LỜI GIỚI THIỆU
Nguyên tác có tựa đề “L’ Interpre’tation des Rêves” của tác giả Pierre Daco là một chuyên gia về Phân tâm học nổi tiếng của thế giới, người tiếp thu và vận dụng những lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, Carl Gustav Jung, Alfred Adler … vào việc kiến giải một cách sâu sắc những hiện tượng tâm lý và ứng dụng một cách hiệu quả các phương pháp tâm trị liệu.
Đây là một tác phẩm rất hữu ích trong việc tìm hiểu và giáo dục trẻ thơ cũng như soi sáng và trị liệu những bất ổn tinh thần nơi người lớn, đồng thời góp phần khơi nguồn mạch cho cảm hứng sáng tạo và phê bình….
Xin mạn phép trích dẫn một phần tác phẩm trên nhằm phục vụ cho nhu cầu chính đáng “hiểu mình, hiểu người” gửi đến các anh chị em bạn bè và tất cả cư dân mạng đọc qua blog của tôi.
Trân trọng giới thiệu và chân thành cảm tạ những đóng góp ý kiến lạm bàn.
ANIMA – ANIMUS
Hai từ này, với vẻ bí hiểm của những thuật ngữ tâm lý chuyên sâu, cần được định nghĩa cho rõ, một điều không dễ dàng chút nào. Đại khái chúng ta hãy tạm nói rằng Anima thuộc về đàn ông và Animus thuộc về đàn bà.
Phần I: ANIMA
NỘI LỰC SÁNG TẠO NƠI ĐÀN ÔNG
Anima là gì?
Xét theo từ nguyên nghĩa và theo nghĩa đen, Anima có thể được hiểu là “tâm hồn”. Hiểu như thế vừa quá đơn giản, vừa quá mơ hồ. Trong tâm lý học cổ điển, Anima được định nghĩa như là “nữ tính” nơi đàn ông, hay như “người đàn bà nơi người đàn ông”. Đó là một định nghĩa nghe ra có phần “ấm ớ”, “nhập nhằng” mà nhiều vị đàn ông, một cách tiên quyết, hẳn là không chịu bởi vì định nghĩa đó toát ra cái mùi “phụ nữ hóa”, điều mà đa số các đấng mày râu không mấy ai ưa. Và tuy thế sẽ là một sai lầm lớn nếu ta bác khước khái niệm Anima trên cơ sở của một ngộ nhận; chúng ta sẽ thấy lý do tại sao. Có lẽ tốt hơn nên nói rằng Anima là “cực âm” nơi người đàn ông, hay ta mượn lời Kinh Dịch để gọi đó là phần “thiếu âm” trong “thái dương” vậy.
Điều đó không hề có ẩn ý ám chỉ một sự yếu đuối nào, trái lại là khác!
Cực âm? Một so sánh có thể được thực hiện với một máy hơi nước. Cực âm, đó là cái nồi “sốt de” và hơi nước được nén trong đó. Cực dương, đó là cái “tuốc bin”. Hẳn ta biết là, nếu không có công suất của sốt de và động lực của hơi nước, thì tuốc bin cũng chẳng làm được gì, cũng như một trung tâm thủy điện mà không có hồ nước đổ vào.
Cũng thế, nếu không có một “hoạt lực nội tại” ổn định, không có tiềm thế được khai thác từ nội lực sáng tạo đó thì trí tuệ, lý trí, kiến thức của con người chỉ là một trái cây khô, chẳng còn dưỡng chất tươi mát ngọt ngào.
Anima là gì? Đó là tiềm lực, là nội lực sáng tạo. Hiện diện trong ta ngay từ thuở ấu thơ, tất cả tùy thuộc vào nó trở nên cái gì trong suốt hành trình trưởng thành. Anima tập họp tất cả các hệ thống cảm giác. Đó là đài rađa của con người. Chính qua hoạt lực nội tại đó mà một người cảm nhận đời sống, một cách tích cực hay tiêu cực (dầu rằng thường khi một cách vô thức).
Nhưng còn hơn thế. Chính qua nội tại sáng tạo đó mà một người tự xây dựng hay tự phá hủy. Mặc dầu chín trên mười lần, người ấy không biết gì về điều đó. Hay đúng hơn, người ấy không biết được lý do.
