(Vagabond post bài này vì tôi – danh do – một người lười suy nghĩ, sống cảm tính, hay ra quyết định dựa trên trực giác và bản năng, cũng sợ toán vkl. Ngoài ra thì bài này đọc cũng mắc cười. Hahaha).
Toán, nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời đi học của tôi (và các bạn tôi).
Mỗi khi nhắc đến toán, không chỉ là những kí hiệu hay các thuật toán cao cấp làm tôi đổ mồ hôi mà ngay cả khi đó là một phép tính đơn giản cũng khiến cơ thể tôi cảm thấy ớn lạnh, đầu óc đang yên bình trở nên hỗn loạn, một nỗi sợ hãi không rõ ràng bao trùm lấy tôi. Có thể nói với tôi nó giống như hội chứng \”sợ lỗ\” (tryphobia) khi mà não người không thể nào kết nỗi các khoảng không lại với nhau khiến cho quá trình hình thành nhận thức trong não bị gián đoạn, gây nên cảm giác buồn nôn khó chịu (mắt tiếp nhận thông tin và não thì render ra hình ảnh). Với tôi, các kí hiệu toán học cũng vậy, não tôi không thể kết nối chúng lại với nhau để có thể cho ra một hình ảnh cụ thể, tôi cảm thấy buồn nôn và chóng mặt (kèm theo đó là huyết áp tăng cao, mồ hôi như tắm). Tệ hơn nỗi ám ảnh dai dẳng đó cứ đeo bám tôi đến tận bây giờ, nó luôn khiến tôi cảm thấy mình thật ngu dốt dù điều đó không ảnh hưởng mấy đến công việc hiện tại của tôi. Nó khiến tôi trở nên tê liệt khi có ai đó nhắc đến toán. Bây giờ nếu bạn bất chợt hỏi tôi 7 nhân 8 bằng bao nhiêu. Nó cũng khiến não tôi chạy loạn lên (tôi có trí nhớ kém nên không nhớ được chính xác kết quả, tôi phải mất thời gian để đọc lại từ 7 nhân 1, rồi cứ thế cộng thêm 8 vào kết quả). Niềm tin mình dốt toán cản trở tôi khá nhiều trong việc phát triển sự tự tin của bản thân và bên cạnh đó là sự phát triển trong công việc (tôi muốn áp dụng AI vào công việc, mà AI thì lại liên quan mật thiết đến toán, mà tôi lại dốt toán, nên mãi tôi vẫn chưa dám bắt tay vào làm).
Tôi đã thử đương đầu với nó, tôi học từ căn bản trên Khanacademy, bắt đầu từ cái khái niệm về số, chuỗi, phép tính.v.v. Nhưng thế giới toán học hiện đại quá rộng lớn, tôi không biết mình cần phải học cái gì để có thể hiểu được các phép toán sử dụng trong việc lập trình AI. Thế là học một thời gian tôi lại bỏ cuộc.
Cứ luẩn quẩn như thế đến nay tôi đã 30 tuổi và vẫn dốt toán. Chán.
Bước ngoặt của tôi là đi học cái bootcamp AI (như đã viết trong bài review về khóa AI trước). Đập vào mặt tôi những ngày đầu là cả một đống những kí hiệu toán học, hàng tá công thức và mối liên hệ, chứng minh toán học các kiểu. Tôi đã nghĩ không thể nào mình có thể hoàn thành được khóa học này, và tệ hơn nữa những người xung quanh tôi có vẻ như ai cũng khá giỏi toán (nhưng sau này tôi mới biết, hầu như mọi người và cả người dạy cũng cảm thấy mệt mỏi khi đụng tới cái mớ đó). Nếu như trong điều kiện bình thường tôi đã bỏ cuộc ngay và đi coi youtube thì lần này với số tiền mượn nợ lên đến 100 củ để học thì tôi không thể nào bỏ được. Thế là tôi mò mẫm trên mạng các khái niệm liên quan, cố truy từ gốc rễ của các kí hiệu đó, dần dà tôi cũng hiểu được chúng, đủ để làm bài tập và hoàn thành khóa học. Tôi nghĩ tôi đã thông minh hơn và không còn sợ toán nữa. Nhưng không, nó vẫn ở đó, chực chờ xông ra cắn tôi bất cứ lúc nào. Có lần làm một bài tập nhanh bằng các phép tính ma trận cơ bản, rõ ràng là tôi đã đọc và tự giải được ở nhà, nhưng khi có một chút áp lực, nỗi sợ lại trỗi dậy, đầu óc tôi lại trống rỗng, não lại mất liên kết và tôi không thể nào giải được bài tập trong thời gian giới hạn. Một cảm giác nhục nhã và xấu hổ dâng trào. Bóng ma vẫn còn lởn vởn trong tâm trí, chưa bao giờ biến mất. Sau khi học xong nhận ra mình vẫn dốt toán, tôi bỏ xó cái mớ kiến thức giá trị 100 củ đó.
