự nhiên sản sinh ra những biểu tượng có ý nghĩa. Chúng ta không thể mong đợi một ai đó chưa bao giờ nhìn vào kính hiển vi mà trở thành một chuyên gia về vi trùng học; cũng như vậy, không có ai nghiên cứu một cách nghiêm túc về những biểu tượng tự nhiên này để được xem như là một chuyên gia sành sỏi về vấn đề này. Nhưng về mặt bằng chung thì sự hạ thấp tâm hồn của con người lớn đến nỗi mà cả các tôn giáo lớn hay là triết học hay là chủ nghĩa khoa học duy lý (Scientific Rationalism) không muốn tìm hiểu lại nó lần nữa. (Carl Jung)
Và, nói thêm nữa, thật sự rõ ràng là ngu xuẩn khi dựa vào những chỉ dẫn có sẵn để giải mã giấc mơ, cứ như thể một người có thể đơn thuần là mua cuốn sách tham khảo và tìm kiếm một biểu tượng đặc thù. Không có biểu tượng giấc mơ nào có thể tách rời khỏi một cá nhân, người đang mơ về nó, và cũng không có một cách giải mã rõ ràng hay đơn giản cho bất kỳ giấc mơ nào. Mỗi cá nhân đa dạng rất nhiều về cách mà vô thức của anh bổ sung hay bù đắp cho hữu thức của mình đến nỗi việc phân loại ra những giấc mơ và biểu tượng của nó là một điều không thể. (Carl Jung)
Cũng như cơ thể là nơi chứa đựng toàn bộ cơ quan nội tạng, mỗi cái với một lịch sử tiến hóa lâu dài đằng sau đó, vậy chúng ta cũng nên nhìn nhận tâm trí của mình được sắp xếp theo cách này. Nó không thể là một sản phẩm nếu như thiếu đi lịch sử mà đúng hơn là nó phải ở bên trong cơ thể mà nó đang tồn tại. Với từ “lịch sử” tôi không có ý nói rằng tâm trí tự xây dựng nên chính nó bằng cách tìm hiểu kỹ càng về quá khứ thông qua ngôn ngữ và những truyền thống của các nền văn hóa khác nhau. Tôi đang muốn nhắc đến yếu tố sinh học, từ thời tiền sử, và sự phát triển của vô thức trong của tâm trí một người cổ xưa, người mà tâm thức gần giống với động vật. (Carl Jung)
Chúng ta nên hiểu rằng những biểu tượng trong giấc mơ là cách biểu lộ nhiều nhất của tâm thức, thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức. Ý nghĩa và mục đích không phải là một đặc quyền riêng của tâm trí; mà nó có ở tất cả dạng sống trong tự nhiên. Không có nguyên lý khác biệt nào giữa việc phát triển về mặt hữu cơ và tinh thần. Như khi một cái cây ra hoa, thì tâm thức tạo ra biểu tượng của nó. Mỗi giấc mơ chính là bằng chứng cho quá trình này. (Carl Jung)
Nếu, trong một khoảnh khắc, ta coi nhân loại như là một cá nhân duy nhất, thì chúng ta có thể thấy con người giống như một kẻ bị sức mạnh vô thức dẫn dắt; và con người cũng thích giấu một số vấn đề nhất định trong những ngăn kéo riêng. Nhưng đó chính là lý do vì sao chúng ta nên suy ngẫm rất nhiều với những gì mình đang làm, bởi nhân loại bây giờ đang bị đe dọa bởi những thứ bản thân mình tạo ra và những mối nguy hiểm chết người đang phát triển vượt tầm kiểm soát của ta. (Carl Jung)
Những thông điệp đến từ vô thức có tầm quan trọng rất lớn so với những gì hầu hết mọi người nghĩ. Trong cuộc sống có nhận thức của mình, ta luôn tiếp xúc tất cả những thứ ảnh hưởng tới mình. Những người khác giúp ta có niềm cảm hứng hoặc làm ta buồn rầu, những sự kiện ở văn phòng hay trong những mối quan hệ xã hội làm ta phân tâm. Những thứ đó lôi kéo ta vào con đường không phù hợp với bản sắc cá nhân của mình. Dù ta có hay không nhận thức được sự ảnh hưởng của nó tới ý thức của ta, thì nó vẫn bị quấy rầy và tiếp xúc những thứ đó mà không có một cách bảo vệ nào. Điều này cực kỳ đúng trong trường hợp của một người có tính cách hướng ngoại dành hết sự chú tâm của mình tới những vật thể bên ngoài, hay người nuôi dưỡng cảm giác tự ti và nghi ngờ sâu bên trong nhân cách của mình. Hữu thức càng bị ảnh hưởng bởi những lời định kiến, sai lầm, ảo tưởng, và những điều ước trẻ con, thì cái lỗ hổng thiếu sót đang tồn tại sẽ mở rộng ra thành căn bệnh rối loạn phân ly và dẫn tới một cuộc sống giả tạo không ít thì nhiều rời xa khỏi những bản năng lành mạnh, tự nhiên, và sự thật. (Carl Jung)