Chúng ta khảo sát người Anima theo 2 chiều hướng: tích cực và tiêu cực:
1. Người với hoạt lực nội tại tiêu cực: Hãy lấy lại sự so sánh với cỗ máy hơi nước. Hãy tưởng tượng là cái nồi sốt de bị thủng.
Hoặc là áp lực của hơi nước bị sụt giảm, bất túc. Hoặc là áp lực đó lại trồi sụt thất thường. Hoặc là dây “cu roa” bị trượt không.
Chúng ta sẽ thấy rằng tuốc bin quay “cà giựt”, “nhảy cóc”, ngừng rồi lại quay. Ta gọi nó là “quay trượt không”, quay kiểu “đồng bóng” tám nóng mười hai lạnh!
Chúng ta sẽ thấy lý do tại sao? Quan sát kỹ người đó, chúng ta nhận ra rằng sự đồng đẳng tính khí nơi anh ta đã bị bỏ quên từ lâu. Cái nồi sốt de ở bên trong anh ta ở trong tình trạng lộn xộn. Anh ta cũng đồng bóng, giống như một đứa bé hay giận nẫy. Tất cả cái đó đôi khi được bọc ngoài bằng một thái độ cứng rắn với cái vẻ rất “siêu đàn ông”, nó đánh lừa anh ta và đánh lừa người khác. Anh ta dễ nổi đóa, bạo tàn, ưa trả thù… nhưng lại dể dàng tuôn trào nước mắt vì những chuyện không đâu. Anh ta cố tình độc đoán với vợ con. Rồi thoắt cái anh ta trở lại thái độ dịu dàng đáng ngờ. Anh ta nghi ngờ mọi người, mọi chuyện. Đó thường là một tay áp phe tài ba do khuynh hướng muốn “lăn tròn” người khác, cái khuynh hướng đó chỉ là sự phóng chiếu của chính nỗi sợ bị người khác lăn tròn, nơi anh ta. Anh ta bị “nữ hóa” trong nghĩa xấu của từ này, dưới những phương diện nam tính giả tạo. Anh ta thường thuộc típ vĩ cuồng (hay cuồng đại, paranoiaque). Anh ta là kẻ thù có tuyên thệ đối với đàn bà bởi vì anh ta sợ họ; nhưng anh ta dụ dỗ mê hoặc họ bởi những trò tán hót, nịnh đầm.
Nói tóm lại; cái nồi sốt de của anh ta bị “panne”. Con người đó đã đánh mất sự giao tiếp đích thực với những mãnh lực của tình yêu và cuộc sống.
2. Khi hoạt lực nội tại đi lên theo hướng tích cực:
Tôi biết rằng ở một nơi nào đó trên cõi đời này, mối tình lớn của tôi vẫn còn đợi đấy…. một người nào đó đã từng nói với tôi như thế. Thật ra, hẳn mọi người đều có thể nói điều ấy bởi vì ai mà chẳng cảm nhận điều ấy – mãnh liệt hoặc mơ hồ – nơi đáy sâu của lòng hoài hương tưởng vọng?
Khi hoạt lực nội tại hướng thượng, “tình yêu lớn” cũng hình thành như một hành tinh với một vệ tinh vờn quanh đeo đẳng theo một quỹ đạo hình ellipe… Và đâu là biên giới giữa cái thực và cái phi thực? Nếu có sự phóng chiếu (proiection) thì khi nào sự phóng chiếu đó đáp ứng (hay không) với một thực tại? Vào lúc nào mà một người đàn bà nào đó lại giống với Anima của người đàn ông đến độ đồng hóa với nó? Nếu một người đàn ông “kết hôn” với sự phóng chiếu của Anima nơi chính mình, điều gì sẽ sảy ra? Bởi vì, nếu có những kết hợp tuyệt diệu Đàn ông + Đàn bà + Anima thì không thiếu những kết hợp gây tai ương thảm khốc. Vậy chúng ta hãy thử đem lại một chút trật tự nơi những phức hợp rối rắm này.
Dầu gì đi nữa thì Anima cũng lý tưởng hóa người đàn bà mà nó được phóng chiếu vào.
