Nếu chúng ta hoàn toàn lý trí, hẳn chúng ta sẽ chỉ phản ứng với hiện tại dựa trên những gì nó thực sự mang đến: chỉ lo lắng, tức giận hay hoang mang đúng bằng với mức độ mà hoàn cảnh trước mắt đòi hỏi.
Nhưng rõ ràng là, hầu hết chúng ta không hề hoàn toàn “lý trí”, như cách ta thường phản ứng một cách thái quá trước những sự việc trong hiện tại. Đôi khi, ta lo âu, giận dữ và hoảng loạn quá mức so với điều mà thực tế đang diễn ra.
Điều làm khó chúng ta là bộ não thường phản ứng theo tiền lệ chứ không phải bằng một đánh giá khách quan và bình thản về hiện tại. Cảm xúc của ta đi theo “đường mòn” đã được hình thành từ quá khứ xa xăm – nơi mà nhiều người từng là nạn nhân của những trải nghiệm tột cùng đau đớn và bất thường.
Những trải nghiệm ấy khiến ta vội vàng đưa ra những dự đoán đầy hoảng loạn và bi quan. Nói cách khác, ta rất dễ, thậm chí quá dễ, bị “kích động” – một khái niệm tuy thiếu mỹ miều nhưng lại phản ánh chính xác hiện tượng này. Những tình huống trong hiện tại thường khơi dậy trong ta những phản ứng không phù hợp, được hình thành từ một quá khứ mà chi tiết đã nhạt nhòa và ta chẳng còn nhận ra bản chất riêng biệt của nó.
Vậy nên, một lá thư điện tử hơi khó nhằn có thể ngay lập tức khiến ta nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc. Một mẩu tin tức trên báo chí có thể nhấn chìm ta trong cảm giác tội lỗi hay cơn giận vô bờ. Ý nghĩ về một buổi tiệc phải tham dự hay một bài phát biểu phải thực hiện có thể khơi dậy nỗi sợ hãi tột cùng, to lớn đến mức không thể xua tan.
Cơn “kích động” xảy ra nhanh đến mức ta chẳng kịp nhận ra điều gì đang diễn ra. Ta không kịp quan sát tiến trình và nhận thấy mình đã trao đi khả năng đánh giá thực tại một cách sáng suốt. Đầu óc ta chỉ còn ngập tràn hoảng loạn, lý trí tắt ngúm, và ta lạc lối trong những hang động tăm tối của tâm trí, có khi phải mất vài ngày mới tìm lại được sự bình yên.
Lý do ta dễ dàng bị kích động là bởi ta không nhìn thẳng vào thực tại khách quan. Mỗi người đều tiếp cận thế giới bên ngoài thông qua lăng kính của thế giới nội tâm – nơi chứa đựng những kỳ vọng hình thành từ lịch sử cá nhân của chính mình. Đó là những “mô hình hoạt động nội tâm” – những phỏng đoán, những dự báo của chúng ta về thế giới ngoài kia: người khác sẽ phản ứng thế nào với ta, họ sẽ nói gì nếu ta than phiền, mọi thứ sẽ diễn ra ra sao khi có thử thách xuất hiện.
Điều quan trọng nhưng ta thường bỏ lỡ khi bị kích động là: thế giới nội tâm không phải thế giới thực tại. Nó chứa đựng những suy luận và dự đoán từ một quá khứ có thể khắc nghiệt, kỳ lạ và nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tại. Các nhà tâm lý học có một quy tắc rất hữu ích để nhận diện phản ứng không tương xứng của ta: nếu ta cảm thấy lo lắng hoặc tức giận ở mức trên 5/10, rất có thể phản ứng này bắt nguồn từ quá khứ mà ta đang vô tình bỏ qua. Nói cách khác, ta cần tin rằng (ngược lại với cảm giác của mình), vấn đề trước mắt không thực sự đáng sợ như nó có vẻ.
Để tự giải thoát mình khỏi những cơn kích động, cách tốt nhất là ta không nên tin vào hầu hết những gì ngay lập tức làm ta sợ hãi hay tức giận. Ta cần học cách hoài nghi những phản ứng đầu tiên của mình. Không phải thế giới này không chứa đựng điều gì đáng sợ, mà là phản ứng ban đầu của ta thường thiếu cân nhắc và không tính đến sức mạnh, khả năng ứng phó hay sự trưởng thành của bản thân.
Một cách tiếp cận khác khi đối mặt với lo âu và hoảng loạn là nhớ rằng: ta không phải là một cá thể thống nhất, không phải là một “cái tôi” duy nhất. Con người chúng ta là tập hợp của nhiều phần khác nhau, có phần được hình thành từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Một số khoảnh khắc khó khăn nhất là khi thử thách hiện tại không được xử lý bởi phần trưởng thành trong ta, mà bởi phần đã hình thành khi ta chỉ mới sáu tháng hay ba tuổi. Ta sợ hãi tột độ vì một bài phát biểu, một lời tỏ tình hay một vấn đề công việc đã vô tình rơi vào tay một đứa trẻ còn quá non nớt bên trong mình.
Trong hoàn cảnh đó, đôi khi ta nên tự hỏi: không phải ta đang sợ điều gì, mà là một phần nào đó của ta đang lo lắng điều gì? Và ta cần học cách nhận diện rõ ràng từng phần ấy. Ta có thể nói gì với “phần trẻ con” ấy để nó bớt sợ hãi?
Hiểu được điều gì kích động ta và tại sao nó lại xảy ra là một cột mốc quan trọng của sự trưởng thành. Khi ấy, ta có thể từng bước giảm thiểu những phản ứng tự hủy hoại chính mình. Bất kể quá khứ có đang gào thét điều gì, có lẽ sẽ không có thảm họa nào xảy ra, có lẽ ta sẽ không bị hạ nhục hay tổn thương đến mức không thể chịu đựng nổi. Biết đâu ta còn sở hữu sức mạnh trưởng thành để vượt qua tất cả.
Quá khứ vẫn còn ở trong ta, theo một cách mà đôi khi ta chẳng thể nhận ra hay dung hòa được. Nhưng từ nay, ta có thể chọn nhìn những “kích động” ấy như tiếng súng báo hiệu hay chuông báo cháy – thứ mà ta có thể, vì những lý do chính đáng, từ chối tin tưởng và lắng nghe.
Nguồn: HOW WE ARE EASILY, TOO EASILY, ‘TRIGGERED’ – The school of life
Ảnh: Flickr/Phil Richards