Mãi tới hôm qua tình cờ tôi xem một video có đề là \”Art of code\”, một video là nói về vẻ đẹp của toán học và cách con người sử dụng sức mạnh của máy tính để tìm ra những sự vật, sự việc đã tồn tại từ khi vũ trụ mới hình thành. Nó nằm ở đó từ rất lâu rồi nhưng con người không nhận ra được sự hiện diện của chúng, cho đến khi toán học xuất hiện, và xa hơn nữa là việc sử dụng toán học để tạo ra máy tính và rồi sử dụng chính sức mạnh của máy tính và toán học để tìm ra những \”the truth\” xung quanh chúng ta. Tôi chả hiểu mấy cái người ta nói, nhưng họ có minh họa bằng hình ảnh. Đẹp! Trong quá trình xem và nhớ lại những kí ức đau buồn liên quan đến toán. Tôi nhận ra có lỗ hổng trong cách tiếp cận của tôi với toán học. Tôi đã vô tình tự phân mảnh toán học theo cấp học. Cấp một cộng trừ nhân chia, cấp hai giải phương trình, cấp ba đạo hàm, vi phân, tích phân, toán cao cấp đại học. Rồi lại trộn lẫn các nhánh của toán học với nhau, xác xuất thống kê, đại số tuyến tính, toán rời rạc.v.v. Không có một nền tảng nào để liên kết chúng lại với nhau, và thế là tôi đã học vẹt trong suốt hai mươi năm qua.
Nhận ra rằng mình không còn nhiều thời gian để có thể học về toán nữa (30 là đã một nữa đời người).
Tôi không thể nào sống mãi trong cái cảnh vừa nghèo vừa dốt toán đến hêt đời được. Tôi lên mạng và đọc được một bài phân tích về nỗi sợ toán, có nhiều lí do (về giáo dục, về di truyền, về những quan niệm cố hữu). Trong đó tôi cảm thấy phù hợp nhất với suy nghĩ của mình đó là chẳng ai dạy tôi thực sự toán là gì, nguồn gốc từ đâu và sự phát triển như thế nào, mối tương quan giữa não người và toán học, điều đó khiến tôi cảm thấy như toán học là một ngôn ngữ của người ngoài hành tinh, bỗng dưng xuất hiện và chỉ có một số người được chỉ định mới có khả năng hiểu được chúng. Theo hướng đó tôi tìm được quyển sách có đề là \”Math Gene\”, bất ngờ thay, tác giả quyển sách là một nhà toán học, trong quá khứ ông cũng sợ hãi toán cho đến khi ông hiểu được thật sự toán học là gì. Và như tôi, đối với ông 8 nhân 7 cũng là một vấn đề. Tuyệt, cái con người lạc quan thái quá trong tôi lại xuất hiện. Tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu series tóm lược về các quyển sách về toán và nếu tôi vượt qua được nỗi sợ hãi về toán, sau này tôi sẽ viết một cẩm nang học toán cho con cháu tôi sau này.
p/s: Suy cho cùng, tôi lập page này là để viết về những \”mặt tối\” hay nỗi sợ trong cuộc đời mình. Toán là sự sợ hãi lớn nhất của tôi…sau cái chết.
Nha Trang ngày được bạn đọc donate lần đầu tiên.