Đấy là điểm trước tiên. Nếu người đàn bà này “kết dính” được vào lý tưởng đó, nàng sẽ thực sự trở thành người trong mộng mà chàng đã chờ đợi từ bấy lâu nay, nàng thực sự là người mà chàng biết là vẫn hiện hữu ở đâu đó trên cõi đời này. Nhưng điều đó cũng hiếm hoi như tuyết rơi giữa những ngày mùa hạ.
Nếu người đàn bà không tương ứng với sự phóng chiếu, thì sự sụp đổ nhanh chóng của “mối tình lớn” sẽ sảy ra, kéo theo những khủng hoảng nội tâm không tránh khỏi. Nhưng dầu gì đi nữa thì sự đi lên của hoạt lực nội tại cũng đem lại cho người đàn ông một lăng kính về sự vật và về cuộc đời hoàn toàn khác với lăng kính mà anh ta biết trước đó. Anh ta trở thành một đài ra đa tinh nhạy, nắm bắt chính xác đường đi của vô số cơ hội. Anh ta thủ đắc một cảm quan toàn cảnh; năng lực tinh thần anh ta đang tăng tiến theo những tỷ lệ đáng kể và có thể đạt được những thành tựu mỹ mãn.
Phần II: ANIMUS
LỰC HƯỚNG NGOẠI SÁNG TẠO NƠI ĐÀN BÀ
Animus là cực dương nơi người đàn bà. Đó là phần hướng ngoại, sáng tạo và được cơ cấu về phương diện xã hội; đó là cực của lý trí và của tư tưởng, là chiều kích của tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào tính xác thực của lực hướng ngoại sáng tạo đó. Animus được hình thành như thế nào? Sự hình thành Animus tùy thuộc vào người cha, hay ít ra là vào cảm thức mà đứa bé gái nhận thấy đối với người cha của mình.
Đối với một thiếu nữ, người cha là một biểu tượng lớn đầu tiên về người đàn ông trên đường đời của cô. Đó là một biểu tượng trước khi trở thành một nhân vật bằng xương bằng thịt. Biểu tượng của uy lực, của tính bất khả ngộ (infaillibilite’), của tri thức, của tương lai, biểu tượng của con người xã hội và của nghệ thuật khẳng định mình. Như vậy: cuộc sống hướng ngoại của người con gái tùy thuộc vào phẩm chất của người cha hay vào cách mà cô ta cảm nhận và nhất là vào sự thấu hiểu đối với cha mình. Nếu cô gái để lỡ chuyến tàu, thì lực hướng ngoại sáng tạo nơi cô sẽ kết tinh lại, sẽ chỉ là một tiềm năng thuần túy, quay tròn tại chỗ và không thể được khai thác, phát huy.
1. Ngườii đàn bà với Animus tiêu cực:
Người đàn bà đó thường biểu thị 2 phương diện khả hữu, gồm :
Một người đàn ông lộn trái: Mọi việc diễn ra như thể nữ tính đã biến mất. Cảm tính và trực quan hình như biến mất.
Sự nồng ấm của tâm hồn phụ nữ cũng nguội lạnh đi. nơi người đàn bà với Animus tiêu cực , một con quỷ độc đoán, gần như bạo dâm, ngự trị. Người đàn bà này có bề ngoài lạnh lùng, hay khiêu chiến, cứng đầu, bướng bỉnh, nhẫn tâm, ưa lý sự cùn, vọng động khiến ai cũng phát mệt. Như thế bà ta có thể trở nên một kẻ dẫn dắt các cuộc tranh luận tài ba theo kiểu giảo hoạt, quỷ quyệt, biết cách vô hiệu hóa mọi lập luận tinh vi.
Điều quan trọng cần phải biết là, đối với típ đàn bà này, kích thước “tương lai” không hiện hữu. Mặc dù bề ngoài bà ta rất năng động, luôn đưa ra những yêu sách.
Chúng ta nên nhớ rằng nếu lực hướng ngoại sáng tạo được hình thành bởi người cha, nó vẫn hàm chứa một chiều kích xã hội và do đó, những ý tưởng xã hội. Những ý tưởng đó phải hướng về tương lai, tất nhiên là thế. Vậy mà, khi mang một Animus tiêu cực, người đàn bà chỉ đưa ra những ý kiến ngưng trệ, bị giam hãm trong hiện tại, không có lối mở về tương lai.