Tôi đã dành ra hơn nửa thế kỷ nghiên cứu những biểu tượng tự nhiên, và tôi đã kết luận rằng những giấc mơ và biểu tượng của nó không phải là thứ ngu xuẩn và vô nghĩa. Ngược lại, giấc mơ mang đến thông tin thú vị nhất cho những con người đang gặp khó khăn trong việc hiểu rõ các biểu tượng của nó. Kết quả, sự thực là, không liên quan nhiều lắm tới những mối quan tâm ở trần thế như là việc mua và bán gì đó. Ý nghĩa của cuộc đời không phải là thứ được giải thích kỹ càng bởi một doanh nhân, cũng như điều mong muốn sâu thẳm bên trong chúng ta không thể dùng một tài khoản ngân hàng như một câu trả lời được. Trong thời kỳ lịch sử của con người khi tất cả nguồn năng lượng sẵn có được dùng cho việc khám phá tự nhiên, có rất ít sự quan tâm dành cho điều cốt lõi của con người, còn gọi là tâm thức của anh, mặc dù có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu chức năng về mặt ý thức của nó. Nhưng cái phần phức tạp và xa lạ của trí óc này, nơi mà những biểu tượng được tạo ra, vẫn chưa được khám phá. Và cũng gần như thật sự khó tin rằng dù chúng ta nhận được những tín hiệu từ nó hằng đêm, để giải mã được sự giao tiếp này có vẻ chán chường đối với bất kỳ ai nhưng có thể một vài người sẽ bận tâm đến nó. Công cụ vĩ đại nhất của con người, tâm thức của anh, ít được biết đến, và nó thường bị hiểu sai và bị khinh thường. “Nó chỉ là tâm lý thôi mà” thường có ý nghĩa rằng: Nó chẳng là cái thá gì. (Carl Jung)
Tôi đã nhiều lần được những con người có học thức và thông minh đến để xin lời khuyên, những người có giấc mơ dị thường, quái dị, và kể cả là bóng ma, thứ khiến cho họ bị sốc nặng nề. Họ không nghĩ rằng một người có trí óc khỏe mạnh lại có thể chứa đựng những điều như này, và rằng những ai thực sự thấy một bóng ma thì chắc chắn là họ bị rối loạn bệnh lý… Chúng ta quá quen với bản chất rõ ràng và hợp lý của thế giới nên chúng ta hiếm khi hình dung bất kỳ điều gì xảy đến mà không thể giải thích bằng giác quan thông thường. Một con người từ thời nguyên thủy khi đối diện một cú sốc như này thì anh ta sẽ không nghi ngờ về sự tỉnh táo của mình; anh có lẽ sẽ nghĩ về những điều mê tín, tinh linh, hay các vị thần. (Carl Jung)
Có lẽ sẽ dễ dàng để hiểu ý tưởng này nếu ta nhận ra sự thật rằng việc ta đang đối diện với một cuộc sống có sự kỷ luật không đồng có nghĩa là nó chính xác như ta nghĩ. Ngược lại, ý nghĩa của nó (và những tác động về mặt cảm xúc tới chúng ta) trở nên mơ hồ khi ta nghiên cứu sâu hơn về nó. Lý do cho việc này là bất kỳ những gì ta nghe được hay trải nghiệm đều có thể thành một dạng thông tin ngầm – để nói thì, có thể đi vào trong vô thức. Và kể cả những thông tin vẫn còn ở trong ý thức và có thể tạo ra bằng ý muốn cũng đã có vô thức để làm nền giúp tô điểm cho những thông tin đó mỗi lần nó được gợi lại. Những ấn tượng của ý thức ta, trên thực tế, nhanh chóng nắm bắt được một yếu tố vô thức có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, dù ta không nhận thức rõ ràng được sự lý do cái thông tin ngầm này tồn tại theo cách vừa mở rộng vừa gây lú lẫn tới ý nghĩa thông thường. (Carl Jung)
Chức năng tổng quan của giấc mơ là cố gắng khôi phục lại trạng thái cân bằng về mặt tâm lý bằng cách tạo ra những giấc mơ quan trọng được chỉnh sửa lại, một cách tinh tế, đảm bảo sự cân bằng về mặt tinh thần. Đây là thứ tôi gọi là vai trò bổ sung (hay bù đắp) của giấc mơ đối với tinh thần của chúng ta. Nó giải thích tại sao con người có những ý tưởng viển vông hay là đề cao bản thân quá mức, có giấc mơ khi mình được bay lên hay rơi xuống dưới. Giấc mơ là thứ bù đắp cho sự thiếu sót của nhân cách con người, và cùng lúc nó cảnh báo họ về những mối nguy hiểm hiện tại. Nếu những lời cảnh báo về giấc mơ bị ngó lơ, thì những biến cố ngoài đời thực có thể sẽ xảy ra. (Carl Jung)