“Có một sai lầm thâm căn cố đế, và đó là ý niệm rằng con người tồn tại để trở nên hạnh phúc… Chừng nào ta còn giữ cái quan niệm sai lầm này, và thêm nữa ta lại càng trở nên chắc chắn hơn về nó thông qua những giáo lý mang tính lạc quan, thì thế giới đối với ta có vẻ đầy sự mâu thuẫn.” Arthur Schopenhauer, The World as Will and Representation
Thế giới hiện nay bị ám ảnh bởi quan niệm về hạnh phúc. Có vẻ như hạnh phúc vừa là tiêu chuẩn vừa là mục đích của một cuộc sống tốt đẹp, và như Sigmund Freud ghi chú, hầu hết những gì ta làm đều được thúc đẩy bởi mong muốn trở nên hạnh phúc.
“…thứ hành vi nào mà con người bộc lộ ra được xem như là mục đích và mục tiêu họ hướng đến trong cuộc đời, họ yêu cầu và mong muốn đạt được điều gì ở cuộc đời này. Câu trả lời có lẽ quá rõ ràng: Họ đang tìm kiếm hạnh phúc, họ muốn trở nên hạnh phúc và mãi như vậy.” Sigmund Freud, Civilization and Its Discontents.
Nhưng việc đâm đầu vào tìm kiếm hạnh phúc một cách bất tận có thực sự là một lối sống lành mạnh? Bởi, nếu ta không vui vẻ, thứ mà mọi người đều trải qua, ta có thể băn khoăn rằng chuyện gì đang xảy ra với mình vậy. Có phải ta đang bị chia cách khỏi thế giới này không? Có phải những chất hóa học trong bộ não của mình đang cần một loại dược phẩm nào đó để điều chỉnh hay không? Hoặc có khi nào, Schopenhauer đã đúng khi nói rằng việc nhắm đến hạnh phúc chỉ là một nỗ lực vô ích? Nếu ta chọn cuộc đời đầy viên mãn thay vì đi tìm hạnh phúc, thì có phải là ta đang dành sức lực của mình để tạo nên một cuộc đời ý nghĩa hay không? Trong video này chúng ta sẽ khám phá những câu hỏi trên.
Hạnh phúc chưa bao giờ được xem như là một mục tiêu xứng đáng để phấn đấu. Nguồn gốc của từ “hạnh phúc” (happiness), trong hầu hết ngữ hệ Ấn-Âu, có nghĩa là may mắn hoặc số phận, điều này ám chỉ rằng hạnh phúc ban đầu được xem như là một thứ gì đó được ban phát hoặc bị tước đi bởi những vị thần, hay bởi một sự tình cờ nào đó. Nó không được xem như là một thứ có thể đạt được thông qua nỗ lực của con người.
Ở phương Tây, Socrates chính là người phổ biến ý tưởng rằng hạnh phúc chính là điều cao cả nhất và do đó nên được xem như là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.
“Có sự sống nào mà không ham muốn hạnh phúc cơ chứ ? Kể từ khi tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc, vậy thì làm cách nào để đạt được nó? – đó chính là câu hỏi tiếp theo.”
Platp, Euthydemus
Nhận định của Socrates về việc nhắm đến hạnh phúc đã được chấp nhận rộng rãi bởi những triết gia xuất hiện sau ông ở thời Hy Lạp cổ đại. Những triết gia thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ 17 và 18 với các ý tưởng giúp đặt nền móng cho nền văn minh hiện đại, cũng xem quan điểm của Socrates về hạnh phúc như là đích đến cuối cùng. Nhưng, trong khi người Hy Lạp cổ đại thường có xu hướng theo đuổi hạnh phúc bằng cách trau dồi phẩm hạnh (Virtue) và sở trường của bản thân, thì một số nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của thời kỳ Khai Sáng lại liên kết việc theo đuổi hạnh phúc với việc theo đuổi khoái lạc.
“Khi đó, Hạnh phúc ở mức độ trọn vẹn nhất chính là niềm Vui Sướng tột cùng mà ta có được, và Nỗi đau chính là sự chua xót cùng cực.” John Locke, An Essay Concerning Human Understanding.