Lúc đó bà ta đưa ra những ý kiến đã đọc được hay nghe được ở đâu đó và trên thực tế, thường là những ý kiến của đàn ông. Vậy mà bà ta vẫn coi chúng như là những nhận định cá nhân của mình và bất chấp mọi mâu thuẫn.
– Tính sáng tạo mới manh nha: Nơi người đàn bà này, nữ tính vẩn còn khá rõ, với những phẩm chất của nó. Nhưng tính sáng tạo vẫn còn vô lực, phôi thai, mới manh nha. Người đàn bà này “trì trệ”. Cô ta “lang thang” trong đời sống.
Để lấy lại sự so sánh với cổ máy hơi nước: cái nồi sốt de tương đối tốt, hơi nén được nén đủ áp lực, nhưng dây cu roa truyền lực đến tuốc bin lại bị chùng. Chín trên mười trường hợp, người đàn bà này “thoát ra” từ một bà mẹ khó khăn và một ông bố hờ hững, có mà như không.
2. Người đàn bà với Animus tích cực:
Đó là người đàn bà tự trị, sáng tạo, năng động nhưng không vọng động, có khả năng lý luận một cách độc lập. Nồi sốt de, áp lực hơi nước, dây truyền lực và tuốc bin, tất cả đều trong tình trạng ngon lành! Họ dấn thân vào xã hội một cách vững chắc mà không có những yêu sách gây hấn. Đó là người đàn bà có trí tuệ cao, tinh nhạy với những tư tưởng lớn (chẳng hạn như Simone Veil, Simone de Beauvoir, những nhà văn và triết gia nữ danh tiếng của Pháp). Lực hướng ngoại nơi họ không còn là bản sao của người đàn ông mà là một loại tư duy sáng tạo có bản sắc riêng với những nét độc đáo của nữ tính. CHA và CON GÁI, CON TRAI chuyện XU HƯỚNG TÍNH DỤC và HÌNH MẪU BẠN ĐỜI
Em gái của tôi vừa kết hôn. Những lần gọi điện về hỏi thăm gia đình, mẹ hay kể rằng em rể tôi hiền thế nào, chăm con, chăm vợ và yêu cây yêu hoa level max. Có lần tôi bảo “em nó chọn người giống bố thế còn gì”. Hai mẹ con cười ha hả trong điện thoại. Có bao giờ bạn để ý rằng: người bạn đời ta chọn yêu luôn có một (hay nhiều điểm nào đó) rất giống người cha của mình? Đó có thể là các điểm tốt như người đó rất điềm tĩnh, người đó nắm giữ tài chính gia đình rất tốt, người í thích tháo lắp đồ đạc, người í không thích dông dài… nhưng đó cũng có thể là các điểm không tốt như nghiện rượu, thô lỗ, bạo hành, thậm chí ngoại tình. Hẳn bạn từng gặp không ít người phụ nữ ngày trước tuyên bố xanh rờn “Không bao giờ lấy người như ba làm chồng”, và rồi kết cục cưới một ông y chang về làm của nợ nghìn năm. Đáng tiếc là các điểm giống “không tốt” thường sau một thời gian ở bên nhau nó mới bộc lộ ra (còn lúc đầu, nếu bạn vẫn còn nhớ chút gì về tình yêu hóa chất, thì dopamine đã làm mờ tất cả).
Một trong nhiều yếu tố góp phần khiến việc này xảy ra là do hình mẫu về người đàn ông đã được hình thành trong tiềm thức của bạn từ hồi còn bé xíu. Nhà tâm lý học Carl Jung gọi đây là ANIMUS (tạm dịch: Cổ Mẫu Nam – hình mẫu cổ xưa về người đàn ông). Hiểu một cách đơn giản là thế này: khi sinh ra, trẻ em chưa có trong mình khái niệm về “người nam”, “người chồng”, “người đàn ông”, và trong quá trình tiếp xúc với người đàn ông đầu tiên trong đời (thường là người cha), khái niệm đó mới dần dần hình thành. Vì thế, nếu người cha đầu đời của trẻ LÀM RA NHIỀU TIỀN, THƯỜNG XUYÊN VẮNG NHÀ, ĂN NÓI LỚN TIẾNG, thì trong tiềm thức của đứa trẻ đó khi lớn lên, “làm ra nhiều tiền, thường xuyên vắng nhà, ăn nói lớn tiếng” mới là một chuẩn mực của đàn ông.
