Văn hoá (rất ít, hoặc gần như) không nằm trong vật phẩm, nó nằm trong cách thức mà từng và mọi người ứng xử giao tiếp với nhau trong cuộc sống mỗi ngày – xung quanh đứa trẻ. Đứa trẻ học văn hoá từ mọi nguồn, tivi, hàng xóm, người lạ và nhiều nhất là từ gia đình.
Nói về vật phẩm cho trẻ ta có thể nói về sách và đồ chơi. Đồ chơi cho trẻ nên là vật liệu nguồn gốc tự nhiên và càng mang tính nghệ thuật sẽ càng tốt, thay vì đồ chơi nhựa công nghiệp độc hại như hiện tại.
Sách cho trẻ càng nên giống đồ chơi, trò chơi sẽ càng gây hứng thú. Sẽ giúp gầy dựng tình yêu đọc sách từ buổi ban đầu.
Dạy trẻ không cần dạy văn hoá, nhưng hãy dạy văn minh. Văn hoá trẻ học bị động nhưng văn minh là thứ cần chủ động. Càng sớm học văn minh sẽ càng là người văn hoá.
Văn minh như là giữ vệ sinh chung, không bày bừa, xả rác, để ý giúp đỡ người khác… đặc biệt nên dạy trẻ về văn minh tiếng ồn – là thứ mà tôi chưa thấy một cha mẹ nào lưu tâm cả.
Việc cho trẻ xem tivi bắt cả nhà nghe cùng, xem video trên youtube laptop ở nơi công cộng khiến tất cả mọi người xung quanh phải nghe theo, đối với tôi, đó là bạo hành, gần như là tra tấn. Nó không khác gì việc dạy trẻ ném rác khắp xung quanh – rác âm thanh, tiếng ồn. Rác này ác hơn rác vật lý vì khó xử lý hơn.
Cha mẹ vì quá quen với tiếng ồn nên không còn nhạy cảm với sự phiền toái của tiếng ồn, khiến bọn trẻ cũng không bận tâm chuyện chúng đang tạo tiếng ồn quấy nhiễu những người khác một cách vô ý vô tình.
Sự vô ý nhỏ này tạo ra những bước đầu của lối sống vô ý thức, việc không quan tâm không gian của người khác.
Nói về văn minh, văn hoá thì nhiều thứ bạn có thể dạy trẻ nhưng chung quy rốt cuộc, bạn chỉ có thể dạy bằng tấm gương của bạn, thông qua cách hành xử của bạn.
Thành thử, đứa trẻ sẽ cọp-pi gần như vẹn nguyên văn hoá – văn minh của bạn: cha mẹ nó. Làm cho bản thân mình văn minh, đứa trẻ nhất định cũng văn minh.
Hạt mầm nhỏ, đang soạn