Việc tối ưu hóa niềm vui và giảm thiểu nỗi đau chính là công thức mà nhiều người trong thời đại chúng ta ngày nay dùng để đạt được hạnh phúc. Nhưng sắp xếp cuộc đời theo cách này sẽ khiến cho ta rơi vào một vòng xoáy khoái lạc (Hedonic Treadmill). Chúng ta dành thời gian của mình điên cuồng chạy theo những món hàng, mục tiêu, sự kiện và những con người mà ta cho rằng có thể giúp mình có được niềm vui cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi đạt được những điều mình mong muốn, chúng ta sẽ nhanh chóng làm quen với cảm giác mới mẻ này và bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường của con người. Hay như nhà triết học Arthur Schopenhauer quan sát:
“…[tiến tới hạnh phúc] giống như một cơn thèm khát không có điểm dừng: ta có thể đạt được một vài vui thú nhất thời, một sự tiêu khiển thoáng chốc, nhưng bản chất của mọi thứ đó là chúng không bao giờ duy trì lâu dài được, và chúng ta sẽ rơi vào trạng thái đau khổ một lần nữa. Vậy nên bất hạnh, hoặc ít nhất là bất mãn, chính là trạng thái không thể tránh khỏi của con người.” Arthur Schopenhauer, The World as Will and Representation.
Trong những phút giây trầm tư, nhiều người trong số chúng ta nhận ra rằng theo đuổi hạnh phúc giống như nắm lấy cái bóng của mình vậy. Nhưng như vậy thì giải pháp thay thế là gì? Nếu ta không theo đuổi hạnh phúc, vậy ta nên theo đuổi gì? Trong phần còn lại của Video này chúng ta sẽ làm rõ lý do ta nên sống một cuộc đời có ý nghĩa, hay như Jung quan sát:
“…thiếu đi ý nghĩa trong cuộc đời chính là một cơn tuyệt vọng quy mô lớn và nó ảnh hưởng tới độ tuổi ta chưa nhận thức thấu đáo được vấn đề.” Carl Jung, Structure & Dynamics of the Psyche.
Một trong những lý do chính ta nên xem việc vun trồng ý nghĩa như là mục tiêu chủ chốt trong cuộc đời đó là vì nỗi đau là một điều không thể tránh khỏi. Trong khi hầu hết nỗi đau đớn mà ta phải chịu đựng là điều nhỏ nhặt và kiểm soát được, chúng ta thường phớt lờ sự thật rằng mình sẽ luôn có nguy cơ rơi vào những thời khắc cực kỳ gian nan – thời điểm mà ta buộc phải đương đầu với thứ mà Shakespeare gọi là “những tai ương bạo tàn do vận may mang tới”. Trong những thời khắc khủng hoảng này, chỉ có ý nghĩa – không phải hạnh phúc – mới là thứ giúp ta kiên cường chịu đựng. Nietzsche viết: “Người có một lý do để sống có thể chịu đựng bất kỳ điều gì” (Nietzsche, Twilight of the Idols), hay như Jung đã nói “…ý nghĩa khiến cho ta chịu đựng được nhiều thứ – có khi là mọi thứ.” (Carl Jung, Memories, Dreams, Reflections) Nói cách khác, ý nghĩa, chính là vật liệu thô để ta xây dựng một “thành lũy ở bên trong” bản thân, hay một pháo đài tâm lý, nhờ đó ta mới có phương hướng để di chuyển trong dòng chảy hỗn loạn của cuộc đời.
Nhưng làm thế nào để tạo nên ý nghĩa trong cuộc sống? Trong khi không có một lời chỉ dẫn đáng tin cậy nào, một số cách tiếp cận thì có vẻ phù hợp hơn nhiều so với những cách khác. Có một cách không được tin tưởng cho lắm đó là cố gắng tìm kiếm ý nghĩa thông qua việc đạt được những giá trị vật chất bên ngoài như tiền bạc, danh tiếng, địa vị, hay các mối quan hệ. Những thứ giá trị này có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của ta, nhưng nó không hứa hẹn trong việc giúp cuộc đời của mình có ý nghĩa. Nhiều người có một sự nghiệp rực rỡ, có một gia đình, khối tài sản kếch xù và địa vị xã hội, nhưng thường ở độ tuổi trung niên, họ mới nhận ra rằng dù cho mình thành công ở bên ngoài cách mấy thì bên trong họ vẫn là một sự đơn độc và thiếu vắng ý nghĩa. Hay như Jung viết:
“Một sự nghiệp, sinh con đẻ cái, tất cả đều là [ảo tưởng] khi so với một sự thật rằng cuộc sống của ta có ý nghĩa.” Carl Jung, The Symbolic Life.
Một cách thiết thực hơn để theo đuổi ý nghĩa đó là tập trung vào việc vun trồng tính cách của mình. “Lương tâm của ngươi đang nói gì? Ngươi sẽ trở thành kẻ mà ngươi hằng mong ước” (Nietzsche, The Gay Science). Hay như nhà triết học Heraclitus ở thời kỳ tiền Socrates đã nói: “Tính cách chính là số phận” (Heraclitus). Nếu ta tập trung vào việc trở thành một cá nhân được liên hợp tốt và toàn vẹn, ta sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm ý nghĩa của riêng mình vì 2 lý do sau đây. Thứ nhất, cách thức này chính là một liều thuốc giải độc cho sự trì trệ và thụ động, thứ gây nên một cuộc đời vô nghĩa. Và thứ hai, bằng cách cải thiện điểm mạnh của mình thì khả năng cao ta sẽ khám phá ra được “lý do” hay mục đích của việc tồn tại, vốn là chìa khóa cho một cuộc sống ý nghĩa của mỗi người. Để được trợ giúp trên con đường này thì ta cần phải thảo luận về vai trò của mục tiêu.
Tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu để phát triển bản thân được nhiều người biết đến. Bởi một hòn đá có thể tạo nên một tác phẩm điêu khắc thông qua tác động của cây búa và cái đục, cũng tương tự như vậy thì tiềm năng, hay sự phát triển tính cách của ta, chỉ có thể đạt được thông qua kỷ luật, chịu khổ, và nỗ lực. Nếu chỉ đơn thuần là trôi theo dòng đời thì nó sẽ tạo nên một cơ thể yếu nhược và một tâm trí ẻo lả. Vì thế, ta cần phải học bơi trong dòng chảy của đời, nỗ lực và chiến đấu vì những mục tiêu xứng đáng.
“Kẻ ngu ngốc chính là những con người…không có mục tiêu để hướng mọi sự ham muốn và, tất nhiên, mọi suy nghĩ của mình vào trong đó.” Marcus Aurelius
Trong khi hầu hết mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu, thì nhiều người lại phạm phải sai lầm khi hy sinh bản thân mình để đạt được nó. Họ tin rằng đây mới là cách đạt được mục tiêu giúp xây dựng tính cách và tạo ra ý nghĩa, nhưng trên thực tế, điều quan trọng nhất chính là cách con người đương đầu với những xung đột xảy ra triền miên. Chủ đề về tầm quan trọng của việc phấn đấu không ngừng nghỉ chính là nền tảng cho câu truyện kinh điển về Faust do Goethe viết. Đối với Goethe thì chỉ khi nào Faust cam kết việc chấp nhận những cuộc đấu tranh và xung đột vĩnh viễn thì khi đó anh mới có một sự thông hiểu bản thân.
“Chỉ những kẻ phấn đấu không ngừng nghỉ, mới là người xứng đáng để ta cứu rỗi.” Goethe, Faust
Khi ta không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu thì điều quan trọng cần nhớ trong đầu đó là mục tiêu của chúng ta chỉ có giá trị nếu như nó được dùng để phát triển tính cách của mình. Đôi khi mục tiêu sẽ không còn giúp ta tiến lên phía trước nữa, bởi nó chỉ phù hợp cho một giai đoạn phát triển nhất định, trong khi ta ngày càng trưởng thành. Ở độ tuổi 20 nhà văn Hunter Thompson đã thêm vào lời khuyên này trong một lá thư gửi tới người bạn:
“Khi bạn còn trẻ, cứ cho là bạn muốn thành một lính cứu hỏa đi. Tôi sẽ cảm thấy rất bình thường khi nói rằng bạn không còn muốn làm lính cứu hỏa nữa. Tại sao? Bởi vì góc quan của bạn đã thay đổi. Không phải ước muốn làm lính cứu hỏa là thứ thay đổi, mà chính bạn mới là người thay đổi. Khi trải nghiệm của bạn khác biệt đi và được mở mang nhiều hơn, bạn trở thành một con người khác, và do đó góc quan của bạn thay đổi… Vậy nên chúng ta không phấn đấu để trở thành một lính cứu hỏa, một nhân viên ngân hàng, cũng không phải cảnh sát hay bác sĩ. Chúng ta phấn đấu để trở thành chính mình… Rõ ràng mục tiêu chỉ là thứ phụ: điều quan trọng ở đây chính là cách ta bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu.” Hunter Thompson
Nói thêm về lời khuyên này – Trong khi ta phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt mục tiêu, cùng lúc điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với con đường phát triển tính cách liên tục này – chúng ta sẽ đặt bản thân mình trên một con đường ý nghĩa đầy tiềm năng này. Lựa chọn con đường này yêu cầu ta phải loại bỏ đi nỗi ám ảnh với hạnh phúc và niềm vui, nhưng trớ trêu thay khi ta thoát ra khỏi vòng xoáy khoái lạc này và tự đẩy mình vào những cuộc đấu tranh và xung đột cần thiết để tạo nên tính cách, thì chúng ta có khả năng đạt được trạng thái hạnh phúc ngắn ngủi thường xuyên hơn so với những người chỉ nhắm tới mỗi hạnh phúc. Hay như Hunter Thompson viết:
“…ai là mới là người hạnh phúc hơn, một người đương đầu với phong ba bão táp của cuộc đời và thực sự sống hay một người nằm yên vị trên bờ và chỉ đơn thuần là tồn tại.”
Hunter Thompson, Security