Nếu là con gái, nó sẽ có xu hướng yêu một người có hơi hướm giống như vậy; nếu là con trai, nó sẽ có một số đặc điểm nào đó của cha mình. Vai trò của ANIMUS (Cổ Mẫu Nam) trong việc phát triển xu hướng tính dục và lựa chọn bạn đời của trẻ là cực kỳ quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà các cô gái cực kỳ nữ tính thường có một người cha rất yêu thương, chiều chuộng. Chính tình yêu, cái nhìn ngưỡng mộ và sự công nhận của người cha dành cho đứa con gái đang tuổi dậy thì sẽ giúp con xác định được mình là phụ nữ, đứa con sẽ yêu thương và chăm sóc bản thể nữ, nhờ sự ủng hộ của người đàn ông đầu tiên trong đời. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những chàng trai tháo vát chăm sóc gia đình thường có một người cha cũng chú tâm chăm sóc gia đình. Nếu như người con gái nhờ cha mà trở thành phụ nữ, thì người con trai cũng học từ cha mà trở thành đàn ông.
Vì thế, sự tình có thể trở nên phức tạp. Những người con gái lớn lên thiếu vắng tình thương của người cha thường tìm sự bù đắp trong các mối quan hệ khác và trở nên rất lụy tình, sợ bị bỏ rơi. Khi tình yêu tan vỡ, họ quỵ lụy níu kéo bằng mọi cách để lấp đầy khoảng trống trong trái tim. Khi biết người mình yêu không tốt, họ vẫn không đủ can đảm để bước đi vì sợ mình không được yêu thương (một lần nữa). Đôi khi, quá thất vọng vì Cổ Mẫu Nam, các cô gái trong vô thức sẽ quyết định mình sẽ trở thành chính hình mẫu nam và trở nên có tính cách rất mạnh mẽ. Trong một số trường hợp, họ chọn phụ nữ làm bạn đời.
Đối với nam giới, mối quan hệ với cha vừa là sự tương hỗ vừa là sự canh tranh giữa những “con đực” trong đàn. Ở một số gia đình, chúng ta có thể thấy dù người cha rất yêu thương con, nhưng việc hòa hợp giữa hai người đàn ông này gần như là không thể. Người con trai có thể rất ngưỡng mộ cha nhưng cũng muốn bứt phá làm một bản thể riêng của chính mình. Trong trường hợp người cha không tốt, mối quan hệ càng trở nên thê lương và khó hàn gắn. Nghiệt ngã thay, cũng có khá nhiều người mạnh miệng tuyên bố “Tôi không bao giờ đi vào vết xe đổ của cha mình”, nhưng rồi sau đó không tránh khỏi những lề thói y chang: nghiện một cái gì đó, hoặc ngoại tình; hoặc may mắn hơn, họ đam mê trồng trọt chẳng hạn, hoặc rất chung tình . Trong một số trường hợp, những người đàn ông có một người cha rất tệ, tiềm thức của họ cũng có xu hướng tìm kiếm sự bù đắp từ những người đàn ông khác.
Điều này không có nghĩa rằng những gì đã được đúc khuôn trong quá khứ thì vĩnh viễn không thể thay đổi. ANIMUS (cổ mẫu nam) biến đổi theo thời gian, nhưng nó cần rất nhiều thời gian để thay đổi (vì nó đã tốn rất nhiều thời gian để hình thành mà). Thường thì đến độ tuổi trung niên, nhiều đứa con gái, con trai, bắt đầu có thể hàn gắn lại những xa cách, rạn nứt với người cha của mình sau một quãng đời dài tự tìm kiếm và hoàn thiện ANIMUS.
Sau một quãng đời dài, con người dần nhận ra người cha cũng chỉ là một người bình thường với nhiều bất toàn, người đó đã yêu mình bằng tất cả khả năng (dù có thể với mình là không đủ), và người đó không phải là tất cả thế giới. Sau một quãng đời dài, con người dần nhận ra những gì quá khứ đã định hình, hiện tại và tương lai vẫn có thể đổi thay.
Ta nhận ra mình hoàn toàn có thể chọn sống hạnh phúc dù quá khứ có là gì đi nữa. Vì mỗi người đều có một tiến trình riêng của mình – ngay cả người Cha.
Cre: Phong Thành – Stoicism for Redpiller